Tỷ phú Phạm Nhật Vượng vay 2.800 tỷ đổ vào “con cưng” VinFast và VinSmart

Nhật Minh Thứ hai, ngày 22/02/2021 17:06 PM (GMT+7)
Sau động thái tái xuất trên thị trường thương mại điện tử, Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng lên kế hoạch huy động hàng nghìn tỷ đồng nhằm tăng vốn cho các “con cưng” là VinFast và VinSmart. Trên thị trường chứng khoán, khoảng cách về giá trị vốn hóa giữa Vingroup và Vietcombank cũng đang được thu hẹp.
Bình luận 0

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng vay 2.800 tỷ trái phiếu đổ vào VinFast và VinSmart

Tập đoàn Vingroup - CTCP (VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vừa thông báo chào bán trái phiếu ra công chúng đợt hai, tổng số lượng phát hành là 28,6 triệu trái phiếu, mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu. Dự kiến thu về 2.860 tỷ đồng.

Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cho biết, số tiền huy động được từ đợt phát hành lần này nhằm tăng quy mô vốn hoạt động cho công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast, và CTCP Nghiên cứu và Sản xuất VinSmart. Trong đó, 1.000 tỷ đồng bổ sung vốn cho VinFast và 1.860 tỷ đồng nhằm tăng vốn cho VinSmart.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng vay 2.800 tỷ trái phiếu đổ vào “con cưng” VinFast và VinSmart - Ảnh 1.

Kế hoạch phát hành trái phiếu của Vingroup do tỷ phú Phạm Nhật Vượng làm Chủ tịch HĐQT

Trái phiếu phát hành có kỳ hạn 3 năm với lãi suất là lãi suất kết hợp giữa lãi suất cố định và thả nổi. Trong đó, lãi suất cho 4 kỳ tính lãi đầu tiên là 9,7%/năm. Các kỳ tính lãi sau đó, lãi suất bằng tổng của 3,7%/năm và lãi suất tham chiếu.

Đối với nhà đầu tư cá nhân, số lượng đăng ký mua tối thiểu là 100 tỷ đồng và đối với nhà đầu tư tổ chức là 500 tỷ đồng mệnh giá trái phiếu.

Thời gian nhận đăng ký mua từ ngày 20/2/2021 đến 11/3/2021. Tổ chức bảo lãnh phát hành là Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank).

Ngoài ra, thời gian tới, Vingroup còn một đợt chào bán 26 triệu trái phiếu khác ra công chúng, mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu, dự kiến thu về 2.600 tỷ đồng.

Trước đó, từ ngày 20/1/2021 đến 18/2/2021, Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã phát hành thành công 1.515 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng. Trong đó, người mua chính là nhà đầu tư tổ chức trong nước, mua 12 triệu trái phiếu, chiếm 85,87% và nhà đầu tư cá nhân trong nước chiê

Không chỉ phát hành trái phiếu tăng vốn cho VinFast và VinSmart, mới đây Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng chính thức tái xuất trên thị trường thương mại điện tử khi ra mắt Vsmart Online - trang thương mại điện tử chuyên bán tất cả các sản phẩm do VinSmart sản xuất, trong đó có những sản phẩm chỉ mở bán độc quyền. Các sản phẩm được bán trên trang gồm: Máy lọc không khí, giải pháp nhà thông minh, tivi, điện thoại,… mang thương hiệu Vsmart. Đây là lần tái xuất đầu tiên kể từ khi tỷ phú Phạm Nhật Vượng đóng cửa trang mua sắm online Adayroi vào cuối năm 2019.

Cuộc đua số 1 sàn chứng khoán: Vingroup rút ngắn khoảng cách với Vietcombank

Với hàng loạt thông tin tốt, cổ phiếu VIC của Vingroup đã đảo chiều tăng điểm trong phiên giao dịch ngày hôm nay (22/2) với mức tăng nhẹ 0,64%, sau khi giảm 0,91% trong phiên giao dịch cuối tuần qua (19/2).

Chốt phiên giao dịch ngày hôm nay, thị giá của VIC đứng ở mức 109.700 đồng/cp, tăng 11% kể từ đầu tháng 2 cho tới nay. Với mức giá này, vốn hóa của Vingroup đạt hơn 371 nghìn tỷ đồng.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng vay 2.800 tỷ trái phiếu đổ vào “con cưng” VinFast và VinSmart - Ảnh 3.

Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng rút ngắn khoảng cách về vốn hóa với Vietcombank

Điều đáng nói với diễn biến hiện tại khoảng cách về vốn hóa giữa Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng và Vietcombank đang ngày càng được thu hẹp đáng kể. 

Theo đó, từ mức chênh lệch gần 5.600 tỷ đồng trong phiên giao dịch đầu tiên sau Tết Nguyên đán Tân Sửu )17/2), mức chênh lệch về vốn hóa nới rộng lên mức 6.200 tỷ (18/12), thậm chí lên tới 7.024 tỷ vào cuối ngày 19/2. Tuy nhiên, trong phiên giao dịch ngày hôm nay, Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã nhanh chóng rút ngắn khoảng cách chỉ với mức chênh hơn 2.000 tỷ đồng.

Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng trở thành doanh nghiệp có giá trị niêm yết lớn nhất kể từ năm 2017 và giữ ngôi vị này kể từ đó đến giữa năm 2020, trước khi phải chia sẻ vị trí này với "ngân hàng lợi nhuận tỷ USD" Vietcombank.

Liên quan đến tình hình tài chính của Vingroup, trong năm 2020, tập đoàn này đạt 110.462 tỷ đồng doanh thu thuần, lợi nhuận trước thuế đạt 13.962 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 4.388 tỷ đồng.

Tại ngày 31/12/2020, tổng tài sản Vingroup đạt 424.268 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 135.757 tỷ đồng, tăng lần lượt 5% và 13% so với cuối năm 2019.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem