Chọn nghề hot, thu nhập cao có quan trọng hơn điều này

Thùy Anh Thứ tư, ngày 10/08/2022 15:57 PM (GMT+7)
Bước vào kỳ tuyển sinh, nhiều học sinh băn khoăn trước ngưỡng cửa chọn ngành, chọn nghề. Chọn ngành hot, ngành thu nhập cao, hay ngành mình yêu thích?.... Các chuyên gia giáo dục, doanh nghiệp, nói gì về sự lựa chọn này của các em?
Bình luận 0

Có nên chọn ngành hot để nộp hồ sơ học đại học?

Sáng nay, 10/8, trong buổi tọa đàm "Ngành nghề mới ở Việt Nam: Nhân lực sẽ đón đầu hay chờ đợi?", các chuyên gia đã giải đáp nhiều câu hỏi của học sinh xung quanh vấn đề chọn ngành, chọn nghề và điều kiện chọn lựa nhân lực từ phía doanh nghiệp.

Tiến sĩ Phan Chính Thức - Chuyên gia về Giáo dục nghề nghiệp từng chia sẻ, thời gian qua, nền kinh tế - xã hội Việt Nam cũng như trên thế giới đã trải qua những biến động không nhỏ vì đại dịch Covid-19. Cách mạng công nghệ 4.0 khiến cho một số công việc, vị trí nghề nghiệp mới ra đời, trong khi không ít lĩnh vực truyền thống dần dần thu hẹp – thậm chí “biến mất”.

Trong bối cảnh đó, việc lựa chọn ngành, nghề để học tập đóng vai trò quan trọng, là tiền đề để lao động hội nhập thị trường lao động trong tương lai. Tuy nhiên, ông Thức cũng nhấn mạnh tới việc "Trước đây chỉ cần học một nghề là làm suốt đời, thì nay phải học suốt đời và làm được nhiều nghề". 

"Để làm được điều này đòi hỏi người học, người dạy đều phải thay đổi. Học gì chưa hẳn đã quan trọng bằng việc học thế nào? Xác định cách học tập đúng  (học trong trường, học ngoài đời, học doanh nghiệp...) giúp lao động thích ứng được với thế giới việc làm luôn đổi thay", ông Thức chia sẻ. 

ngành nghề thu nhâp cao

Các vị diễn giả tham gia hội thảo: "Ngành nghề mới ở Việt Nam: Nhân lực sẽ đón đầu hay chờ đợi?. Ảnh:.N.T

 PGS.Ts. Nguyễn Phú Khánh - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa chia sẻ một câu hỏi thầy thường gặp khi tư vấn ngành nghề cho học sinh đó là: "Học ngành nào hot, ngành nào thu nhập cao?".

Thầy Khánh cho rằng câu hỏi đó cũng không có gì sai, tuy nhiên các em cần lưu ý bởi kể cả các bạn chọn ngành hot nhưng năng lực không phù hợp thì sau này cũng không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của chủ sử dụng lao động. Đương nhiên, không đáp ứng được thì làm sao có thể có thu nhập cao được. 

"Theo tôi, các em nên ưu tiên chọn các ngành mình thích, ngành mình có sở trường, và phải là ngành xã hội cần", ông Khánh nói.

Ông Khánh cũng chia sẻ nói tới việc chọn ngành theo sở thích, có thể nhiều em sẽ thắc mắc, lại hỏi "Lỡ như e lựa chọn nhầm thì sao? Tôi cho rằng điều này cũng không sao, chỉ cần các bạn cố gắng thì khoảng cách các ngành nghề có thể được san phẳng, đặc biệt trong bối cảnh 4.0 cơ hội học tập làm việc luôn rộng mở".

ngành nghề cho thu nhập cao

PGS.Ts. Nguyễn Phú Khánh chia sẻ góc nhìn xung quanh việc chọn ngành, chọn nghề, thu nhập của ngành nghề với học sinh. Ảnh: N.T

Sinh viên Nguyễn Minh Hằng – K14 ngành Quản trị kinh doanh, Khoa Kinh tế và Kinh doanh cho biết, cách đây 2 năm khi vừa biết điểm tốt nghiệp THPT, em đã rơi vào ma trận thông tin tuyển sinh.

"Bạn bè của em đều không có kiến thức ngành nghề, có người nghĩ rằng học marketing là ra làm sếp, hay có bạn cho rằng cứ học công nghệ thông tin là ra làm công nghệ thông tin... nhưng thực tế điều đó không hẳn đúng. Nhiều bạn chỉ quan tâm đến ngành nào đang hot, ngành nào thu nhập cao chứ ít quan tâm tới việc học ngành đó thế nào? ra trường làm gì? mình có yêu thích hay không?...", Hằng nói.

Kết quả, nhiều bạn sau 1-2 năm học nhận thấy mình không phù hợp, không có động lực để học tiếp.

Doanh nghiệp cần gì ở lao động, có phải ngành hot?

Hiện nay để nâng cao chất lượng đào tạo, các trường ĐH rất chú ý tới quá trình nghiên cứu dữ liệu, nắm bắt xu hướng của các ngành nghề hot cũng như những biến động trên thị trường tuyển dụng qua các giai đoạn.

 Ví dụ như ở một số các nhà trường ĐH đã sớm hình thành mô hình gắn kết giữa Nhà trường – Viện nghiên cứu - Doanh nghiệp để tối ưu hóa lộ trình học tập – thực hành cho sinh viên; đào tạo theo “đặt hàng” doanh nghiệp; cung ứng cho thị trường những nhân sự đảm bảo chất lượng.

"Qua Báo cáo về thị trường lao động của Bộ LĐTBXH cho thấy một số ngành sẽ có nhu cầu phát triển mạnh trong thời gian tới là: Marketing, Logistics, Quản lý chuỗi cung ứng… Cùng đó, lĩnh vực Y tế và chăm sóc sức khỏe cũng đang thiếu rất nhiều nhân sự, đặc biệt về Điều dưỡng viên và người làm về Dược".

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Trần Lan Phương - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Phenikaa cho rằng, doanh nghiệp cần lao động có chất lượng, đáp ứng đủ 3 yếu tố: Kiến thức; Kỹ năng; Thái độ.

"Về kiến thức, doanh nghiệp cần các bạn sinh viên được học trang bị kiến thức cơ bản trong lĩnh vực đó và các bạn được đào tạo về kiến thức chuyên môn. Thứ 2, vì sinh viên chưa có kinh nghiệm nên chúng tôi coi trọng ở yếu tố kỹ năng thái độ. Trong số các kỹ năng chúng tôi đánh giá cao kỹ năng giao tiếp, đặc biệt là kỹ năng phản biện. Ngoài ra, sinh viên cũng có thái độ tích cực, tinh thần ham học hỏi, sự nghiêm túc trong công việc", bà Phương nhấn mạnh.

Ông Hoàng Hưng Hải - GĐ Sản phẩm Qualcomm Việt Nam cho rằng ngoài 3 điều kiện bà Phương nêu ở trên, các doanh nghiệp cũng đánh giá cao sự đam mê, yêu thích của lao động với công việc hiện tại. Tính sáng tạo của lao động cũng là lợi thế, điểm cộng của lao động.

"Chọn điểm xuất phát quan trọng hơn là chọn một ngành nghề phù hợp với thị trường việc làm sau này. Bởi vì nếu được đào tạo bài bản, đáp ứng các điều kiện ở trên thì tương lai, công việc nào lao động cũng có thể đáp ứng được", ông Hải nói.

ngành nghề thu nhập

Hiện nay nhiều học sinh vẫn chỉ quan tâm tới việc chọn ngành nào hot, thu nhập cao để nộp hồ sơ theo học. Ảnh: N.T

Lao động trẻ vừa tốt nghiệp thiếu điều gì?

Trả lời cho câu hỏi: “Lao động trẻ vừa tốt nghiệp thiếu nhất điều gì?”, bà Phương cho rằng lao động vừa tốt nghiệp ra trường thường thiếu nhất là sự trải nghiệm. Trải nghiệm ở đây được hiểu là quá trình thực tập ra sao? thực hành thế nào/ hoặc là các mối quan hệ khác ngoài học tập.

"Ngoài ra, quá trình tuyển dụng chúng tôi nhận thấy lao động trẻ rất thiếu và yếu các kỹ năng. Đầu tiên là kỹ năng giao tiếp, tiếp đó là kỹ năng làm việc nhóm. Đặc biệt là thiếu yếu kỹ năng phản biện và kỹ năng giải quyết vấn đề. Đây là hai kỹ năng lớn quan trọng, doanh nghiệp đánh giá cao ở ứng viên", bà Phương nhấn mạnh.

Còn với ông Hải, hiện nay cái thiếu lớn nhất lao động trẻ vừa tốt nghiệp chính là "thiếu sáng tạo, thiếu kỹ năng làm việc liên nhóm, liên ngành". Doanh nghiệp có đủ những điều kiện để hỗ trợ lao động, nhưng nếu không có tính sáng tạo thì lao động đó rất khó thành công.

Kết lại buổi hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng, vấn đề quan trọng nhất vẫn không phải là học ngành gì, học thế nào, mà quan trọng hơn các bạn sinh viên cần chuẩn bị tâm thế, chọn thái độ học tập tích cực. Điều này đồng nghĩa với việc dù học ở ngành nào, nhưng nếu bạn có quá trình học tập tốt, có đủ kỹ năng, thái độ làm việc tích cực thì bạn vẫn có thể thích ứng với sự đổi thay của công việc trong bối cảnh thị trường việc làm thay đổi liên tục.  


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem