30 năm Mỹ bỏ cấm vận thương mại: Ghi nhận tầm quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu
30 năm Mỹ bỏ cấm vận thương mại: Ghi nhận tầm quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu
V.N
Thứ bảy, ngày 03/02/2024 09:15 AM (GMT+7)
Hôm nay 3/2/2024, kỷ niệm tròn 30 năm Mỹ bỏ cấm vận thương mại với Việt Nam. Nhân dịp kỷ niệm này, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper gọi đây là “một sự kiện tốt lành” để quan hệ kinh tế thương mại bùng nổ và cho biết Mỹ tin tưởng vào vị trí quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tổng thống Bill Clinton tuyên bố bãi bỏ lệnh cấm vận thương mại của Mỹ với Việt Nam ngày 3/2/1994. Ảnh: AP.
"Lòng tin vững chắc"
Lệnh cấm vận thương mại của Mỹ với Việt Nam bắt đầu từ năm 1975 được Tổng thống Mỹ Bill Clinton tuyên bố bãi bỏ vào chiều 3/2/1994 tại Washington D.C. và đến mùa hè năm 1995 hai nước bình thường hóa quan hệ. Đó là sự kiện mà theo Đại sứ Knapper đã "mở đường cho tất cả các bước phát triển tuyệt vời mà hai quốc gia đã đạt được trong thương mại song phương và quan hệ kinh tế".
Theo con số của Đại sứ Marc Knapper, riêng trong năm 2022, kim ngạch thương mại hai song phương giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đã đạt 139 tỉ USD, tăng gấp 300 lần so với năm 1995. Điều này có nghĩa là Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ tám của Hoa Kỳ trên thế giới và đối tác thương mại lớn nhất của Hoa Kỳ ở ASEAN. Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn thứ hai và thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. “Chúng tôi có lòng tin vững chắc vào tầm quan trọng của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng toàn cầu” – ông Knapper nói trong tuyên bố ngày 2/2/2024.
Đại sứ Knapper cho biết, khi Tổng thống Biden đến thăm Việt Nam vào năm ngoái, Mỹ đã cam kết hợp tác với Việt Nam để giúp phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và các ngành công nghệ cao khác; hợp tác với Việt Nam xây dựng lực lượng lao động cho thế kỷ 21 với các nhà khoa học, kỹ sư máy tính và công nghệ thông tin có thể làm việc trong nền kinh tế công nghệ cao mà Việt Nam và Hoa Kỳ hướng tới. Theo Đại sứ Knapper, Mỹ “rất hào hứng với quan hệ hợp tác đang chờ đợi chúng ta trong tương lai”.
Đại sứ Knapper cũng “hoan nghênh tất cả những cải cách kinh tế to lớn dựa trên cơ chế thị trường mà Việt Nam đã thực hiện, cũng như các cam kết của Việt Nam”. Ông khẳng định: “Chúng tôi cam kết hợp tác và hỗ trợ Việt Nam một cách sâu rộng trong quá trình Việt Nam tiếp tục chuyển dịch sang nền kinh tế thị trường”.
Trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng thống Biden năm ngoái, theo yêu cầu của Việt Nam, chính phủ Hoa Kỳ đang xem xét quy chế kinh tế phi thị trường của Việt Nam, hay nói cách khác là mong muốn của Việt Nam là được công nhận là nền kinh tế thị trường. Đại sứ Knappercho biết: “Đây là việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ đang tiến hành. Và họ có thời hạn 270 ngày để thực hiện việc này. Quy trình này bắt đầu vào tháng 10 năm ngoái và bao gồm việc lấy ý kiến đóng góp công khai”.
Đại sứ nhấn mạnh: “Chúng tôi, chính phủ Hoa Kỳ, cam kết thực hiện một quy trình công bằng và minh bạch, phù hợp với các quy tắc quốc tế. Đây không phải là một quyết định chính trị mà về cơ bản là một quyết định bán tư pháp. Và vì vậy chúng tôi chờ đợi Bộ Thương mại Hoa Kỳ tiếp tục nỗ lực thực hiện điều này”.
Sự kiện chấn động
Khi Tổng thống Clinton dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại kéo dài 19 năm đối với Việt Nam, ông cho rằng sự tan băng trong quan hệ giữa hai cựu thù là “cách tốt nhất” để đảm bảo tiến bộ trong việc giải quyết số phận 2.238 quân nhân mất tích trong cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam.
Những nỗ lực của Việt Nam khi nhìn nhận việc tìm kiếm các quân nhân Mỹ mất tích, coi đó là vấn đề nhân đạo cần thúc đẩy một cách tích cực đã được phía Mỹ ghi nhận.
Việc dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại với Việt Nam cho phép các công ty Mỹ ham gia đầy đủ vào một thị trường mới đang phát triển nhanh chóng và cho phép công dân Mỹ đi lại và làm việc tự do tại một quốc gia nơi đã trải qua cuộc chiến tranh lâu dài nhất.
Sau tuyên bố của ông Clinton, phía Mỹ mở văn phòng "liên lạc" tại Hà Nội để giúp cung cấp thông tin về quân nhân mất tích, hỗ trợ khách du lịch và các doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam. Phía Việt Nam cũng mở văn phòng liên lạc ở Washington.
Tháng 7/1995, ông Clinton thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ với Việt Nam. Khi đưa ra quyết định đó, Clinton cho biết ông đã có sự tư vấn của Thượng nghị sĩ John McCain, một cựu phi công hải quân từng là tù binh chiến tranh ở Hà Nội. Về phần mình, ông McCain gạt bỏ những lời chỉ trích về động thái của Clinton trong một số giới bảo thủ, tuyên bố đã đến lúc Mỹ bình thường hóa quan hệ với kẻ thù cũ của mình.
Các cựu chiến binh Mỹ có vai trò quan trọng trong việc vận động bình thường hóa quan hệ, trong số họ bao gồm cả cựu Thượng nghị sĩ John Kerry, người sau này trở thành Ngoại trưởng Mỹ và cho đến gần đây là đặc phái viên về khí hậu của Mỹ.
Tháng 11 năm 2000, ông Clinton trở thành tổng thống đầu tiên của Mỹ đến thăm Việt Nam kể từ khi chiến tranh kết thúc. Quan hệ giữa hai nước phát triển nhanh chóng và tốt đẹp trong mọi lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực kinh tế thương mại. Kể từ chuyến thăm của ông Clinton, tất cả các tổng thống Mỹ tiếp theo đều tới thăm Việt Nam trong nhiệm kỳ của họ, trong đó lần đầu tiên Tổng thống Mỹ Biden đã thăm theo lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam vào tháng 9/2023, đặt dấu mốc cho những tiến triển mới, những tầm vóc mới, lĩnh vực mới trong quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước.
"Chúng tôi mong muốn tiếp tục hợp tác với Việt Nam, làm sâu sắc và tăng cường hơn nữa mối quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước. Đây là một câu chuyện tuyệt vời đáng để kể và một dịp kỷ niệm đáng để chúc mừng" - Đại sứ Knapper nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.