Đẹp sững sờ - Vũ điệu tình yêu của chim thiên đường!

10 ngày hành xác ở "xứ Thiên Đường": Sự "giác ngộ" của các tín đồ chim thiên đường - Ảnh 2.

Sau 8 năm, từ năm 2004 - 2012, Tim Laman và cộng sự đã dành tổng cộng 554 ngày tại khu vực thủ phủ các loài thiên đường đẹp nhất thế giới rồi công bố chúng như một "quả bom" trong cả thế giới yêu thiên nhiên và mê bảo tồn thế giới. Đến mức, công trình của Tim và ê kíp đã trở thành biểu tượng cho chiến dịch bảo tồn rừng nhiệt đới khu vực kể trên, góp phần giảm thiểu thảm hoạ khai thác gỗ, đào mỏ, làm dầu cọ, cùng nhiều hoạt động xâm hại bảo tồn khác. Triết lý của Tim Laman đã được thế giới đặc biệt ủng hộ: "Chim có mặt ở bất kỳ đâu, từ Nam cực tới Bắc cực, cho đến cùng nhiệt đới. Nếu chúng ta có thể bảo vệ môi trường sống cho các loài chim, nghĩa là chúng ta cũng đang bảo vệ môi trường sống cho các loài khác".

10 ngày hành xác ở "xứ Thiên Đường": Sự "giác ngộ" của các tín đồ chim thiên đường - Ảnh 3.

Cuốn sách của Tim Laman và cộng sự được ông Zeth giữ gìn như một niềm tự hào về mình và quê hương mình

Quả thế, câu chuyện chúng tôi chứng kiến năm 2023 quanh dãy núi nổi tiếng Arfak và vùng phụ cận được bắt đầu theo cách này. Đúng như kịch bản diễn ra ở đảo Aru. Sách của Tim Laman viết về sự sự thức tỉnh của những người yêu thích, ngưỡng mộ vẻ đẹp và sự kỳ bí của chim Thiên đường, rất chân thực và lý thú:

Nguyên bản tiếng Anh:

"Our initial reports, brought back from a scouting trip by Shita, had not been good. Hunting of birds-of-paradise seemed to still be rampant, and display sites with nature males were nearly impossible to find, even in goverment nature reserves (…)".

Cụ thể: Những báo cáo ban đầu của chúng tôi, mang về từ chuyến đi tiền trạm của bà Shita (đơn vị tổ chức giúp các thành viên tiếp cận ghi hình chim thiên đường), không được tốt lắm. Việc săn bắt chim thiên đường dường như vẫn còn tràn lan và các địa điểm tiềm năng nhất cho việc xuất hiện chủa chim thiên đường tống, thì qua kiểm tra tiền trạm, gần như không thể tìm thấy, ngay cả trong các khu bảo tồn thiên nhiên được coi là có mức độ đa dạng sinh học cao do Chính phủ quản lý. Sau đó chúng tôi đã có một số tin tức tích cực hơn. Nhà sinh vật học và nhiếp ảnh gia người Thụy Sĩ Loic Degen, người đã đến thăm Aru thường xuyên từ năm 2001, ông đang dạy môn về bảo tồn thiên nhiên tại một trường học địa phương. Bởi vì sở thích quay phim các loài chim của không ít người dõi theo cánh chim thiên đường, họ chi trả mức phí hợp lý để nhờ hỗ trợ; từ bấy, nhiều nhóm chủ đất từ làng Wakua nhận ra rằng những con chim của họ còn sống có thể có giá trị hơn là bị săn bắt chúng rồi ăn thịt. Họ đã tạo ra một nơi đủ yên tĩnh và an toàn để thu tiền từ các nhà khoa học, điểu học, các du khách nói chung khi vào đất của họ "xem" chim. Với cả vùng rộng lớn vấn đề này đã được đặt ra nghiêm túc và hiệu quả từ hơn 10 năm trước).

img
img

Trong lịch sử, chim thiên đường từng bị bắt, giết và chế tác các vật dụng trang trí đầy màu sắc rồi mang sang Châu Âu

Lịch sử chim thiên đường bị giết hại và đem xác chúng về châu Âu "vui chơi quý tộc", đã dần có những trang tươi sáng.

Gần đây, một chủ tiệm bán đồ lưu niệm ở Sorong, thành phố lớn nhất tỉnh Tây Papua, Indonesia, nơi chúng tôi bay tới trước khi chuyển máy bay về Manokwari, đã tiết lộ với báo giới về những đồ lưu niệm làm bằng lông chim thiên đường, nó có giá hơn 100 đô la Mỹ. Nhưng vấn nạn trên đang hạ nhiệt nhanh chóng. Hơn thế, tại một số thành phố, nơi các công ty sản xuất dầu cọ hoạt động ráo riết, gần đây, một số nhà môi trường đã tổ chức cho người dân mô hình vừa giúp người dân có kế mưu sinh từ dẫn khách xem và chụp ảnh chim thiên đường; vừa chống lại nạn phá rừng và xâm hại muông thú.

img
img
img

Đôi lúc, vẻ đẹp của chim thiên đường cũng giản dị. Ảnh Đỗ Doãn Hoàng

Điều này đang được nhân rộng và bản thân nhóm người Việt chúng tôi cũng đến các ngôi làng theo mô hình này để khám phá Papua và các loài chim thiên đường. Trong những ngôi nhà sàn, với nguồn điện hạn chế từ thuỷ điện nhỏ ven suối (chưa có điện lưới), bà con nấu cơm, lo chỗ ở và mọi dịch vụ cho khách một cách tùng tiệm nhất. Có tiền từ dịch vụ, khiến bà con thật sự hào hứng và tự thấy có trách nhiệm trong bảo về môi trường, bảo vệ các loài chim.

Câu chuyện ở hòn đảo nhiệt đới lớn nhất thế giới Papua New Ghinea cũng diễn ra tương tự. Đây là quê hương của hơn 600 loài chim, trong đó có 27 loài chim thiên đường, nhiều loài chỉ có ở đây (đặc hữu) mà không thấy ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Thậm chí, Chính phủ nước này và miền Tây Papua (của Indonesia) đã dùng sự hỗ trợ đặc biệt từ Phòng thí nghiệm Điểu học Cornell của Mỹ (nơi có các nghiên cứu lừng danh đã kể ở trên)  để cung cấp những tài liệu quan trọng, những bức ảnh và video tuyệt đẹp nhằm truyền cảm hứng đặc biệt về nâng cao nhận thức, bảo tồn đa dạng sinh học nói chung và tử tế hơn với loài chim thiên đường nói riêng.

10 ngày hành xác ở "xứ Thiên Đường": Sự "giác ngộ" của các tín đồ chim thiên đường - Ảnh 6.

10 ngày hành xác ở "xứ Thiên Đường": Sự "giác ngộ" của các tín đồ chim thiên đường - Ảnh 7.

Một câu chuyện cảm động diễn ra ở dãy núi Arfak, nơi chúng tôi dành nhiều ngày "thám hiểm". Valentina Shita Prativi, là một cô gái thành thị hoạt động trong một số tổ chức phi chính phủ ở Jakarta nhằm giúp đỡ phụ nữ và trẻ em. Vào năm 2004, đến vùng hẻo lánh trù phú ở miền Trung Indonesia, cô gái trẻ đã sớm phải lòng sự đa dạng của các loài chim đáng yêu nơi này. Tình cờ, cô gặp Kris Tinige, đến từ vùng Bắc Sulawesi, anh chàng này đang sở hữu một câu lạc bộ chim ở Papua, một công ty chuyên đưa đón khách trong và ngoài nước đi thưởng lãm và ghi hình các loài chim. Cặp đôi sớm kết thân và họ thường xuyên đến dãy núi Arfak ở Papua để khám phá.

img
img

Cả nhà làm nghề dẫn khách đi xem chim thiên đường, ảnh bên phải là nhóm chụp ảnh chim từ Việt Nam đi cùng người bản địa

Một quyết định táo bạo: họ di dời đến thành phố Manokwari để sinh sống. Họ kết hôn và càng ngày càng phải lòng thiên nhiên xứ Papua. Chính bộ ảnh và các video nổi tiếng, lay động lòng người nhất thế giới về chim thiên đường của Tim Laman và cộng sự đã ra đời từ sự giúp đỡ chí tình của Shita và chồng cô. Điều này được viết rõ trong cuốn sách nổi tiếng "Birds of Paradise".

Nhưng, ngày vui ngắn chẳng tày gang, hai năm sau, vào năm 2026, chồng của Shita đã qua đời vì căn bệnh ung thư quái ác. Nén đau thương, vượt qua mất mát, Shira cùng với các đối tác tiếp tục bằng mọi giá bảo tồn thiên nhiên và tôn vinh các loài chim tuyệt mỹ của Papua, như một cách để tri ân và không phụ lòng Kris. Shita và cộng sự luôn đề cao quan điểm: đưa du khách về các vùng hẻo lánh nhiều chim chóc, để họ "ba cùng" với người dân, họ hiểu các loài chim nơi này thông qua sự gắn bó tình cảm với bà con bản xứ. 

Như thế mới là một sự khám phá thiên nhiên, văn hoá, tộc người đầy đủ. Và đó cũng là cơ hội để nâng cao nhận thức, truyền cảm hứng về bảo tồn từ du khách sang bà con các bộ lạc quanh núi Arfak và "vòng sóng" lan toả ra, rộng mãi thêm. Tình cảm với du khách, khiến cho bà con bản xứ thấy mình không thể phụ bạc họ thông qua việc đối xử ác với chim thiên đường được.

Tour đưa khách của Shia thường có điểm đầu là đảo Batanta, gần thành phố biển Sorong, để ngắm chim thiên đường Wilson và chim thiên đường đỏ. Còn đảo Salawati mà khách của Shita say sưa chiêm ngưỡng, lại có sự "phủ bóng mỹ miều" của Mambruk, một loài bồ câu đội vương miện trên đỉnh đầu. Còn dãy Arfak "quen thuộc" của chúng tôi, Shita đưa khách tới ngắm đủ 7 loài thiên đường, nổi bật là loài chim nhảy múa nổi tiếng tên là Wesstern Parotia…

10 ngày hành xác ở "xứ Thiên Đường": Sự "giác ngộ" của các tín đồ chim thiên đường - Ảnh 9.

10 ngày hành xác ở "xứ Thiên Đường": Sự "giác ngộ" của các tín đồ chim thiên đường - Ảnh 10.

Nữ thổ dân duyên dáng

10 ngày hành xác ở "xứ Thiên Đường": Sự "giác ngộ" của các tín đồ chim thiên đường - Ảnh 11.

10 ngày hành xác ở "xứ Thiên Đường": Sự "giác ngộ" của các tín đồ chim thiên đường - Ảnh 12.

Kỷ niệm đẹp của đoàn khách khám phá thiên nhiên hoang dã người Việt tại Tây Papua

Tuy nhiên, cũng không phải không có "những ổ chim lừa" theo những cung cách không giống ai ở một số khu vực mà chúng tôi không nêu tên cụ thể. "Chưa lần nào tôi và bạn bè tôi đi tìm chim mà không gặp phải các sự vụ đau đầu", một chuyên gia thở dài. Điều này khiến chúng tôi không thôi ước mơ, giá mà việc quản lý các dịch vụ này được chuyên nghiệp, có "nhạc trưởng" rồi tử tế hơn!

Có lần, sau khi làm hợp đồng trọn gói; tóm lại người ta chỉ mua vé máy bay khứ hồi đến hòn đảo (thành phố) đó, mọi việc "cơ sở bản địa" lo tất. Họ cũng cam kết ở vùng đó có sự cư ngụ và xuất hiện khá thường xuyên của một vài loài thiên đường, có ảnh kèm theo làm dẫn chứng.

img
img

Người bản xứ tận tuỵ cõng máy móc thiết bị, hỗ trợ các nhiếp ảnh gia đi tìm chim thiên đường ở Tây Papua

Rất bài bản!

Thế là khách đặt cọc. Bay tới. Họ đón. Nhưng ăn thế nào, ở thế nào là ngẫu hứng của người quản lý cơ sở lưu trú và tour đi tìm chim đó. Có một người bạn chụp chim thiên đường nổi tiếng, nghe nói, đã phải kiện các dịch vụ không như cam kết ra… công an. Bởi, có khi, họ tiền thu nhiều mà dịch vụ không như cam kết. Có khi, thay vì 40 đô một ngày xe đưa đón đi chụp chim, đi được 2 buổi, họ bảo: xe hỏng. Nếu muốn đi tiếp, phải sang làng bên thuê xe, mà làng đó giá mỗi ngày thuê xe là 400 đô la. Quý vị có thuê thì để tôi đăng kí giúp kẻo hết xe. Mọi việc toàn nói… mồm, vì họ có người biết nói tiếng Anh, song không viết được một chữ nào để có bằng chứng đòi quyền lợi. Không lẽ cái gì cũng… ghi âm?

Ví dụ, họ luôn có cái giọng, đại ý: Vâng. Chim trời cá nước, hên thì gặp, sui thì không gặp chúng, làm sao mà trách ông trời hay trách người tổ chức tour tuyến hành trình được. Đợi cả ngày, chim không về vì con trống nó đang không ưa con mái, lại thêm mưa gió não nùng. Toàn là vì lý do khách quan, làm sao tôi biết được.

Họ nói vậy có khi thật, nhưng cũng có rất nhiều khi là họ cứ dẫn khách đi rừng cho hết ngày. Đi đến chỗ họ biết không có chim, nhưng cứ thả khách ở đó "rình mò" cả ngày rồi về ngủ, tiền Đô la thì tính theo ngày. Nếu ngắm và chụp một buổi được vài loài chim đẹp, thì khách sẽ sớm rời khỏi đảo. Lấy ai trả tiền tour? Lấy ai thuê dẫn đường, vác hành lý, nấu cơm, dựng lều và mở ví tặng tiền TIP cho cả chục người một lúc!?

img
img

Người bản xứ tận tuỵ hỗ trợ vác máy ảnh cho nhà báo vượt suối, quả là những tấm tình xúc động

Thế nên, ngoài việc chụp chim thiên đường thật sự khó, đôi khi vẫn diễn ra các thủ đoạn: để có thu nhập "kéo dài", không ít "bird guide" đã dựng tạm một cái lều, nói rằng chỗ đó sẽ có chim về múa, cực đẹp. Rồi bỏ đi đâu đó cả ngày, sâm sẩm tối, họ đón khách về ngủ. Thật ra, với kinh nghiệm "người rừng" của họ, họ biết rõ: không thể nào có cảnh chim thiên đường trống hứng tình múa đẹp mê ly ở khu ấy đâu. Chỉ là nghề nào cũng phải có "võ".

Thậm chí, khi khách đề nghị là đi đến khu vực mà bạn tôi vừa chụp được cảnh chim múa hôm qua, thì xác xuất "gặp" sẽ nhiều hơn. Họ đồng ý. Nhưng, tối lại quay ngược luôn: "Cái khu vực ngày mai các quý ngài định đi ngắm chim à, không đi nữa nhé, vì có đoàn khách nước khác đến đăng ký trước mất rồi. Tôi không biết làm sao. Cả hôm tới nhé, không đi được, vì lều bé, ngồi được 3 người thôi. Quý vị đi núi khác, chỉ cách có 3 giờ đi bộ leo núi thôi!

10 ngày hành xác ở "xứ Thiên Đường": Sự "giác ngộ" của các tín đồ chim thiên đường - Ảnh 15.

Bữa sáng thịnh soạn bất ngờ, với cơm cháy nấu nồi giang bằng củi giữa rừng mưa, và hai quả trứng luộc bình thường, bữa chính của chúng tôi và bà con cũng chỉ có cơm trắng và rau

À, mà hôm qua tôi cho các ngài ăn chuối chín thay cơm. Các ngài không ăn hết lại treo chuối lên với hy vọng nhử chim về ăn chuối để ngắm và chụp. Chim có về đâu, các vị dại quá. Và, dân làng vừa mật báo, các vị đã làm phá vỡ cảnh quan, xâm hại khu site chim quý giá của làng bên. Nay họ cấm các vị từ nay không được đến khu vực đó nữa, cấm vĩnh viễn. Dân làng vừa họp và ra "nghị quyết" rồi. Nếu muốn chụp tiếp các con thiên đường tuyệt đẹp ấy, phải đi rất xa sang làng bên. Làng ấy, muốn đến lãnh thổ của họ phải đi qua suối, phải bắc cái cầu mà đi. Phải thuê xe của họ và lao công vác đồ của họ, rồi dựng lều ngủ đêm trên núi. Rồi trả thêm 500 đô la một lần vào lãnh thổ của họ, số tiền này cứ đưa tôi, tôi sẽ thay mặt và thanh toán chu đáo, vì quý vị và họ không hiểu ngôn ngữ của nhau.

Toàn những "cái lý" buồn cười kiểu như trên, dù biết đằng sau là cái gì, "bước chân đến xứ nhà người / thấy trẻ lên mười cũng phải gọi bằng anh", khách đành ngậm bồ hòn làm ngọt.

Không lẽ leo cây đến lúc hái quả lại tụt xuống. Thế là bèn góp tiền lại, nếu chụp được một con chim thiên đường đẹp, thì thưởng trưởng đoàn dẫn lối 100 đô la Mỹ. Các phu khuân vác đều được TIP có khi hai lần mỗi ngày, cữ sáng và cữ tối. Thế là họ túa đi dẫn khách, dẫn từ đất làng nọ sang đất làng kia, bao nhiêu "vi phạm" bỏ qua hết, bao nhiêu ông trưởng làng đi núi không liên lạc được để "hỗ trợ" nghệ sỹ nhiếp ảnh, bỗng lù lù trở về. Các quy định "cấm vĩnh viễn" của làng bên bỗng bị bãi bỏ.

img
img
img

Rừng rêu và dây leo phủ kín như một tấm mành mành tạo nên vẻ đẹp giữa rừng Papua

Họ đưa người có tiền đến mọi ngóc ngách: hóa ra khu vực chụp được con chim lừng danh thế giới ở ngay đầu bản làng của họ, đủ gần để ngồi rình mà vẫn thấy chó mèo vật nuôi đi cung quăng ngơ ngác. Và, lúc chụp thì chim về dạn đến mức, huýt sáo, đứng dậy đi ra về, chim vẫn lơ mơ yêu đương tình tự chả thèm ý kiến ý cò gì.

Dù lắm mánh, tất nhiên, họ không để khách thất vọng toàn tập, vì sợ họ bị "tố" hay "comments" (bình luận) tiêu cực trong các hội nhóm mạng xã hội rồi internet nói chung. Họ làm các việc trên âm thầm, cao tay, không tuyên bố, thậm chí rất dịu dàng; để những khách hàng bị "vào tròng" cứ tưởng thất bại của mình là do yếu tố khách quan.

10 ngày hành xác ở "xứ Thiên Đường": Sự "giác ngộ" của các tín đồ chim thiên đường - Ảnh 17.

Tôi phân tích, viết ra sự thật trên một cách nhẹ nhàng, như viết nhật ký hành trình cho mình thôi. Nhật ký thì phải đủ các sắc thái như sự thực ở đời vốn có. Nghề nào cũng có "võ" của họ, cuộc sống thế mới vui. Cái quan trọng nhất là khách lãng du được an toàn sau hành trình dằng dặc, được thoả nguyện yêu thiên nhiên; việc chi phí nếu bị đội cao lên qua các "mánh" nào đó của thổ dân sở tại, thì cũng như quý vị đang TIP, đang làm từ thiện nhiều hơn cho các sắc dân vạm vỡ và nhiều cam khó nơi ấy. Một thế giới đẹp tựa cõi thiên đường của các loài chim thiên đường, của rừng mưa nhiệt đới mênh mang kỳ ảo, với những làng thiểu số lắc lơ đầy bản sắc… - tất cả đã trở thành hành trang đẹp trong cuộc sống của tất cả chúng tôi. Một hành trình dịu ngọt!


Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem