Đây là các mô hình làm giàu hiệu quả của nông dân Bình Định, vườn xanh mướt, đất trù phú hẳn lên

Dũ Tuấn Thứ năm, ngày 22/08/2024 12:50 PM (GMT+7)
Với quyết tâm thoát nghèo cộng với sự táo bạo, dám nghĩ dám làm, nhiều nông dân ở huyện trung du Hoài Ân (Bình Định) đã đổi đời, trở thành tỷ phú nhờ các loại cây trồng mới, trong đó có loại quả đặc sản. Họ là những tấm gương sáng, truyền lửa cho thế hệ trẻ về tinh thần lao động hăng say, vươn lên làm giàu.
Bình luận 0

Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền

Nông dân Đặng Văn Cấp (74 tuổi, xã Ân Tường Đông, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định) vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vào năm 2023, vì có mô hình sản xuất hiệu quả, ổn định và có sáng kiến mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, của tỉnh Bình Định.

Để có được thành công này, ông Cấp từng thua lỗ, lâm nợ từ nghề gạch ngói, đến xây dựng.

Sau hàng chục năm kiên trì theo đuổi mô hình kinh tế vườn, từ chỗ chạy ăn từng bữa, gia đình ông Cấp trở nên giàu có, thu nhập bình quân mỗi năm khoảng 500 triệu đồng, có năm thu tiền tỷ.

Những nông dân "dám nghĩ dám làm", quyết tâm thoát nghèo trên mảnh đất quê hương Bình Định- Ảnh 1.

Nông dân Đặng Văn Cấp (ở xã Ân Tường Đông, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định) đang chăm sóc vườn dâu của gia đình. Ảnh: DT.

Tóm tắt về cuộc đời của mình, ông Cấp cho biết, trước năm 1990, ông đã trồng 50ha dừa ở vùng đất Ân Tường Đông, sau giải thể các nông trường, hợp tác xã thì ông trả đất cho nhà nước chỉ giữ lại hơn 12ha để phát triển các mô hình cây ăn quả. 

Với phương châm không bỏ hoang, lãng phí đất đai ông trồng phủ kín hết toàn bộ khu vườn trên 12ha bằng nhiều loài cây ăn quả. Ông còn sáng kiến ra mô hình trồng tiêu ký sinh vào thân dừa.

Theo ông Cấp, thân cây dừa giữ nước rất tốt, lại phù hợp để rễ cây tiêu hột sống bám tươi tốt. Qua nhiều lần nghiên cứu, thử nghiệm ông bắt đầu triển khai trồng tiêu ký sinh dừa để tăng thu nhập.

Nhờ vậy, ông gầy dựng được vườn tiêu 7.000 trụ, ông còn trồng bổ sung thêm 1.500 cây dừa, 1.000 cây bưởi da xanh và trồng đủ loại cây, như: dâu ăn trái, mận, cam canh, vú sữa, quýt đường, bơ, xoài, sầu riêng, mai vàng.

Cây dừa cũng nhờ có phân bón cho tiêu mà cao ngút, cho trái sai, to đều, không tốn công chăm sóc nhiều.

Ông Cấp nhẩm tính, nếu thời tiết thuận lợi, chỉ riêng số trụ tiêu khủng (chưa kể dừa), gia đình thu hoạch 14 tấn hạt tiêu, doanh thu 1,3-1,4 tỷ đồng, trừ hết chi phí sẽ "bỏ túi" 300-400 triệu đồng/năm.

Ngoài ra, ông Cấp trồng dừa xiêm đang cho quả, mỗi năm thu 130 triệu đồng; dâu ăn quả mỗi vụ thu 7 tấn (doanh thu ước đạt 180 triệu đồng), bưởi da xanh cũng bắt đầu có trái giá cả khá cao.

"Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền. Theo tôi kinh nghiệm để chinh phục các loài cây ăn quả ngoài yếu tố thổ nhưỡng, tự nhiên, nguồn nước, phân ra thì người làm phải có chí, bền gan và phải thương cây như thương chính con ruột của mình", ông Cấp cho hay.

Trong khi đó, khu vườn cây ăn quả rộng 5ha của ông Nguyễn Hoài Thương (47 tuổi) tại thung lũng Phú Trị (xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân), là minh chứng cho những nỗ lực không biết mệt mỏi, của người nông dân này.

Ông Thương từng nếm trải những tháng ngày khó khăn vô vàn, để thực hiện giấc mơ chinh phục những loài cây ăn quả.

Ở vùng đất Phú Trị, trước đây người dân chỉ trồng keo lá tràm trên các gò đồi, tại vườn nhà. Đây là loài cây đem lại kinh tế nhanh, giúp xóa đói giảm nghèo, nhưng lại vắt kiệt nguồn nước, làm cho đất đai cằn cỗi.

Nhận thấy hệ lụy trên, từ năm 2017, ông Thương bắt đầu chuyển hết các diện tích đất đồi trồng keo tràm kém hiệu quả sang cây ăn quả. Ngày mà ông Thương quyết tâm lên khu đồi hoang vu Phú Trị để trồng cây ăn quả thì cả làng ai nấy đều lắc đầu cho rằng ông suy nghĩ viển vông, khi bỏ tiền tỷ vào những thứ mà chẳng biết đến bao giờ mới có lợi nhuận.

Những nông dân "dám nghĩ dám làm", quyết tâm thoát nghèo trên mảnh đất quê hương Bình Định- Ảnh 2.

Nông dân Nguyễn Hoài Thương có cuộc sống ổn định tại thung lũng Phú Trị (xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân), nhờ vào vườn cây ăn quả. Ảnh: DT.

Ai nói gì mặc kệ, ông Thương bỏ hàng tỷ đồng để đầu tư, hình thành vườn cây ăn quả trang bị công nghệ, kỹ thuật rất bài bản.

"Cũng nhờ thêm sự hỗ trợ từ huyện về giống cây, phân bón, khoan giếng, kỹ thuật, nên tôi mạnh dạn đầu tư. Qua 5 năm, tôi đã trồng lên 1.000 cây cam ruột đỏ, 600 cây mít, 500 cây bưởi da xanh cùng với các loại cây bơ, dừa xiêm, sầu riêng", ông Thương bộc bạch.

Hiện, vườn cây ăn quả của ông Thương đã phát triển tươi tốt, nhiều loài cây đâm hoa kết trái, cho quả có thu nhập. Ông Thương tâm đắc nhất là loài cây sầu riêng musang king (giống nhập từ Malaysia). 

Đây là loài cây ăn quả mới ở Việt Nam, có giá trên thị trường rất cao. Mỗi loài cây ông Thương đều cho trồng thử nghiệm trước rồi mới triển khai đồng loạt. Hiện, ông Thương đã đầu tư vườn cây ăn quả của mình trên 4 tỷ đồng, ngoài ra ông còn mở rộng thêm 1 vườn cây khác 2,4ha.

"Trong khi cây keo tràm chỉ cho thu 15 triệu/1ha/5 đến 6 năm, thì các loài cây ăn quả lại cho giá trị cao hơn, nhất là cây bưởi da xanh nếu trồng đủ 6 tuổi sẽ cho thu hàng trăm triệu đồng mỗi ha. Ngược lại, cây ăn quả chúng tôi chỉ hái quả chứ không chặt nhổ cây nên nó góp phần rất lớn giữ nguồn nước, phủ xanh đồi trọc, điều hòa khí hậu", ông Thương đúc kết.

Khát vọng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương

Tại xã Ân Mỹ, huyện Hoài Ân, nông dân Phạm Đình Độ (62 tuổi) được biết đến là người có công phục hóa gò đồi Bà Nông, biến nơi này thành "mỏ vàng" cây ăn quả.

Theo ông Độ, để xây dựng được vườn cây ăn quả trên 7ha, ông đã áp dụng mô hình lấy ngắn nuôi dài. Ngoài trồng các cây ăn quả chủ lực, như: bưởi da xanh, ca canh, quýt đường, sầu riêng…ông còn trồng thêm các loài cây ngắn ngày như ớt, nghệ, đu đủ…

"Mấy loài cây ngắn ngày này, có thể thu được hàng trăm triệu mỗi năm. Nhờ vậy tôi có nguồn lực để bám trụ trồng cây ăn quả, chờ cây đâm hoa kết trái có thu", ông Độ nói.

Những nông dân "dám nghĩ dám làm", quyết tâm thoát nghèo trên mảnh đất quê hương Bình Định- Ảnh 3.

Những khu vườn cây ăn quả trù phú ở vùng đất trung du Hoài Ân, Bình Định. Ảnh: DT.

Hiện, vườn cây ăn quả ông Độ ngoài cam sành, quýt đường, sầu riêng thì ông trồng 1.400 cây bưởi da xanh, trong đó có 1.100 cây cho thu hoạch trái.

"Ngày trước trồng bưởi da xanh, nhờ huyện hỗ trợ về cây giống, phân, kỹ thuật, công nghệ tưới…nên tôi áp dụng rất nhanh. Hiện, 1.100 cây bưởi của tôi đã cho quả, ước đạt 600 triệu trên năm. Mới đây, nhờ huyện kết nối tôi được Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ để mở rộng vườn bưởi da xanh thêm 300 cây", ông Độ chia sẻ.

Ông Nguyễn Hữu Khúc – Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân (Bình Định) cho biết, đi lên từ khó khăn, ở Hoài Ân có rất nhiều nông dân đã vươn mình mạnh mẽ, với khát vọng sống, lao động cùng quyết tâm làm giàu, trên chính mảnh đất quê hương.

"Nhiều năm qua, chính quyền luôn sát cánh, đồng hành để hỗ trợ nông dân thực hiện được ước mơ đó. Huyện nỗ lực xây dựng "thủ phủ" nông nghiệp theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao. Từng bước đa dạng hóa sản phẩm, tăng cường các chuỗi liên kết nhằm nâng cao giá trị, mở rộng thị trường để tạo nguồn thu bền vững cho nông dân", ông Khúc nói.

Đến nay, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) đã công nhận nhãn hiệu cho 8 sản phẩm nông nghiệp của huyện Hoài Ân, gồm: trà Gò Loi, bưởi da xanh, heo Hoài Ân, gà ta thả vườn, dừa xiêm, mít thái, tiêu hột, gạo hữu cơ. Ngoài ra, 60 sản phẩm được đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP và trên 100ha được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ, VietGap...

Những nông dân "dám nghĩ dám làm", quyết tâm thoát nghèo trên mảnh đất quê hương Bình Định- Ảnh 4.

Bưởi da xanh là loại quả "đặc sản", do chính bàn tay nông dân Hoài Ân trồng. Ảnh: DT.

Nhiều mặt hàng nông sản của huyện như: heo Hoài Ân, gà ta thả vườn, bưởi da xanh, trà nụ hoa hòe, mật ong dú, trứng chim trĩ, thịt heo thảo mộc, gạo hữu cơ đã có mặt trên hệ thống các siêu thị lớn ở TP.Quy Nhơn, TP.Đà Nẵng và TP.Hồ Chí Minh. 

Trong đó, các sản phẩm trà nụ hoa hòe, dầu phộng, dầu mè của Công ty TNHH DULAH và bún khô, bún tươi của Công ty TNHH Spevi Food đã xuất khẩu sang Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc bằng đường chính ngạch. 

"Đây đều là những thành quả đáng tự hào, được đánh đổi bằng mồ hôi, công sức, tâm huyết và cố gắng không biết mệt mỏi, của người nông dân Hoài Ân. Chính vì vậy, nhiều năm qua, huyện đã tổ chức các Ngày hội nông sản để vinh danh, công sức và thành quả của nông dân", ông Khúc cho hay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem