Xuất khẩu tăng 300%, chanh leo Việt Nam càng thêm cơ hội khi Trung Quốc đồng ý nhập khẩu thí điểm

Thiên Ngân Thứ năm, ngày 07/07/2022 06:33 AM (GMT+7)
Năm 2021, đã có 2 tấn chanh leo cấp đông nguyên quả lần đầu tiên được giới thiệu tới tay người tiêu dùng Australia. Và mới đây, Trung Quốc đồng ý nhập khẩu thí điểm chanh leo Việt Nam theo đường chính ngạch. Trong khi đó, việc đàm phán để xuất khẩu sầu riêng cũng đang ở giai đoạn cuối cùng…
Bình luận 0

Vấn đề được nhiều bà con nông dân và doanh nghiệp quan tâm lúc này là làm thế nào để sau chanh leo, sẽ có sầu riêng, khoai lang, bưởi, cam cũng như nhiều loại nông sản tiềm năng khác của Việt Nam rộng cửa đi sang các nước.

Tiềm năng lớn xuất khẩu chanh leo

Mới đây, Văn phòng Thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam - Bộ NNPTNT) cho biết, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã có văn bản đồng ý nhập khẩu thí điểm chanh leo Việt Nam bắt đầu từ ngày 1/7.

Tổng cục Hải quan Trung Quốc đề nghị Việt Nam giám sát chặt chẽ quy cách đóng gói, các vấn đề về kiểm soát sinh vật gây hại, mã số vùng trồng, lưu trữ hồ sơ... nhằm đảm bảo chất lượng cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm trước khi xuất sang Trung Quốc.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Thiệt - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) cho biết, Trung Quốc chấp thuận nhập khẩu thí điểm chanh leo từ Việt Nam vào tỉnh Quảng Đông qua cửa khẩu 2 tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh. 

Theo ông Thiệt, để được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này, quả chanh leo phải xuất phát từ vùng có mã số vùng trồng, có mã số đóng gói và bảo đảm không nhiễm dịch hại, đáp ứng an toàn thực phẩm.

Cơ hội “vàng” của trái cây Việt - Ảnh 1.

Đoàn công tác của Bộ NNPTNT và Sở NNPTNT Bến Tre tìm hiểu quy trình đóng gói sản phẩm bưởi da xanh ở Cơ sở Hương Miền Tây (xã Phước Mỹ Trung, huyện Mỏ Cày Bắc, Bến Tre). Ảnh: Lê Đệ

Các doanh nghiệp muốn xuất khẩu chanh leo vào Trung Quốc phải đăng ký qua Bộ NNPTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc. 

Các thông tin đăng ký bao gồm: Tên sản phẩm, địa chỉ và mã số đăng ký để truy xuất nguồn gốc... Hàng năm, trước thời kỳ xuất khẩu, Bộ NNPTNT sẽ gửi danh sách doanh nghiệp xuất khẩu chanh leo tới Tổng cục Hải quan Trung Quốc để cơ quan này phê duyệt.

Sau khi được phê duyệt, Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ công bố danh sách trên website chính thức. Các doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu chanh leo sang thị trường Trung Quốc liên hệ đầu mối là Cục Bảo vệ thực vật để được hướng dẫn.

Cơ hội “vàng” của trái cây Việt - Ảnh 3.

Nông dân xã Mường Do, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La, chăm sóc vườn chanh leo. Ảnh: Tuệ Linh

Chanh leo đang là loại trái cây được rất nhiều thị trường quan tâm và liên tục tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây bởi giàu chất chống oxy hóa, giàu vitamin và chất xơ, có tác dụng tốt cho sức khỏe.

Chanh leo ở dạng tươi cũng như sản phẩm chế biến đều rất được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Hàng năm, thế giới sản xuất khoảng 1,4 triệu tấn chanh leo tươi, trong đó chủ yếu là các nước lớn Brazil, Indonesia, Ấn Độ, Colombia.

Theo đánh giá của Bộ NNPTNT, chanh leo là loại quả có tiềm năng lớn tại thị trường Trung Quốc, có thể mang lại giá trị xuất khẩu cao. 

Thời gian qua, sản lượng và giá trị xuất khẩu chanh leo Việt Nam đã tăng hơn 300%, do đó diện tích trồng loại cây này cũng liên tục tăng, đặc biệt là tại các tỉnh Tây Nguyên. Lợi nhuận trên mỗi ha chanh leo ở Tây Nguyên có thể lên tới 350-400 triệu đồng.

Trên thực tế, chanh leo cũng là loại cây trồng đang cho hiệu quả kinh tế cao ở một số tỉnh khu vực miền núi phía Bắc. 

Ông Nguyễn Tiến Nam - Giám đốc HTX Quỳnh Nghĩa ở bản Cang (xã Chiềng Sung, huyện Mai Sơn, Sơn La), cho biết: Nhờ mối liên kết trồng chanh leo giữa công ty - hợp tác xã - nông dân, bước đầu nhiều hộ dân ở xã Chiềng Sung đã có thu nhập ổn định lên đến cả trăm triệu mỗi năm. 

Theo đó, Công ty Thực phẩm Đồng Giao cam kết thu mua sản phẩm chanh leo của các thành viên trong HTX từ năm 2019 với mức giá thấp nhất là 5.000 đồng/kg. 

Gia Lai muốn trồng 20.000ha chanh leo

Ông Đoàn Ngọc Có - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Gia Lai cho biết, Gia Lai vừa ban hành đề án phát triển cây ăn quả định hướng năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, tỉnh dự kiến đưa diện tích cây ăn quả lên 55.000ha vào năm 2025, và 100.000ha vào năm 2030.

"Riêng đối với cây chanh leo, Gia Lai định hướng phát triển cây chanh leo từ 4.000ha lên 20.000ha, lớn nhất cả nước. Đây là loại cây trồng cho lợi nhuận đến 350 - 400 triệu đồng/ha, giúp đảm bảo đời sống và sinh kế cho bà con nông dân" - ông Có khẳng định.


Cũng theo ông Nguyễn Tiến Nam, tổng chi phí bình quân cho 1ha chanh leo hết khoảng 100 triệu đồng. Sau khi trồng 4 tháng, chanh leo sẽ cho thu hoạch. Trung bình 1ha chanh leo thu được 40 tấn quả. 

Với mức giá thấp nhất mà công ty cam kết thu mua là 5.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, người dân lãi khoảng 100 triệu đồng.

Chanh leo đang là loại trái cây được rất nhiều thị trường quan tâm và liên tục tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây bởi giàu chất chống oxy hóa, giàu vitamin và chất xơ, có tác dụng tốt cho sức khỏe.

 Chanh leo ở dạng tươi cũng như sản phẩm chế biến đều rất được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Hàng năm, thế giới sản xuất khoảng 1,4 triệu tấn chanh leo tươi, trong đó chủ yếu là các nước lớn Brazil, Indonesia, Ấn Độ, Colombia.

Với hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trồng ngô, lúa, trong năm 2020, diện tích trồng chanh leo của HTX Quỳnh Nghĩa đã tăng lên 20ha, gấp 2 lần so với năm 2019.

Tiếp tục mở cửa nhiều thị trường khác

Cùng với quả chanh leo, Bộ NNPTNT cũng đang hoàn tất những khâu đàm phán cuối cùng để đưa quả sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. 

Ông Lê Văn Thiệt cho biết: "Đối với quả sầu riêng, Việt Nam – Trung Quốc đang dự thảo nghị định thư, dự định sẽ ký kết trong năm nay. Cục Bảo vệ thực vật cũng đang phối hợp Tổng cục Hải quan Trung Quốc tổ chức kiểm tra trực tuyến các công ty xuất khẩu ớt sang Trung Quốc".

"Trung Quốc là thị trường nhập khẩu số 1 của trái cây Việt Nam và họ đang tăng cường kiểm tra trực tuyến đối với các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số, nhất là các mặt hàng như thanh long, xoài, dưa hấu… và ghi nhận một vài trường hợp không đạt, nhất là các tiêu chí về kiểm soát dịch Covid-19. 

Do đó, các vùng trồng, cơ sở đóng gói, doanh nghiệp và địa phương phải hết sức chú ý thực hiện đúng các quy định vì Trung Quốc sẽ chỉ thông báo trước 3-5 ngày. Khi phát hiện vi phạm, tùy mức độ có thể tạm ngưng nhập khẩu, ảnh hưởng đến tiêu thụ nông sản" - ông Thiệt nhấn mạnh.

Với thị trường Mỹ, Cục Bảo vệ thực vật cho biết đang hợp tác chặt chẽ với Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, Bộ Nông nghiệp Mỹ và đặc biệt là cán bộ của Văn phòng cơ quan kiểm dịch thực vật Mỹ (APHIS) tại Việt Nam để kịp thời giải quyết mọi nội dung liên quan đến thương mại nông sản có nguồn gốc thực vật giữa hai nước. 

Phối hợp với các đơn vị liên quan, đại diện APHIS tổ chức kiểm tra vùng trồng bưởi và nhà máy chiếu xạ; xây dựng bản đồ chiếu xạ và kế hoạch xuất khẩu để có thể chính thức xuất khẩu quả bưởi tươi của Việt Nam sang Mỹ.

Theo ông Lê Văn Thiệt, hiện nay Việt Nam đã xuất khẩu sang thị trường Mỹ 6 loại quả gồm: Thanh long, xoài, vải, nhãn, chôm chôm, vú sữa. Có hai quốc gia đang trong quá trình đàm phán bước cuối mở cửa xuất khẩu mặt hàng bưởi. Đối với thị trường Nhật Bản, Việt Nam cũng đã xuất khẩu 3 loại quả tươi là thanh long, xoài, vải.

"Bộ NNPTNT đang đàm phán với Bộ Nông nghiệp Nhật để xuất khẩu nhãn bằng phương pháp xử lý lạnh, hiện đang trong giai đoạn thí nghiệm cuối cùng. Biện pháp này sẽ là tiền đề để xuất khẩu các loại quả khác. Trong bối cảnh trái cây Việt Nam ngày càng có nhiều cơ hội xuất khẩu, vấn đề nâng cao chất lượng, giá trị của trái cây phải được chú trọng để vượt qua hàng rào kỹ thuật, "mở cửa" thị trường có giá trị xuất khẩu cao" - ông Thiệt nói.

Liên quan tình hình xuất nhập khẩu, nhất là mặt hàng trái cây sang Trung Quốc, ông Trần Quốc Toản - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chủ lực đối với hàng rau quả của Việt Nam trong nhiều năm qua nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu luôn phải đối mặt với tình trạng không ổn định theo tình trạng đóng và mở tại các cửa khẩu với Trung Quốc. 

Chính vì vậy, việc tăng dần xuất khẩu bằng hình thức chính ngạch, chuyển hình thức vận chuyển bằng đường biển, tàu hỏa là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem