Vụ Vạn Thịnh Phát: Những điểm đáng chú ý nhất trong 4 ngày xét xử

Chinh Hoàng - Gia Bình - Lê Giang Thứ bảy, ngày 09/03/2024 09:54 AM (GMT+7)
Trong 4 ngày diễn ra phiên xét xử vụ Vạn Thịnh Phát tại TAND TP.HCM, Viện KS công bố cáo trạng trong 2 ngày. Trong phần xét hỏi đa phần các bị cáo đã thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố và vấn đề đáng chú ý nhất là các con số liên quan đến tiền.
Bình luận 0

Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Vạn Thịnh Phát đã qua 4 ngày làm việc, thứ bảy và chủ nhật tòa nghỉ, thứ hai tới phiên xử tiếp tục. Dân Việt điểm lại những điểm đáng chú ý nhất trong 4 ngày xét xử vừa qua.

Trưởng Ban Kiểm soát Ngân hàng SCB sau khi nghỉ việc được Trương Mỹ Lan "tặng" 20 tỷ đồng

Thuộc nhóm bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, trong đó, có bị cáo là cựu Trưởng Ban Kiểm soát Ngân hàng SCB là Phạm Thu Phong.

Vụ Vạn Thịnh Phát: Những điểm đáng chú ý nhất trong 4 ngày xét xử- Ảnh 1.

Cựu Trưởng Ban Kiểm soát Ngân hàng SCB Phạm Thu Phong được bà Trương Mỹ Lan cho 20 tỷ sau khi nghỉ việc. Ảnh: A.T

Bị cáo Phong khai tại tòa, trong thời gian là Trưởng Ban Kiểm soát Ngân hàng SCB đã buông lỏng quản lý, không thực hiện đầy đủ, đúng chức năng nhiệm vụ quy định của Ban Kiểm soát và Trưởng Ban Kiểm soát… nên đã để xảy ra sai phạm tại SCB, gây thiệt hại 90.317 tỷ đồng.

Vụ Vạn Thịnh Phát: Những điểm đáng chú ý nhất trong 4 ngày xét xử- Ảnh 2.

Các bị cáo vụ Vạn Thịnh Phát. Ảnh: Lê Giang

Bị cáo Phong khai Ban Kiểm soát ban đầu có ba thành viên, sau đó bổ sung thêm một người. Ban này có quyền giám sát hoạt động của Ban quản trị, Tổng Giám đốc ngân hàng để đảm bảo hoạt động của ngân hàng đúng theo quy định.

Theo cáo trạng, Phạm Thu Phong làm việc tại Ngân hàng SCB cũ từ năm 2007, sau đó tiếp tục công tác tại SCB sau sáp nhập đến năm 2018. Đến tháng 4.2019, Phạm Thu Phong chính thức xin nghỉ. Tại tòa, bị cáo cho biết đã có ý định nghỉ việc từ cuối năm 2016.

Trình bày với HĐXX về lý do nghỉ việc tại Ngân hàng SCB, bị cáo Phong cho biết mặc dù Ban Kiểm soát theo quy định có các quyền hạn như vậy, nhưng trên thực tế, các bộ phận của Ngân hàng SCB không hợp tác nên không thể thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của mình nên nghỉ việc.

"Khi đó, có rất nhiều đầu việc nhưng nhân sự Ban Kiểm soát chỉ 4-5 người, khi thực hiện nhiệm vụ, các bộ phận không hợp tác nên bị cáo đã xin nghỉ việc", bị cáo Phong khai trước tòa.

Trình bày với HĐXX, bị cáo Phong khai nhận được bị cáo Trương Mỹ Lan hỗ trợ tài chính 20 tỷ đồng sau khi nghỉ việc, nhưng đã hoàn trả sau khi vụ án xảy ra.

Cựu Cục trưởng của Ngân hàng Nhà nước khai không dám nộp 5,2 triệu USD của SCB vì "thấy nhiều người chết"

Đỗ Thị Nhàn khai không muốn lấy 5,2 triệu USD do SCB hối lộ nhưng bị dọa nên phải nhận và sau khi vụ án được khởi tố, bà muốn nộp lại nhưng không dám vì "thấy nhiều người chết".

Vụ Vạn Thịnh Phát: Những điểm đáng chú ý nhất trong 4 ngày xét xử- Ảnh 4.

Cựu Cục trưởng Ngân hàng Nhà nước Đỗ Thị Nhàn, khai không dám nộp 5,2 triệu USD của SCB vì "thấy nhiều người chết". Ảnh: Lê Giang

Bị cáo Nhàn thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng nêu, nội dung bản thân là trưởng đoàn thanh tra tiến hành thanh tra ngân hàng SCB trong các năm 2017 – 2018 nhưng đã sửa đổi kết luận, báo cáo không trung thực tình trạng nhà băng này.

Hành vi báo cáo không trung thực, bao che, bưng bít thông tin của bà Nhàn và nhóm cán bộ NHNN đã giúp SCB không bị diện theo dõi đặc biệt mà tiếp tục được "tái cơ cấu", tạo điều kiện cho Trương Mỹ Lan thao túng, rút tiền của ngân hàng.

Sau đó, bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB, 4 lần gặp Nhàn, đưa hối lộ tổng cộng 5,2 triệu USD. Khai về việc này, nữ cựu Cục trưởng cho hay không muốn nhận tiền nhưng bị Văn dọa: "Đừng làm khó Văn và cũng đừng làm khó bản thân".

Bị cáo Nhàn kể, đoàn thanh tra từng trả lại quà của SCB một lần và sau đó, có một người tự xưng là bạn của Văn đến nơi làm việc để "nói chuyện" nhưng: "Tất cả, 8 – 9 người trong đoàn đều không quen người này nên rất sợ".

Sau khi nhận tiền, bà Nhàn để một phần ở nhà và mang một phần về quê Nam Định, gửi 2 họ hàng, nói "cho chị gửi cái này ở đây" và dù đây là số tiền lớn, bị cáo không nói rõ nó từ đâu, 2 người cho gửi cũng không hỏi từ đâu mà có.

Cựu Cục trưởng khai thêm sau đó từng nhiều lần gọi điện cho Võ Tấn Hoàng Văn, đề nghị trả lại tiền nhưng không được và khi Văn bị khởi tố, bà định trả số tiền này nhưng "thấy nhiều người chết quá nên sợ".

Chu Lập Cơ – chồng Trương Mỹ Lan nói không biết tiếng Việt bảo "ký thì ký"

Chu Lập Cơ – chồng của bị cáo Trương Mỹ Lan, bị cáo buộc trong các năm 2012 và 2017, theo yêu cầu của vợ là Trương Mỹ Lan đã ký khống nhiều biên bản đại hội cổ đông, HĐQT để thế chấp tài sản của Công ty Times Square, bảo lãnh cho 73 khoản vay tại ngân hàng SCB.

Vụ Vạn Thịnh Phát: Những điểm đáng chú ý nhất trong 4 ngày xét xử- Ảnh 6.

Chồng của Trương Mỹ Lan - Chu Lập Cơ. Ảnh: H.H

Hành vi của Chu Lập Cơ giúp sức Trương Mỹ Lan rút tiền sai quy định tại SCB, gây thiệt hại cho ngân hàng này hơn 9.116 tỷ đồng. Hành vi này đặc biệt nghiêm trọng nhưng vị tỷ phú cũng được đánh giá thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; tích cực hợp tác cơ quan tố tụng.

Bị cáo Cơ đang bị truy tố về hành vi vi phạm quy định cho vay theo khoản 3, Điều 179 Bộ luật Hình sự năm 1999, khung hình phạt tù 10 – 20 năm (điều khoản tương ứng ở luật 2015 có khung 12 – 20 năm tù).

Tiến hành khai báo tại tòa, bị cáo Cơ cho hay năm 2012 từng ký văn bản thế chấp tài sản để giúp Trương Mỹ Lan tái cơ cấu SCB, giúp ngân hàng vượt qua giai đoạn khó khăn.

Năm 2017 ông tiếp tục ký nhưng nghĩ: "Việc ký như năm 2012, đảm bảo khoản vay, cấu trúc lại ngân hàng này thôi. Tôi không nhận ra sự khác biệt giữa 2 lần này".

Tỷ phú Hồng Kông nói thêm bản thân không biết Tiếng Việt, cũng không ai trao đổi cho ông bằng Tiếng Việt nên không nắm được nội dung mình đã ký.

Trước câu hỏi ký theo yêu cầu của ai, Chu Lập Cơ khẳng định: "Vợ tôi, chỉ có vợ tôi yêu cầu. Tôi luôn theo ký theo lời của vợ, còn ngày tháng ký cụ thể không nhớ…".

Mối quan hệ giữa Trương Huệ Vân và Trương Mỹ Lan

Trương Huệ Vân khai tại tòa, là cháu ruột, gọi bị cáo Lan là cô và: "Được cô yêu thương từ nhỏ nên coi như là mẹ".

Theo Trương Huệ Vân, từ tỉnh cảm, uy tín, cách sống của bà Trương Mỹ Lan nên bị cáo tin tưởng. "Cô Lan còn cho ăn học, làm việc nên tin tưởng tuyệt đối theo định hướng, tầm nhìn của cô. Bị cáo làm việc trong một tập đoàn rất đông, các anh chị có trí thức nên khi thấy mọi người lăn xả vì cô, tin tầm nhìn của cô như thế thì bị cáo không nghĩ gì hết", Huệ Vân khai trước tòa.

Vụ Vạn Thịnh Phát: Những điểm đáng chú ý nhất trong 4 ngày xét xử- Ảnh 8.

Trương Huệ Vân, cháu gọi Trương Mỹ Lan bằng cô ruột. Ảnh: Lê Giang

Trương Huệ Vân cũng thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng nêu, là thực hiện chỉ đạo của Trương Mỹ Lan, Vân lợi dụng chức vụ Tổng giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để chỉ đạo cấp dưới, lập 52 công ty ma và 4 công ty khác có hoạt động thật để tạo lập 155 khoản vay tại SCB. Qua đây Huệ Vân giúp cô mình chiếm đoạt 1.088 tỷ đồng, gây thiệt hại hơn 25 tỷ đồng.

Trương Huệ Vân cũng đồng tình lời khai của các bị cáo khác về vai trò bà chủ của Trương Mỹ Lan tại ngân hàng SCB cũng như quan điểm cho rằng bản thân bị cáo "phạm tội với vai trò nguời trong gia đình".

Về số tiền rút ra được, Huệ Vân cho hay chi tiêu theo chỉ đạo của bà Trương Mỹ Lan nhưng "quá nhiều nên không nhớ hết", chỉ biết đã khai báo chính xác tại giai đoạn điều tra.

Trương Huệ Vân đang bị truy tố về tội "Tham ô tài sản" theo khoản 4, Điều 353 với khung hình phạt tù 20 năm, chung thân hoặc tử hình.

Một bị cáo khác cũng khai phạm tội vì tin tưởng Trương Mỹ Lan là Trương Khánh Hoàng, Phó tổng giám đốc phụ trách Khối tái thẩm định SCB. Anh ta đang chịu cáo buộc giúp Trương Mỹ Lan chiếm đoạt 182.842 tỷ đồng của SCB và gây thiệt hại 65.004 tỷ đồng.

Ngày 11/3 tới, theo HĐXXX, phiên tòa Vạn Thịnh Phát sẽ xét hỏi Trương Mỹ Lan và Nguyễn Cao Trí.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem