Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Đẹp sững sờ - Vũ điệu tình yêu của chim thiên đường!
Trở lại vụ Mr. Zeth Wonger và bà con trong bộ lạc vùng Papua (Indonesia) đi tìm chim thiên đường phục vụ xem và chụp ảnh chim cho khách quốc tế. Quả là một việc không đơn giản. Trong nền kinh tế phát triển nhờ chim thiên đường của cả khu vực, việc cạnh tranh, kết nối với khách quốc tế, "mời" họ đến với dân làng mình thay vì "keo sơn" với làng khác (có rất nhiều làng xây dựng thương hiệu, mở tour dẫn khách đi xem chim thiên đường) đã khó.
Nhưng khó hơn là giữ uy tín với lữ khách kĩ tính, yêu thiên nhiên đến tận cùng và luôn biết chia sẻ trong các hội nhóm xuyên quốc gia để đảm bảo giá trị đích thực, quy luật cung cầu và tính "đỏng đảnh" của đồng tiền (thường tính theo Đô-la Mỹ) mà mình bỏ ra. Để có được "uy tín" này, theo quan sát của chúng tôi trong nhiều năm và tham vấn ý kiến người yêu chim thiên đường từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ: có một điều cơ bản mà người (các làng) kiểu như Zeth và cộng đồng thổ dân của anh cần phải nhất định tuân thủ, nếu không muốn bị tẩy chay: Nhân cách Bird Guide. Hẳn rồi, Nhân cách gồm đạo đức và năng lực.
Vẻ đẹp của chim thiên đường của khu vực Papua rộng lớn, qua ống kính của nhiếp ảnh gia Dustin Chen.
Về đạo đức, nếu người bộ tộc chỉ cần cho chim ăn quá nhiều, dụ dỗ chim làm mất (hoặc tác động tới) tập tính tự nhiên của nó là đã bị khách tẩy chay. Người ta đi 4 ngày không gặp một con chim nào, ví dụ do thời tiết mưa gió, do lũ chim chưa đến mùa ghép đôi để nhảy múa hay chỉ đơn giản là do "hên sui", thì dĩ nhiên ai cũng buồn và thất vọng. Tuy nhiên, nếu bạn có khả năng "rước" chim hoang dã về một site (khu quan sát có lều ẩn nấp) mà dàn cảnh dùng thức ăn hay tiếng gọi bầy của chúng để "dẫn dụ", thì cũng bị lên án. Nếu họ xả rác ra rừng, nếu họ ăn gian nói dối với khách (mà bị phát hiện) cũng sẽ bị tẩy chay.
Thời thế giới phẳng, không có chuyện, "không cô thì chợ vẫn đông, cô đi lấy chồng thì chợ vẫn vui". Mà đã bị tẩy chay thì coi như tiêu… nghề. Vì cộng đồng đam mê chim thiên đường và vượt nghìn trùng sóng gió theo đúng nghĩa đen (vì liên tục phải bay và đi tàu thuỷ vượt các hòn đảo), họ rất gắn kết và thông tin với nhau xuyên lục địa.
Về năng lực (tính hiệu quả) của việc dẫn khách đi ngắm và chụp ảnh chim thiên đường. Cái khó nhất là đi tìm được chim và "nín thở" theo dõi tập tính của chúng ở trong cả khu vực, đến khi chắc chắn vị trí "thường lui tới" yêu đương của chúng rồi, người đi rừng bắt đầu lập các lán bí mật.
Họ thận trọng phủ đầy các loại cây bản địa (tránh đem vật liệu từ nơi khác đến, khác "sinh cảnh", chim sẽ sợ và lẩn trốn), trước khi dẫn khách lặng lẽ "lủi" đến quan sát và chụp ảnh. Công đoạn thì dễ như trên, song, hành trình thực thi các nguyên tắc này luôn chồng chất rủi ro và cực nhọc.
Để quyến rũ "bạn gái", ngoài vẻ đẹp, sự khéo léo, tiếng hót hay, thậm chí: đến cái màu ở phía trong cổ học của chim thiên đường trống cũng rất ấn tượng! Ảnh Đ.D.H, Huỳnh Thanh Danh.
Chúng tôi chỉ "ăn sẵn" theo hoa tiêu, khi họ tìm thấy chim rồi, mà mỗi lần ngó một bạn chim thiên đường, thì phải đi bộ nửa ngày liên tục. Tối đến thì lập lều ngủ trong rừng xa nơi chim múa. Ăn uống với bà con bản xứ thì chắc chắn chỉ có cơm trắng bày trên đĩa nhựa mỏng dính, không thức ăn gì ngoài cà ri nấu với mỳ tôm (sang lắm thì bỏ thêm 1-2 con cá hộp ngâm dầu bé bằng ngón tay trỏ cho có mùi tanh - tôi gọi vui là đàn cá sơ sinh lạc mẹ).
Bữa nào sang, người rời lều dũng cảm "mở đường máu", đang đêm xách dao, đeo đèn về làng mang lên khay trứng gà công nghiệp, lên đỉnh núi, luộc lên chia nhau ăn lấy chất tanh.
Lập lán ngủ qua đêm thì không được lập gần suối, vì mưa lũ có thể cuốn trôi tất cả. Mà rừng mưa nhiệt đới thì không mưa mới là chuyện lạ!
Thế mới là: Tìm em như thể tìm chim / Chim bay bể Bắc, anh tìm bể Đông".
Chúng tôi đã trải qua những ngày mưa lớn, nước dâng cao cắt mất đường, phải bảo nhau vác các thân gỗ mục, chặt cây rừng lớn, hò nhau khiêng ra làm cầu, để dìu nhau đi qua. Thêm nữa, chim thiên đường thường ở trong rừng rêu, rừng mưa rậm rịt và ở tít trên núi cao, chỗ đó luôn rất xa dòng nước. Nếu lập lán ở ven suối quá xa, thì có khi chưa kịp ngủ phải dậy lên đường rồi, để đảm bảo tiến độ: 4 giờ sáng đã an toạ trong bụi cây, trong lều ẩn nấp, rồi nín thở chờ chim thiên đường về múa và ghép đôi hoan lạc...
Cho nên, phải lập lều ngủ không quá xa chỗ chim múa. Tức là trên đỉnh núi và ở rất xa suối. Không có nước tắm gội lau rửa, phải thuê các tráng đinh gùi nước theo để ăn uống. Quần áo bê bết thế nào thì cứ hong khô mà đi ngủ. Lều lán thì cũng lại không được gần bãi múa của chim quá, bởi ánh lửa, tiếng ồn, đặc biệt là khói bếp sẽ làm chim… say good-bye (xin chào, bỏ đi - nói theo lời Mr Zeth và Mr Tomat - người dẫn đường của chúng tôi) ngay lập tức.
Thế là ngủ qua loa, ăn nháo nhào tí cơm chay tịnh, rồi 3 giờ sáng lại lên đường "người ngựa ngậm tăm" mà đi, đèn pin cũng chỉ bật loại le lói. Người sau dẫm chân vào đúng vết chân của người trước. Cứ thế lầm lũi đi. Đau không được kêu, vui không được thổ lộ, dừng lại theo nhu cầu cá nhân nào đó cũng không dám, vì cả khi lạc đường thì… cũng không được lên tiếng mà.
Có lúc tôi bảo, chim tìm thấy thì tìm, tính sau, chỉ riêng việc đi khám phá rừng rậm Papua, rừng cận Xích đạo tuyệt đẹp, vẫn vui. Nói vậy, song cũng chẳng dám lên tiếng (dù mình mình vốn lắm mồm). Là bởi vì đoàn có nhiều người coi việc chụp được con chim đó là mục tiêu quan trọng nhất của chuyến đi, cả núi tiền họ bỏ ra, mình to mồm, chim thiên đường giật mình bay mất, làm ảnh hưởng đến quý vị đó thì có mà "ân hận suốt đời"! Thế là im lặng triền miên.
Vào lều phục kích khi trời đang tối. Lều trơn trượt, dốc núi mưa ẩm, anh em ngã oành oạch. Thề có thần rừng và danh dự của tôi, vài thành viên phải vạch lá cây ở vách lều rồi… đi tiểu xuống rìa núi. Bởi lều bé, nếu bạn muốn đi ra ngoài thì cả đoàn trước mặt bạn phải đi ra mới có không gian di chuyển. Mà với các mỗ máy lớn đã sắp đặt chi ly kĩ càng, thì việc di chuyển vị trí của chúng tôi, giữa bùn đất, chân thấp chân cao ở sườn trơn trượt, cũng đã phải mất ít nhất 30 phút. Đấy là chưa kể, thấy bóng người thập thò chim nó bay ngay, việc này thì dĩ nhiên cả quan khách và thổ dân làm hướng đạo không ai muốn.
Sinh tồn trong rừng mưa nhiệt đới vùng Papua, những người dẫn đường tận tuỵ và sự hứng khởi đặc biệt của các thành viên trong đoàn chúng tôi.
Thế là họ quản lý sự im lặng của tất cả chúng tôi. Tim Laman đã viết trong cuốn sách của ông những dòng về các bộ tộc đưa người đi xem chim kiểu này. Rất dễ thương. Họ dùng kiến thức, kinh nghiệm rồi cả các niềm tin vào "thần rừng" rất hồn nhiên để phục vụ mục tiêu "diện kiến chim thiên đường". Xin trích nguyên văn:
"Aru Islander Eli Karey explained what i had to do: "Before you climb the tree in the morning, you must get some wax from your ear with your finger, and rub it on the tree trunk. You must do this so the birds will come". Well, i thought, why shouldn't i follow the traditions of the Aru bird hunters - especially sine they were being so helpful?". (Ý là: Người dân đảo Aru, bạn tên là Eli Karey yêu cầu tôi phải làm một việc mà bạn đó cho là rất nên làm, rất hiệu quả. "Trước khi trèo cây vào buổi sáng, bạn phải dùng ngón tay lấy một ít ráy tai ra khỏi tai mình và xoa lên thân cây. Bạn phải làm như vậy để lũ chim bay đến cho bạn ngắm và chụp ảnh quay phim nhé".
Người bộ tộc này có một niềm tin "chắc nịch" vào "thủ pháp" trên. Chà, tôi nghĩ, tại sao tôi không nên làm theo truyền thống của những người chuyên tìm kiếm và có kinh nghiệm nhất thế giới trong việc tìm chim thiên đường như thế.
Trong lịch sử, chim thiên đường từng bị bắt, giết và chế tác các vật dụng trang trí đầy màu sắc rồi mang sang Châu Âu
Giữa bối ảnh đó, vì rừng mưa nhiệt đới quá khắc nghiệt, bà con nơi này phải dựng lều quan sát chim bằng tôn rồi phủ lá rừng nguỵ trang. Bởi không cái lều bằng gỗ, lá nào chịu được trong rừng mưa. Mà tiếng tôn thì mưa vào nó kêu rổn rảng. Chân máy dài gần 2m, ống kính tiêu cự 600mm, người to béo và cụ cựa liên tục (dù đã ní nót), cứ chạm vào tôn là nó kêu ầm ĩ. Có khi, trơn trượt, chim về, các bác cuống lên tìm một giây phút duy nhất để bấm máy (có thể vĩnh viễn không gặp lại nó nữa), thế là ngã vèo một cái. Vách tôn kêu to hơn tiếng sấm rền. Cũng may, lũ chim say tình, khi đã vào trò đực cái trống mái, chúng không thấy cái gì là đáng để ý trên đời nữa.
Đời chim lắm quy luật giống với đời người vậy đó.
Tâm sự với các trùm đi tìm chim thiên đường, mới biết họ công phu ra sao. Ở Papua, đất rừng mà chúng tôi đến tìm chim đã chia cho dân quản lý. Chim bay trên trời thế nào tính sau, nhưng chim múa thì phải trên cây hoặc dưới đất, vậy, rừng và đất rừng đó thuộc chủ quyền của ai? Ai may, được các loài chim càng đẹp, càng quý hiếm kéo về khu rừng của mình mà múa - thì càng thu bộn tiền. Người khác tìm chim hay dẫn khách đến, phải trả tiền cho ông bà chủ đất.
Những chiếc xe dã chiến cẩu chúng tôi đi từ lúc nửa đêm, vượt đèo núi rồi tiếp tục đi bộ vào sâu trong rừng Papua với sự kỳ thú hiện ra khắp nơi
Chúng tôi chỉ sang khu vực ở vùng làng khác để chụp chim, mà bị thu thêm 500 đô la Mỹ một lần. Vào đất của làng nào, thì phải trả tiền, thuê người vác đồ của làng đó, lại thuê xe bán tải của làng đó đi đến cửa rừng dốc dác. Mỗi nhà vài ngọn núi ủ sương mù và bao bọc bởi các dòng suối nước xiết, tất cả ềm ệp trong rừng rêu với các bạn muỗi, vắt và thi thoảng tiếng chim thiên đường kêu như xé toạc không gian.
Chim thiên đường bị giết bao năm qua và giờ vẫn bị bắt trộm để phục vụ những ham muốn ích kỷ của người đời. Rất may, vẫn có cả một giới người mê mẩn vẻ đẹp của loài chim "với tiếng hót trác tuyệt và vẻ lộng lẫy cổ xưa" này, thế là có cả một "nền kinh tế chủ đạo" ở rất nhiều bộ tộc cả vùng Papua rộng lớn ra đời từ việc đi tìm chim, tổ chức hành trình xem chim, chụp ảnh, nghiên cứu chim. Nguồn ngoại tệ bà con xứ này thu về là không nhỏ. Và vì thế, họ ra sức bảo vệ chim thiên đường, như một chiếc cần câu cơm.
Có điều này hơi đau xót, oái oăm, rằng: chúng tôi đi ngày nọ ngày kia trong rừng, tuyệt nhiên, hầu như không gặp hay chụp được một loài chim nào đáng nói ở nơi này. Trừ một con họ tu hú mắt đỏ lông nâu, trừ một con chim cu màu vàng với vài con cu xanh ăn quả đa trên ngọn cây cao. Vài chú chim két ở tít trên mây cao, kêu váng rừng già. Bọn chim chích, chim sâu bé đến mức mắt thường nhìn mãi mới thấy thì thi thoảng có chút đỉnh. Số chim đó, không bằng số chim lích rích đầu nhà tôi ở Hà Nội.
Vậy, rừng già Papua nơi tôi đi, chim biến đâu cả? Chúng tôi phát hiện ra bẫy, họ bắt chim ăn thịt hết rồi, họ mua súng từ người nước ngoài "ship" qua mạng và bắn chim, bắn thú. Ông Zeth và nhiều thổ dân ở đây cũng thừa nhận điều này cách đây chưa lâu (có thể ngay hiện tại vẫn thế) và bày tỏ lòng quyết tâm giữ chim thiên đường cho loài người ngắm.
Những sắc dân thân thiện miền sơn cước Arfak đã thật sự hấp dẫn chúng tôi.
Bà con các bộ lạc đi tìm chim thiên đường rất vất vả. Có chú ở núi cao, có chú ở tít Papua New Guinea, có cô chú chỉ cư ngụ ở các cánh rừng Papua thuộc đất nước Indonesia vạn tư hòn đảo; có chú ở hòn đảo không có máy bay, phải đi tàu thuỷ nhiều tiếng đồng hồ mới tới; có chú ở khu resort lặn biển lừng danh thế giới, cái gì ở đó cũng siêu đắt đỏ, đi chụp chim loại "tay máy" làng nhàng như chúng tôi có mà méo mặt. Nhưng, dù ở đâu và con chim thiên đường nào đi nữa, thì chúng đều có vẻ đẹp trác tuyệt riêng và được ngưỡng mộ trên diện rộng.
Thế giới có khoảng 45 loài thiên đường. Nhóm của ông Tim Laman, ông có thừa tiền tài và công sức để tìm đủ 45 loài thiên đường của nhân loại. Nhưng suốt 8 năm, họ chỉ cặm cụi ở các vùng thuộc xứ Papua rộng lớn, bởi các loài thiên đường lạ và đẹp nhất đều tập trung ở "thủ phủ" này. Tổng số, các video, ảnh và sách của họ, có đủ 39 loài đáng phải tìm kiếm nhất địa cầu.
Bà con các bộ lạc đi thuộc lòng các cánh rừng. Họ biết cây nào, quả nào, mùa nào thì chim thiên đường về ăn. Tiếng kêu của nó khi gọi chim mái ra sao. Nó phân biệt lãnh thổ thế nào. Và sân khấu nào là chỗ chúng dọn để múa dẫn dụ chim mái rồi là chỗ "nam cấu mộc vi sàng, nữ trải y vi tịch" (trai bẻ / chặt cây cối đẽo / dựng thành cái giường; gái trải áo ra làm chiếu). Họ biết, họ đánh dấu đường, họ xin phép chủ đất, chủ đồi, chủ núi. Rồi lập một cái lán lá xanh y như rừng mưa nhiệt đới và kết nối, dẫn khách xem chim, chụp chim đến. Để cưng nựng lũ chim trống mái, họ phải khiêng những quả màu đỏ lớn như cột nhà để lũ chim kéo về ăn. Có khi chim trống không về, họ cứ chăm chim mái cho trơn lông đỏ da, "thóc ở đâu bồ câu ở đó", bọn chim trống si tình Đông-gioăng tốt mã sẽ sớm muộn cũng kéo về.
Mùa nào mưa nhiều, nóng nực, ít khách xem chim, thì lều cũng khô xác; chim cũng bỏ đi rừng khác kiếm ăn. Thế là công toi. Họ lại đi đêm, soi cú, nhớ cái cây nào loài cú nào hay trú ngụ. Rồi ban ngày dẫn khách ní nót bò vào mà chụp, mà ngắm, ghi nhận, nghiên cứu. Đàn chim thiên đường, khu vực kiếm ăn nó rộng lớn, có khi phục kích cả mấy ngày luồng chim không trở lại. Chim bay theo đàn, theo luồng gồm nhiều loài, chúng cứ "bảo ban" nhau, theo hướng gió kiếm ăn.
Phóng viên Dân Việt thích thú với một tổ chim siêu cầu kỳ, đây là ngôi nhà tuyệt mỹ mà chim trống tâm huyết xây dựng để dụ dỗ chim mái về
Cũng may, thiên đường thì loài chim trống nào cũng to mồm. Chưa thấy người đã thấy tiếng. Nên bà con kiên trì phục kích, lúc theo con trống, lúc theo con mái, lúc theo tiếng kêu, lúc tìm cái tổ trong hốc cây của chúng, rồi cũng kiếm được… sinh kế. Tức là có được chim trên lãnh thổ của làng mình để đưa khách đến. Khách đến là cả làng rộn ràng: xe ô tô ra sân bay đón rước, lo cho họ ăn đủ 3 bữa rau cháo, có cả đoàn người thêm thu nhập nhờ vác ba lô, chân máy, lều trại, nước non phục vụ đoàn.
Bà con chả dư dả gì, thì họ hùn vốn làm chung, ra sân bay đón đoàn A, cách nhà cả trăm cây số, thì nhân tiện thả đoàn B chuẩn bị ra về. Đưa người cửa trước, rước người cửa sau. Cửu vạn ở trần, tóc xoăn, miệng ăn trầu đỏ ối thì lúc nào cũng có việc. Làng nọ mướn người làng kia, phải đi từ 3 giờ sáng hò gọi nhau í ới ầm ĩ dưới trăng (ở đó giờ đi nhanh hơn Việt Nam 2 tiếng đồng hồ) rồi còn kịp vào rừng ẩn nấp trước bình minh để chờ… chim múa.
Mỗi ngày, ăn uống qua quýt là họ lên rừng tìm chim. Nam giới của bộ tộc, ai cũng đeo vài cái vòng màu đen ở cổ chân, thoạt trông cứ tưởng nó bằng sắt và đã hoen ghỉ. Nên tôi gửi ảnh về, người Việt Nam nhìn mấy cậu trai tráng tóc xoăn, da đen, miệng ăn trầu đỏ loe ngồi xếp bằng tròn, mặt đăm chiêu bên bếp lửa; vài người thảng thốt: họ bị xiềng chân đồng loạt à? Họ phạm tội gì vậy? Bà con đi bộ, vắt ít khi cắn họ, làm tôi cứ nghĩ, cái vòng chân kia là bùa chú gì đó để xua đuổi côn trùng và tà ma?
Đi với họ 7 ngày, mời càng hiểu, thượng đế sinh ra con người với bàn chân (nhất là chân Giao Chỉ với các ngón toẽ ra bám đất đai của tổ tiên chúng ta!) linh hoạt như thế: lội bùn, vượt thác, bám vào núi, lút trong bùn thật hoàn hảo. Bẩn thì rửa, ướt thì lau, làm gì cũng tiện. Chẳng có giày tất nào "tiện nghi" bằng!
Chân họ bám trên rễ cây trơn, men bên mép bùn, quắp lấy các mẩu đường đi bé xíu, như chân mèo trên đá, như chân sơn dương trên vách núi. Tôi thèm có đôi chân vạn dặm như họ. Tiếc là tôi và nhiều người đã chăm sóc đôi chân và bỏ tiền mua giày lắm đến mức… chân đi bộ cũng thấy đau. Chân ấy lên núi mà tháo bỏ giày thì khỏi cần trói hay xích vẫn… tê liệt ngồi một chỗ. Thế mới nhớ hồi chiến tranh, dân quân hoặc "o du kích nhỏ giương cao súng", bắt được lính thực dân, đế quốc khỏi cần trói, tháo đôi giày giấu đi là dẫn giải đi đâu "bọn chúng" ngoan ngoãn đi theo đó. Thế lại nhớ có vị nữ hoàng, các phòng sưu tập giày của bà tính bằng… nhiều vạn đôi.
Bộ ảnh về bản sắc văn hoá, tộc người độc đáo vùng Papua New Guinea, của nhiếp ảnh gia Dustin Chen.
Bà con ở Papua đi sâu vào rừng, họ nhớ vị trí con chim ngủ ngày. Họ bậm dao vào thân cây đánh dấu lãnh địa của họ, rồi dẫn khách đi ngắm chim, chụp ảnh chim. Chim thiên đường gào gổng trên các dãy núi, lập tức được các thổ dân bám theo. Biết chỗ ăn, chỗ múa, chỗ yêu của các chàng nàng, là họ lập lán theo dõi tiếp.
Các kỹ năng đi núi, sử dụng dao rừng, vác gỗ làm cầu vượt suối, nghe tiếng chim thiên đường rồi tìm thấy các "bãi đáp" của chúng… đã được thổ dân vùng Papua phát huy tuyệt vời trong việc dẫn khách đi thăm và chụp ảnh chim. Thật sự là không có họ, mọi chuyến dõi cách thiên đường đều thất bại, thậm chí nhiều người đứng trước nguy cơ xương trắng giữa rừng mưa nhiệt đới mênh mông bể Sở.
Đón đọc Bài 5: "Chim thần" bị nhồi trấu, cắt cánh, chặt chân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.