Sạt trượt gần hồ Đông Thanh (Lâm Đồng) vẫn rất phức tạp, khó lường với 4 cung trượt
Sạt trượt gần hồ Đông Thanh (Lâm Đồng) vẫn rất phức tạp, khó lường với 4 cung trượt
Văn Long
Thứ sáu, ngày 22/09/2023 10:25 AM (GMT+7)
Theo đánh giá của UBND huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng), tình trạng sạt trượt tại thôn Đông Anh gần khu vực thi công hồ chứa nước Đồng Thanh vẫn đang diễn biến rất phức tạp, khó lường với 4 cung trượt lớn dài từ 40-60 mét.
Ngày 22/9, UBND huyện Lâm Hà cho biết, hiện nay, tình trạng sụt lún tại thôn Đông Anh vẫn có diễn biến phức tạp, khó lường. Đến nay, các đơn vị đang thi công rãnh thoát nước để hạ thấp mực nước ngầm nhằm hạn chế diễn biến mới nhưng gặp khó khăn vì thời điểm mưa nhiều. Bên cạnh đó, hoàn thành công tác khảo sát làm cơ sở xác định nguyên nhân và đề xuất phương án xử lý khu vực sạt trượt.
Hiện nay, khu vực thi công hồ Đông Thanh đã xuất hiện 4 cung sạt trượt, diễn biến rất phức tạp, khó lường.
Qua khảo sát, huyện Lâm Hà xác định hiện nay tại khu vực này có 4 cung sạt trượt với 2 cung nhỏ, 2 cung lớn. Cụ thể, cung trượt thứ nhất dài 60m có 3 vết nứt lớn, mỗi vết cách nhau khoảng 8m, chiều rộng vết nứt khoảng 5m, chiều sâu sụt lún 4m. Cung trượt thứ hai dài 58m có 2 vết nứt lớn, vết nứt trên đỉnh đồi rộng 2m đang phát triển chậm, vết nứt giáp đường quản lý dự án hồ chứa nước rộng 5m làm sạt mái taluy đất nhà người dân.
Bên cạnh đó, cung trượt thứ ba dài khoảng 42m có 1 vết nứt trên đỉnh đồi rộng 0,6m, đang phát triển chậm. Cung trượt thứ tư dài 50m có 2 vết nứt lớn, vết nứt trên đỉnh đồi rộng 0,4m, vết nứt chéo từ nhà người dân qua đường tránh ngập làm sạt lở đất nhà dân, mái taluy đường và đẩy trồi đoạn dài 20m của đường tránh ngập lên cao 1,5m.
Ngoài ra, qua kết quả quan trắc cụm công trình đầu mối của dự án hồ chứa nước Đông Thanh đến ngày 19/9 ở hạng mục tràn xả lũ tại dốc nước số 1 và dốc nước số 2 phía vai phải bị tách rời phần đáy 11cm, phần tường 6cm.
Dốc nước số 2 và số 3 bị đẩy nổi từ 15 – 43cm, đáy dốc nước xuất hiện 3 vết rạn nứt. Đặc biệt, bể tiêu năng của dự án bị đẩy nổi hơn 80cm, đẩy nghiêng từ phải sang trái 1,1m. Tấm mái số 2 của kênh xả hạ lưu bị đẩy trồi khoảng 1m.
Hiện nay, để hạn chế tình trạng sạt trượt, huyện Lâm Hà đã chỉ đạo các đơn vị liên quan thi công rãnh thoát nước để hạ thấp mực nước ngầm. Tuy nhiên, việc thi công gặp nhiều khó khăn do mưa nhiều. Bên cạnh đó, huyện Lâm Hà cũng thực hiện quan trắc chuyển vị, đo lưới khống chế mặt bằng, đo khống chế độ cao, xác định địa chất 25 vị trí hố khoan, đo địa vật lý bằng phương pháp điện ảnh qua 8 mặt cắt/260 điểm.
UBND huyện Lâm Hà kiến nghị UBND tỉnh xem xét đề xuất Bộ NNPTNT thành lập tổ chuyên gia hỗ trợ huyện đánh giá chuyên sâu nguyên nhân, đưa ra biện pháp xử lý phù hợp, các giải pháp đảm bảo ổn định, an toàn trước khi tích nước đối với dự án hồ Đông Thanh. Sau khi có kết luận của tổ chuyên gia, huyện sẽ tổng hợp, lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư gửi Sở NNPTNT tham mưu UBND tỉnh báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền cho chủ trương đầu tư và hỗ trợ kinh phí khắc phục sự cố này.
Nhằm đánh giá hiện trạng tình hình sạt trượt, ngập lụt cục bộ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng trong thời gian vừa qua, qua đó xác định được nguyên nhân, các yếu tố gây rủi ro, đề ra các giải pháp phòng chống, giảm thiểu thiệt hại, giúp cho công tác quản lý nhà nước đạt hiệu quả từ bước dự báo thiên tai, sáng ngày 22/9, UBND tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức Hội thảo Đánh giá thực trạng, nguyên nhân và giải pháp phòng chống sạt trượt, ngập cục bộ trên địa bàn tỉnh.
Hội thảo đã được sự quan tâm của nhiều trường đại học, viện nghiện cứu, các hiệp hội nghề nghiệp chuyên ngành, các doanh nghiệp xây dựng và nhiều nhà khoa học, nhà quản lý trên cả nước. Các bài viết, các ý kiến tham luận có nhiều góc nhìn đa dạng khác nhau, từ kỹ thuật đến quản lý, từ lý thuyết tính toán đến giải pháp công nghệ cụ thể, từ phương pháp theo dõi, cảnh báo đến quy hoạch phân vùng rủi ro, quy định pháp luật về vận hành sử dụng...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.