Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Cây gai xanh AP1: Làm màu cho đất, làm giàu cho người
Đến với mảnh đất Phú Thọ giữa những ngày đầu tháng 9, chúng ta dễ dàng nhận thấy cánh đồng trồng bạt ngàn những loại cây lá to, cao ngang người còn người dân đang hì hục chặt gốc, tuốt vỏ bằng máy…Đó là cây gai xanh AP1 được Tập đoàn An Phước Viramie và Viện Di truyền Nông nghiệp thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam chọn tạo. Cây ổn định về di truyền và cho năng suất cao. Gai xanh AP1 mới "bén rễ" trên đồng đất Phú Thọ khoảng 4 năm nay, nhưng đã cho thu nhập cao hơn so với một số cây trồng bản địa khác.
Hiện nay, đa số diện tích trồng gai tại Phú Thọ đều được trồng trên đất bãi với khoảng 100 hecta, trải rộng ở các huyện như Thanh Ba, Hạ Hòa, Đoan Hùng, Tam Nông, Tân Sơn, Thanh Thủy, Yên Lập. Do điều kiện địa hình trũng, mực nước ngầm cao, làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, năng suất và chất lượng vỏ gai, nhưng không vì thế mà bà con nơi đây bỏ cuộc, nản chí. Là đơn vị đồng hành cùng bà con nông dân ở khắp các vùng nguyên liệu, khi phát hiện có hiện tượng cây sinh trưởng kém mặc dù trước đây vùng nguyên liệu tại Phú Thọ cây sinh trưởng rất tốt, năng suất và chất lượng cao, Công ty CP Nông nghiệp An Phước Viramie đã có mặt đánh giá tình hình, xác định nguyên nhân và đưa ra những giải pháp kỹ thuật để cây có thể sinh trưởng phát triển cho năng suất cao và chất lượng tốt ứng phó với điều kiện địa hình và thời tiết tại địa phương.
Là người đầu tiên đưa cây gai xanh AP1 về Phú Thọ để trồng, ông Lê Minh Chiến, Giám đốc HTX Gai Cường Thịnh cho biết: "Thời gian gian đầu trồng gai, không may cây bị ngập úng và chết hàng loạt, hợp tác xã đã thông báo với tập đoàn An Phước, tập đoàn đã cử cán bộ kỹ thuật tới tận ruộng và tìm ra cách khắc phục, đào cắt luống, cắt rãnh để cho mực nước ngầm tụt xuống. Sau khi tiến hành đã có hiệu quả, cây gai phát triển tốt trở lại".
Sau khi đã trải qua những khó khăn trong vụ gai đầu tiên, bà Trần Thị Việt (xã Xuân An, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ) cũng hồ hởi chia sẻ: "Cán bộ công ty đã tới trực tiếp hướng dẫn cho bà con tỉ mỉ từ cách trồng, chăm sóc cho đến khâu thu hoạch. Sau bao nhiêu khó khăn, cuối cùng cũng đã đến ngày bà con được hái quả ngọt".
Bà Phạm Mỹ Linh, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp An Phước cho biết:"Đây là một bài học để chúng ta thấy được rằng, đối với các vùng gai, khi chọn đất bãi, điều cần thiết phải đảm bảo cây không được trồng trên vùng đất úng, nếu ngập úng là coi như thất bại. Điều tiên quyết lúc này là phải lên luống, làm liếp và sẻ rãnh sao cho ruộng đảm bảo không được ngập".
Sau nhiều vụ sản xuất thực tế, người dân đã kiểm chứng, trung bình một hecta trồng gai cho thu nhập khoảng 80 - 100 triệu đồng/năm, sau khi trừ đi tất cả các chi phí. Không chỉ làm giàu cho người, cây gai sau khi thu hoạch còn cho sản lượng vỏ khoảng 20 tấn/năm, còn lại khoảng 60-80 tấn sinh khối trả lại cho đất. Đây là lượng hữu cơ vô cùng quý báu, góp phần làm màu mỡ cho chất đất vốn đã bạc màu do bị khai thác từ việc trồng cây từ rất lâu đời nơi đây.
Ông Trần Văn Quyết, Trưởng phòng Tư vấn dịch vụ, Trung tâm khuyến nông tỉnh Phú Thọ cho biết, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Thọ đang triển khai các mô hình tại những khu vực đất đồi thấp và đất bãi, tập trung tại hai huyện là Yên Lập và Tân Sơn để khuyến khích bà con trồng giống gai xanh AP1: "Cây gai xanh chỉ lấy đi một phần nhỏ sinh khối của cây gai. Phần mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân chủ yếu là phần vỏ của cây gai xanh, nên toàn bộ các phần hữu cơ thì đều đem được trả lại cho đất, từ đó tạo ra độ phì nhiêu và giảm bớt lượng phân bón hóa học sử dụng cho cây trồng." ông Quyết chia sẻ.
Cứ như vậy, những lớp thân và lá cây của lần thu hoạch cũ, lại trở thành nguồn phân hữu cơ dồi dào cho lứa gai xanh mới. Khác với các loại cây trồng khác có chu kỳ sinh trưởng phát triển ngắn, thu hoạch hàng năm, sau đó phá gốc, nên độ xói mòn đất sẽ bị gia tăng. Cây gai xanh lại có thể lưu gốc 10 năm, nên về cơ bản sẽ là loại cây chống xói mòn đất tốt.
Bên cạnh đó, lá và thân cây gai xanh chứa rất nhiều chất dinh dưỡng, có tác dụng rất lớn trong việc phục hồi, cải tạo đất. Thông thường, sau khi thu hoạch phần vỏ, thân cây và lá sẽ được nông dân băm nhỏ, rải đều lên diện tích trồng làm phân hữu cơ cho đất. Do có hàm lượng protein cao, thân và lá cây gai xanh nhanh chóng giúp đất trở nên tơi xốp, nhiều dưỡng chất.
Vừa là loại cây giúp bảo vệ môi trường bằng cách làm giàu dưỡng chất cho đất, vừa là loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao, bà con càng yên tâm hơn khi toàn bộ sản phẩm cây gai được nhà máy bao tiêu đầu ra. Không những thế, cây gai xanh còn cho thu hoạch nhiều lần, và 10 năm sau mới phải trồng lại. "Chúng tôi vô cùng yên tâm khi trồng cây gai vì được nhà máy bao tiêu toàn bộ sản phẩm sau khi thu hoạch. Vỏ gai sẽ được vận chuyển về nhà máy sản xuất sợi gai An Phước ở Cẩm Thủy Thanh Hóa nên không lo về đầu ra. Hơn nữa, cây gai hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn những cây trồng truyền thống khác, và chỉ cần trồng 1 lần, sau khi chặt thì gốc cây sẽ tự trồi lên tái sinh và cho thu hoạch tiếp. Trong một năm, cây gai xanh sẽ cho thu hoạch nhiều lần và khoảng 10 năm sau mới phải trồng lại" bà Trần Thị Việt (xã Xuân An, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ) chia sẻ.
Cây gai xanh AP1 với chi phí đầu vào thấp, kỹ thuật chăm sóc không quá phức tạp, hiệu quả kinh tế lại cao, không những thế, còn được công ty cổ phần nông nghiệp An Phước - Viramie bao tiêu toàn bộ và hướng dẫn đầy đủ kĩ thuật. Trồng cây gai xanh đã và đang là hướng đi mới, hứa hẹn sẽ là cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, góp phần vào công cuộc xoá đói giảm nghèo của nhiều địa phương trên cả nước.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.