Viện trưởng VKSND Tối cao: Thu hồi hơn 26.215 tỷ đồng trong các vụ án tham nhũng, kinh tế
Viện trưởng VKSND Tối cao: Thu hồi hơn 26.215 tỷ đồng trong các vụ án tham nhũng, kinh tế
Quỳnh Nguyễn
Thứ ba, ngày 26/11/2024 09:22 AM (GMT+7)
Năm 2024, quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã áp dụng các biện pháp bảo đảm để thu hồi số tiền hơn 26.215 tỷ đồng trong các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn.
Sáng 26/11, tiếp tục Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao trình bày Báo cáo tóm tắt công tác của Viện trưởng VKSND Tối cao.
Theo Viện trưởng, trong năm 2024, ngành kiểm sát đã thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra 142.946 vụ/231.614 bị can (tăng 6,3% số vụ và 10,7% số bị can); kiểm sát 100% vụ án hình sự ngay từ khi khởi tố; ban hành 102.584 bản yêu cầu điều tra (tăng 3,5%). Không phê chuẩn 521 lệnh, quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn; quyết định hủy 494 quyết định tạm giữ; hủy 24 quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ vụ án và yêu cầu Cơ quan điều tra giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Số vụ án truy tố đúng thời hạn đạt 100% (vượt 10%) và số bị can truy tố đúng tội danh đạt 99,9% (vượt 4,9%).
Công tác của Cơ quan điều tra VKSND Tối cao tiếp tục thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu của Quốc hội: tỷ lệ điều tra khám phá các loại tội xâm phạm hoạt động tư pháp và tham nhũng trong hoạt động tư pháp đạt 92,4% (vượt 22,4%); tỷ lệ điều tra khám phá các tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt 100% (vượt 10%); tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng đạt 89,2% (tăng 4,5% và vượt 29,2%).
VKSND Tối cao tăng cường phối hợp với Bộ Công an, Tòa án nhân dân Tối cao đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố và đưa ra xét xử nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã áp dụng các biện pháp bảo đảm để thu hồi số tiền hơn 26.215 tỷ đồng.
Tiếp tục tăng cường công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự, kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ, việc dân sự, thi hành án dân sự, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp. Kiểm sát việc thụ lý giải quyết theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm 12.958 vụ án hành chính; 498.304 vụ, việc dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động.
Ban hành 1.653 kháng nghị phúc thẩm án dân sự được Hội đồng xét xử chấp nhận 83,3%; 7 kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm án hành chính, được Hội đồng xét xử chấp nhận đạt tỷ lệ 77,8% (vượt 2,8%); ban hành 18.495 kháng nghị, kiến nghị yêu cầu khắc phục, phòng ngừa vi phạm và tội phạm (tăng 3,8%); tỷ lệ kiến nghị được chấp nhận đạt 99,9% (vượt 19,9%).
Quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, ngành Kiểm sát luôn nỗ lực thực hiện đúng yêu cầu mà các nghị quyết của Quốc hội đặt ra.
Tuy nhiên, còn có chỉ tiêu công tác chưa đạt theo yêu cầu của Quốc hội, như tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm án hành chính và kháng nghị giám đốc thẩm các vụ, việc dân sự; tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của Cơ quan điều tra VKSND Tối cao; tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế liên quan đến chức vụ.
Theo Viện trưởng, hiện nay, tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, số lượng các vụ án, vụ việc tội phạm và vi phạm pháp luật tăng nhanh so với trước đây với nhiều tội phạm mới có tính chất phức tạp hơn.
Bên cạnh đó, ngành KSND thực hiện thêm nhiều nhiệm vụ mới theo quy định của luật, khối lượng công việc tăng lên nhiều; cùng với đó yêu cầu về pháp luật và kỷ luật ngày càng cao nên ngành phải đối mặt với nhiều áp lực trong tình trạng thiếu biên chế, thiếu chức danh tư pháp (kiểm sát viên các cấp) là chức danh bắt buộc phải có để thực hiện nhiệm vụ.
Do đó, Viện trưởng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao bổ sung chức danh kiểm sát viên các ngạch tạo điều kiện thuận lợi trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và hướng dẫn kiểm sát viên sơ cấp thực hiện nhiệm vụ trong chỉ tiêu biên chế đã được giao.
Bên cạnh đó, VKSND Tối cao đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với VKSND Tối cao báo cáo bổ sung vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để kịp thời khắc phục khó khăn cấp thiết về trụ sở làm việc; xây dựng định mức chi thường xuyên, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 theo hướng tăng vốn đầu tư công, tăng định mức chi thường xuyên (thuộc nhóm riêng) và tăng cường đầu tư trang thiết bị, phương tiện làm việc, bảo trì, sửa chữa, nâng cấp, cải tạo mở rộng hệ thống trụ sở làm việc để giải quyết những khó khăn, bảo đảm nguồn kinh phí chi hoạt động đặc thù của VKSND.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.