Bí thư TP.HCM Nguyễn Văn Nên: Nhân dân chờ đợi dự án metro số 1 quá lâu
Bí thư TP.HCM Nguyễn Văn Nên: Nhân dân chờ đợi dự án metro số 1 quá lâu
Bạch Dương
Thứ năm, ngày 01/12/2022 18:04 PM (GMT+7)
Kết thúc hội nghị lần thứ 19 Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khoá XI, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ và đưa vào sử dụng các dự án trọng yếu, nhất là tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết, dự kiến cuối tháng 12 sẽ chạy thử tuyến metro số 1 đoạn Long Bình - Bình Thái. Theo Bí thư Nên, nhân dân chờ đợi dự án này đã quá lâu, hy vọng việc chạy thử này sẽ thuận lợi để chuẩn bị đưa tuyến vào vận hành thương mại.
Theo báo cáo của UBND TP.HCM, đến nay toàn tuyến metro số 1 đã thực hiện được 92,89% khối lượng. Theo kế hoạch, chủ đầu tư và nhà thầu sẽ tiến hành vận hành thử nghiệm đoạn trên cao từ Suối Tiên đến Bình Thái vào cuối tháng 12/2022.
Vào cuối tháng 1/2023, dự án sẽ vận hành thử nghiệm đoạn trên cao với toàn bộ các hệ thống - vận hành tự động, bảo vệ và giám sát đoàn tàu (ATP, ATO, ATS) kết hợp với các hệ thống tại các nhà ga; dự kiến tháng 8 vận hành thử nghiệm toàn tuyến và đưa vào khai thác chính thức vào cuối năm 2023.
Dự án xây dựng metro số 1 có chiều dài 19,7km (2,6km đi ngầm và 17,1km đi trên cao) bắt đầu từ nhà ga Bến Thành (quận 1) đến depot Long Bình (TP.Thủ Đức), 14 nhà ga (3 ga ngầm và 11 ga trên cao) khởi công xây dựng từ tháng 8/2012. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Bí thư Thành uỷ cũng yêu cầu TP.HCM đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện, đưa vào sử dụng các dự án kết cấu hạ tầng trọng yếu, dự án giải quyết ngập do triều cường khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) đang khẩn trương hoàn thành và chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo.
Đồng thời, TP.HCM xúc tiến triển khai thực hiện dự án đường sắt đô thị số 2 (Bến Thành - Tham Lương), đường Vành đai 3, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, Rạch Xuyên Tâm và các công trình, dự án trọng điểm chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và tiếp tục thu hút nguồn lực đầu tư xây dựng thời gian tới.
TP.HCM tiếp tục giải quyết những vấn đề quan trọng cấp bách, đẩy nhanh việc xây dựng, hoàn chỉnh 3 quy hoạch. Đó là quy hoạch chung TP.Thủ Đức đến năm 2040; quy hoạch TP.HCM giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
Cùng với đó, chiến lược quản lý phát triển hành lang sông Sài Gòn cũng rất quan trọng trong việc phát triển tiềm năng, lợi thế sông Sài Gòn. TP.HCM tập trung khai thác tiềm năng lợi thế đô thị trung tâm, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển công viên cây xanh, chống ngập và xử lý nước thải, quy hoạch xử lý chất thải rắn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.