Cho lúa “uống bia, ăn gia vị”, một HTX ở Quảng Trị được biểu dương

Ngọc Vũ Thứ sáu, ngày 04/10/2024 13:14 PM (GMT+7)
Sử dụng chế phẩm sinh học khi trồng lúa, tạo ra gạo sạch, gạo hữu cơ, Hợp tác xã (HTX) Nông sản sạch canh tác tự nhiên Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị đã góp phần nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam trên trường quốc tế.
Bình luận 0

Vượt qua gian khó để thành công

Những ngày đầu tháng 10, xã viên HTX Nông sản sạch sanh tác tự nhiên Triệu Phong, có trụ sở tại thôn An Hưng, xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong đang rất vui mừng khi là 1 trong 63 HTX trên cả nước được tôn vinh là HTX tiêu biểu toàn quốc do Hội Nông dân Việt Nam tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, thành lập - năm 2024. 

Lễ biểu dương 63 HTX tiêu biểu sẽ diễn ra vào tối 14/10 và truyền hình trực tiếp trên kênh sóng của VTV.

Cho lúa “uống bia, ăn gia vị”, một HTX ở Quảng Trị được biểu dương - Ảnh 1.

Trồng lúa sạch bằng cách cho "lúa uống bia, ăn gia vị", HTX Nông sản sạch canh tác tự nhiên Triệu Phong do ông Nguyễn Hữu Đạt (bên phải) làm giám đốc được biểu dương. Ảnh: Ngọc Vũ.

Ông Nguyễn Hữu Đạt – Giám đốc HTX Nông sản sạch canh tác tự nhiên Triệu Phong cho biết, đây là động lực lớn để bà con xã viên tiếp tục cố gắng, đạt nhiều thành tựu hơn nữa.

Nhớ lại những buổi đầu gian khó, ông Đạt cho biết, năm 2016, bà con nông dân 3 xã Triệu Tài, Triệu Sơn, Triệu Trung thuộc huyện Triệu Phong được tập huấn và tiếp nhận mô hình sản xuất lúa canh tác tự nhiên do dự án KOICA Tầm nhìn Thế giới tài trợ. 

Quy trình trồng lúa hữu cơ do chuyên gia nông học Changpiole người Hàn Quốc chuyển giao.

Ban đầu dự án sản xuất 1ha với 11 thành viên tham gia làm điểm, áp dụng nghiêm ngặt quy trình 3 không: Không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không sử dụng phân hoá học, không sử dụng chất kích thích và chất bảo quản hoá học.

Cho lúa “uống bia, ăn gia vị”, một HTX ở Quảng Trị được biểu dương - Ảnh 2.

Sản xuất lúa canh tác tự nhiên dùng các chế phẩm vi sinh do nông dân tự sản xuất. Ảnh: Ngọc Vũ.

Từ sự hỗ trợ, vận động của chính quyền địa phương và các cấp Hội Nông dân đã thành lập HTX vào ngày 1/10/2017 với 88 thành viên tại 3 xã Triệu Tài, Triệu Sơn, Triệu Trung, có 22 ha diện tích sản xuất canh tác tự nhiên và được mang tên "HTX Nông sản sạch canh tác tự nhiên Triệu Phong".

Ông Đạt cho hay, xưa nay nông dân canh tác lúa theo cách truyền thống, phun thuốc BVTV, rất nhanh chóng. Khi canh tác lúa tự nhiên, nông dân phải nhổ cỏ, bắt ốc, tự tay sản xuất chế phẩm sinh học… nên mất công, vất vả. 

Hơn nữa, lâu nay nông dân phun thuốc hoá học làm mất chất dinh dưỡng trong đất. Khi canh tác lúa tự nhiên, không dùng phân hoá học nên những vụ mùa đầu tiên, năng suất lúa canh tác tự nhiên đạt thấp, mỗi sào (500m2) chỉ 1,3 đến 1,5 tạ. Tuy được HTX thu mua với giá cao nhưng vì mất nhiều công sức, năng suất thấp nên một số nông dân cảm thấy nản chí, muốn từ bỏ.

Cho lúa “uống bia, ăn gia vị”, một HTX ở Quảng Trị được biểu dương - Ảnh 3.

Nông dân, xã viên HTX Nông sản sạch sanh tác tự nhiên Triệu Phong cùng nhau làm chế phẩm sinh học để chăm sóc lúa. Ảnh: N.V

Nắm bắt tâm tư của nông dân, chính quyền, ban lãnh đạo HTX, các hội đoàn thể, trong đó có HND các cấp của tỉnh Quảng Trị đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con cố gắng bám trụ, sẽ đến ngày thành công.

Với sự nhiệt huyết của mình, ban giám đốc HTX còn tự nguyện không nhận phụ cấp trong 3 năm đầu thành lập.

Đúng như kỳ vọng, sau 3 năm kiên trì, năng suất lúa hiện nay đạt 2,5 tạ/sào. Lúa ST25 và HN6 canh tác tự nhiên của HTX có giá cao hơn 25% - 30% so với giá thị trường, giúp xã viên có thu nhập cao hơn.

"Ngày trước phải vận động nông dân tham gia, ở lại HTX. Bây giờ, khi nhận thấy hiệu quả cao của việc sản xuất lúa canh tác, họ tự nguyện đăng ký, xin tham gia" – ông Đạt cho biết.

Cho lúa “uống bia, ăn gia vị”, một HTX ở Quảng Trị được biểu dương - Ảnh 4.

Gạch sạch Triệu Phong đảm bảo thơm ngon, an toàn sức khoẻ vì được canh tác tự nhiên, không sử dụng thuốc BVTV, phân hoá học. Ảnh: Ngọc Vũ.

HTX đề ra 2 quy tắc để kết nạp xã viên mới gồm: Có vùng đất liền kề với nơi HTX đang canh tác lúa tự nhiên, hữu cơ. Có đơn cam kết thực hiện đúng quy trình sản xuất do HTX hướng dẫn, nếu không sẽ bị phạt, không thu mua sản phẩm, vĩnh viễn không được kết nạp.

Để đảm bảo chất lượng lúa, HTX thành lập 5 nhóm sản xuất tại 3 xã. Các nhóm hộ sẽ hỗ trợ, giám sát nhau trong quá trình sản xuất. 

Khi thu hoạch lúa xong, HTX sẽ thu mua nhưng chỉ trả 50% số tiền. Sau khi cơ quan chức năng kiểm tra, kết quả kiểm nghiệm lúa gạo đạt chất lượng mới được thanh toán số tiền còn lại. Nếu nhóm hộ nào có sản phẩm không đạt yêu cầu thì mất số tiền đó. Vì vậy, các xã viên giám sát nhau rất chặt chẽ và đều có ý thức tuân thủ quy trình sản xuất.

Ông Đạt cho biết, đến nay diện tích sản xuất lúa của HTX tăng lên 61ha, sản xuất 2 vụ, trong đó có 11ha sản xuất lúa hữu cơ, 50ha lúa canh tác tự nhiên. Số thành viên HTX từ 88 người năm 2017, nay đã tăng lên 152 người.

Cho lúa “uống bia, ăn gia vị”, một HTX ở Quảng Trị được biểu dương - Ảnh 5.

Máy đóng gói bán tự động do Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị hỗ trợ giúp HTX tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Ảnh: Ngọc Vũ.

Sau khi thu hoạch, HTX xay xát, bán gạo ra thị trường theo hợp đồng ký kết với các siêu thị, đại lý, cửa hàng ở Quảng Trị, Đà Nẵng, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh…

Mỗi năm, HTX có sản lượng lúa canh tác tự nhiên lên tới 300 tấn và 100 tấn lúa hữu cơ; tương đương 200 tấn gạo canh tác tự nhiên và 60 tấn gạo hữu cơ. Doanh thu năm 2024 của HTX là 2,8 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 300 triệu đồng.

Dự kiến vụ Đông Xuân 2024 – 2025, HTX mở rộng diện tích sản xuất một số vùng liền kề thêm 50 đến 60ha để áp dụng công nghệ cao trong sản xuất chăm bón; tăng thêm 17 – 20 hộ xã viên.

Cho lúa "uống bia, ăn gia vị"

Nói về quy trình sản xuất lúa canh tác tự nhiên, bà Nguyễn Thị Mai (58 tuổi, trú thôn An Hưng, xã Triệu Tài, thành viên HTX) cho biết, những vụ mùa đầu tiên chưa có kinh nghiệm, gia đình phải huy động nhân lực ban ngày nhổ cỏ, ban đêm soi đèn bắt ốc, vất vả không sao kể xiết.

Việc mua tỏi, ớt, xương, cỏ trứng… về xay, pha trộn làm chế phẩm sinh học phun cho lúa cũng khó khăn không kém. Thế nhưng, được sự vận động của các cấp, gia đình vẫn kiên trì và nay đã thành thạo, cảm thấy thích thú.

Cho lúa “uống bia, ăn gia vị”, một HTX ở Quảng Trị được biểu dương - Ảnh 6.

Gia vị như tỏi, gừng, ớt... được nông dân, xã viên HTX sử dụng để làm chế phẩm sinh học chăm sóc lúa. Ảnh: N.V

Theo bà Mai, lợi ích trước tiên khi canh tác lúa tự nhiên là nông dân không phải tiếp xúc với các chất hoá học độc hại, đảm bảo sức khoẻ. Hạt gạo làm ra thơm ngon, một phần gia đình để ăn, còn lại bán với giá cao, thu nhập tăng lên.

Chia sẻ về quy trình sản xuất lúa canh tác tự nhiên, lúa hữu cơ, ông Đạt cho biết, thay vì sử dụng thuốc BVTV, phân bón hoá học, HTX sử dụng các loại dinh dưỡng do chính tay người nông dân chế biến.

Đơn cử như phân compost được làm từ phân chuồng và các loại rác qua phân hủy của sinh vật bản địa. Đạm làm từ ốc, cá ủ lên men với đường nâu. 

Canxi làm từ xương động vật và canxi vỏ trứng. Dùng nước thân cây và trái cây lên men để tạo quang hợp, tăng đề kháng và kích thích sinh trưởng. Dùng các thảo mộc như OHN gừng, tỏi, ớt, thuốc lào ngâm với đường, bia, rượu lên men và IMO3 hòa chung với nước để phun phòng trừ sâu bệnh…

HTX áp dụng công nghệ sấy lúa, xay xát gạo đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, sử dụng máy đóng gạo bán tự động do HND tỉnh Quảng Trị hỗ trợ, máy hút chân không, nâng cao giá trị của sản phẩm.

Ngoài các hoạt động nội bộ, HTX còn đóng góp cho phong trào hỗ trợ người nghèo, xây dựng phong trào văn hóa trong thôn và các công trình xây dựng nông thôn mới.

Cho lúa “uống bia, ăn gia vị”, một HTX ở Quảng Trị được biểu dương - Ảnh 7.

Không chỉ gia vị, trong khi pha chế phẩm sinh học, xã viên HTX còn cho bia vào để lên men, vì vậy nhiều người gọi vui là họ đang cho lúa "uống bia, ăn gia vị". Ảnh: N.V

Ông Phan Văn Linh – Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong đánh giá, HTX Nông sản sạch canh tác tự nhiên Triệu Phong là đơn vị tiên phong, đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam. Nhờ những đóng góp to lớn, mang tầm chiến lược, HTX đã nhận được nhiều giấy khen, bằng khen, giải thưởng của các cấp.

Để hoạt động của HTX ngày càng tốt hơn, ông Đạt mong muốn được chính quyền, cơ quan, doanh nghiệp bố trí quỹ đất để xây dựng nhà kho lớn hơn; hỗ trợ vốn vay ưu đãi để thu mua lúa cho nông dân; mua mới trang thiết bị máy móc sản xuất, xay xát để mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem