Thái Nguyên: Nuôi vịt chẳng thả dưới ao mà đưa lên đồi, sáng ra nhặt trứng mỏi tay mà có của ăn của để

Hà Thanh - Kiều Hải Chủ nhật, ngày 18/04/2021 06:05 AM (GMT+7)
Bà Hoàng Thị Thảo (62 tuổi, trú tại xóm Bờ Suối, xã Nam Hoà, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) đã gắn bó với nghề nuôi vịt đẻ trứng gần 20 năm nay. Nhờ nuôi vịt đẻ trứng và ấp trứng vịt lộn, gia đình bà có của ăn của để, mỗi năm bỏ túi 300 - 350 triệu đồng.
Bình luận 0

Chia sẻ với PV Dân Việt, bà Hoàng Thị Thảo cho biết, gia đình bà đã gắn bó với nghề nuôi vịt đẻ trứng gần 20 năm nay. Ban đầu, gia đình nuôi vịt thịt với số lượng ít rồi dần chuyển sang nuôi vịt đẻ trứng. Có thời điểm nuôi nhiều, đàn vịt của gia đình lên tới số lượng 4.000 con vịt/lứa.

Thái Nguyên: Nuôi con trắng toát chạy lạch bạch trên đồi cụ bà U60 có của ăn của để, cơ ngơi khang trang  - Ảnh 1.

Bà Hoàng Thị Thảo (xóm Bờ Suối, xã Nam Hoà, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) đã gắn bó với nghề nuôi vịt đẻ trứng gần 20 năm nay

Đến năm 2010, bà quyết định đầu tư mua lò ấp trứng vịt lộn. Đến nay gia đình bà Thảo có tất cả 3 lò ấp trứng với công suất 1.500 quả/lò. 

Theo bà Thảo, nuôi vịt đẻ trứng phải có vốn và kinh nghiệm. Kinh nghiệm trước hết ở việc chọn giống. Giống vịt được chọn phải là giống vịt siêu hoa mơ vì giống vịt này to hơn và đẻ trứng đều hơn những giống vịt thông thường khác.

Thái Nguyên: Nuôi con trắng toát chạy lạch bạch trên đồi cụ bà U60 có của ăn của để, cơ ngơi khang trang  - Ảnh 2.

Hiện nay, bà Thảo có tất cả 3 lò ấp trứng vịt với công suất 1.500 quả/lò

Để hạn chế vịt nhiễm bệnh, bà Thảo nuôi vịt trên đồi vừa sạch sẽ, vừa dễ dàng xử lý nguồn chất thải. Mỗi lần vào vịt, ngoài chú ý tiêm phòng vaccine và cho vịt uống thuốc định kỳ, bà Thảo còn phun khử trùng và dọn dẹp chuồng trại sạch sẽ.

Bà Thảo cho biết, từ tháng 2 đến tháng 6 hằng năm là lúc thời tiết nắng nóng nên bán trứng vịt lộn sẽ chậm hơn. Do đó thời điểm này, bà sẽ chuyển sang nuôi vịt thịt. Sau đó khi thời tiết chuyển sang mát mẻ, bà lại nuôi vịt đẻ trứng với số lượng lớn. Cứ như vậy, bà thực hiện việc nuôi gối nhau giữa vịt thịt và vịt đẻ trứng. 

Thái Nguyên: Nuôi con trắng toát chạy lạch bạch trên đồi cụ bà U60 có của ăn của để, cơ ngơi khang trang  - Ảnh 3.

Bà Thảo nuôi vịt trên đồi vừa sạch sẽ mà vịt lại ít bệnh tật

Theo bà Thảo, sau khi bắt đầu nuôi được khoảng 3 tháng, vịt sẽ đẻ trứng. Thời gian khai thác trứng từ lúc bắt đầu nuôi đến lúc thải loại vịt thường kéo dài khoảng 2 năm. Tuy nhiên, nếu vịt bị dịch tả hoặc tiêu chảy kéo dài sẽ không đẻ trứng nữa. Do đó, phải loại bỏ những con vịt bị bệnh này để đảm bảo lượng trứng thu về.

Mỗi ngày, một con vịt ăn trung bình hết khoảng 1,5 – 1,6 lạng cám. Với số lượng vịt nuôi như hiện nay của gia đình bà Thảo, mỗi ngày gia đình bà tiêu tốn hết khoảng 6 tạ cám.

Trung bình mỗi lứa vịt vào lò, gia đình phải mất chi phí khoảng 200 triệu đồng cả tiền giống và tiền thức ăn cho vịt.

Thái Nguyên: Nuôi con trắng toát chạy lạch bạch trên đồi cụ bà U60 có của ăn của để, cơ ngơi khang trang  - Ảnh 4.

Thời gian khai thác trứng vịt thường kéo dài khoảng 2 năm

Chia sẻ về cách ấp trứng vịt lộn, bà Thảo cho biết: "Trong quá trình ấp trứng vịn lộn, cần phải chú ý điều chỉnh nhiệt độ ấp trứng trong lò ở vào khoảng 37oC là phù hợp, nếu nóng quá trứng sẽ bị hỏng. Trứng đạt chuẩn là trứng ấp trong lò 18 ngày, nhưng để tránh trứng bị già quá, tôi thường lấy non 17 ngày".

Với số vịt hiện tại, mỗi ngày gia đình bà bán khoảng 2.200 quả trứng lộn, còn lại là bán trứng trắng. Hiện gia đình bà cung cấp trứng vịt chủ yếu cho các cửa hàng trên địa bàn TP.Thái Nguyên và một số khu vực xung quanh, giá trứng vịt lộn đang ở mức 3.500 đồng/quả. 

Mỗi năm, trừ hết chi phí, gia đình bà Thảo thu về khoảng 300 – 350 triệu đồng từ việc nuôi vịt.

Thái Nguyên: Nuôi con trắng toát chạy lạch bạch trên đồi cụ bà U60 có của ăn của để, cơ ngơi khang trang  - Ảnh 5.

Mỗi ngày, gia đình bà Thảo bán khoảng 2.200 quả trứng lộn, còn lại là bán trứng trắng

Nhận xét về bà Hoàng Thị Thảo, ông Trần Văn Phương – Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Hòa cho biết, trước đây gia đình bà Thảo thuộc diện đặc biệt khó khăn của xóm. Với mô hình chăn nuôi vịt trên đồi, gia đình bà Thảo đã vượt qua khó khăn, có kinh tế khá giả như hiện nay. 

Ngoài làm kinh tế giỏi, nhiều năm liền bà Thảo là hội viên tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế ở địa phương, là tấm gương cho nhiều hội viên nông dân noi theo. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem