Cảng cá ở Đà Nẵng tấp nập trong những ngày Covid-19
Cảng cá ở Đà Nẵng tấp nập trong những ngày Covid-19
Thứ bảy, ngày 22/08/2020 09:00 AM (GMT+7)
Sáng trên cảng cá Thọ Quang (Sơn Trà, Đà Nẵng) đã tấp nập, xôn xao tiếng cười nói của những người mưu sinh trên bến cá. Người đưa cá từ tàu, ghe vào bờ; người vận chuyển tôm, cá, mực từ ghe lên; người phân loại hải sản, người cân hàng… làm cho cảng cá luôn sôi động.
Dù đang là những ngày giãn cách xã hội vì dịch bệnh Covid-19 lần 2, nhưng ngày làm việc mới ở cảng cá Thọ Quang bắt đầu từ 0 giờ sáng. Khi bóng đêm còn bao phủ vạn vật, từng tốp người đã đổ về cảng cá. Dưới ánh bình minh chiếu lên những vựa thu mua hải sản, có thể nhìn rõ vẻ ngái ngủ trên gương mặt nhiều người. Nhưng với họ, việc mưu sinh vẫn là ưu tiên số một.
Trên luồng nước, những chiếc ghe, tàu nối đuôi nhau cập cảng mang theo đầy ắp cá tôm. Từng tổ bốc vác hơn chục thanh niên kéo xe đẩy ùa ra sát mép nước nhận cá từ ghe rồi vội vàng kéo lên bờ. Những phụ nữ cũng tất tả quang gánh, đi như chạy cạnh bên. Dường như, ai cũng sợ chỉ cần chậm chân một chút, thu nhập của một ngày làm việc sẽ giảm.
Gần 2 giờ sáng, cảng cá Thọ Quang đã nhộn nhịp hẳn lên. Tàu cá vẫn ra vào tấp nập. Hàng tấn cá tươi rói lần lượt được bốc từ trong khoang cách con tàu xuống bán cho vựa cá. Mùa này, cá chưa nhiều và cũng chưa phải mùa vụ chính (tháng 7-8 âm lịch mới vào chính mùa cá) nhưng nhiều tàu đánh bắt khơi xa vẫn cập bến để bán cá. Cá cập cảng mùa này chủ yếu là cá nục, cá thu, cá bạc má, cá chao cháo, mực ống, mực nang. Đôi khi được một vài loại cá đặc biết khác.
Anh Nguyễn Xí, thuyền trưởng một tàu cá ở Thọ Quang cho biết, do tàu của anh có công suất nhỏ nên anh và các bạn chài chỉ đánh bắt chừng một tuần là vào bờ. Nếu gặp tàu tiếp dầu trên biển có thể bán cá luôn rồi đánh bắt tiếp. Nhưng đợt này tàu anh cập bến để nghỉ xả hơi vài ngày vì dịch covid-19 nên anh sẽ tự cách ly 14 ngày.
Theo ông Đặng Anh Trải (BQL cảng cá Thọ Quang0 cho biết thì thì thời điểm này lượng tàu cá vào cảng Thọ Quang chỉ bằng 1/3 so với mọi năm. Hầu hết những tàu cá vào đây là đánh bắt ngắn ngày. Các tàu dài ngày sẽ dừng ngoài khơi để chuyển lại hải sản cho các tàu nhỏ vào bờ. Tất cả các ngư dân, tàu cá từ ngoài biển vào đều được kiểm tra y tế cẩn thận. Các tiểu thương hay người lao động ở khu vực bến cảng này cũng được xét nghiệm cẩn thận mới cho vào khu vực cảng để làm việc.
Dù hiện tại ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, sản lượng năm nay có giảm so với những năm trước, số lượng tàu thuyền ra khơi vẫn đều do giá dầu gần đây có giảm. Mặt khác, bà con biết tiết kiệm chi phí và đánh bắt hiệu quả hơn. “Dù thế nào chăng nữa cũng phải bám biển đến cùng, vì nghề đánh bắt là truyền thống của cha ông để lại. Hơn nữa phải tạo được công ăn việc làm cho bạn chài để họ có cái nuôi sống gia đình họ, nhờ đó giữ được nghề, có miếng cơm cùng nhau chứ!”, một ngư dân cho biết.
Ngồi trên cảng cá, anh Phan Văn Hoàng (37 tuổi) có thâm niên 10 năm gắn bó với cảng cá này. Đã thành lệ, cứ 1 giờ sáng mỗi ngày anh đều có mặt ở cảng cá, anh cho biết: “Công việc phụ thuộc theo ghe cá, ngày ít thì 4-5 chuyến, ngày nhiều có khi vận chuyển 15-20 chuyến, cũng không quá vất vả, thu nhập cũng tạm ổn”.
Tại bến cảng này, có hàng trăm lao động làm nhiều công việc khác nhau, vận chuyển cá từ ghe lên bờ. Ông Trải cho biết thêm, cảng cá Thọ Quang đã giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 300 - 400 lao động/ngày. Họ bám cảng mưu sinh bằng đủ loại công việc: khuân vác, rửa cá, phân loại, bán thức ăn, nước giải khát cho lao động, tải nước, chở xăng dầu, mót cá…
Trời càng về sáng, không khí làm việc trên bến càng khẩn trương. Hàng trăm con người vây quanh từng đống cá đủ loại, nhanh tay phân loại cá, cân ký, cắt đầu, bốc lên xe… Ở góc khác, vài thanh niên hì hục chuyển đá, nước, bơm dầu vào những can nhựa loại 40-50 lít… chuẩn bị chuyến biển mới. Tiếng nói cười râm ran cả một vùng mặt nước rộng.
Tiêu Dao – Nguyễn Quang
Vui lòng nhập nội dung bình luận.