Mức tiền lương cao nhất của lãnh đạo công ty nhà nước
Lãnh đạo công ty nhà nước vừa được đề xuất tăng lương, mức cao nhất hơn 86 triệu đồng/tháng
Thùy Anh
Thứ ba, ngày 14/11/2023 09:12 AM (GMT+7)
Tiền lương của lãnh đạo tập đoàn, công ty tư nhân có nơi lên tới cả vài trăm triệu đồng, trong khi đó, tiền lương của lãnh đạo công ty, tập đoàn nhà nước khá thấp. Bộ LĐTBXH đang đề xuất tăng lương cho nhóm này.
Tiền lương lãnh đạo công ty tư nhân gấp đôi công ty nhà nước
Theo Nghị định 2092/VBHN-BLĐTBXH của Bộ LĐTBXH ban hành tháng 6/2022 về việc thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, mức lương cao nhất của chủ tịch, tổng giám đốc dao động trong khoảng 60-70 triệu đồng. Tuy đã đề nghị nâng mức lương so với trước đó nhưng thực chất vẫn thấp hơn rất nhiều so với mức lương của lãnh đạo các công ty khu vực tư nhân.
Nhiều tập đoàn, tư nhân sẵn sàng trả lương cho lãnh đạo các tập đoàn lên tới 200-300 triệu đồng. Thậm chí, các tập đoàn còn mạnh tay chi thưởng, có những công ty, tập đoàn còn chi tiền thưởng lên tới cả tỷ đồng.
Năm 2022, tiền lương bình quân người lao động đạt 10 - 12 triệu đồng/tháng, trong đó tập đoàn, tổng công ty đạt 17-18 triệu/tháng. Lương lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước bình quân đạt khoảng 40 triệu đồng/tháng, ở một số tập đoàn, tổng công ty cũng chỉ đạt 60 - 70 triệu đồng/tháng.
Tuy vậy, tiền lương trả cho người quản lý còn thấp so với mặt bằng tiền lương trên thị trường và có sự chênh lệch với các doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối.
Hiện doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước chỉ được áp dụng hệ số tăng thêm tối đa 1 lần so với tiền lương cơ bản, trong khi công ty cổ phần Nhà nước chi phối hệ số này tối đa là 2,5 lần. Thực tế ở một số doanh nghiệp, tiền lương của người quản lý thấp hơn cả tiền lương của trưởng/phó phòng.
Bên cạnh đó, cơ chế áp dụng hệ số tăng thêm đối với người quản lý luôn gắn với điều kiện lợi nhuận kế hoạch phải cao hơn so với thực hiện của năm trước liền kề, tuy nhiên trên thực tế lợi nhuận luôn có sự biến động.
Khi lợi nhuận tăng thì được áp dụng thêm 1 lần mức tiền lương cơ bản, khi có lợi nhuận nhưng giảm rất ít so với năm trước liền kề thì chỉ được hưởng mức lương cơ bản, không có hệ số tăng thêm…
Tiền lương chủ tịch tập đoàn tối đa 86 triệu đồng/tháng
Để xử lý vấn đề này, Bộ LĐTBXH đã đề xuất tăng lương cho lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước có lợi nhuận lớn, khắc phục những bất cập trong cơ chế tiền lương hiện hành...
Cụ thể, Bộ LĐTBXH vừa có tờ trình Chính phủ về việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 51/2016/NĐ-CP và Nghị định số 52/2016/NĐ-CP về quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người lao động và người quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, từ đó thu hẹp khoảng cách tiền lương với doanh nghiệp có vốp góp chi phối của Nhà nước.
Theo Bộ LĐTBXH, sau gần 7 năm thực hiện Nghị định 51 cho thấy, cơ chế tiền lương hiện hành đã tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thiết lập thang giá trị lao động, tiền lương ổn định, cải thiện tăng từ 8% - 10%/năm.
Tờ trình nêu rõ, với quy định hiện hành, tiền lương của người quản lý doanh nghiệp Nhà nước được xác định dựa trên mức lương cơ bản theo 6 hạng doanh nghiệp (thấp nhất 16 triệu đồng, cao nhất 36 triệu đồng) và hệ số tăng thêm gắn với lợi nhuận, tối đa không quá 2 lần mức tiền lương cơ bản (Chủ tịch tập đoàn tối đa 72 triệu đồng/tháng).
Trường hợp lợi nhuận vượt kế hoạch thì được tăng thêm tối đa 20% tiền lương, trong đó, Chủ tịch tập đoàn tối đa 86,4 triệu đồng/tháng.
Nghị định cũng đồng ý trao quyền cho doanh nghiệp xây dựng, ban hành thang, bảng lương nhưng tăng cường quản lý, giám sát của đại diện chủ cơ sở.
Trước đó, Bộ LĐTBXH cũng ban hành Nghị định số 2029 thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, lương cơ bản của lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước dao động từ 60 - 70 triệu đồng/tháng.
Nghị định này quy định việc thực hiện thí điểm về quản lý lao động, xây dựng thang lương, bảng lương; tiền lương, tiền thưởng của người lao động và Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng; tiền lương, thù lao, tiền thưởng của Thành viên Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Trưởng ban kiểm soát, Kiểm soát viên tại tập đoàn, tổng công ty gồm: Công ty mẹ - Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT); Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (Vietnam Airlines); Công ty mẹ - Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM).
Về nguyên tắc, chính sách tuyển dụng và sử dụng lao động, tiền lương, tiền thưởng của công ty do công ty quyết định trên cơ sở quy định của pháp luật và Điều lệ công ty.
Tiền lương, tiền thưởng của người lao động, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng, Thành viên Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Trưởng ban kiểm soát, Kiểm soát viên công ty gắn với năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của công ty.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.