Đẹp sững sờ - Vũ điệu tình yêu của chim thiên đường!

10 ngày hành xác ở "xứ Thiên Đường": Mục sở thị loài chim đẹp hơn cổ tích (Bài 3) - Ảnh 2.

Mùa sinh sản, chim thiên đường trống Wilson cất tiếng hót kỳ diệu, chuẩn bị bộ lông huyền thoại và dọn các sân khấu biểu diễn một cách tận tuỵ, chuyên nghiệp nhất. Đó có thể là một ngọn cây cao đủ trống, đủ to, đủ đẹp; hoặc một bãi đất đủ bằng, đủ sạch, rồi chú ta cần mẫn dùng mỏ cắp từng chiếc lá xanh hoặc lá vàng hoặc bụi bẩn củi mục vứt đi nơi khác.

Khi sân khấu hoàn hảo rồi, cu cậu bắt đầu múa. Có "chàng", khi múa, đuôi cứ ánh lên như phát ánh sáng lân tinh xanh mờ ảo mơ màng (chim magnificent). Chú chim thiên đường trống khác (chim black sicklebill), đuôi dài cả mét rưỡi hai mét thõng thượt diêm dúa. Mắt chúng long lanh, tiếng kêu đầy… cám dỗ, lúc bổng trầm du dương van vỉ, lúc gào thét lanh lảnh trách móc. 

10 ngày hành xác ở "xứ Thiên Đường": Mục sở thị loài chim đẹp hơn cổ tích (Bài 3) - Ảnh 3.

Hình ảnh chim thiên đường ở dãy Arfak được mô tả từ hơn 200 năm trước

Rồi nữa, các vũ điệu thì đẹp đến mức em chim mái nào không rung rinh đổ rạp thì chỉ có thể là em ấy "mắt kém" (nói như dân gian Việt Nam là "có mắt như mù, có tai như điếc"; hoặc "đường quang không đi lại đâm quàng bụi rậm"), hoặc tối thiểu thì em ấy cũng đã trót thề thốt chung thuỷ với một bạn trống choai nào đó khác.

May thay cho các chàng chim trống. Các bạn chim mái khá thoải mái và rất phong tình (chứ ít chung thuỷ lắm). Nói vụng, chúng tôi chứng kiến các loài thiên đường múa, có chú xoè lông thành từng lớp, khi như rắn hổ mang bành ra lung linh, trượt phải trượt trái, lúc oai phong như một kỵ sỹ mặc giáp trụ đang múa các thế võ mà "nghe tiếng gió thổi hạc kêu cũng làm kẻ địch bạt vía kinh hồn"(chim black sicklebill).

10 ngày hành xác ở "xứ Thiên Đường": Mục sở thị loài chim đẹp hơn cổ tích (Bài 3) - Ảnh 4.

Chim thiên đường được in trên tem bưu chính như một niềm tự hào của đa dạng sinh học vùng Papua và cả thế giới

Có chú thì dựng tấm "mào" màu tinh khôi, vừa trắng vừa óng vàng như một miếng sáp ong hình trăng khuyết; giữa lúc ấy, ở lưng chàng dựng lên thêm các cái "bờm" bằng cánh và các túm lông lưng, lông trên đầu vàng xám xoè tròn như tán lọng; lông ở lưng và xương ở cánh xoè ra như sư tử dựng bờm dày. Màu xanh ngọc ngà như tấm voan lớn.

Cơ thể "tráng sỹ Thiên đường" bấy giờ phủ đầy các loại lông màu sắc, chúng mịn tựa nhung. Các tấm voan liên tục rung lắc, yểu điệu, rập rờn; trong khi ở lưng thì các cái bờm đủ màu xanh, trắng, vàng. Thoạt trông, chú trống choai y như một con ngựa biết bay trong Thần thoại Hy Lạp đang dựng bờm, tung cánh, thêm cái mào hình trăng khuyết bé xinh lúc thụt lúc thò (chim magnificent).

img
img
img
img
img
img
img
img

Bị quyến rũ với vẻ đẹp của chim thiên đường ở Papua, NSNA Bảy Hoang Dã đã kỳ công đi vùng Papua rồi Úc châu nhiều lần, thậm chí mang cả dụng cụ trèo dừa từ Việt Nam sang để leo cây rình chim

Không chỉ chim mái ngưỡng mộ các gã Thiên đường trống ấy, mà loài người cũng ngưỡng mộ chúng.

Cả cơ thể diệu kỳ đó cứ uyển chuyển, bay từ cành nọ sang cành kia. Một nàng chim mái, rồi hai nàng cùng thập thò ngó nghiêng. Thế rồi, bỏ cả cái sân khấu được dọn kĩ từng cọng lá khô lá tươi, chàng chim trống léo lên cây cao, chúng giao hoan dọc một thân cây thẳng đứng, bất chấp lực hấp dẫn của trái đất cứ khiến tôi lo họ khó mà thoải mái được; hoặc lơ đễnh say tình nồng là rơi cả xuống gốc cây chứ chẳng chơi.

Có chú chim thiên đường trống Western Parotia thì trông bé xíu, đen kịt, nhưng khi múa thu hút bạn tình (mái) thì trên đầu cậu ta thò ra ba cái râu, mỗi cái râu dài bằng thân xác chú, cứ vắt vẻo; lại thêm ở cuối mỗi sợi râu xuất hiện các cọng lông to tròn gần bằng đồng xu. Chúng hợp lại với nhau, phát ra ánh sáng lấp lánh, màu của nó là màu ngọc trai (như màu khảm xà cừ của sập gụ tủ chè ở Việt Nam xưa).

Chưa hết, chú chim trống, cũng lại có một miếng khảm xà cừ choán hết khoang cổ nữa hiện ra, như chú ta đeo yếm dãi của trẻ em Việt. Và, trời ơi, chú chim bé như con rẻ quạt họng vàng (còn xấu hơn vì chả có đuôi xoè ra như rẻ quạt ở ta)… - bỗng dưng biến thành một cây nấm đen. Hai chân ngắn đung đưa, toàn thân biến thành hình chóp nón (như cây nấm), như cô gái mặc váy đen ngắn đến đầu gối và váy thì xoè tròn xoe; cái đầu có "các cọng râu lạ" múa hoa cả mắt. Chú ta cuồng si trong vũ điệu lạ lùng…

img
img
img
img
img
img
img
img

Vẻ đẹp của chim thiên đường vùng Papua, qua ống kính của Tim Laman (người Mỹ), ảnh chụp lại từ cuốn sách của ông và cộng sự (Bird of Paradise)

Có chú loắt choắt đen thui, tự dưng biến mình thành các hình tròn như đĩa bay, lấp lánh trong cái chiều chạng vạng hay cái sáng tinh sương chưa tỏ mặt lá rừng ấy là những màu sắc khảm sà cừ, khảm trai lóng lánh. Rồi dăm bảy cọng lông đuôi "phát sáng"; rồi các túm lông với từng sợi rõ rệt ở đầu chú ta cứ thi nhau múa may. Xoay tít, đan xen, như một võ sỹ múa một loại vũ khí biến ảo nhất. Như vô số sợi dây nhỏ có treo các đồng xu lóng lánh (thật ra là các sợi lông mảnh màu đen có phần đỉnh chóp xoè ra hình tròn phát sáng - so các cọng lông màu bạc, vân vi như khảm xà cừ).

Lúc chim cất tiếng hót dẫn dụ "tình nhân", tôi không biết chúng có toả mùi hương cho khứu giác con mái không, còn mắt nhìn, tai nghe của các nàng đều bị mê dụ tất. Đến cái phía trong của cổ họng chàng ta (chỉ lộ ra khi há miệng hót) cũng được "sơn" màu lấp lánh, màu vàng cam, màu xanh lục lam vô cùng bắt mắt, chúng sáng lên trong chiều đã rất nhọ mặt người. Tất cả là vì mong muốn hấp dẫn "bạn gái" mà thôi, Thượng đế đã cho chim Thiên đường "không từ một phương thức thủ đoạn nào", bạn tôi ngồi rình và thì thầm hài hước.

Khi ấy, hẳn rồi, các nàng chim mái lấp ló, thập thò ngó nghiêng.

Thập thò lo mà chẳng "chết". Ba con mái, thêm ba con trống, họ ganh nhau mà phô diễn vẻ đẹp, tài năng, sự khéo léo, sức mạnh.

10 ngày hành xác ở "xứ Thiên Đường": Mục sở thị loài chim đẹp hơn cổ tích (Bài 3) - Ảnh 3.

Các nhà khoa học đã tổng kết, sự tiến hoá của loài người có sức chi phối mạnh mẽ bất ngờ của cái dạ dày và cái tình dục. Muôn loài (ít ra như chim thiên đường) tự hoàn thiện mình, múa cho khéo, hát cho hay, tập luyện cho khoẻ, rèn tài cho chín…  để thu hút bạn tình (và - nhất là với các loài khác -  để hữu dụng hơn trong mưu sinh phục vụ sự gào réo của cái dạ dày). Và do thế sự tiến hoá được đắp bồi thêm mãi. Con trống nào đẹp, khoẻ, giỏi thì được các bạn mái chọn lựa và giống nòi ưu việt của bạn ấy được đông đàn dài lũ mãi ra. Các con trống (nam giới, con đực) kém cỏi hơn thì ít được lựa chọn và "cây tiến hoá" sẽ không thịnh về phía ấy.

Các loài chim thiên đường trống, lúc không có con mái, lúc có một hoặc vài con mái, chúng không thăng hoa và quyến rũ điên đảo (cả loài người cũng ngạc nhiên và thích thú, chứ đừng nói các bạn thiên đường mái!) như vậy. Thậm chí, nhiều chú chỉ là một chấm đen kì dị giữa rừng, chúng bé nhỏ và giản dị, cho đến khi chúng nghĩ là mình cần phải múa trong mùa ghép đôi.

img
img
img
img
img
img

Chim thiên đường, loài chim huyền thoại với vẻ đẹp sửng sốt mà cả thế giới say mê. Ảnh: Huỳnh Thanh Danh, Hạnh Dung, Doãn Hoàng, và ảnh được truyền thông ở Indonesia đăng tải.

Có chú thiên đường (như Red Bird of Paradise - chim thiên đường đỏ) leo lên cây cao, gào thét, bất cứ lúc nào thấy rừng vang động là chú ta xuất hiện, vàng cam, nâu bóng, rực rỡ, đuôi dài, cánh rộng. Xiêm y lộng lẫy các chú ấy đi "hẹn hò". Có chú thì bé xíu, nhưng sở hữu hai cái râu dài gấp nhiều lần thân thể, vắt vẻo như hai cọng "râu" trên mũ của Tôn Ngộ Không - lúc chưa đội mũ của Đường Tăng và bị xiết vòng kim cô theo ông sư đi Tây Trúc thỉnh kinh.

Lúc múa tình yêu, chú ta phát ra những âm thanh trầm bổng, diệu kỳ, lúc xoáy như ốc vít lanh lảnh vào tai người nghe, lúc dìu dặt như sáo diều khuya khoắt giữa trăng mờ bên suối. Chắc nghĩ như thế chưa đủ ấn tượng, cặp "râu" dài với màu trắng ngà vân vi rung lên bần bật từng hồi, nó như tiếng ngân rung của một sợi dây đàn màu sắc giữa rừng rêu ẩm ướt (chim thiên đường trống Parotia). Đến cái cổ họng của hầu hết các loài thiên đường mà chúng tôi gặp, cũng có các thảm lông màu xanh bắt mắt đến mê muội; đến phía trong họng và khoang miệng (khi chúng há mỏ hót ca hoặc gào gọi con mái) của chúng cũng lại xanh hoặc vàng một cách không thể không thổn thức.

Tôi cứ nghĩ: các hãng điện thoại thông minh, các hãng xe hơi của thế giới mà "cóp-py" được cái tông màu ấy để sản xuất thiết bị đắt tiền thì… cứ là hàng đắt như tôm tươi cho mà xem.

10 ngày hành xác ở "xứ Thiên Đường": Mục sở thị loài chim đẹp hơn cổ tích (Bài 3) - Ảnh 4.

Đó là lý do, lịch sử thế giới đã ghi danh hai nhân vật nổi tiếng - một nhà điểu học (nghiên cứu chim) tên là Edwin Scholes - thuộc ĐH Cornell, Mỹ; một nhà quay phim, Nhiếp ảnh gia Tim Laman (đến từ Tạp chí National Geographic, Mỹ) - với câu chuyện về 8 năm liền với vô số chuyến đi chụp và nghiên cứu chim thiên đường. Họ đã thu thập trong nhiều năm, được hơn 20.000 hình ảnh và ghi âm giọng hót của tất cả 39 loài chim thiên đường đẹp nhất trên thế giới. Nhiều trăm ngày họ đã gắn bó với vùng Papua (cả của Indonesia và của Papua New Guinea) để nghiên cứu tập quán và kỳ công ghi hình, viết sách về các loài thiên đường ở nơi chúng tôi đang có mặt (và nhiều hơn thế nữa).

Nghe nói, nhiều triệu đô la đã chi phí cho siêu dự án này. Những cỗ máy họ dùng, là đặt riêng (hàng "thửa") từ các hãng máy ảnh, các hãng ống kính uy tín nhất thế giới. Chứ hàng bán ra thị trường, dẫu nửa tỷ đồng một ống kính, cũng chưa đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu của các nhà báo, nhà quay phim khi chụp chim thiên đường cho dự án khổng lồ kia. Bởi các tình huống quay phim chụp ảnh trong rừng nhiệt đới quá "hiểm hóc". Rừng mưa nhiệt đới thường tối tăm, lại chụp loài chim chủ yếu chỉ múa hót khi tinh mơ chưa tỏ mặt người hoặc khi trời tối đến mức mắt thường trông không thấy. Cuốn sách "Bird Of Paradise" ra đời từ các cuộc "hành xác" trong rừng trải dài trong 8 năm.

img
img
img

Tim Laman (người Mỹ) và hệ thống thiết bị "khủng" mà ông và cộng sự dùng để chụp ảnh quay phim chim thiên đường ở Papua. Hai ảnh trên cũng cho thấy cách nguỵ trang cho máy ảnh trên cây; và dựng lều trên cây để "rình" chim thiên đường ra sao.

Nhân chuyện kênh truyền hình National Geographic cử cán bộ sang Papua lập lều lán, đặt các cỗ máy ghi hình "siêu phẩm", thuê người bản địa nô nức đi tìm chim và làm cả lều nguỵ trang trên ngọn cây. Họ dùng kiến thức bản địa, kĩ năng sống ở nhiều đời của họ, rồi khâu dây tre vào các lá cây to bản - trong khi lá vẫn ở trên cành, không bị ngắt ra để rồi hôm sau khô héo làm mất khả năng nguỵ trang - để tạo nên các túp lều trên cây cao, cho các cỗ máy và người sử dụng ngồi thu lu trên đó "rình ngắm chim". Thậm chí nghe nói họ dùng cả hệ thống đèn với nút điều khiển từ xa, có thể "tinh tế" tăng ánh sáng dần dần cho góc rừng có chim thiên đường múa. Làm sao để ánh sáng nhích lên đến độ đủ dùng, đủ nhìn thấy và đủ để bấm máy, mà vẫn không làm các cô chú chim tinh ranh sợ hãi bay vù mất…

Trong lịch sử, ngoài đoàn chụp chim "siêu khủng" của Laman, hình như chưa ghi nhận người nào hoặc nhóm nào đủ điều kiện đầu tư như trên lần thứ hai. Chim thiên đường rất khảnh tính, nó nhút nhát và ở xa nơi các bộ tộc bản xứ sinh sống, nên không có chuyện "feed" hiệu quả (cho ăn để chúng quen và quay trở lại cho người ta rình rồi ngắm và chụp ảnh, quay phim). Thêm nữa, rừng ở Papua là rừng mưa nhiệt đới, rừng rêu, ẩm ướt và tăm tối - với nhiều yếu tố bất lợi cho các tay máy, dù từng trải và vạm vỡ trong săn ảnh thiên nhiên đi nữa.

10 ngày hành xác ở "xứ Thiên Đường": Mục sở thị loài chim đẹp hơn cổ tích (Bài 3) - Ảnh 11.

Tác giả và kỷ niệm với bà con các bộ tộc rất thân thiện tại Papua

Bởi, rêu dài từ trên cây đại thụ rủ xuống, tơ tớp, có khi mơ màng êm xốp trong nắng; thoắt cái mây mù bủa kín, mưa như trút nước. Đó là rừng mưa nhiệt đới ở vùng Xích đạo, có cả rừng rêu, đôi lúc có đầm lầy, các sinh cảnh của nhiều loài chim thiên đường. Tôi thử phơi quần áo bị ướt sũng mồ hôi, 4 ngày sau vẫn không khô tí nào. Đốt lửa lên sấy, thì toàn bộ trang phục, máy móc, đồ tuỳ thân đều sậm mùi như xúc xích hay thịt xông khói. Đi vào rừng thì ẩm ướt, bất cứ lúc nào cũng có thể mưa và chẳng mấy chốc sẽ tạnh, song, đường núi thì tạnh 3 ngày vẫn trơn như khi mưa. Lá mục, rêu dày đi lụp phụp bồng bềnh.

Đặc biệt. Mấu chốt ở chỗ là các loài chim thiên đường thì múa may rất ngẫu hứng. Có lẽ, tình yêu và tình dục từ thượng cổ đến nay và ở bất cứ loài nào nó cũng lúc nóng lúc lạnh, lúc nguội ngắt khi sôi sục kiểu thế mà thôi. Chưa hết, cái ngẫu hứng của chúng lại không bao giờ diễn ra khi sáng giời. Có khi chúng tôi rình cả ngày, cứ hễ trời đẹp thì không bao giờ có chim thiên đường. Lúc trời âm âm sau mưa, ánh sáng vừa đủ trong như thế là cực đẹp cho chụp ảnh thiên nhiên hoang dã; có khi đương chiều, nắng xiên hắt vào các rặng hoa quả mà chim thiên đường hay về ăn đỏ ối (có loại quả to như cột nhà, thân nó gồm vô số múi nhỏ xíu bằng ngón tay, người Papua hay đóng khung gỗ giữa rừng, hò nhau khiêng, vắt quả "bom" màu đỏ đó lên  - xem ảnh - để hy vọng loài ăn quả như chim thiên đường thấy hấp dẫn mà về).

img
img
img
img
img
img

Tác giả tại vùng rừng mưa nhiệt đới Papua thuộc Indonesia, cùng người dân bản địa trải nghiệm cuộc sống và lấy loại quả đặc biệt màu đỏ này về để phục vụ chim thiên đường hoang dã

Những lúc đó, Mr. Zeth cứ nói chuyện oang oang, rằng ông có một con gái, hai con giai, ông làm nghề tìm chim thiên đường này đã 36 năm, ông chỉ có một vợ chính thức nhưng trong đầu ông có hàng chục "vợ" tưởng tượng vì ông mê nhiều người. Người Mỹ, người Canada, người Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan và Úc… đến nhà ông rất nhiều, nam có, nữ có, người trẻ có, người gần 80 tuổi cũng đầy.  Ông cứ nói, chúng tôi ra hiệu im lặng để chim nó về, ông cười: chim thiên đường không bao giờ về lúc trời có ánh sáng tốt. Nó chỉ ra múa hoặc lúc tinh mơ hoặc khi trời sắp tối. Các vị cứ đòi ra ngồi chờ thì tôi cho ra để vui vui thôi.

Ở Việt Nam có một số rất ít người "chịu chơi", chịu khổ sang Papua chụp chim thiên đường, nhưng hầu hết họ đều thừa nhận chưa có bức nào thật sự ưng ý, hoặc rất ít có bức ảnh hài lòng. Nhóm chúng tôi toàn tay cự phách (trừ tôi nhà báo đi theo); anh bạn Du Mục đi Papua chụp chim dăm bảy lần rồi, vẫn khiêm tốn thở dài, "em mới chụp ghi nhận" thôi, "chưa ưng ý lắm". Vì thiên đường múa rất nhanh, múa thoăn thoắt, lại hứng tình điên đảo không biết đâu mà lần, trong khi đó, điều kiện ánh sáng rất tối. Tối đến mức mắt thường cố nheo nheo nhìn theo, cũng chỉ thấy lờ mờ.

10 ngày hành xác ở "xứ Thiên Đường": Mục sở thị loài chim đẹp hơn cổ tích (Bài 3) - Ảnh 5.

Đón đọc Bài 4: Nhân cách Bird Guide – sự nhọc nhằn của thổ dân Papua

Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem