Trong văn bản gửi Bộ Tài chính, Bộ Công Thương cho biết, dù các công ty 100% vốn nước ngoài đã đầu tư nhà xưởng, máy móc, nhưng lượng ô tô bán ra của họ có đến 80- 90% là xe nhập khẩu.
Việt Nam sẽ thành nơi tiêu thụ xe nhập. Nếu….!
Bộ Công Thương cho hay, hầu hết các công ty nước ngoài (FDI) dù đã đầu tư nhà máy tại Việt Nam từ rất lâu nhưng hiện nay đều có lượng xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu chiếm tỉ trọng lớn, thậm chí tới 80, 90% tổng lượng xe bán ra.
Bên cạnh đó, rất nhiều hãng xe của Hiệp hội các nhà nhập khẩu ô tô Việt Nam (VIVA) cũng nhập khẩu 100% xe ô tô nguyên chiếc và các hãng xe đang tiếp tục gia tăng nhập khẩu xe vào Việt Nam.
Bộ Công Thương cho rằng, xu hướng này cũng gây ảnh hưởng lớn tới kinh tế vĩ mô. Với dự báo nhu cầu ô tô của nước ta năm 2025 theo phương án trung bình khoảng 800-900 nghìn xe và năm 2030 khoảng 1,5-1,8 triệu xe.
Đáng nói: "Nếu không phát triển ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, toàn bộ thị trường xe con là xe nhập khẩu; xe khách và xe tải nhập khẩu 50%, 50% sản xuất trong nước với tỷ lệ nội địa hoá 50%. Kim ngạch nhập khẩu năm 2025 dự kiến khoảng 12 tỷ USD và năm 2030 là 21 tỷ USD", Bộ Công Thương nêu.
Bộ Công Thương cho hay, nếu Chính phủ và các Bộ ngành không kịp thời có những chính sách, giải pháp phù hợp để khuyến khích, hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô và công nghiệp cơ khí và công nghiệp hỗ trợ ô tô trong nước phát triển thì Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu thụ ô tô cho các hãng FDI tại Việt Nam.
Theo Bộ Công Thương, trước đây, để khuyến khích phát triển và thu hút đầu tư đối với ngành cơ khí, điện tử (trong đó có ngành công nghiệp ô tô), Chính phủ định hướng quản lý và áp dụng chính sách ưu đãi theo tỷ lệ nội địa hóa đối với hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô.
Tuy nhiên, trên thực tế, chính sách khuyến khích hỗ trợ theo tỷ lệ nội địa hóa đối với linh kiện ô tô nhập khẩu chưa được ban hành. Bên cạnh đó, phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa chưa được các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô đưa vào áp dụng trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh và chưa có doanh nghiệp nào được hưởng ưu đãi theo chính sách này.
Bộ Công Thương cho rằng, hiện doanh nghiệp nhập khẩu linh kiện, phụ tùng rời hoặc bộ linh kiện ô tô đồng bộ để sản xuất lắp ráp ô tô được phân loại theo từng linh kiện, phụ tùng ô tô. Trường hợp không đáp ứng điều kiện về mức độ rời rạc tối thiểu thì được phân loại xe nguyên chiếc (mức thuế suất cao hơn).
Trong khi đó, cũng các linh kiện, phụ tùng này, các doanh nghiệp nhập khẩu với mục đích kinh doanh thương mại để thay thế trong bảo dưỡng, sửa chữa thì được áp dụng mức thuế nhập khẩu tương tự như doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô mà không cần đáp ứng điều kiện về mức độ rời rạc tối thiểu.
Bộ Công Thương cho rằng, cùng một mặt hàng, cùng đặc điểm, tính chất, mục đích sử dụng, cùng một mã HS và cùng một thuế suất nhập khẩu nhưng có sự phân biệt giữa hai đối tượng: Doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô phải đáp ứng điều kiện mức độ rời rạc. Còn doanh nghiệp nhập khẩu để kinh doanh thương mại thì không có điều kiện này.
Chính sách bất bình đẳng!
Để được hưởng thuế suất nhập khẩu 0% đối với linh kiện, phụ tùng theo Chương trình ưu đãi thuế đối với sản xuất, lắp ráp ô tô, doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô phải đáp ứng. Hiện nay thuế nhập khẩu đối với xe ô tô nguyên chiếc, linh kiện ô tô nhập khẩu từ ASEAN đã về 0% từ năm 2018 nếu có C/O Form D (đạt từ 40% giá trị nội khối) và trong ngắn hạn, chênh lệch thuế suất thuế nhập khẩu của xe nguyên chiếc (CBU) và bộ linh kiện (CKD) đã không còn.
Thuế suất nhập khẩu xe xe nguyên chiếc vào Việt Nam đã và đang dần giảm về 0% thông qua các các Hiệp định thương mại song và đa phương mà Việt Nam đã ký kết như Hiệp định ATIGA, thuế xe ô tô nhập giảm về 0% từ 2018; Hiệp định CPTPP: thuế suất nhập khẩu xe CBU sẽ giảm về 0% từ năm 2029; Hiệp định EVFTA: thuế nhập khẩu xe CBU sẽ giảm dần về 0% từ năm 2027).
Việc áp dụng quy định về mức độ rời rạc của bộ linh kiện ô tô nhập khẩu của Bộ KH&CN như một điều kiện bắt buộc để hưởng Chương trình ưu đãi thuế linh kiện nhập khẩu như hiện nay là không bình đẳng cho các doanh nghiệp đã đầu tư lắp ráp ô tô từ trước đến nay tại Việt Nam.
Bộ Công Thương cho hay, từ năm 2018, cơ hội cho xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước lại càng bị thu hẹp với sự chiếm lĩnh thị trường từ xe nhập khẩu nguyên chiếc từ ASEAN của các doanh nghiệp FDI dẫn đến quy mô sản xuất của nhiều doanh nghiệp bị thu hẹp, không đảm bảo tính hiệu quả kinh tế trong sản xuất.
Bộ Công Thương khẳng định, công nghiệp Cơ khí, công nghiệp hỗ trợ cho ngành ô tô trong nước vốn đã kém cạnh tranh sẽ càng gặp nhiều khó khăn hơn khi đầu ra bị thu hẹp. Các doanh nghiệp FDI ngoài việc tăng cường nhập khẩu xe nguyên chiếc sẽ kéo theo tăng cường nhập khẩu các linh, phụ kiện, phụ tùng với thuế suất 0%.
Đây là xu hướng không có lợi cho sự phát triển lâu dài của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam và Việt Nam sẽ trở thành thị trường để các quốc gia khác có nền công nghiệp ô tô phát triển hơn như Thái Lan, Indonesia khai thác.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.