Quốc lộ 51 dừng thu phí, Cục Đường bộ Việt Nam bị nhà đầu tư "tố" những gì?

Thế Anh Thứ sáu, ngày 17/02/2023 06:19 AM (GMT+7)
Lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, nếu để dự án BOT QL51 thu quá mức thì sẽ vi phạm pháp luật, sẽ bị khởi tố và nếu làm không tốt thì nhà đầu tư sẽ khởi kiện.
Bình luận 0

Nhà đầu tư tố Cục Đường bộ Việt Nam vi phạm hợp đồng

Dự án BOT đầu tư xây dựng mở rộng QL51 đã tạm dừng thu phí từ ngày 13/1/2023 và gặp phải những rắc rối khi Cục Đường bộ Việt Nam bị nhà đầu tư dự án BOT tố "việc yêu cầu dừng thu phí là vi phạm hợp đồng được ký kết giữa Bộ GTVT và BVEC vào năm 2009".

Cụ thể, Công ty CP Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC) "tố" tới Bộ GTVT về việc Cục Đường bộ Việt Nam vi phạm hợp đồng được ký kết giữa Bộ GTVT và BVEC vào năm 2009 do tạm dừng thu phí QL51.

Quốc lộ 51 dừng thu phí, Cục Đường bộ bị nhà đầu tư "tố" những gì? - Ảnh 1.

Trạm thu phí trên Quốc lộ 51. Ảnh: T.M

Cùng với đó, BVEC tuyên bố từ ngày 1/2, BVEC dừng duy tu bảo dưỡng đối với tất cả các hạng mục thuộc dự án BOT đầu tư xây dựng mở rộng QL51 và không chịu trách nhiệm đối với việc đảm bảo ATGT trên QL51.

Thông tin về việc BVEC "tố" vi phạm hợp đồng, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, trong quá trình thực hiện dự án trong thời gian kinh doanh khai thác, một số điều kiện quy định tại hợp đồng dự án thay đổi như chi phí đầu tư quyết toán, lãi suất tiền vay, mức thu, số thu, lưu lượng phân lưu…

Đặc biệt, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị về phí bảo toàn vốn của dự án. Quá trình đàm phán khi điều kiện hợp đồng thay đổi đã phát sinh một số vướng mắc.

Cụ thể, chưa có quy định cụ thể về điều khoản điều chỉnh tại hợp đồng dự án và chưa có văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn như lãi bảo toàn vốn, tính lãi cho phần vốn khác nhà đầu tư huy động cho dự án, thời gian thu phí tạo lợi nhuận.

Đại diện Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, các vướng mắc như lãi bảo toàn vốn, thời gian thu phí tạo lợi nhuận cũng là vướng mắc chung của các dự án BOT ký hợp đồng trước thời điểm Thông tư số 166/2011 của Bộ Tài chính có hiệu lực.

Những vướng mắc trên đã được Bộ GTVT báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tại Nghị quyết số 11/2020, Chính phủ giao Bộ GTVT căn cứ pháp luật từng thời kỳ, quy định của hợp đồng dự án và điều khoản chuyển tiếp của Nghị định số 108/2009 của Chính phủ để thực hiện quyết toán các hợp đồng BOT, BT trước thời điểm Thông tư 166/2011 có hiệu lực thi hành.

Theo đó, Cục Đường bộ Việt Nam đã chủ động đàm phán với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, các ngân hàng tài trợ và các đơn vị liên quan để giải quyết các nội dung vướng mắc phát sinh và điều chỉnh thời gian thu phí tạo lợi nhuận theo quy định tại hợp đồng dự án.

Về diễn biến thực hiện dự án, đại diện Cục Đường bộ Việt Nam cho hay: "Từ năm 2019 đến ngày 13/1/2023 (ngày tạm dừng thu phí), Bộ GTVT và Cục Đường bộ Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện rà soát hợp đồng dự án".

"Qua 18 phiên họp đàm phán với BVEC, nhà đầu tư, các ngân hàng tài trợ vốn để giải quyết các vướng mắc và đàm phán điều chỉnh thời gian thu phí tạo lợi nhuận", đại diện Cục Đường bộ Việt Nam nêu rõ.

Quốc lộ 51 dừng thu phí, Cục Đường bộ bị nhà đầu tư "tố" những gì? - Ảnh 2.

Trạm thu phí trên Quốc lộ 51 đã tạm dừng thu phí. Ảnh: T.M

Nhà đầu tư phải có trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng

Theo Cục Đường bộ Việt Nam, tại thời điểm tạm dừng thu, dự án vẫn còn một số nội dung vướng mắc các bên chưa thống nhất phương án giải quyết. Điển hình là lãi bảo toàn vốn chủ sở hữu (8,7%/năm) trong thời gian xây dựng và khai thác.

Bên cạnh đó, tính lãi như vốn vay trong giai đoạn xây dựng đối với doanh thu thu phí giai đoạn 2009 - 2015 (375 tỷ đồng); phương án tính lãi vay đối với các khoản giảm trừ trong giai đoạn khai thác; thời gian thu phí tạo lợi nhuận.

"Để tránh việc thu phí quá thời hạn của dự án, ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà nước và nhân dân, Cục Đường bộ đã báo cáo Bộ GTVT và quyết định việc tạm dừng thu phí dự án vào ngày 13/1/2023 để tiếp tục đàm phán, giải quyết vướng mắc", Cục Đường bộ cho hay.

Đối với vấn đề BVEC dừng thực hiện đối với công tác đảm bảo ATGT, bảo dưỡng thường xuyên và bảo trì, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, theo quy định tại hợp đồng BOT, BVEC có trách nhiệm quản lý, duy tu, bảo dưỡng công trình BOT cho đến khi chuyển giao công trình BOT cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận công trình BOT.

"Trong thời gian chưa bàn giao công trình cho cơ quan quản lý đường bộ, BVEC chịu trách nhiệm hoàn toàn về công tác quản lý, bảo trì công trình dự án và đảm bảo ATGT trên tuyến", đại diện Cục Đường bộ Việt Nam khẳng định.

Cục Đường bộ Việt Nam cho biết đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc phối hợp với BVEC hoàn thiện các thủ tục tiếp nhận bàn giao tài sản công trình để thực hiện bảo quản tài sản công trình theo quy định và hoàn thiện các thủ tục tiếp nhận bàn giao tài sản công trình và xác lập quyền sở hữu toàn dân.

Đồng thời, Cục này đề nghị BVEC chủ động làm việc với các cơ quan, đơn vị trực thuộc Cục Đường bộ để tiếp tục đàm phán xử lý các vướng mắc.

Trao đổi với PV Dân Việt về đầu tư dự án BOT, ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho biết: "Dự án quốc lộ 51 và các dự án BOT được ký hợp đồng rất dài. Trong các điều khoản của hợp đồng cũng sẽ có sự thay đổi. Cục Đường bộ Việt Nam đã đàm phán với nhà đầu tư nhiều lần".

Về việc dừng thu phí quốc lộ 51, ông Cường cho rằng: "Chúng tôi đang phải đi giữa "2 làn đạn".

"Thứ nhất, nếu để thu quá mức thì sẽ vi phạm pháp luật, sẽ bị khởi tố; Thứ hai, nếu làm không tốt thì nhà đầu tư sẽ khởi kiện, trong trường hợp nhà đầu tư thắng, chúng tôi sẽ bị xử lý hành chính, hoặc bị thiệt hại cũng có thể bị xử lý hình sự", ông Cường bày tỏ lo lắng về dự án quốc lộ 51.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem