Tướng Nguyễn Chí Vịnh và một chuyện "sởn da gà" trong nghề tình báo
Tướng Nguyễn Chí Vịnh và một chuyện "sởn da gà" trong nghề tình báo
Hoàng Hải Vân
Thứ ba, ngày 13/08/2024 09:46 AM (GMT+7)
Tướng tình báo Đặng Trần Đức (Ba Quốc), người thầy của tướng Nguyễn Chí Vịnh, có cái nhìn xa tít tắp. Ông nghĩ đến những chuyện người thường không nghĩ đến. Nguyễn Chí Vịnh kể một câu chuyện tưởng như bình thường trong nghề tình báo, nhưng phải đến 10 năm sau anh mới thấy "sởn da gà".
Hồi ấy, vào năm 1986, người sĩ quan tình báo trẻ tuổi Nguyễn Chí Vịnh đã thực hiện được một số kế hoạch thành công tại Campuchia, được ông Ba Quốc tin tưởng. Một hôm, ông giao cho anh khai thác một tù binh Khmer Đỏ. Tù binh đồng bọn với hắn cho anh biết, hắn là thành viên của Đoàn cố vấn cho Pol Pot chỉ đạo diệt chủng, là kẻ giết người không ghê tay.
Sau một đợt làm việc dài và khó khăn, anh không khai thác được gì ở hắn. Lúc anh đang nghỉ ngơi tắm giặt thì đồng đội anh báo tin tên kia đập đầu tự tử. Anh vội chạy vào, thấy máu me tùm lum, anh bế hắn lên, gọi y tế đến cấp cứu. Sau đó báo lại ông Ba Quốc.
Ông hỏi ngay: "Nó có chết không ?" - "Thưa không ạ".
"Cậu làm thế nào mà xảy ra chuyện đó?" - "Thưa, cháu không làm gì cả, thậm chí còn đối xử tử tế với hắn, cháu chỉ buộc hắn phải nhận tội thôi".
"Cậu làm như thế thì làm gì nó chả đập đầu. Cậu để nó tuyệt vọng, nó không đập đầu mới lạ".
Nghe ông nói, anh thấy mình sai. Anh hỏi: "Thưa chú, cháu có phải đi nấu cơm không ạ" - "Nấu cơm" là một hình phạt khi làm không đúng việc gì, phải xuống bếp nấu cơm mấy ngày để rút kinh nghiệm. Ông cố nhịn cười: "Giờ cậu phải làm cho nó khoẻ lại, phải chăm sóc chu đáo nó, chứ nấu cơm nấu nước gì".
Đến khoảng 3-4 giờ sáng hôm sau thì hắn tỉnh lại. Anh mừng quá, pha sữa đưa hắn uống. Hắn thều thào: "Tôi có được sống không?". Anh nói: "Nhất định anh phải sống, anh còn có gia đình, chúng tôi rất nhân đạo…".
Hắn nói: "Tôi biết tôi có tội với Việt Nam, tôi xin nói hết". Không có mặt ông Ba Quốc, anh lại mắc sai lầm lần thứ hai khi bảo hắn: "Thôi anh đang mệt, nghỉ đi cho có sức, khi khoẻ hẳn ta sẽ làm việc sau". Sau đó, anh bảo bác sĩ tiêm cho hắn một liều thuốc ngủ.
6h30 sáng, anh phấn khởi báo với ông Ba Quốc: "Thưa chú, hắn đã tỉnh và nói xin khai rồi". Ông hỏi: "Nó khai thế nào ?" - "Cháu bảo hắn nghỉ cho khoẻ, rồi giao quân y tiêm thuốc ngủ để sáng dậy làm việc".
Ông ngơ ngác hỏi lại: "Sao?". Rồi giục anh phải vào ngay để xem hắn nói được câu nào không. Anh sốt ruột cho người dựng hắn dậy trước thuốc ngủ hết tác dụng. Bảo hắn khai, hắn nói: "Tôi mệt lắm, cho tôi lúc khác đi".
Đến trưa, sau khi hắn ăn uống xong, anh bảo hắn khai thì hắn quanh co không khai. Anh báo cáo lại ông Ba Quốc, ông ngồi lắc đầu.
Ông nói: "Đối đầu với tên cáo già như vậy, các cậu còn non lắm, không biết có làm gì được không". Rồi ông giải thích: "Với loại kẻ địch cáo già như vậy, lúc sinh tử thì có thể nó nói, còn khi định hồn lại thì cậu đừng mong nó nói gì nữa. Khi bị một cơn sốc, nó có thể nói để kéo dài sự sống, nhưng khi đã qua cơn sốc thì dù có cạy răng nó cũng không nói. Giờ thì những việc tiếp theo còn khó hơn lúc đầu".
Anh biết anh lại phạm sai lầm, nhưng không thấy ông nhắc gì đến chuyện "nấu cơm".
Một thời gian sau, hắn bắt đầu nói chuyện, nhưng câu chuyện lòng vòng chẳng đâu vào đâu. Một đêm, hắn nói với anh: "Tôi nhớ vợ tôi quá". Thấy anh không nói gì, hắn nói tiếp: "Ông có thể đến nhà tôi hỏi thăm tình hình vợ con tôi thế nào được không ?".
Thấy anh không hiểu ý, hắn dấn thêm: "Nếu ông cho tôi biết thông tin về vợ con tôi, tôi sẽ hậu tạ ông". Anh không từ chối hay nhận lời. Hắn nói tiếp: "Nhà tôi thì các ông biết rồi". Lần này hắn nói tiếng Việt.
Anh báo cáo với ông Ba, ông bảo anh thuật lại tường tận các chi tiết. Ông nhận định: "Riêng việc nó nói tiếng Việt là thành công rồi. Cậu phải hỏi nó vì sao biết tiếng Việt, nếu mình nhận về thăm gia đình nó thì cần làm cái gì".
Đúng là sau đó nó khai nhận là người lai gốc Campuchia, từng chạy về Sài Gòn sau năm 1975 để tránh Pol Pot, nhưng không nhận làm việc ngầm cho Khmer Đỏ. Tất nhiên là hắn nói dối. Anh nhận lời sẽ qua nhà hắn để báo tin. Hắn cho địa chỉ nhà hắn, còn dặn anh đến đó gặp vợ hắn thì phải nói như thế nào.
Anh về báo cáo lại ông Ba Quốc, thấy ông chần chừ rất lâu. Anh nói: "Thưa chú, tối nay cháu lại vào gặp hắn" - "Thôi cậu đừng vào nữa". Sáng hôm sau, ông lại đổi ý, nhưng giọng vẫn rất chần chừ: "Cậu vào đi, hỏi nó nếu cậu nhận lời thì được cái gì". Rồi ông dặn kỹ những việc anh phải làm và lưu ý không cho hắn biết là anh đã bàn với ông.
Anh vào thông báo với hắn là anh đã tìm được nhà hắn. Hắn nói: "Khoảng 5 giờ chiều vợ tôi hay đứng ở cửa, ông đến bảo là tôi đi xa không kịp báo về, hỏi vợ con tôi có khoẻ không, rồi bảo vợ tôi gửi cho tôi 1 cây vàng và vật gì đó để tôi tin là ông đã gặp vợ tôi. Khi quay lại đây, cây vàng đó là của ông".
Anh nghĩ Phnom Penh lúc đó quyền hành trong tay ta, toàn bộ lực lượng an ninh tình báo của bạn cũng không hay biết. Anh thấy thoả mái với một kịch bản đơn giản, chuẩn bị chiều đến nhà hắn.
Đến nơi, theo thói quen, anh kiểm tra xung quanh thì bất ngờ nhìn thấy mấy cậu lính ở Đội Z lảng vảng ở đó, anh chơi thân với các thành viên trong Đội nên không khó để nhận ra. Anh đi vòng một lượt, lại thấy người của Đội Y mà đích thân ông Đội trưởng cũng đang ngồi uống cà phê cách đó không xa.
Anh không hiểu vì sao ông Ba Quốc lại rải các đội ngoại tuyến đông đến thế, bèn tự ái quay về, nghĩ là ông Ba Quốc không tin anh.
Về đến nơi, ông Ba hỏi: "Thế nào rồi ?". Anh cố giấu sự hậm hực: "Cháu không thấy điều gì bất thường, nhưng Đội Z, Đội Y rải quân đông quá, khác nào báo cho công an của bạn đến "dọn" cả nhà tên kia".
Anh thấy ông cũng hơi ngại ngùng vì giấu anh kế hoạch của ông. Ông chỉ nói: "Không sao, tôi chỉ lo an toàn cho cậu". Đêm hôm đó anh không ngủ, cứ nghĩ "hay là ông Ba không tin mình vì dính đến tiền". Hôm sau, anh hỏi ông: "Cháu có tiếp tục kế hoạch không ?". Ông nói: "Cậu cứ tiếp tục".
Chiều hôm đó, anh đến gặp vợ tên kia. Anh nói đúng lời hắn. Vợ hắn đưa cho anh 1 cây vàng và cái bùa đeo cổ của con hắn, Anh về đưa ông Ba, ông chụp hình xong bảo anh mang đưa cho hắn. Hắn lấy cái bùa, còn vàng thì hắn bảo: "Anh cầm đi", giọng bắt đầu trở nên kẻ cả.
Hắn nhờ anh cất hộ lá bùa đeo cổ của con hắn, anh không nhận, hắn đập vỡ luôn cái bùa và ném vào cầu tiêu. Xong hắn hỏi anh: "Giờ anh muốn có nhiều tiền không ?" - "Làm thế nào để có ?" - "Tôi nhờ anh một việc, anh cầm cái áo này về cho vợ tôi làm tin, anh sẽ có 5 cây vàng".
Nhớ lời dặn của ông Ba, anh bảo: "Vàng ông cho nhiều thật đấy, nhưng chưa đủ". Hắn nói: "Anh cứ làm đi, làm nhiều là có nhiều tiền".
Lúc đó, lòng tự ái và cơn giận sôi lên, anh nghĩ: "Ông ấy không tin mình, còn thằng này thì coi thường mình". Anh bèn đánh cho hắn một trận rồi quay về báo cáo với ông Ba Quốc là anh đành làm hỏng kế hoạch của ông.
Ông nói: "Tôi rất cần cái áo đó, bởi tên này có thể dùng nước cơm để viết lên áo rồi nhờ cậu chuyển cho vợ. Nếu lấy được cái áo thì mình vừa có tang chứng vừa nắm được ý đồ của nó. Nhưng đúng như cậu nói, dù có làm như thế nào thì nó vẫn chống mình đến cùng". Câu chuyện kết thúc tại đó, sau này tên Khmer Đỏ nguy hiểm kia đã được giải quyết theo cách khác...
Mãi 10 năm sau, anh mới mang chuyện ấm ức trong lòng nói với ông Ba Quốc. Ông nói với anh: "Tôi quyết định để cậu làm việc đó nhưng thực sự tôi không hề muốn, nên rất phân vân. Với những gì tôi hiểu về cậu, tôi nghĩ cậu sẽ không dừng lại ở các cương vị của ngành Tình báo mà còn tiến cao hơn. Ngành này của chúng ta "bạc" lắm. Thủ đoạn của nó là để cậu nhận tiền, nhận tiền rồi nó sẽ dụ cậu nhận tiền nữa, rồi cài bẫy để ép cho đến khi cậu giúp nó vượt ngục. Tôi biết cậu không thể làm nổi vai ấy, nên gãy nửa chừng là phải thôi".
Rồi ông Ba Quốc lại chậm rãi: "Cậu làm theo nhiệm vụ được giao, theo kịch bản rõ ràng, tất nhiên nó không thể khống chế được cậu. Nhưng còn sau này nữa, chỉ cần bọn chúng để lại một tấm hình tạo nghi ngờ cậu dính với tình báo của địch, khi ấy tôi không còn, những anh em biết việc có thể cũng không còn, thì ai làm chứng cho cậu, cậu sẽ cãi làm sao?".
Nghe ông nói mà anh rùng mình, bất giác sởn da gà. Lúc đó anh mới hiểu vì sao ông Ba Quốc phải cử ngoại tuyến bám dày đặc tại nơi anh tiếp xúc với người phụ nữ kia. Không phải ông không tin anh. Ông không chỉ bảo vệ an toàn cho anh mà còn đề phòng những rủi ro có thể xảy ra với anh trong tương lai nữa.
Câu chuyện này Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh kể tôi nghe và cũng được anh đề cập trong cuốn sách "Người Thầy", được xuất bản trước lúc anh về cõi Vĩnh Hằng vào tháng 9/2023. Tôi xin chép lại ra đây như một nén tâm hương để tưởng nhớ anh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.