Quyết liệt các biện pháp giảm thiểu tử vong do Covid-19

Diệu Linh Thứ sáu, ngày 03/12/2021 06:08 AM (GMT+7)
Số ca tử vong do Covid-19 đang có xu hướng gia tăng. Bộ Y tế đã đề ra 8 giải pháp cụ thể để giảm số ca tử vong.
Bình luận 0

Tính đến hết ngày 2/12, cả nước đang có 235.320 ca Covid-19, trong đó quá nửa đang được theo dõi tại nhà và gần 100.000 ca đang điều trị tại các cơ sở y tế. Số ca triệu chứng nhẹ, không triệu chứng chiếm 85%.

Số bệnh nhân nặng chiếm hơn 6% với 6.600 ca (Thở ô xy qua mặt nạ: 4.387 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.359 ca; Thở máy không xâm lấn: 162 ca; Thở máy xâm lấn: 677 c; ECMO: 15 ca).

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 25.658 ca, chiếm tỷ lệ 2% so với tổng số ca nhiễm. Theo Bộ Y tế, so với thế giới, tỷ lệ tử vong/mắc công bố của Việt Nam là 2%, tương đương trung bình của thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong của Việt Nam đứng thứ 9/49; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á.

Tuy nhiên, sau một thời gian số ca tử vong giảm đáng kể, còn dưới 100 ca/ngày thì 20 ngày qua, số ca tử vong lại gia tăng. Ngày 1-2/12 đã xấp xỉ 200 ca/ngày. Số ca tử vong trung bình trong 7 ngày qua là 179 ca/ngày.

Không được để hệ thống y tế quá tải điều trị Covid-19

Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) chia sẻ, qua phân tích của các chuyên gia và khảo sát các địa phương, có một số nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ bệnh nhân nặng, tử vong còn cao. Cụ thể, trong thời gian đầu của đợt dịch lần này, số ca mắc mới tăng nhanh, đột ngột gây quá tải hệ thống bệnh viện.

Quyết liệt các biện pháp giảm thiểu tử vong do Covid-19 - Ảnh 1.

Phân tầng điều trị để tập trung điều trị cho các bệnh nhân nặng (Trung tâm Hồi sức Covid-19 tại BV Dã chiến số 13 TP.HCM . Ảnh BVCC)

Với việc quản lý F0 tại nhà, một số trường hợp tự phát hiện nhưng không báo cơ sở y tế hoặc báo cáo nhưng chưa được can thiệp kịp thời; phân loại nguy cơ chưa sát theo hướng dẫn. Một số trường hợp sử dụng thuốc tại nhà chưa theo hướng dẫn của Bộ Y tế như dùng thuốc chống đông, chống viêm quá sớm.

Nhân lực ở tầng điều trị thứ 2, thứ 3 của nhiều địa phương gặp khó khăn do các lực lượng hỗ trợ đã rút về; lúng túng trong điều phối chuyển viện, chuyển tầng, không theo sát nguy cơ và gây quá tải hệ thống bệnh viện.

Việc quản lý phân loại nguy cơ F0 tại cơ sở cách ly tập trung còn chưa được phát hiện kịp thời, dẫn đến các ca chuyển nặng. Năng lực hồi sức ở các bệnh viện tuyến tỉnh còn hạn chế, cần thời gian để nâng cao năng lực, trong khi đó, còn bỏ sót xử trí bệnh nền; chưa chú trọng đúng mức chẩn đoán điều trị bội nhiễm (nhiễm nấm, vi khuẩn đa kháng).

Trên cơ sở đó, đại diện Bộ Y tế đề xuất tiếp tục cập nhật hướng dẫn điều trị, nâng độ tuổi nguy cơ cao trên 50 tuổi (tỷ lệ tử vong 84%), điều chỉnh phân tầng hợp lý.

Các cơ sở y tế tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý F0 tại cộng đồng; tăng cường đội y tế lưu động; hỗ trợ nhân lực cho các địa phương có số ca nặng cao; giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cho nhân viên y tế và giảm nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện, giảm tử vong…

8 giải pháp giảm số ca Covid-19 tử vong

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, hiện tại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng cao, số ca tử vong cũng có chiều hướng tăng lên. Thứ trưởng Trần Văn Thuấn thông tin, qua phân tích, hầu hết các ca tử vong đều ở nhóm người trên 50 tuổi và có bệnh nền.

Quyết liệt các biện pháp giảm thiểu tử vong do Covid-19 - Ảnh 2.

Người cao tuổi, có bệnh nền có nguy cơ bệnh nặng khi mắc Covid-19 (Bệnh nhân Covid-19 tại Trung tâm Hồi sức Covid-19 tại BV dã chiến số 13 TP.HCM. Ảnh BVCC)

Bộ Y tế đã có nhiều biện pháp cụ thể để giảm số ca tử vong, cụ thể:

-Quan tâm, theo dõi người bệnh ở độ tuổi có nguy cơ cao nhằm điều chỉnh, phân tầng điều trị.

- Các bệnh viện theo dõi, giám sát ngay từ khi bệnh nhân nhập viện.

- Tiếp tục hỗ trợ nhân lực cho các địa phương có ca chuyển nặng cao.

- Tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, vệ sinh môi trường.

- Kích hoạt lại trung tâm hỗ trợ từ xa.

-  Các địa phương cử người có năng lực kiểm soát, chuyển tầng phù hợp.

- Xây dựng hệ thống giám sát.

- Bộ Y tế có biện pháp về giảm thiểu ca tử vong gửi các bệnh viện, tỉnh, thành phố. 

Với giải pháp tăng cường nhân lực cho các địa phương có ca chuyển nặng cao, Bộ Y tế vừa có quyết định yêu cầu 14 bệnh viện tuyến trung ương tại Hà Nội và TP.HCM hỗ trợ chuyên môn về hồi sức tích cực cho các cơ sở y tếTP.HCM và 10 tỉnh phía Nam (Bình Dương, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Kiên Giang, Tây Ninh, An Giang, Vĩnh Long, Tây Ninh, Đồng Nai).

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu các Bệnh viện tuyến trên theo phân công chịu trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ đánh giá, tổ chức thu dung điều trị, các điều kiện hiện có về giường bệnh, hệ thống oxy, trang thiết bị, thuốc, vật tư, nhân lực của các cơ sở y tế để xác định những khó khăn, bất cập và đề xuất với Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch tỉnh, thành phố để chỉ đạo và hỗ trợ khắc phục.

Thành lập Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19; Đồng thời cử cán bộ y tế trực tiếp hướng dẫn chuyên môn tại chỗ, hội chẩn từ xa, tập huấn, đào tạo, nâng cao năng lực và giám sát chất lượng về cấp cứu, điều trị người bệnh Covid-19 cho các cơ sở y tế các tỉnh, thành phố....

Quyết liệt các biện pháp giảm thiểu tử vong do Covid-19 - Ảnh 3.

Thu dung bệnh nhân ở tầng 2 tại BV dã chiến số 5 TP.HCM. Ảnh HCDC

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng ban hành hướng dẫn phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 và định hướng xử trí, cách ly, điều trị. Người mắc virus SARS-CoV-2 được phân thành 4 nguy cơ (tương ứng màu xanh, vàng, cam, đỏ).

Mục tiêu của phân loại bệnh nhân nhằm đánh giá nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 để phân loại, xử trí, cách ly và điều trị kịp thời, đồng thời bố trí người nhiễm SARS-CoV-2 vào các cơ sở phù hợp.

Đặc biệt, phát hiện được những trường hợp người bệnh có nguy cơ diễn biến tăng nặng để can thiệp kịp thời, giảm nguy cơ tử vong. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem