Trước thềm hội nghị, Báo Nông thôn ngày nay/Báo điện tử Dân Việt đã có cuộc trao đổi với đồng chí Lương Quốc Đoàn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn trả lời phỏng vấn Báo Nông thôn ngày nay/Báo điện tử Dân Việt trước thềm Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam lần thứ 4, năm 2022

Chủ tịch Hội NDVN Lương Quốc Đoàn: Tiếp sức nông dân, đối thoại đa chiều, tháo gỡ nhiều vấn đề về tam nông - Ảnh 1.

Năm 2022 là lần thứ 4 Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (Hội NDVN) chủ trì tổ chức Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam. Xin Chủ tịch cho biết những điểm mới trong hội nghị lần này?

- Tiếp nối thành công của 3 Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam vào tháng 4/2018 tại tỉnh Hải Dương, tháng 12/2019 tại TP.Cần Thơ và tháng 9/2020 tại Đăk Lăk, năm 2022, T.Ư Hội NDVN chủ trì, phối hợp với tỉnh Sơn La tổ chức Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam (lần thứ 4) với chủ đề "Tiếp sức, hỗ trợ nông dân; phục hồi, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững".

Chủ tịch Hội NDVN Lương Quốc Đoàn: Tiếp sức nông dân, đối thoại đa chiều, tháo gỡ nhiều vấn đề về tam nông - Ảnh 2.

Trong 3 lần đối thoại trước, chỉ có nông dân đối thoại với Thủ tướng Chính phủ, thì điểm mới của hội nghị đối thoại năm 2022 đó là đối thoại đa chiều. Cụ thể, cùng với nông dân tiêu biểu, xuất sắc, còn có các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành về tam nông và các doanh nghiệp, HTX nông nghiệp sẽ tham gia đối thoại với người đứng đầu Chính phủ.

Đặc biệt, ngoài các ý kiến của nông dân xuất sắc, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, để chuẩn bị cho hội nghị đối thoại lần này T.Ư Hội NDVN đã triển khai sâu rộng tới các cấp Hội, hội viên nông dân, qua đó tập hợp được ý kiến của đông đảo hội viên nông dân cả nước, làm cơ sở tổng hợp lại những vấn đề chính, vấn đề lớn, nổi cộm để kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ.


img
img

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội NDVN Lương Quốc Đoàn (trái) thăm mô hình trồng bưởi tại xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Minh Ngọc

Xin Chủ tịch cung cấp thêm thông tin, tại sao Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại nông dân Việt Nam lần này được chọn tổ chức tại tỉnh Sơn La?

- Trong 3 lần đối thoại trước, Hội NDVN tổ chức ở khu vực đồng bằng sông Hồng, khu vực đồng bằng sông Cửu Long, khu vực miền Trung Tây Nguyên. Lần thứ 4 này, Hội NDVN chọn địa bàn Sơn La để trình Thủ tướng Chính phủ tổ chức hội nghị đối thoại. Hội nghị đối thoại lần này mang tính chất đại diện phần lớn hơn cho sản xuất nông nghiệp, nông dân, nông thôn khu vực miền núi phía Bắc.

Bên cạnh đó, tỉnh Sơn La là điểm sáng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đặc biệt là trong sản xuất nông nghiệp. Từ một tỉnh trung bình trong khu vực, trong thời gian rất ngắn Sơn La đã trở thành tỉnh có nền sản xuất nông nghiệp phát triển rất mạnh, đặc biệt là trái cây.

Hiện Sơn La là địa phương có diện tích cây ăn quả lớn nhất miền Bắc và đứng thứ 2 cả nước. Tỉnh Sơn La đã có nhiều chủ trương thực hiện rất đồng bộ trong phát triển HTX gắn với sản xuất hàng hóa.

Về xúc tiến thương mại và tiêu thụ nông sản, Sơn La có rất nhiều điểm mới, sáng tạo và mang tính đột phá. Các sản phẩm nông sản đặc trưng của Sơn La như xoài, nhãn, mận... đã được người tiêu dùng trong cả nước biết đến.

Không chỉ vậy, nhiều nông sản Sơn La, trong đó có xoài, nhãn đã chinh phục được các thị trường khó tính như Mỹ, Australia, EU... Sơn La là điểm sáng để trình Thủ tướng Chính phủ chọn là địa điểm tổ chức hội nghị đối thoại lần này.

Chủ tịch Hội NDVN Lương Quốc Đoàn: Tiếp sức nông dân, đối thoại đa chiều, tháo gỡ nhiều vấn đề về tam nông - Ảnh 4.

Đại dịch Covid-19 đã gây ra làn sóng di cư hồi hương. Đây cũng là trăn trở của nhiều cán bộ, hội viên nông dân. Chủ tịch đánh giá như thế nào về tình hình này?

- Qua làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, làn sóng lao động di cư từ các khu công nghiệp, các đô thị lớn về nông thôn rất lớn, ảnh hưởng rất nhiều đến phát triển kinh tế - xã hội nói chung, chính sách an sinh xã hội, lớn hơn nữa là ảnh hưởng sự ổn định ở nông thôn.

Chủ tịch Hội NDVN Lương Quốc Đoàn: Tiếp sức nông dân, đối thoại đa chiều, tháo gỡ nhiều vấn đề về tam nông - Ảnh 5.

Nếu lao động di cư về nông thôn ở mức độ vừa phải có thể duy trì, ổn định được, nhưng với hàng triệu lao động từ thành phố tràn về nông thôn thì vấn đề an sinh, sinh kế… sẽ rất khó khăn cho nông thôn.

Trong hội nghị đối thoại lần này, có nhiều kiến nghị của cán bộ, hội viên nông dân gửi tới Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Thứ nhất đó là chính sách dạy nghề, chuyển đổi lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp.

Thứ 2 là khi con em nông dân chuyển sang làm công nhân, lao động tại các khu đô thị, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có cơ chế, chính sách để những lao động này được thuê, mua nhà với những chính sách phù hợp với thu nhập của họ.

Kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có những chính sách căn cơ để lao động nông nghiệp chuyển đổi sang các khu công nghiệp có mức thu nhập ổn định, có chính sách để họ trở thành thị dân trong quá trình lao động, sản xuất tại các khu công nghiệp và tại đô thị. Thực tế hiện nay, công nhân có thu nhập thấp, không đủ để trở thành cư dân ở các khu công nghiệp, các khu đô thị.

Thứ 3, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có cơ chế, chính sách mạnh mẽ hơn thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, để con em nông dân khi trưởng thành có cơ hội phát triển kinh tế nông thôn, "ly nông, không ly hương". Điều này đã được đặt ra trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đó là thúc đẩy mạnh đô thị hoá ở nông thôn, để người dân nông thôn có mức thụ hưởng gần hơn so với khu đô thị.

Đây là những kiến nghị, tôi cho rằng rất phù hợp, rất đúng và rất trúng với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong kỳ đối thoại lần này.


Chủ tịch Hội NDVN Lương Quốc Đoàn: Tiếp sức nông dân, đối thoại đa chiều, tháo gỡ nhiều vấn đề về tam nông - Ảnh 6.

Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn (phải) thăm mô hình trồng hoa giấy xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Ảnh: Thu Hà

Với tư cách là người đứng đầu tổ chức Hội ND, đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của giai cấp nông dân Việt Nam, Chủ tịch có những kỳ vọng gì về kết quả Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2022?

- Trong hơn 2 năm qua, chúng ta phải phòng chống đại dịch Covid-19 hết sức khốc liệt, đặc biệt là làn sóng dịch Covid lần thứ 4. Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp, đời sống nông dân, nông thôn.

Chủ tịch Hội NDVN Lương Quốc Đoàn: Tiếp sức nông dân, đối thoại đa chiều, tháo gỡ nhiều vấn đề về tam nông - Ảnh 7.

Sản xuất nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn khi giá vật tư, thiết bị đầu vào tăng rất cao, đặc biệt là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, cá biệt có những sản phẩm phân bón tăng giá đến 200-300% đã ảnh hưởng rất lớn đến người nông dân.

Do đứt gãy chuỗi cung ứng, nhiều nông sản, hàng hoá của nông dân rất khó tiêu thụ. Tình trạng ùn ứ nông sản trong hơn 2 năm qua đã tác động rất lớn đến sản xuất nông nghiệp, đời sống nông dân.

Điểm căn cơ, đó là cơ chế chính sách trong liên kết vùng, xây dựng vùng nguyên liệu, kết nối giao thông, hạ tầng, logistics… Đây đều là những vấn đề rất lớn, là tâm tư, nguyện vọng của hội viên nông dân, các HTX, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, các nhà khoa học, các nhà chính sách.

Kỳ vọng lớn nhất của chúng ta đó là, trên cơ sở Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các chương trình của Chính phủ, đặc biệt là chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; 3 chương trình mục tiêu quốc gia (Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi)… Thủ tướng Chính phủ sẽ giải đáp cho hội viên nông dân, các doanh nghiệp hoạt động trực tiếp trong lĩnh vực nông nghiệp, các HTX, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu chính sách những định hướng lớn, chiến lược xây dựng, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời gian tới. 


Chủ tịch Hội NDVN Lương Quốc Đoàn: Tiếp sức nông dân, đối thoại đa chiều, tháo gỡ nhiều vấn đề về tam nông - Ảnh 8.

Đồng chí Lương Quốc Đoàn, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch BCH Trung ương Hội NDVN bắt tay, động viên các hộ nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, Hà Giang. Ảnh: Minh Ngọc.

Chúng ta rất kỳ vọng trên cơ sở các chủ trương, quyết sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ đáp ứng mong muốn, nguyện vọng chính đáng của hội viên nông dân, các HTX, các doanh nghiệp, các nhà khoa học; vừa là thỏa mãn vừa là gợi mở hướng đi mới cho chính các hội viên nông dân sản xuất nông nghiệp, các doanh nghiệp, các nhà khoa học của nhà nông trong thời gian tới.

Trên cơ sở đó khẳng định vai trò, trách nhiệm của tổ chức Hội NDVN trong việc tham gia hướng dẫn, vận động, dẫn dắt nông dân chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Xin cảm ơn Chủ tịch!

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem