Chênh lệch lương hưu trước và sau cải cách tiền lương từ 1/7 tới đây được xử lý thế nào?

Thùy Anh Thứ hai, ngày 03/06/2024 09:55 AM (GMT+7)
Người nghỉ hưu trước ngày cải cách tiền lương có thể chịu thiệt thòi vì mức hưởng lương hưu thấp hơn người về hưu sau khi cải cách tiền lương.
Bình luận 0

Chính phủ cân nhắc giải quyết mức chêch lệch lương hưu sau cải cách tiền lương 

Theo tìm hiểu của PV Báo Dân Việt trên một số diễn đàn và người lao động, có khá nhiều người lao động gần tới tuổi về hưu đang băn khoăn về việc Chính phủ sẽ xử lý thế nào về chênh lệch tiền lương hưu trước và sau khi cải cách tiền lương.

Tại buổi tiếp thu, giải trình trước Quốc hội về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), cải cách tiền lương diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung khẳng định, vấn đề chênh lệch lương hưu trước và sau ngày 1/7 tới đây không khó giải quyết. Đây là vấn đề chuyên môn, Chính phủ đã từng xử lý bằng Nghị định 42/2023 liên quan đến các đối tượng nghỉ hưu trước và sau năm 2023.

Chênh lệch lương hưu trước và sau cải cách tiền lương từ 1/7 tới đây được xử lý thế nào?- Ảnh 1.

Cần xử lý mức chêch lệch tiền lương hưu sau cải cách tiền lương để đảm bảo an sinh cho người lao động khi về hưu. Ảnh: H.N

Nguyên tắc thực hiện là: Người hưởng lương hưu sau ngày 1/7 có chế độ cao, thì sau này chỉ được điều chỉnh theo CPI. Còn lại những người về hưu trước ngày 1/7, lương hưu được điều chỉnh theo tăng trưởng kinh tế, CPI và tăng trưởng thực tế của Quỹ bảo hiểm xã hội.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền đối với cách tính lương hưu khu vực lực lượng vũ trang. Còn các khu vực khác, cơ quan tham mưu đã đề xuất người về hưu từ ngày 1/7 khi cải cách tiền lương cũng được áp dụng lương hưu ở mức cao nhất có thể.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cũng cho biết, ngành hiện được giao nghiên cứu, xử lý 4 vấn đề đi kèm với việc cải cách chính sách tiền lương.

Về mức tăng lương hưu, sau khi tiếp thu ý kiến của Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách tiền lương, Bộ LĐTBXH đã xây dựng phương án điều chỉnh lương hưu, phân chia thành 3 nhóm đối tượng. Nhóm đầu tiên là những người nghỉ hưu thông thường, mức tăng lương hưu sẽ được tính toán hợp lý giữa khu vực đang làm việc với người nghỉ hưu, hài hòa giữa người cùng chức vụ trước và sau 1/7/2024.

Việc điều chỉnh lương hưu không thấp hơn 50% so với mức tăng lương sau cải cách để đảm bảo hài hòa, cân đối, không để người nghỉ hưu bị đẩy xa hơn, thiệt thòi khi cải cách tiền lương.

Nhóm những người nghỉ hưu trước ngày 1/7/2024, Nhà nước cần áp dụng mức bù để giảm phần chênh lệch lương giữa người nghỉ hưu trước và sau thời điểm cải cách chính sách tiền lương. Ngoài áp dụng chính sách bảo hiểm xã hội, những người hưởng lương theo ngân sách khi về hưu được đảm bảo đầy đủ chế độ như người nghỉ hưu bình thường.

Với nhóm nghỉ hưu trước năm 1995, sẽ có chính sách đặc biệt để đẩy lương hưu lên cao hơn nữa. Ngành LĐTBXH sẽ đề nghị Bộ Chính trị, các cơ quan có thẩm quyền cho áp dụng những chính sách đặc biệt.

Cải cách tiền lương: Người về hưu thực sự lo ngại khi tiền lương hưu chưa tăng, giá đã tăng

Bà Vũ Thị Hiệp, 67 tuổi (Hà Nội) từng là giáo viên về hưu. Hiện mức lương hưu của bà được khoảng hơn 6 triệu đồng/tháng. Theo bà Hiệp tuy mức lương hưu này không cao nhưng cũng không phải là thấp so với nhiều nhóm khác, nhưng vẫn chỉ đủ cho bà duy trì cuộc sống tối thiểu.

"Bình thường tôi phải tính toán chắt bóp rất kỹ. Ngày chỉ dám mua 100 nghìn đồng tiền lương thực, thực phẩm cho 2 ông bà, tiền điện, nước, tiền phí dịch vụ... đều cố gắng duy trì ở mức thấp nhất. Nhiều khi vợ chồng tôi muốn ăn uống ngoài hay đi chơi đều phải tính toán rất kỹ vì người già như chúng tôi hay ốm đau. Nếu ốm đau thì tiền lương 1 tháng cũng không đủ", bà Hiệp nói.

Nghe tin Chính phủ sắp cải cách tiền lương, lương hưu cho người già, bà Hiệp rất vui mừng. Tuy nhiên, bà Hiệp cũng rất lo bởi lương hưu chưa tăng mà giá đã tăng. Theo bà Hiện hiện nay tiền thịt lợn, tiền gạo, tiền rau... cũng đã tăng hơn so với trước từ vài nghìn tới vài chục nghìn.

Chênh lệch lương hưu trước và sau cải cách tiền lương từ 1/7 tới đây được xử lý thế nào?- Ảnh 2.

Người về hưu lo ngại lương hưu tăng 1 giá cả tăng 2. Ảnh: DV

"Điều chúng tôi mong muốn nhất chính là tăng lương nhưng phải kiểm soát được giá. Lương có tăng một hai trăm nghìn nhưng giá tăng cả chục lần thì việc tăng lương hưu cũng chẳng còn ý nghĩa", bà Hiệp nói.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) mới đây cũng có nhiều nội dung liên quan tới chính sách tiền lương hưu. Dự thảo cũng đã bỏ quy định về mức lương hưu thấp nhất, song nhiều ý kiến lo ngại khi không còn mức sàn an sinh tối thiểu, nhiều người hưởng sẽ nhận mức lương rất thấp, không đảm bảo cuộc sống khi về hưu...

Căn cứ theo quy định tại Khoản 5 Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, mức hưởng lương hưu thấp nhất khi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là bằng mức lương cơ sở. Hiện nay, mức lương cơ sở đang là 1,8 triệu đồng, do đó mức lương hưu thấp nhất là 1,8 triệu đồng/tháng. Nếu bỏ nội dung này thì sẽ không còn căn cứ để xác lập mức lương hưu tối thiểu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem