Cải cách tiền lương: Có nên so sánh tiền lương của 2 ngành y tế với giáo dục?

Thùy Anh Thứ ba, ngày 14/11/2023 19:00 PM (GMT+7)
Câu chuyện xây dựng thang bảng, thứ hạng tiền lương của các ngành nghề khi tiến hành cải cách tiền lương đang nhận nhiều ý kiến tranh luận. Nhiều độc giả là công chức, viên chức đã bày tỏ những quan điểm mạnh mẽ về vấn đề tiền lương giữa các ngành, đặc biệt là 2 ngành y tế và giáo dục.
Bình luận 0

Cải cách tiền lương nên chú trọng tới ngành có chữ thầy 

Chia sẻ với Báo Dân Việt, bạn  đọc Nguyễn Thị Đào (ở Hà Nội) cho rằng, hiện nay tiền lương của các ngành đang rất bất cập. Hy vọng cải cách tiền lương tới đây sẽ giải quyết được các tồn tại này.

Bạn Đào cho rằng như ngành giáo dục nên tăng lương cao ở những vùng sâu, vùng xa - nơi nguy hiểm, vất vả. Cần có chế độ thu hút giáo viên có trình độ để xóa bớt khoảng cách giáo dục ở đồng bằng và miền núi, hải đảo, để mọi người dân được quyền tiếp cận với giáo dục. Còn ở thành phố thì như cấp 1, cấp 2, cấp 3, giáo viên so với các ngành khác tương đối ổn vì họ dạy theo tiết, gần nhà và có 3 tháng nghỉ hè hưởng trọn lương (Trong khi như ngành y tế chỉ có 12 ngày phép/ 1 năm.)

“Nếu tới đây cải cách tiền lương thì nên theo quan điểm đã là ngành nghề có chữ thầy, "thầy giáo, thầy thuốc" thì nên được kính trọng và nên có chế độ tiền lương tương ứng. Tri thức, sức khỏe, an ninh quốc gia là trụ cột của đất nước”, chị Đào cho biết thêm.

cải cách tiền lương ngành y tế

Không chỉ giáo viên, nhiều ngành nghề cũng có những đặc thù riêng, khi cải cách tiền lương cần lưu ý. Ảnh: Nguyễn Thanh

Bạn đọc này cũng bổ sung thêm, như ngành sư phạm, học đại học được trợ cấp, chứ ngành y, học thì lâu mà học phí thì cao, làm vất vả, đồng thời không có trợ cấp gì luôn. Tuy vậy, không thể lý giải là ngành y có điểm đầu vào cao mà cho rằng ngành y được ưu tiên. Ngành nào cũng cần người tài, phải xem xét yếu tố ưu tiên dựa vào tính chất công việc. Nếu bảo giáo viên mầm non là ngành cực nhọc vậy ngành y thì sao?

“Vì thế, Bộ Nội vụ cần xem xét lại các tiêu chí toàn diện cũng như suy nghĩ thấu đáo trước khi kết luận, phát ngôn để tránh làm hoang mang dư luận”, chị Đào nói.

Bên cạnh việc đồng tình với quan điểm trên, bạn đọc Nguyễn Thắng (Hà Nội) cũng chia sẻ rằng: Vấn đề y bác sĩ nghỉ việc đã được dự báo từ trước. Từ năm 2008, ông Thắng đã muốn vận động hành lang chuyển đổi việc cho y, bác sĩ.

Ông Thắng cũng cho rằng, công chức, viên chức trong ngành y đông, không thể tăng lương cho tất cả. Chỉ còn một cách duy nhất là cải tổ y tế để ngăn chảy máu USD theo đường “nhập khẩu y tế” – (hút khách nước ngoài vào điều trị bệnh theo đường du lịch, kết hợp chữa bệnh- PV) để làm quỹ tăng lương cho nhân viên y tế, bác sĩ. Đây vừa là cách để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, vừa mang lại tiền và làm xã hội tuyệt vời hơn.

“Ngay từ năm 2005, tôi đã thấy cần cải tổ ngành y vì số lượng y, bác sĩ của chúng ta tuy đông nhưng chất lượng khám chữa bệnh chưa tương xứng”, ông này nói.

Có nên so sánh tiền lương của ngành y tế và tiền lương của ngành giáo dục khi cải cách tiền lương?

Bạn đọc Tạ Đình Thúy cho rằng: “Ngành nào cũng có cái khổ riêng, nhưng tiền lương như bây giờ thì thấy tội cho ngành y tế quá. Tiền lương thì thấp mà đòi hỏi họ phải niềm nở, tận tình, hết mình. Nếu có sự cố thì hứng đủ”.

Bạn Tùng Hiếu thì bày tỏ quan điểm: “Ngành nào cũng có đặc thù riêng, đừng nên so sánh ngành này với ngành khác. Nếu ai cảm thấy giáo viên làm việc như đi chơi thì cứ thử cho con cháu của mình làm giáo viên đi”.

Bạn đọc Lê Tuyền (45 tuổi) cũng là giáo viên cấp 2 tại huyện đồng bằng nêu quan điểm: “Tôi cũng là giáo viên. Nghề giáo tuy có vất vả thật nhưng còn được nghỉ hè. Nếu dạy sáng thì có thể được nghỉ buổi chiều và ngược lại. Còn ngược lại, nhân viên y tế thi đầu vào đã khó, học hành cũng vất vả, tiền học phí đắt đỏ, tốn kém, công việc thì thì vất vả, nguy hiểm, áp lực vô cùng… nên họ xứng đáng có bảng lương cao hơn khi cải cách tiền lương là hợp lý”.

Cùng chung quan điểm, ủng hộ tăng lương, xếp thang bảng lương cao cho ngành y tế khi cải cách tiền lương, bạn đọc Nguyễn Phượng (Hà Nam) cho rằng: Giáo dục thì được nghỉ hè tới tận 3 tháng mà vẫn hưởng lương đều đều. Nghề nào cũng có cái vất vả riêng nhưng nếu đem lên bàn cân thì tôi thấy nghề y là vất vả hơn, thi đầu vào khó, học hành vất vả, học phí thì cao, đến khi đi làm cũng cực kỳ vất vả,thức đêm thức hôm, lễ tết vẫn phải đi làm. Khi có dịch bệnh,thiên tai, lũ lụt... lại phải đi làm nhiều hơn. Mong rằng sẽ có mức lương hợp lý hơn cho ngành y”. 

cải cách tiền lương giáo viên và ngành y tế

Tiền lương của công chức, viên chức làm ngành y tế cần phải được xem xét khi thực hiện cải cách tiền lương. Ảnh: Danviet

Chia sẻ về câu chuyện “có nên so sánh tiền lương của ngành y tế và giáo dục”, nguyên lãnh đạo Bộ Nội vụ cho biết: “So sánh tiền lương của 2 ngành nghề này là khập khiễng. Khi cải cách tiền lương, làm thang bảng lương, người thiết kế sẽ dựa vào các yếu tố ngành nghề, trình độ đào tạo, chuyên môn, kỹ năng, khối lượng công việc… của lao động đó để xây dựng thang bảng lương. Không có chuyện chỉ căn cứ vào một 2 yếu tố mà nói ngành này đặc thù hơn ngành kia”.

Ngoài ra, ông này cũng cho biết, ngay trong cùng ngành nghề, cũng sẽ có những vị trí công chức nhận lương cao, có những công chức nhận lương thấp. Không phải cứ cải cách tiền lương là tăng lương đồng bộ. Cũng không phải cứ ngành đặc thù thì tiền lương của ai làm trong ngành đó cũng cao, cũng được ưu đãi. Tùy tình hình thực tế, công việc cụ thể để có những chính sách tiền lương, chính sách ưu đãi phù hợp.

“Việc ưu tiên xếp bảng lương của ngành nào cao hơn, đặc thù hơn khi cải cách tiền lương sẽ được Bộ Nội vụ nghiên cứu, xem xét kỹ, sau đó còn trình Chính Phủ, Quốc hội xem xét. Không phải cứ nói là làm, thích đặc thù là được đặc thù”, vị này nêu quan điểm với PV Báo Dân Việt.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem