Trung Quốc tới tấp thu mua, chỉ trong vòng 20 ngày, giá một loại hạt của Việt Nam đã tăng "nóng" 10.000 đồng/kg

Khánh Nguyên Thứ sáu, ngày 12/05/2023 19:40 PM (GMT+7)
Nhu cầu tiêu thụ hạt tiêu của Trung Quốc được dự báo tăng mạnh là yếu tố giúp nâng đỡ thị trường, giúp giá tiêu và xuất khẩu tiêu của Việt Nam tăng trưởng. Chỉ trong vòng 20 ngày qua, giá tiêu tăng nóng lên tới 10.000 đồng/kg
Bình luận 0

Giá tiêu tăng "nóng"

Theo khảo sát của Dân Việt, giá tiêu hôm nay 12/5 tuy có giảm so với ngày hôm qua nhưng vẫn đạt mức 73.000 - 76.000 đồng/kg.

Cụ thể, giá tiêu tại Đắk Lắk, Đắk Nông đạt mức 74.000 đồng/kg; giá tiêu tại Gia Lai còn 73.000 đồng/kg; 

Trong khi đó, giá tiêu hôm nay tại Đồng Nai ở mức 74.000 đ/kg; Giá tiêu ở Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Phước cao nhất, đạt 76.000 - 76.500 đồng/kg.

Có thể thấy, nhu cầu tiêu thụ hạt tiêu của Trung Quốc được dự báo tăng mạnh là yếu tố giúp nâng đỡ thị trường, giúp giá tiêu và xuất khẩu tiêu của Việt Nam tăng trưởng. Chỉ trong vòng 20 ngày qua, giá tiêu tăng nóng lên tới 10.000 đồng/kg.

 Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), giá tiêu ghi nhận ở mức thấp trong tháng 1/2023, sau đó có xu hướng tăng trở lại trong tháng 2 và tháng 3, duy trì quanh mức bình quân 64.000 - 65.000 đồng/kg.

Bước sang tháng 4/2023, giá tiêu đen tại thị trường nội địa nhìn chung khá ổn định và có xu hướng tăng thời điểm cuối tháng. Cụ thể, cuối tháng 4/2023, giá tiêu đen tăng từ 3.000 - 3.500 đồng/kg (tùy từng khu vực) so với cuối tháng 3/2023, lên mức 67.000 - 69.500 đồng/kg.

Việt Nam giữ vững vị trí số 1 thế giới về sản xuất hồ tiêu - Ảnh 1.

Nông dân Gia Lai thu hoạch hồ tiêu. Ảnh: Báo Gia Lai.

Việt Nam giữ vững vị trí số 1 thế giới về sản xuất hồ tiêu - Ảnh 2.

Cục Xuất nhập khẩu dự báo, trong thời gian tới, giá tiêu vẫn được hưởng lợi nhờ nguồn cung hạn chế. Theo báo cáo tháng 4/2023 của Nedspice (Công ty nhập khẩu gia vị trụ sở chỉnh ở Hà Lan), nông dân Indonesia và Brazil đang có xu hướng bỏ cây tiêu, chuyển sang cây trồng có lợi nhuận cao hơn. Năm 2022, xuất khẩu hạt tiêu của Brazil giảm 8% so với năm trước.

"Sự suy giảm liên tục trong sản xuất hạt tiêu đã dẫn đến giảm mức dự trữ toàn cầu. Khi Việt Nam kết thúc vụ thu hoạch, dự kiến nguồn cung sẽ thiếu hụt vào nửa cuối năm nay" - Cục Xuất nhập khẩu nhận định.

Xuất khẩu hồ tiêu đặt mục tiêu 2 tỷ USD

Trong số các thị trường xuất khẩu tháng 2/2023, Trung Quốc tăng nhập hồ tiêu Việt Nam trở lại ngay sau khi mở cửa và vươn lên trở thành thị trường xuất khẩu chính của hồ tiêu Việt Nam, đạt 4.712 tấn, tăng 219,5% so với tháng 1/2023, chiếm 16,7% thị phần xuất khẩu.

Cộng dồn 2 tháng, xuất khẩu hồ tiêu vào Trung Quốc đạt 10.209 tấn, chiếm 25% và tăng 760,1% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Tính chung trong quý I/2023, tốc độ xuất khẩu hạt tiêu sang Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng lên đến 3 con số so với quý trước và cùng kỳ năm ngoái..

Số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc cho thấy, trong quý I/2023, giá trị nhập khẩu hạt tiêu của Trung Quốc đạt xấp xỉ 7,25 triệu USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2022. Thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc chiếm 24,71% trong quý I/2023.

Theo các chuyên gia, trong những năm qua, ngành gia vị có đóng góp quan trọng trong bức tranh chung kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, hành trình đạt mục tiêu là nơi cung cấp gia vị tốt cho thế giới là rất gian nan, bởi diện tích sản xuất còn manh mún, sản xuất nhỏ, liên kết còn hạn chế nên tạo vùng nguyên liệu theo đúng nghĩa rất khó.

Do vậy, để đạt được mục tiêu xuất khẩu 2 tỷ USD trong 3 năm tới, đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gia vị bền vững, theo Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam Hoàng Thị Liên, ngành hồ tiêu và gia vị cần tập trung xây dựng vùng sản xuất, mở rộng mô hình sản xuất theo chuỗi, nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem