Bà Rịa-Vũng Tàu: Cảnh báo thủ đoạn bán cây cảnh rởm, mua cây táo trái ra quá trời và cái kết sững sờ

Thứ ba, ngày 12/01/2021 12:06 PM (GMT+7)
Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, không chỉ các loại cây cảnh bị làm giả bằng cách dán keo mà thị trường còn xuất hiện nhiều loại cây, hoa được phun thuốc kích thích.
Bình luận 0

Chỉ còn hơn tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Sửu. Đây cũng là thời điểm nhu cầu sắm hoa, cây cảnh trang trí trong gia đình tăng cao. Tuy nhiên, nhiều người đã rơi vào hoàn cảnh dở khóc dở cười khi mua phải những chậu cây, hoa cảnh dỏm, chất lượng không như quảng cáo và giá tiền.

Bà Rịa-Vũng Tàu: Cảnh báo thủ đoạn bán cây cảnh rởm, mua cây táo trái ra quá trời và cái kết sững sờ - Ảnh 1.

Cây táo “dỏm” anh Nam (ngụ đường Đô Lương, phường 11, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) mua với giá 400 ngàn đồng, trái được gắn keo vào cành.

Thủ đoạn lừa đảo tinh vi

Lợi dụng thói quen mua cây cảnh để trang trí nhà cửa đón Tết tăng cao, một số người buôn bán đã lừa bán cây cảnh “dỏm” cho người dân. Những gốc cây được tạo dáng độc đáo, cành uốn lượn và quả chi chít từ gốc đến ngọn cùng lời rao “hấp dẫn” làm nhiều người mua sập bẫy, bởi nhìn sơ qua rất khó phát hiện.

Cách đây mấy ngày, anh Trần Văn Nam (ngụ đường Đô Lương, phường 11, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) trên đường đi làm về qua đường 30/4, đoạn gần chợ phường 11, thấy có xe bán hoa, cây cảnh rất bắt mắt nên dừng xe xuống xem. 

Người bán liên tục quảng cáo, chào mời khách về một cây táo cảnh trĩu quả, là loại cây mới khiến anh bị thu hút. Thấy cây tươi tốt, lại cho nhiều trái, người bán cam kết đủ điều nên anh đã không ngần ngại móc hầu bao 400 ngàn đồng đồng mua về chưng trước sân nhà. 

Vài hôm sau, anh Nam thấy cây táo bị rụng mất 2 trái. Lúc này anh mới nhìn kỹ cây thì phát hiện cuống táo được gắn bằng keo rất tinh vi. Xem những trái táo còn lại, anh càng thêm thất vọng bởi toàn bộ đều được người bán dùng keo đính lại rất công phu, đang bị thối cuống.

Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh cho biết, không chỉ các loại cây cảnh bị làm giả bằng cách dán keo mà thị trường còn xuất hiện nhiều loại cây, hoa được phun thuốc kích thích. Cây phát triển rất nhanh, cho hoa, trái đẹp nhưng khi mua về trồng chỉ được thời gian ngắn là héo, hư hỏng. Để giữ cho trái và hoa không bị héo, người bán phun nước thường xuyên cho cây, hay di chuyển và chỉ bán ở nơi có bóng râm. Trong khi đi mua, nếu không để ý, chỉ nghe những lời ngon ngọt của người bán và chỉ nhìn bề ngoài, thì người mua sẽ dễ mua phải cây giả.  
Tương tự, anh Trần Văn Phúc (nhà ở đường Lưu Chí Hiếu, phường 10, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết, thấy người đàn ông chở nhiều gốc sung được tạo dáng đẹp, lại chi chít trái trên đường 2/9 nên anh dừng lại hỏi mua. 

Nhìn các gốc sung tươi tắn đầy sức sống, được bao bọc bằng lớp đất rêu mốc, anh Phúc chắc mẩm cây “xịn” nên thăm dò giá cả. Biết anh Phúc tỏ vẻ ưng ý, người bán “tán” thêm: “Nhìn anh săm soi từng gốc, em biết anh là dân chơi kiểng sành điệu rồi. 

Nếu anh thích, em sẽ để giá mở hàng cho may mắn”. Vậy là anh Phúc không nghi ngờ và xuống tiền mua với giá 500 ngàn đồng/cây. “Về đến nhà tôi mới phát hiện những trái sung đó đều được người bán gắn keo chắc chắn”, anh Phúc nói.

Cảnh giác với thủ đoạn bán cây cảnh rởm

Theo ghi nhận của phóng viên, các trường hợp bị lừa mua cây cảnh “dỏm” đều do người bán gắn thêm trái vào cây với mục đích làm cây thêm sum xuê trái, đẹp mắt để bán được giá cao. Thủ đoạn tinh vi nhất là người bán dùng keo, dùng tăm để gắn hoa, nụ vào cây có sẵn.

Nhìn vào hình ảnh phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu cung cấp, ông Trần Phúc Lộc, chủ vườn bon sai Phúc Lộc, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh TP. Bà Rịa cho biết, loại cây được gắn nhiều trái táo mà anh Nam mua là cây lài tây. 

Cây này có hoa màu trắng và không có trái to như trái táo. Giá một cây lài tây khi có hoa cũng chỉ vài chục ngàn đồng. Về cây sung bonsai hoặc các loại bonsai khác có trái, ông Lộc lưu ý người mua cần để ý số lượng trái so với gốc, thân và lá cây. 

Nghĩa là, cây nào quá nhiều trái thì rất dễ bị làm giả bởi thực tế, số trái và thân gốc, cành lá của cây phải tương xứng để một cây bình thường có thể cung cấp đủ dưỡng chất nuôi trái.

Theo một số chủ vườn cây cảnh trên địa bàn tỉnh, nhiều năm nay, tình trạng bán hoa, cây cảnh “dỏm” cứ gần đến Tết lại xuất hiện. Đây là mánh lới của những người bán rong nhằm thu lợi bất chính. 

Do vậy, người mua cần xem xét kỹ các loại cây cảnh, hoa tươi trước khi mua kẻo bị mắc lừa, đặc biệt là những loại cây dễ bị làm giả như: táo, sung, lộc vừng...

Để mua đúng hàng thật, khách hàng nên tìm đến những vựa cây cảnh có điểm bán cố định, uy tín. Khi phát hiện bị lừa mua cây “dỏm”, người dân cần báo cho cơ quan công an nơi gần nhất để xử lý theo quy định pháp luật.

Điều 198 Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định: Người nào trong việc mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác thuộc một trong các trường hợp sau đây: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Thu lợi bất chính từ 5 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Nếu phạm tội có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, dùng thủ đoạn xảo quyệt thì bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
Hành vi của những ngưới bán cây cảnh “dỏm” cũng gần giống với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định trong Bộ Luật Hình sự, người phạm tội cũng dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tiền hoặc tài sản của người khác. Vì vậy, nếu người bán cây cảnh lừa dối khách hàng, cơ quan chức năng sẽ tùy theo mức độ để xử lý theo quy định.
(Luật sư Nguyễn Văn Cảnh, Đoàn Luật sư tỉnh BR-VT
Sơn Khê (Báo Bà Rịa-Vũng Tàu)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem