Thương nhớ đào rừng - Bài 3: Thống kê diện tích trồng đào của dân

Hà Hoàng Thứ bảy, ngày 02/01/2021 14:08 PM (GMT+7)
Liên quan đến việc Thủ tướng Chính phủ cấm chặt, bán đào rừng, các cơ quan chức năng tỉnh Sơn La đã triển khai thống kê diện tích đào mà người dân đã trồng để phân biệt đâu là đào rừng, đào người dân trồng. Đồng thời đề ra các giải pháp phù hợp và kịp thời, tránh các nhà vườn trồng đào và dư luận xã hội hoang mang.
Bình luận 0

Vài năm trở lại đây, do nhiều người dân có thú chơi đào rừng vào ngày Tết, không ngần ngại trả mức giá rất cao để được sở hữu một gốc đào rừng ưng ý nên đào rừng ở nhiều địa phương vùng Tây Bắc, trong đó tỉnh Sơn La có nguy cơ bị tận diệt. Để hạn chế, tiến tới chấm dứt tình trạng chặt phá đào rừng mỗi dịp tết đến xuân về, phải có sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương, quản lý thị trường, lực lượng công an... chứ không phải chỉ là việc của lực lượng kiểm lâm.  

Việc cấm chặt phá, mua bán đào rừng, nếu chính quyền vào cuộc sát sao, tuyên truyền vận động người dân không chặt phá bừa bãi, người dân nâng cao nhận thức và từ bỏ thói quen chơi đào rừng ngày Tết, chắc chắn những cây đào rừng sẽ được bảo vệ, tỏa sắc làm đẹp cho núi rừng.

 Sơn La: Cơ quan chức năng nói gì về chỉ đạo của Thủ tướng về cấm chặt đào rừng - Ảnh 1.

Các cành đào rừng được người dân bó chặt để vận chuyển đi về xuôi bán dịp Tết.

Trao đổi với PV, ông Trần Dũng Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La cho biết, sau chỉ đạo của  Thủ tướng Chính phủ cấm chặt đào rừng trong dịp Tết, sở đã tham mưu cho lãnh đạo giao Chi cục Kiểm Lâm kiểm tra, giám sát về vấn đề này. Đồng thời chỉ đạo các huyện, mà trực tiếp Kiểm Lâm địa bàn là lực lượng nòng cốt tiến hành tuyên truyền người dân không chặt đào rừng theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng. Hiện trên địa bàn Sơn La, cây đào rừng tập trung ở các huyện như: Vân Hồ, Mộc Châu, Thuận Châu, Bắc Yên, nếu thời gian tới có sự việc cố tình chặt đào sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, cũng cần hiểu rõ chỉ đạo của Thủ tướng để không bị hiểu sai. Ở đây, cần làm rõ khái niệm đào rừng và đào do người dân trồng trên nương. Nếu không phân biệt rõ đào rừng là đào mọc tự nhiên trong rừng, khác cây đào do người dân trồng trên nương rẫy thì hàng trăm ha đào sẽ không được bán vào vụ Tết này. Sở sẽ chỉ đạo các cơ sở xác nhận nguồn gốc cây trồng, chỉ dẫn địa lý, các hộ dân kê khai nhà trồng bao nhiêu gốc, trồng tại đâu, thời gian trồng… để được khai thác đào giống như các cây lâu năm làm kinh tế. Qua đó đề ra các giải pháp phù hợp và kịp thời để thực hiện hiệu quả ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ.

 Sơn La: Cơ quan chức năng nói gì về chỉ đạo của Thủ tướng về cấm chặt đào rừng - Ảnh 2.

Vào những ngày giáp Tết Nguyên Đán, người dân ở Sơn La chở đào bằng xe máy ra quốc lộ 6 bán kiếm lời.

Theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt, trong những ngày giáp Tết Nguyên Đán trên địa bàn tỉnh Sơn La, thị trường cây cảnh tăng cao và rất nhộn nhịp. Những loại cây lạ bắt đầu được các thương lái, nhà vườn đưa về bày bán, trong đó đào rừng được khá nhiều người dân quan tâm bởi độ độc lạ, dáng và sắc hoa cũng rất bắt mắt. Cũng chính vì lý do đó, đào rừng lại có nguy cơ bị chặt phá tràn lan và thiếu kiểm soát.

 Sơn La: Cơ quan chức năng nói gì về chỉ đạo của Thủ tướng về cấm chặt đào rừng - Ảnh 3.

Trước đó vào chiều 24/12, Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại hội nghị của ngành nông nghiệp cấm chặt đào rừng chơi Tết.

Nhiều năm nay, dọc Quốc lộ 6 đoạn thuộc địa phận tỉnh Sơn La, những ngày cận Tết Nguyên Đán không khó để bắt gặp những chuyến xe tải, tấp nập vận chuyển đào. Tại đây, thường xuyên có nhiều ô tô tải thu mua đào rừng chở xuống các tỉnh miền xuôi như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hoà Bình, Hưng Yên, Thái Nguyên, Hải Phòng… bán trong dịp Tết. Mỗi cành đào đẹp bán Tết có giá trị vài triệu đồng. Do vậy, bản trên, bản dưới đua nhau khai thác đào để bán cho thương lái.

Trước đây, do nằm ở độ cao trên 1.200m, mây mù bao phủ quanh năm nên xã Háng Đồng, Hang Chú, Tà Xùa (huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La) từng được mệnh danh là thủ phủ của những gốc đào rừng cổ thụ rêu mốc xù xì bám đầy thân. Tuy nhiên do người dân khai thác, chặt phá quá nhiều nên những nơi từng có đào cổ thụ chỉ còn lại trong ký ức của những già làng dân tộc Mông nơi đây. Bây giờ muốn săn được những cây hay cành đào cổ thụ sống trong rừng sâu có giá trị cao rất khó. Còn nếu trồng đào tại vườn và nương rẫy thì phải mất vài năm mới có thể bán được.

 Sơn La: Cơ quan chức năng nói gì về chỉ đạo của Thủ tướng về cấm chặt đào rừng - Ảnh 4.

Người dân nhóm lửa để canh đào bán Tết.

Để rộng đường dư luận hiểu rõ về việc cấm chặt và kinh doanh đào rừng, PV Dân Việt tiếp tục có cuộc trao đổi với ông Lương Ngọc Hoan, Chi cục trưởng Kiểm Lâm tỉnh Sơn La. Ông Hoan cho biết: Khi có lời phát biểu của Thủ tướng trước hội nghị tổng kết của ngành nông nghiệp về cấm chặt phá đào rừng, đến thời điểm này chúng tôi chưa nhận được 1 văn bản chính thức nào. Tuy nhiên, trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng về cấm chặt đào rừng ngày Tết, chúng tôi sẽ tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh chỉ đạo các nghành chức năng và UBND các huyện, quản lý chặt chẽ đối với cây rừng người dân có thể lấy về chơi Tết, không riêng gì đào rừng.

 Sơn La: Cơ quan chức năng nói gì về chỉ đạo của Thủ tướng về cấm chặt đào rừng - Ảnh 5.

Hàng năm vào những ngày cận Tết Nguyên đán, không khó để bắt gặp những hình ảnh đào rừng được bày bán trên quốc lộ 6.

Cũng theo ông Hoan, lực lượng Kiểm Lâm sẽ phối hợp với các tổ chức đoàn thể đến các cơ sở để tuyên truyền vận động người dân không chặt phá đào. Hiện diện tích đào rừng trên địa bàn tỉnh Sơn La khá rải rác và số lượng rất ít, có thể nói là đếm trên đầu ngón tay. Và để làm hàng hoá bán là hầu như không có, bởi cành của đào rừng không khẳng khiu, thẳng tuột không đẹp, người dân bản địa hầu như không chơi đào rừng.

Những cây đào mà bà con mang bán trong ngày giáp Tết là đào trồng trên vườn nhà và nương rẫy chứ không phải đào rừng. Nhiều năm trở lại đây trên địa bàn tỉnh Sơn La có rất nhiều nương rẫy trồng đào, có những nương trồng từ 5.000m2 – 7.000m2 đào. Đối với các loại cây đào này lực lượng kiểm lâm không thể cấm được, người dân tự trồng khi có sản phẩm thì họ khai thác bán, đó là quyền của người dân theo đúng tinh thần thông tư 27. 

 Sơn La: Cơ quan chức năng nói gì về chỉ đạo của Thủ tướng về cấm chặt đào rừng - Ảnh 6.

Đào rừng được các thương lái chất lên xe tải, đưa về các tỉnh dưới xuôi tiêu thụ trong dịp Tết.

"Dù chưa có văn bản chính thức của cấp trên, nhưng về phía kiểm lâm chúng tôi đã chỉ đạo các Hạt ở các huyện, yêu cầu kiểm lâm địa bàn quản lý tốt về cây rừng có thể người dân lấy về để chơi Tết. Hiện tại, lực lượng kiểm lâm ở các địa bàn đã trao đổi với lãnh đạo các xã, Ban quản lý bản quán triệt về vấn đề cấm chặt cây rừng. Đối với cây đào rừng và đào trồng kiểm lâm như chúng tôi phân biệt rất là rõ, không có gì khó khăn.

Cây đào phai có đặc điểm là cành xum xuê hơn, hoa nhiều hơn, hình dáng khác đào rừng. Còn đào rừng có vỏ cây mỏng, cành đào không đẹp, hoa chỉ nở lác đác không được thơm và nở đều. Hầu như ngày Tết người dân trên Sơn La chỉ muốn chơi đào phai là nhiều và 1 số giống đào như trên Tây Bắc gọi là đào mèo, những cành đào đó khẳng khiu nhìn rất là đẹp", ông Lương Ngọc Hoan, Chi cục trưởng Kiểm Lâm tỉnh Sơn La thông tin thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem