Chiều 6/7, giá vàng miếng SJC đã chính thức vượt mốc 50 triệu đồng/lượng khi chốt ở mức 50,2 triệu đồng/lượng, đây là mức giá cao nhất trong lịch sử thị trường vàng trong nước. Trước đó, mức đỉnh được ghi nhận vào năm 2011 chỉ khoảng 49,5 triệu đồng một lượng.

Cơn điên giá vàng bắt đầu

Nhịp cầu nối đôi bờ vui khơi “mạch máu” làm đổi thay nông thôn - Ảnh 1.

Đến sáng ngày 7/7, các doanh nghiệp bán vàng tiếp tục đẩy giá vượt xa mốc này, công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng mua vào 49,87 triệu đồng/lượng, bán ra 50,35 triệu đồng/lượng,

Tại Hà Nội, Tập đoàn DOJI giao dịch giá vàng SJC mua vào 49,95 triệu đồng/lượng, bán ra 50,2 triệu đồng/lượng. Một số ngân hàng thương mại còn đẩy giá vàng SJC lên mức cao nhất là 50,37 triệu đồng/lượng bán ra, chiều mua vào 49,8 triệu đồng/lượng.

Trong khi đó, giá vàng thế giới lúc này được giao dịch ở mức 1.775 USD/ounce,rẻ hơn giá vàng SJC cả nửa triệu đồng mỗi lượng.

 - Ảnh 2.

Giá vàng vừa trải qua chuỗi 36 ngày lên xuống điên rồ

Lý giải cho việc giá vàng vượt mốc 50 triệu đồng/lượng, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam, cho rằng tiền gửi ngân hàng giảm mạnh và thanh khoản chứng khoán thấp nhất trong 2 năm qua khiến nhiều nhà đầu tư cá nhân tìm đến những kênh đầu tư hấp dẫn khác, trong đó có vàng.

Về xu hướng giá vàng những ngày tiếp theo, ông Khánh nhận định giá vàng trong nước trụ vững hay không còn tùy thuộc vào diễn biến giá thế giới. Giá kim loại quý đang giằng co dưới mức 1.800 USD/ounce, thấp hơn mức đỉnh lịch sử năm 2011 nhưng nếu tính theo tương quan với USD thì đây cũng là mức cao nhất từ trước tới nay.

Từ khi bứt lên 50 triệu đồng/lượng hôm 7/7, 2 tuần tiếp theo, phần lớn thời gian giao dịch của giá vàng đều đứng vững trước mốc này.

Tuy nhiên sáng ngày 21/7, giá vàng trong nước tiếp tục tăng mạnh theo xu hướng tăng của thị trường vàng thế giới.

Tại công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn, giá vàng miếng SJC bán ra ở Hà Nội và TP. HCM lần lượt là 51,08 triệu đồng và 51,06 triệu đồng mỗi lượng. So với giá vàng thế giới quy đổi (50,93 triệu đồng/lượng), vàng SJC cao hơn từ 20.000 đồng cho tới 130.000 đồng mỗi lượng.

Đây cũng là hãng vàng duy nhất yết giá vàng vượt trên 51 triệu đồng/lượng ngay khi mở cửa giao dịch. Chênh lệch giá mua bán vẫn duy trì ở mức 400.000 đồng/lượng.

Đến khoảng 9h15 cùng ngày, Tập đoàn Phú Quý cũng nâng giá vàng miếng SJC lên 50,75 triệu đồng/lượng (mua vào) và 51 triệu đồng/lượng (bán ra). Bảo tín Minh châu và Tập đoàn DOJI đều đồng loạt yết giá bán ở mức 50,95 triệu đồng/lượng.

Thời điểm này, vàng thế giới đã có lúc vọt lên cao nhất 1.821,9 USD/Ounce. Giá vàng đã dao động gần mức cao nhất trong 9 năm qua nhờ sự yếu đi đáng kể của đồng USD và lượng tiền dồi dào trên thị trường tài chính ở các nước phát triển. Để hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, các ngân hàng trung ương đã đưa ra các biện pháp nới lỏng, đưa mặt bằng lãi suất xuống thấp hơn đáng kể, đã hỗ trợ đà tăng hiện tại của thị trường này.

 - Ảnh 3.

"Cơn điên" của giá vàng chưa dừng lại ở đó, sáng ngày 23/7, giá vàng thế giới trên sàn Kitco.com giao dịch ở mức 1.872,40 - 1.873,40 USD/ounce, mức cao nhất gần 9 năm (mức kỷ lục xác lập năm 2011 là 1.920,7 USD/ounce), nhưng các chuyên gia nhận định, giá vàng còn cơ hội tăng trong thời gian tới.

Tính từ đầu năm đến nay, giá vàng đã tăng khoảng 20%, ngang bằng mức tăng của cả năm 2019. Còn nếu so với cùng kỳ, giá vàng tăng đến 30%. Giá vàng tiếp tục xu hướng đi lên trong thời gian qua.

Trong nước, giá vàng SJC niêm yết ở mức 52,3 - 53,3 triệu đồng/lượng.

Các chuyên gia tài chính cho rằng, ở vào thời điểm hiện tại, vàng là một lựa chọn hàng đầu nhờ độ an toàn cao và dòng tiền dư thừa lớn chảy không ngừng vào mặt hàng kim loại quý.

Giá vàng phá vỡ ngưỡng 1.800 USD/ounce, nhưng dịch Covid-19 chưa giảm thì giá vàng chưa hết “sóng” trong tời gian tới. Giá vàng được dự báo sẽ chạm mốc lịch sử của năm 2011 trên 1.900 USD/ounce và thậm chí cao hơn nữa là 2.000 USD/ounce.

Theo ông Trần Thanh Hải, chuyên gia lĩnh vực vàng, lâu nay nhiều người xem vàng là một đồng tiền quốc tế vì thanh khoản luôn cao.

Đồng thời, vàng chính là tài sản giúp chống lại lạm phát và là nơi trú ẩn của giới đầu tư trong các giai đoạn căng thẳng. Đáng chú ý, trước diễn biến của đại dịch Covid-19, nhà đầu tư tìm đến hầm trú ẩn vàng nhiều hơn trong thời gian qua và gần đây.

 - Ảnh 4.

Người dân đổ xô đi mua-bán trong bối cảnh vàng không ngừng tăng giá

Từ thời điểm này, sức “nóng” của giá vàng khiến nhiều người đứng ngồi không yên, nên chuyển hướng vào kênh này để kiếm lợi nhuận. Trong đó, một số nhà đầu tư nhỏ, lẻ đã rút tiết kiệm khi lãi suất trong xu hướng đi xuống để mua vàng.

Thậm chí, không loại trừ khách hàng bán bất động sản để chuyển hướng đầu tư, vì theo tính toán của họ, vàng được dự báo còn chạm mốc 2.000 USD/ounce, thì mua lúc này vẫn lãi.

Không làm nhà đầu tư thất vọng, 9h sáng ngày 24/7, vàng tại SJC, Eximbank, Doji và Bảo Tín Minh Châu được niêm yết quanh vùng giá 55 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.

Cụ thể, SJC dao động trong khoảng 55,07 – 55,09 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra. Ở chiều mua vào, giá vàng tăng từ 53,5 triệu đồng/lượng lên 53,9 triệu đồng/lượng.

Tại Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji, giá vàng SJC cũng được niêm yết ở mức 53,7 triệu đồng/lượng ở chiều mua và 54,6 triệu đồng/lượng ở chiều bán.

Còn tại hệ thống Bảo Tín Minh Châu, vàng miếng miếng SJC được mua vào với giá 53,8 triệu đồng/lượng và bán ra với giá 54,75 triệu đồng/lượng.

Chênh lệch giá mua - bán tại thị trường trong nước hiện dao động từ 900.000 - 1,19 triệu đồng/lượng.  Vào cùng thời điểm, giá vàng giao ngay trên thị trường thế giới quay đầu giảm 0,17% về mức 1.884,31 USD/ounce.

Trước diễn biến tăng nóng trên thị trường, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh TP. HCM cho biết giá vàng trong nước diễn biến tăng phù hợp với mức tăng của giá vàng quốc tế,  giao dịch mua, bán trên thị trường ở mức bình thường, không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua vàng mà còn có hiện tượng một số người dân có xu hướng bán vàng ra khi giá vàng cao.

Ông Minh cũng cho biết theo các chuyên gia, trong thời gian tới giá vàng thế giới còn diễn biến phức tạp, chủ yếu phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới cũng như diễn biến căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Do vậy, giá vàng trong nước có thể biến động tăng, giảm theo giá vàng thế giới. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng giá vàng trong thời gian này còn nhiều yếu tố rủi ro.

Vàng thế giới vượt 2.000 USD/Ounce

 - Ảnh 5.

Mở cửa phiên sáng 5/8, giá vàng thế giới đã tạo lập đỉnh mới ở 2.031 USD/Ounce, sau khi tăng vọt qua mức tâm lý 2.000 USD/Ounce vào đêm 4/8, tăng hơn 32% từ đầu năm đến nay và tiếp tục đà tăng giá chưa từng có kể từ năm 1979. Bám sát thế giới, giá vàng trong nước cũng vượt mạnh qua mốc 58 triệu đồng/lượng.

Theo đó, tính đến 10 giờ, công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng cùng thương hiệu tại thị trường TP Hồ Chí Minh ở mức 57,40 triệu đồng/lượng (mua vào) và 58,60 triệu đồng/lượng (bán ra). Biên độ mua vào - bán ra ở mức 1,2 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức 57,30 triệu đồng/lượng (mua vào) và 58,30 triệu đồng/lượng (bán ra). Biên độ mua vào - bán ra ở mức 1 triệu đồng/lượng.

Tiếp đà tăng, tính đến 10h50 sáng 10/8, giá vàng trong nước đã chính thức vượt mốc 60 triệu đồng/lượng. Cụ thể, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC mua vào bán ra ở mức 59,45-60,72 triệu đồng/lượng. Doji Hồ Chí Minh niêm yết giá vàng ở mức 59,5 – 60,5 triệu đồng/lượng.

NHNN cho rằng mức tăng của giá vàng miếng SJC trong nước phù hợp với mức tăng của giá vàng quốc tế. Tuy nhiên, khác với trước đây, khi giá vàng tăng thì mọi người thường đổ xô đi mua vàng, hiện nay giao dịch thị trường không có đột biến, tình hình mua, bán vàng miếng trầm lắng, doanh số mua, bán vàng đã giảm khoảng 30% so với cùng thời điểm năm ngoái.

 - Ảnh 6.

Nhiều người giao dịch, kiếm bộn tiền từ vàng

Theo NHNN, nguyên nhân chủ yếu của đợt tăng giá vàng này là nhu cầu đầu tư vào vàng như một tài sản an toàn ngày càng tăng trong giai đoạn kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra như hiện nay.

Chính phủ và ngân hàng trung ương các nước lần lượt triển khai các gói kích thích kinh tế để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch. Kì vọng về lạm phát tăng trên toàn cầu và việc lợi tức trái phiếu chính phủ 10 năm của Mỹ đã giảm xuống mức âm 1,06%.  Ngoài ra, căng thẳng thương mại giữa các nước lớn cũng là nguyên nhân khiến vàng tăng giá.

Dự báo về xu hướng sắp tới, NHNN cho rằng, trong thời gian tới, giá vàng thế giới có thể còn biến động khó lường, chủ yếu phụ thuộc vào diễn biến phức tạp của đại dịch bệnh trên toàn cầu, cũng như tình hình địa chính trị trên thế giới.

"NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá vàng trên thị trường, nếu có diễn biến bất thường, NHNN sẽ có các giải pháp và đủ nguồn lực để bình ổn thị trường", cơ quan này khẳng định.

Theo đà tăng tốc của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước sáng (7/8) vượt mốc 62 triệu đồng/lượng.

Thời điểm này, Tập đoàn Vàng bạc Phú Quý niêm yết giá vàng SJC ở mức 61 - 62 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Tại Công ty Vàng bạc Đá quý Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng SJC ở mức 60,5 - 62,1 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 6/8, giá vàng thế giới tiếp tục xác lập kỷ lục mới nhờ kỳ vọng về các biện pháp kích thích mới, giữa lúc sự gia tăng số ca nhiễm Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ.

Lúc 2 giờ 10 phút sáng theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 0,8% lên 2.055,87 USD/ounce, sau khi có thời điểm vọt lên mức cao kỷ lục 2.069,21 USD/ounce. Chốt phiên này, giá vàng giao dịch kỳ hạn tại Mỹ tăng 1% lên 2.069,40 USD/ounce.

"Trái đắng" của nhà đầu tư vàng

 - Ảnh 7.

Trong bối cảnh giá vàng tăng "điên loạn", một bộ phận người dân có vàng tích trữ đã đổ xô đến các cửa hàng vàng để bán vàng, bên cạnh đó nhiều nhà đầu tư cho rằng giá vàng sẽ lên mốc 80 triệu đồng/lượng nên vẫn đang dốc hết tiền để mua vàng đầu tư.

Đội mưa ôm bao tiền đi mua vàng, ông C (trú tại Đống Đa, Hà Nội) cho biết ông bà đã ngồi xếp hàng gần 1 giờ mới đến lượt mình nhưng cửa hàng trên phố Cầu Giấy báo hết vàng miếng SJC, di chuyển thêm 2km sang trụ sở SJC ở Giang Văn Minh thì giá vàng đã tăng từ 59,8 triệu đồng/lượng lên 60,7 triệu đồng/lượng.

Trao đổi với PV, anh Lê Tuấn một khách hàng sóng tại TP. HCM chia sẻ, anh vẫn tiếp tục mua vàng để “lướt sóng” trong thời gian này bởi giá vàng có thể sẽ tiếp tục tăng. Theo anh Tuấn, do gia đình ít sử dụng xe hơi nên anh vừa bán một chiếc ô tô Mercedes C200 đời 2015 để lấy 900 triệu đồng đầu tư vào vàng.

“Tôi nghĩ vàng có thể tăng thêm khoảng 2 – 3 triệu đồng/lượng trong thời gian tới nên bán xe để có thêm vốn liếng đầu tư cho vàng”, anh Tuấn nói.

Trước đó, tại thời điểm giá vàng đạt ngưỡng 57 triệu đồng, việc cụ bà tuổi 80 nhờ con cháu đem tiền lương hưu ước tính hơn 100 triệu đồng để mua vàng, cho thấy nhu cầu mua và bán vàng hiện nay khiến kim loại quý này trở thành kênh đầu tư nhộn nhịp nhất trong bối cảnh kinh tế đang bị tác động bởi dịch Covid-19 hiện tại.

Tuy nhiên, trái với dự đoán về đà tăng của vàng của nhà đầu tư, sau khi liên tục tăng lập các mức lịch sử, giá vàng SJC đã nhanh chóng mất mốc kỷ lục 62,5 triệu đồng do áp lực chốt lời trong nước gia tăng.

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi tăng 1,15 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 1 triệu đồng/lượng chiều bán ra trong ngày hôm qua, giá vàng SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn mở cửa sáng nay ngày 8/8 tại Hà Nội đã giảm mạnh trở lại 2,25 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 2,1 triệu đồng/lượng chiều bán ra, hiện niêm yết tại mức 58,50 – 60,32 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Tại thị trường TP.HCM, giá vàng SJC cũng niêm yết ở mức 58,50 – 60,30 triệu đồng/lượng.

Đến ngày 10/8, mở cửa phiên giao dịch đầu tuần mới, giá vàng SJC ở Hà Nội đã giảm 1,14 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 1,34 triệu đồng/lượng chiều bán ra, hiện niêm yết tại mức 57,36 – 58,98 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần tại Mỹ giảm 28,4 USD xuống 2.034,8 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng giảm xuống gần 2.028 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 9 trên sàn Comex New York tăng 9,6 USD lên 2.023,9 USD/ounce.

Giá vàng SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn mở cửa sáng ngày 11/8 tại Hà Nội tiếp tục giảm thêm 1,57 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 1,36 triệu đồng/lượng chiều bán ra, niêm yết tại mức 55,08 – 56,94 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Tại thị trường TP.HCM, giá vàng SJC cũng niêm yết ở mức 55,08 – 56,92 triệu đồng/lượng.

Ngày 12/8, giá vàng thế giới tiếp tục "mất phanh" khi bị điều chỉnh về vùng 1.887 USD một ounce. Đà giảm nhanh kéo giá vàng miếng trong nước "rơi thẳng đứng", có thương hiệu đã điều chỉnh về mức 50 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 4,5 triệu đồng/lượng chỉ sau 1 đêm.

Trong nước, giá vàng hôm nay được PNJ Hà Nội và PNJ TP.HCM niêm yết ở mức 51,30 - 55,90 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Tập đoàn DOJI điều chỉnh giá mua vào xuống 48,90 triệu đồng và bán ra 52,50 triệu đồng một lượng.

Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức 48,46 triệu đồng/lượng (mua vào) và 50,96 triệu đồng/lượng (bán ra). Phú Quý niêm yết giá vàng hôm nay ở mức 49,06 - 52,20 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trong khi đó, tại SJC Hà Nội, giá vàng hôm nay được niêm yết ở mức 47,52 triệu đồng/lượng (mua vào) và 52,20 triệu đồng/lượng (bán ra).

Giá vàng hôm nay được PNJ Hà Nội và PNJ TP.HCM niêm yết ở mức 48,00 - 52,00 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

 - Ảnh 8.

Biên độ chênh lệch giữa mua và bán lên đến 4 triệu đồng/lượng

Đáng chú ý, trong khi biên độ chênh lệch giữa mua vào và bán ra ở các doanh nghiệp vàng như Bảo Tín Minh Châu là 2,5 triệu đồng/lượng; tại Phú Quý là hơn 3 triệu đồng thì mức chênh lệch tại SJC và PNJ lên đến 4,68 triệu đồng và 4 triệu đồng/lượng.

Động thái này cho thấy, các nhà vàng đang đẩy rủi ro về sự biến động của kim loại quý cho khách hàng. Chỉ tính riêng việc nhà đầu tư xuống tiền mua vàng trong thời điểm này đã lỗ 4 triệu đồng/lượng theo mức giá của PNJ đưa ra và 4,68 triệu đồng/lượng theo SJC.

Như vậy, sau khi liên tục leo đỉnh trong tuần trước khi lên tới hơn 62 triệu đồng/lượng khiến nhiều người có tiền nhàn rỗi đầu tư, tìm kiếm cơ hội lướt sóng kiếm lời, vàng đã rơi tự do trong phiên cuối tuần trước đến hiện tại mất luôn mốc 48 triệu đồng. Giá vàng liên tục giảm sâu khiến nhà đầu tư lỗ gần 15 triệu đồng/lượng.

Trên thị trường thế giới, mốc 2.000 USD một ounce đã mất trong phiên hôm qua sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố nước này đã có vaccine Covid-19. Bên cạnh đó, nhu cầu kim loại quý lao dốc sau bình luận của Tổng thống Mỹ Donald Trump về khả năng giảm thuế thặng dư vốn, Mỹ công bố số liệu kinh tế lạc quan và tỷ lệ nhập viện vì Covid-19 tại California và New York giảm.

36 ngày "điên rồ của giá vàng" - Ảnh 9.

Trao đổi với Dân Việt, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho biết, giá vàng Việt Nam trong giai đoạn 2-3 tuần qua tăng rất mạnh so với giá vàng thế giới, đẩy chênh lệch giá vàng Việt Nam với giá vàng thế giới lên rất nhiều.

Vì thế, khi giá vàng thế giới điều chỉnh thì giá vàng trong nước sẽ điều chỉnh mạnh hơn. Khi đó, thị trường xuất hiện việc bán vàng ra, khi có tâm lý bất ổn thì người dân có xu hướng bán vàng nhiều hơn là mua.

Bên cạnh đó, giá vàng thường xuống rồi lại tăng, rồi lại xuống… nhà đầu tư cá nhân ít khi ổn định, cũng sẽ cuốn theo “cơn sóng” nên người mua lướt sóng vàng rất dễ bị cuốn theo xu thế của “sóng”, hay bị lỗ”.

Ông Thịnh phân tích, hiện tại có 5,6 nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi của giá vàng. Trong đó, có thể điểm qua như là dịch bệnh nó làm cho sản xuất trì trệ và thị trường chứng khoán của thế giới trì trệ theo.

Đồng thời, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tiếp diễn và căng thẳng hơn; cuộc đua bầu cử của Mỹ cũng đã đến rất gần; các nước trên thế giới bơm tiền cứu nền kinh tế... đều đẩy giá vàng lên cao.

"Vàng lên nóng quá, khi các căn cứ không rõ dẫn đến sự sụt giá nhanh trong mấy ngày qua  là điều đương nhiên", ông Thịnh cho hay.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhận định, trong thời gian tới, giá vàng có thể sẽ tiếp tục xuống. Sau đó sẽ dừng lại và đi lên. Tuy nhiên, mức lên sẽ không vượt quá mức 2.000 USD/Ounce như thời gian vừa qua, rồi đi xuống tiếp trong khoảng thời gian tháng 8,9 này.

Do đó, nhà đầu tư cần quan sát, và cẩn trọng trước diễn biến của vàng trong lúc này. "Đặc biệt, không nên dành hết tài sản để đầu tư vào vàng khi vàng xuống giá" ông Thịnh nhấn mạnh.

36 ngày "điên rồ của giá vàng" - Ảnh 10.

Đối với những khách hàng đã ôm vàng ở thời điểm trên 60 triệu đồng/lượng, nên có phương án chốt lỗ, vì có thể  vàng sẽ rơi xuống mức thấp hơn nữa do biến động của vàng thế giới.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, cho rằng chênh lệch mua bán vàng trong nước đang được điều khiển bởi các nhà vàng. Mức chênh lệch mua - bán lên tới 2-4 triệu đồng/lượng là điều chỉ có thể thể xảy ra ở những thị trường vàng không hoàn hảo như ở Việt Nam khi mua - bán vàng phải có điều kiện.

Cũng vì thế, cảnh báo được đưa ra với các nhà đầu tư nhỏ lẻ là thị trường đang quá rủi ro và có thể bị điều khiển bởi những nhà cái. Mua - bán vàng lướt sóng ở thời điểm hiện tại là rất mạo hiểm hay đúng hơn là không nên tham gia thị trường ở thời điểm hiện tại để bảo toàn vốn.

Trước biến động lớn giá vàng thời gian gần đây, Ngân hàng Nhà nước cho biết, không có diễn biến mua bán bất thường, không có tình trạng người dân đổ xô đi mua bán vàng và sẽ sẵn sàng can thiệp vào thị trường khi cần thiết.

Giá vàng trong nước tăng giảm phụ thuộc rất lớn vào giá vàng thế giới. Trong thời gian vừa qua, giá vàng thế giới biến động lớn do tâm lý lo ngại của nhà đầu tư trước diễn biến xấu của dịch bệnh Covid-19 và việc chính phủ nhiều quốc gia liên tục đưa ra các gói kích thích tiền tệ. Tuy nhiên, sau khi có thông tin Nga công bố đã trở thành nước đầu tiên trên thế giới đăng ký một loại vắc xin ngừa Covid-19 vào ngày 11/8, giá vàng quay đầu giảm mạnh. 








Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem