TP.HCM: Lo hoa tết ế ẩm vì dịch Covid-19, làng mai Bình Lợi chuẩn bị cung ứng 20.000 cây
T.C.L
Thứ sáu, ngày 11/12/2020 14:28 PM (GMT+7)
Thời điểm này, nông dân ngoại thành TP.HCM đã lao vào sản xuất hoa, kiểng nhằm phục vụ cho thị trường Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã khiến nhiều nông dân tỏ ra khá e dè, giảm hẳn sản lượng hoa, kiểng so với mọi năm.
Thời điểm này, trên một số con đường đê chạy vào làng mai Bình Lợi (Bình Chánh), đã thấy xuất hiện một số điểm tập kết mai vàng chờ xe tải đến chở đi miền Tây và miền Đông Nam bộ phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021. Đây là làng mai được hình thành vài năm nay. Hiện, làng mai này có đến 560ha trồng mai vàng.
Theo Sở NNPTNT TP.HCM, dù đem lại hiệu quả kinh tế cao, diện tích được mở rộng và sản lượng sản xuất mỗi năm đều tăng, nhưng thực tế cho thấy, sự phát triển nông nghiệp nói chung và hoa lan, cây kiểng, cá cảnh nói riêng, thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng của thành phố.
Nông dân còn sản xuất nhỏ lẻ, việc liên kết tiêu thụ nông sản chưa ổn định, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất còn hạn chế…
Theo anh Lê Hữu Thiện - Giám đốc HTX Hoa mai vàng Bình Lợi, hiện HTX có 14 thành viên với 55ha trồng mai. Tết năm nay, HTX đã chuẩn bị phục vụ thị trường khoảng 20.000 gốc mai đất.
"Tôi nghĩ, giá mai tết năm nay cũng không biến động nhiều. Hiện, mai 3 năm tuổi tại vườn nếu mua bao cả vườn là 200.000 đồng/gốc, còn tuyển lựa là 300.000 đồng/gốc. Giá này cũng ngang ngửa với giá mai tết năm ngoái" - anh Thiện nhận định.
Anh Thiện cũng cho biết, đến thời điểm này anh đã thu được vài trăm triệu đồng từ tiền bán mai vàng cho thương lái. Tuy nhiên, anh Thiện dự đoán, sức mua mai tết năm nay có thể sẽ yếu đi so với những năm trước do người dân đang tiết kiệm chi tiêu nhằm chống chọi dịch Covid-19.
Ông Tư Biết (Nguyễn Văn Biết) - thương lái mai quê Bến Tre, nói ông không nghĩ giá mai vàng Tết Nguyên đán này sẽ tăng cao: "Thậm chí, tôi thấy giá mai đã chững lại so với tết năm ngoái".
Hiện ông Tư Biết đã mua 180 gốc mai đẹp với giá 1,7 triệu đồng/gốc tại làng mai Bình Lợi. "Cứ mua về chăm sóc chứ chưa chắc tết nay tôi bán hết số lượng mai này" - ông Tư Biết thổ lộ.
Tại quận 12 - địa phương nổi tiếng với nghề trồng hoa nền, như: Vạn thọ, cúc lá nhám, mồng gà, hướng dương, dừa cạn, cát tường, sống đời… Năm nay việc sản xuất hoa nền cho thị trường tết xem ra khá ảm đạm. Một khu đất rộng hàng chục ha của dự án khu đô thị Phú Nhuận lâu nay được nông dân thuê lại để trồng hoa nền cho dịp tết, vừa bị chủ đầu tư thu lại khiến nhiều nông dân chạy tứ tán.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Anh - Chủ tịch Hội Nông dân quận 12, ngoài lý do này, năm nay dịch Covid-19 cũng khiến nhiều nông dân không mạnh dạn đầu tư trồng hoa cho dịp tết nữa. "Bà con nông dân sợ trồng ra không bán hết sẽ lỗ" - bà Anh cho biết.
Tăng diện tích sản xuất
Được xác định là một trong những sản phẩm chủ lực của TP.HCM, trong nhiều năm qua, diện tích hoa lan, cây kiểng, nuôi cá cảnh ngày càng được mở rộng. Theo Sở NNPTNT, thành phố đang thực hiện chương trình phát triển hoa, cây kiểng trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, diện tích hoa, cây kiểng trên địa bàn TP.HCM đến năm 2020 ước đạt 2.510ha. Giá trị sản xuất hoa kiểng bình quân ước đạt 1 tỷ đồng/ha/năm.
Đến nay, trên địa bàn thành phố có 66% số hộ trồng hoa lan quy mô từ 5.000m2 trở lên ứng dụng cơ giới hóa. Mục tiêu đến năm 2025, diện tích sản xuất hoa, cây kiểng đạt 2.800ha đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của TP.HCM và các tỉnh lân cận.
Tuy nhiên, Sở NNPTNT TP.HCM cũng nhìn nhận, lĩnh vực hoa, cây kiểng của thành phố còn nhiều khó khăn. Đó là, các vướng mắc trong việc triển khai xây dựng các mô hình chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Bên cạnh đó, sản phẩm hoa, cây kiểng chủ yếu cung cấp trong nước, chưa chú trọng đến xuất khẩu. Người trồng hoa kiểng chưa đầu tư đồng bộ nên hiệu quả sản xuất còn hạn chế, nhất là dịch Covid-19 đang diễn ra khiến tình hình kinh tế khó khăn cũng gây hạn chế lớn cho việc tiêu thị hoa, cây kiểng…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.