LTS: Để kết lại loạt bài về phòng vệ thương mại, Báo điện tử Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại về vai trò của phòng vệ thương mại trong giai đoạn kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới. Để bảo vệ mình trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập sâu rộng, doanh nghiệp cần phải chủ động hơn trong việc phòng vệ thương mại.

Hiện tại, Việt Nam đã ký kết nhiều Hiệp định thương mại thế hệ mới giúp kim ngạch xuất nhập khẩu tăng. Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên môn nhận thức của nhiều doanh nghiệp về lĩnh vực phòng vệ thương mại vẫn hạn chế.

Trao đổi với Dân Việt, ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho biết, hiện tại, mục tiêu cấp thiết trong hoạt động trong công tác phòng vệ thương mại là nâng cao nhận thức của doanh nghiệp. Qua đó, chủ động phòng tránh, ứng phó với các vụ việc với số lượng ngày càng gia tăng.

Chủ động phòng vệ thương mại: Doanh nghiệp không thể để “nước đến chân mới nhảy” - Ảnh 1.

Ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại. (Ảnh: Ngọc Hải)

Trong năm 2020, ngành phòng vệ thương mại có thể nói đã rất bận rộn và trải qua nhiều sự kiện. Ông đánh giá công tác phòng vệ thương mại năm vừa qua của Việt Nam như thế nào?

Năm 2020, dịch Covid-19 khiến nhiều nền kinh tế gặp khó khăn, sản xuất suy giảm thì kinh tế và xuất khẩu của Việt Nam tăng ấn tượng. Do đó, không ngạc nhiên khi số vụ phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam gia tăng đột biến và đạt mức kỷ lục là 39 so với 16 vụ của năm 2019.

Trong đó, Mỹ vẫn là quốc gia điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với hàng xuất khẩu Việt Nam trong năm 2020 với 8 vụ; theo sau là Úc (7 vụ). Các nước như Canada, Thổ Nhĩ Kỳ, Philippines, Indonesia, Ai Cập… cũng gia tăng điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại khác nhau đối với Việt Nam.

Nếu như so sánh với giai đoạn 2005 - 2010 mới có 21 vụ thì giai đoạn 2011 - 2015 là 52 và giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 11.2020 là 100. Đặc biệt, thời gian gần đây, xu thế đáng lo ngại là số lượng các vụ việc cũng tăng lên do các nước cho rằng hàng hóa xuất khẩu của ta sử dụng nguyên liệu chính nhập khẩu từ các nước đang bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.

Qua đó, những hàng hóa nêu trên không tạo thêm giá trị gia tăng đáng kể tại Việt Nam, như thép, nhôm, thậm chí là tôm. Tuy nhiên, cũng cần phải khẳng định, phòng vệ thương mại là biện pháp hợp pháp, được quốc tế công nhận và các quốc gia có thể áp dụng.

img
img
img
img

Số vụ việc phòng vệ thương mại năm 2020 gia tăng nhưng không "bất ngờ".

Điều này tác động thế nào đến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và Cục Phòng vệ thương mại đã ứng phó thế nào với tình trạng trên?

Các vụ việc này đã tác động đến lượng kim ngạch xuất khẩu không nhỏ. Từ năm 2000 tới nay, ước tính, tổng kim ngạch xuất khẩu các ngành hàng bị điều tra phòng vệ thương mại lên tới hơn 12 tỉ USD. Qua đó, nhiều doanh nghiệp, mặt hàng, kể cả mặt hàng xuất khẩu quan trọng như tôm, cá tra, sắt thép, nhôm, gỗ... đã gặp khó khăn.

Trong đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Cùng với đó, đây cũng là quốc gia áp dụng nhiều biện pháp phòng vệ thương mại nhiều nhất với Việt Nam với 27 biện pháp đã áp dụng.

Trong bối cảnh trên, Cục Phòng vệ thương mại đã đồng hành, phối hợp với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng nhằm giải quyết các vụ việc. Qua đó, hơn 200 vụ việc phòng vệ thương mại đã được xử lý với tỷ lệ thành công cao.

Theo ông đánh giá, hiện tại, nhận thức, sự quan tâm của các doanh nghiệp đối với lĩnh vực phòng vệ thương mại như thế nào? Ngoài ra, theo phản ánh của chuyên gia, doanh nghiệp, hiện tại, Việt Nam đã tham gia rất nhiều Hiệp định thương mại (FTA) với các cam kết tốt. Tuy nhiên, để có thể nắm bắt hết quy định, hệ thống thuật ngữ của FTA vẫn là một "bài toán" với các doanh nghiệp, ông đánh giá vấn đề này như thế nào?

Trong thời gian qua, Việt Nam đã tham gia rất nhiều FTA, trong đó, nổi bật là EVFTA hay RCEP. Với thị trường của EU theo hiệp định EVFTA, các nội dung kỹ thuật, chuyên môn có thể rất khó.

Do đó, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu hoặc liên hệ với cơ quan quản lý nhà nước có chuyên môn để được giải thích, cung cấp thông tin. Qua đó, tránh tình trạng "nước đến chân mới nhảy" hoặc sẽ bị các nước nhập khẩu áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại chỉ vì tìm hiểu không kỹ các quy định.

Thời gian qua, xuất khẩu của Việt Nam tăng rất nhanh, cùng với đó, các mặt hàng tôm, cá tra, thép, gỗ... liên tục bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Khi mới gặp phải các biện pháp này, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của ta đã rất bất ngờ và thất vọng.

Theo đó, các doanh nghiệp cho rằng bị nước nhập khẩu đối xử bất công và đây là các biện pháp bảo hộ trá hình. Phản ứng này là bình thường, đặc biệt khi chúng ta còn bỡ ngỡ với các quy định của thị trường nước ngoài.

Tuy nhiên, hiện tại, các doanh nghiệp Việt đã dần quen và biết cách vượt qua rào cản thương mại đặc biệt này để tiếp tục ổn định sản xuất, xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp đã thích nghi và có kinh nghiệm xử lý cũng như chuẩn bị chiến lược ứng phó phù hợp đối với mỗi vụ kiện.

Ngoài ra, không ít doanh nghiệp đã có bộ phận nhân lực về pháp luật chuyên xử lý các vụ kiện về phòng vệ thương mại của nước ngoài, đặc biệt là trong một số ngành xuất khẩu quan trọng như thủy sản, thép, dệt may...

Dù vậy, vẫn còn một số DN nhỏ và vừa vẫn chưa nhận thức được tầm quan trọng của công cụ phòng vệ thương mại do cho rằng không trực tiếp tác động tới hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng ngày. Vấn đề này cần có thời gian và phải được cải thiện một cách có hệ thống.

Nhận thức và sự tham gia của doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng, thậm chí là quyết định tới kết luận của vụ việc ngay cả khi có kết luận sơ bộ và kết luận chính thức.

Theo đó, việc chủ động theo dõi và tuân thủ quy định của nước nhập khẩu, đồng thời phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Bộ Công thương, cơ quan điều tra nước ngoài là điều kiện tiên quyết để bảo vệ lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp xuất khẩu.

img
img

Nhiều hội thảo, tọa đàm về phòng vệ thương mại được tổ chức trong năm 2020 nhằm nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp, bảo vệ hàng hóa của Việt Nam.

Hiện tại, công tác phòng vệ thương mại không chỉ dừng lại ở việc bảo vệ hàng hóa xuất khẩu. Bên cạnh đó, thị trường trong nước cũng cần được quan tâm, đặc biệt, nổi bật thời gian vừa qua là hai ngành mía đường và phân bón. Xin ông chia sẻ thêm về nội dung này?

Trong hai vụ việc liên quan đến ngành mía đường và phân bón, công tác điều tra phòng vệ thương mại rất quan trọng đối với việc bảo vệ ngành sản xuất trong nước. Đặc biệt là bảo vệ người nông dân, doanh nghiệp trực tiếp tham gia sản xuất.

Đối với vụ việc mía đường, ngành sản xuất trong nước đã cung cấp các thông tin, bằng chứng cho thấy sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan đang bị bán phá giá vào Việt Nam và Chính phủ Thái Lan đã và đang duy trì một số chính sách trợ cấp cho hoạt động trồng mía của người nông dân và ngành sản xuất mía đường.

Trên cơ sở hồ sơ yêu cầu của các doanh nghiệp đại diện cho ngành, tháng 9 năm 2020, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 2466/QĐ-BCT về việc tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.

Ngày 9/2/2021, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 477/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan. Hiện tại, chúng tôi vẫn tiếp tục theo dõi tác động, hoạt động của ngành và sẽ có những đợt rà soát nhằm điều chỉnh biện pháp cho hợp lý.

Đối với vụ việc áp thuế chống bán phá giá với phân bón DAP và MAP nhập khẩu, nhiều ý kiến cho rằng điều này làm tăng giá phân bón trong nước. Cũng cần phải nhận định rằng, tuy ngành sản xuất trong nước còn nhỏ lẻ, tuy nhiên, vẫn cần có những động thái bảo vệ. Qua đó, tránh phụ thuộc vào hàng nhập khẩu.

Đối với đề xuất miễn giảm thuế hoặc cấp hạn ngạch với một số thị trường nhập khẩu, doanh nghiệp cần làm thủ tục đề nghị theo hướng dẫn của cơ quan quản lý. Ví dụ, doanh nghiệp muốn xin miễn trừ hay giảm thuế phải chứng minh được tính "không thể thay thế" của hàng hóa sản xuất trong nước. Sau đó, cơ quan quản lý mới có cơ sở để điều chỉnh biện pháp.

img
img

Áp thuế chống bán phá giá phân bón, đường nhập khẩu là hai động thái tiêu biểu cho hoạt động bảo vệ ngành sản xuất trong nước.

Hiện tại, về lĩnh vực phòng vệ thương mại, giới chuyên môn nhận định, việc "phòng bệnh" quan trọng hơn "chữa bệnh". Ông nhận định về tầm quan trọng của việc cảnh báo sớm nguy cơ như thế nào?

Chính phủ đã khẳng định quyết tâm không để các doanh nghiệp nước ngoài biến Việt Nam thành điểm trung gian nhằm lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Cụ thể, trong năm 2020, Chính phủ đã ban hành Đề án 824, qua đó Bộ Công thương đã xây dựng danh sách cảnh báo gửi tới các bộ, ngành, UBND các tỉnh.

Trong đ, danh sách 14 mặt hàng, trong đó có 4 mặt hàng đã bị kiện phòng vệ thương mại gồm: Thép chống ăn mòn; gỗ dán; lốp xe ô tô; ống đồng. Bộ Công thương cũng thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm về xuất xứ cũng như đang phối hợp xây dựng đề xuất về khai báo xuất khẩu tự nguyện với các đối tác thương mại lớn.

Trong các vụ kháng kiện, Cục Phòng vệ thương mại đã chủ động hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các hoạt động như cảnh báo sớm. Trao đổi thường xuyên với hiệp hội, doanh nghiệp để cung cấp thông tin cập nhật, kịp thời.

Chúng tôi cũng tư vấn pháp lý, quy trình thủ tục điều tra, thông lệ điều tra của nước khởi kiện và đưa ra các khuyến nghị, hướng xử lý cụ thể cho doanh nghiệp. Ngoài ra, Cục đã tổ chức các khóa đào tạo, hội thảo phổ biến kiến thức về phòng vệ thương mại cho các doanh nghiệp trên khắp cả nước. Đặc biệt, tập chung vào các địa bàn tập trung nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu như TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai…


Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem