Hình ảnh của ông trước phóng viên Reuters với ánh mắt rất kiên định, thẳng thắn nhưng cũng rất cởi mở đã thực sự gây ấn tượng với tôi. Trước sự săn đón của giới truyền thông quốc tế, ông lại càng kín tiếng. Phải mất gần một năm, tôi mới có cơ hội được gặp và trò chuyện trực tiếp với ông. Một cuộc gặp gỡ đặc biệt và rất hợp ... thời đại. 

Từ Kenya xa xôi, tiến sĩ Nguyễn Việt Hùng đã dành cho báo Nông Thôn Ngày Nay (danviet.vn) một cuộc trò chuyện cởi mở, thú vị qua Zoom.


Chuyện của nhà khoa học Việt Nam duy nhất được WHO chọn vào nhóm điều tra COVID-19 - Ảnh 1.

Xin chào Tiến sĩ!  Được biết, hiện nay ông là nhà khoa học Việt Nam có kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu nông nghiệp, sức khỏe và môi trường được cộng đồng quốc tế, đặc biệt là WHO đánh giá cao, xin ông cho biết ông đã đến với khoa học từ những ngày đầu như thế nào?

Cái duyên đến với nghiên cứu khoa học rất tình cờ. Ngày xưa tôi được đào tạo ra làm giáo viên dạy Sinh học ở trường trung học phổ thông. Tôi tốt nghiệp trường ĐHSP Hà Nội, khoa Sinh học Kỹ thuật nông nghiệp. Tôi nhận được học bổng du học ở Pháp để đi học sau đó về dạy sinh học bằng tiếng Pháp cho các trường phổ thông.

Thế nhưng, sau khi tôi học xong một năm thì ở Việt Nam không tiếp tục chương trình dạy môn sinh học bằng tiếng Pháp nữa. Lúc đó, thay vì về nước làm giáo viên, tôi tiếp tục ở lại Pháp làm nghiên cứu sinh trong lĩnh vực sinh học môi trường. Luận án của tôi làm về phát triển chỉ thị sinh học về ô nhiễm không khí ở Hà Nội, dùng các vi sinh vật sống trong rêu và thực vật để đo mức độ ô nhiễm không khí ở Việt Nam.


img
img
img
img

Tiến sĩ Nguyễn Việt Hùng làm việc ở phòng thí nghiệm. Ảnh NVCC

Đó là những năm đầu 2000, Việt Nam chưa có nhiều phương tiện đo ô nhiễm không khí như bây giờ. Một trong những biện pháp có chi phí thấp nhất để đo được mức độ ô nhiễm ở quy mô rộng đó là phát triển các chỉ thị sinh học để đánh giá được mức độ ô nhiễm không khí ở các thành phố và các địa bàn khác nhau bằng cách sử dụng các sinh vật chỉ thị.

Sau nghiên cứu này, tôi chuyển sang Thụy Sĩ làm nghiên cứu hậu tiến sĩ cũng vẫn trong lĩnh vực khoa học môi trường, nhưng thiên hơn về nghiên cứu tác động của vệ sinh môi trường lên sức khỏe con người ở các nước đang phát triển, nghĩa là tôi chuyển từ nghiên cứu sinh thái đơn thuần sang ứng dụng trong lĩnh vực sức khỏe. Chương trình nghiên cứu này là của Thụy Sĩ tài trợ.

Tôi làm việc ở hai khu vực chính, đó là Tây Phi, ở Bờ Biển Ngà và Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam và Thái Lan. Từ đó, nghiên cứu là công việc chính của tôi. Trong quá trình làm việc ở Thụy Sĩ tại Viện Nhiệt đới và Y tế công cộng Thụy Sỹ (Swiss TPH) và Viện nước Thụy Sỹ (Eawag), các chương trình nghiên cứu tập trung vào các vấn đề về nước và môi trường ở các nước đang phát triển, cũng từ đây, xuất hiện thêm các vấn đề liên quan đến sức khỏe và nông nghiệp, đó là nước và chất thải trong nông nghiệp, bảo vệ tài nguyên và giảm sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu… tái sử dụng nước thải và các phụ phẩm trong nông nghiệp và các chất thải trong chăn nuôi một cách an toàn hơn cho con người và môi trường.


Chuyện của nhà khoa học Việt Nam duy nhất được WHO chọn vào nhóm điều tra COVID-19 - Ảnh 3.

Cũng có những câu chuyện rất hay là khi làm việc với các nước phát triển như Thụy Sĩ, họ luôn luôn có ý tưởng là muốn phát triển năng lực cho các nước đang phát triển trong lĩnh vực nghiên cứu. Và chương trình làm nghiên cứu của tôi cũng đúng mục đích là tăng cường năng lực nghiên cứu cho các nước đang phát triển trong lĩnh vực phát triển bền vững trong nông nghiệp và sức khỏe… Lúc đó, người phụ trách của tôi đặt ra vấn đề, tại sao Hùng không nghĩ đến câu chuyện làm nghiên cứu ở Đông Nam Á, có thể về Việt Nam hoặc chọn một nước nào đó để xây dựng một nhóm nghiên cứu cho mình ở một cơ quan nào đó.

Sau khi họ đặt vấn đề, tôi đã về Việt Nam và Thái Lan làm việc. Đó là giai đoạn năm 2008-2014. Ở Việt Nam, dự án nghiên cứu của tôi tập trung vào vấn đề sức khỏe và môi trường ở Hà Nam. Tôi có đặt vấn đề với Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, ở đó họ có một nhóm nghiên cứu về sức khỏe môi trường và làm việc ở đấy một thời gian. Sau đó, chúng tôi thành lập một nhóm nghiên cứu về sức khỏe môi trường, sinh thái ở Trường Đại học Y tế Công cộng và tôi đã làm việc ở đó 5 năm. Năm 2014, tôi làm Trưởng Đại diện của ILRI tại Việt Nam, và đến năm 2017 thì tôi làm đại diện của ILRI tại khu vực Đông và Đông Nam Á. Đến năm 2020, tôi chuyển đến Kenya, làm đồng lãnh đạo chương trình nghiên cứu về Sức khỏe con người và động vật của ILRI.

Nếu không làm nhà khoa học, tôi cũng có thể đã là một giáo viên cấp 3 dạy môn sinh học bằng tiếng Pháp. Với tôi, nghề nghiệp nào cũng có những niềm vui và tự hào riêng.


Chuyện của nhà khoa học Việt Nam duy nhất được WHO chọn vào nhóm điều tra COVID-19 - Ảnh 4.

Với hơn 15 năm kinh nghiệm làm việc tại khu vực Đông Nam Á (Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Lào), Tây Phi (Bờ Biển Ngà) và gần đây là Đông Phi, câu nói "cuộc đời là những chuyến đi" dường như rất phù hợp với con đường làm khoa học của ông?

Đó cũng là đặc thù và yêu cầu công việc của tôi phải di chuyển đến những nơi mà công việc yêu cầu. Đặc thù là viện nghiên cứu quốc tế thì địa bàn hoạt động ở khắp toàn cầu. Khi công việc yêu cầu thì chúng tôi di chuyển, chúng tôi ít có lựa chọn. Thực tế, mỗi chuyến đi là một sứ mệnh. Bạn biết đấy, CGIAR là một hệ thống toàn cầu nghiên cứu nông nghiệp quốc tế lớn nhất thế giới, trong đó có 15 viện nghiên cứu khác nhau như Viện Lúa (IRRI) ở Philipines, Viện Cá (WorldFish) ở Malaysia, Viện nghiên cứu về khoai tây và cây có củ (CIP) ở Peru, Viện Chính sách lương thực (IFPRI) ở Mỹ, và Viện ILRI của chúng tôi làm về chăn nuôi đóng tại Kenya và có các văn phòng đại diện ở các nước trong đó có Đông Nam Á. Mục tiêu chính của các viện này là nghiên cứu để cải thiện an ninh lương thực cho các nước nghèo.

Các nghiên cứu của chương trình tôi đang phụ trách thường có chiến lược nghiên cứu với mục tiêu chính là tăng cường sức khỏe đàn vật nuôi ở các nước đang phát triển để từ đó tăng sản lượng chăn nuôi, tạo điều kiện tốt cho người nghèo, họ có thể giảm nghèo, có tiền cho sinh hoạt và con cái họ đến trường… Mục tiêu và sứ mệnh của chúng tôi gắn liền với sức khỏe của con người, của động vật và sinh kế của người nghèo. Những nơi tôi đến, tôi đều có những nghiên cứu thực địa, từ nông hộ chăn nuôi, từ chợ truyền thống, từ các lò giết mổ động vật nuôi, để có nghiên cứu đánh giá thực tế ảnh hưởng của ô nhiễm thực phẩm đã gây thiệt hại như thế nào đối với sức khỏe con người và nền kinh tế.

Ngoài câu chuyện nghiên cứu để cải thiện sức khỏe động vật nuôi thì chúng ta cần có những nghiên cứu và giải pháp để ngăn chặn các căn bệnh truyền lây từ động vật sang người, ví dụ như Covid-19, các bệnh cúm gia cầm, hay SARS… Sứ mệnh của CGIAR hay của các nhà khoa học như chúng tôi không chỉ là nghiên cứu mà phải tạo ra được sự ảnh hưởng, để làm sao chuyển tài những thông điệp từ những bằng chứng nghiên cứu thành chính sách và hành động thực tế ở những nơi mà người dân thực sự đang rất cần.


Chuyện của nhà khoa học Việt Nam duy nhất được WHO chọn vào nhóm điều tra COVID-19 - Ảnh 5.

Chúng ta đang sống trong giai đoạn mà thế giới đang phải đương đầu với sự xuất hiện và lan truyền của các bệnh truyền nhiễm mới nổi hoặc tái bùng phát ở người, vật nuôi và động vật hoang dã gây hậu quả khôn lường đối với sức khỏe con người, sinh kế và sự phát triển kinh tế. Đây không chỉ là thách thức của nhân loại đối với vấn đề sức khỏe mà còn là thách thức cả với những người làm khoa học?

Như bạn biết đấy, thế giới đang đối mặt với những thách thức sức khỏe toàn cầu. Đại dịch COVID-19 gây ra hậu quả rất nghiêm trọng, đã hơn 5 triệu người tử vong và hàng trăm triệu người bị nhiễm bệnh. Đại dịch COVID-19 gây ra thiệt hại về sức khỏe con người và thiệt hại về kinh tế, vận hành xã hội… trên toàn thế giới.

Tuy nhiên xét về góc độ khoa học và những cảnh báo gần đây thì nó không phải là điều gì quá ngạc nhiên bởi vì tần suất xuất hiện các bệnh mới nổi như COVID-19, SARS, hoặc tái nổi như bệnh dại, bệnh sốt rét ... càng ngày càng tăng lên. Có nhiều lý do, nhưng lý do chính của hiện tượng này là khi dân số tăng lên, đô thị hóa diễn ra nhanh hơn, tác động của con người vào thiên nhiên, đặc biệt là nạn phá rừng, việc tiếp xúc với động vật trong chăn nuôi và động vật hoang dã… đã tạo điều kiện cho vi sinh vật truyền từ động vật lây bệnh sang người.

Việt Nam cũng như các nước khác ở Đông Nam Á và các nước ở châu Phi rất không may lại là điểm nóng của những bệnh truyền nhiễm và bệnh mới nổi. Đây là một thách thức của xã hội hiện đại và trong tương lai. Ngoài ra, những thách thức khác mà nhân loại đang phải đối mặt là vấn đề kháng thuốc, đặc biệt là kháng kháng sinh. Việc sử dụng kháng sinh quá liều trong điều trị y tế và trong chăn nuôi, thủy sản đã gây nên hiện tượng kháng thuốc, gây ra những hiểm họa cho con người và động vật mà người ta ước lượng hiện nay có khoảng 700 ngàn người mỗi năm bị tử vong vì kháng thuốc. Nếu không có những biện pháp kịp thời thì con số này có thể tăng lên hàng chục triệu người mỗi năm vào năm 2050.  Ngoài ra, một vấn đề nữa mà chúng ta đang phải đối mặt trên phạm vi toàn cầu là an toàn thực phẩm. Gánh nặng của các thách thức sức khỏe toàn cầu rất lớn ở các nước đang phát triển.


img
img
img
img
img

Tiến sĩ Nguyễn Việt Hùng và những chuyến đi thực tế ở Kenya.

Cách tiếp cận mà thế giới đang rất chú trọng là cách tiếp cận "One Health" (Một sức khỏe), đó là một quan điểm hệ thống nhìn nhận ở dưới góc độ sức khỏe con người có liên quan chặt chẽ đến sức khỏe động vật, trong đó có động vật nuôi và động vật hoang dã và sức khỏe môi trường. Và để giải quyết được những vấn đề trên, cách tiếp cận này cần được tăng cường theo nghĩa là cần phải được phối hợp chặt chẽ giữa các ngành khác nhau. Ví dụ giải quyết vấn đề bệnh truyền lây giữa động vật và người (như COVID-19), vấn đề kháng thuốc, an toàn thực phẩm không phải chỉ là vấn đề của y tế mà còn là sự liên hệ rất chặt chẽ với ngành nông nghiệp và môi trường. Và các đối tượng trong xã hội như nông dân, các nhà hoạch định chính sách, các nhà khoa học cũng cần phải hiểu mối quan hệ chặt chẽ này, để có hiểu biết về tầm quan trọng và cùng nhau tìm ra giải pháp giúp giải quyết vấn đề.

Tuy nhiên, vấn đề khó khăn ở đây là mỗi ngành đều có ưu tiên riêng của họ khi đặt lên bàn nghị sự. Tôi nói chẳng hạn như COVID-19, là vấn đề liên quan đến sức khỏe con người và sức khỏe động vật, nhưng khi đại dịch qua đi, giống như SARS trước đây cũng vậy lúc xảy ra thì rất nóng bỏng nhưng khi nó qua đi thì vấn đề đầu tư cho các nghiên cứu phòng chống những căn bệnh như này thì lại bị quên lãng đi, thay vào đó là những ưu tiên khác.


Chuyện của nhà khoa học Việt Nam duy nhất được WHO chọn vào nhóm điều tra COVID-19 - Ảnh 6.

Mới đây, truyền thông thế giới nhắc đến tên ông là người Việt Nam duy nhất được chọn vào nhóm điều tra nguồn gốc COVID-19 do WHO chủ trì, người Việt Nam đã rất tự hào khi biết đến những thông tin này. Xin ông chia sẻ, lý do nào WHO chọn ông?

Tháng 10/2020, khi tôi chuyển sang Kenya làm việc, tháng 11 cùng năm, WHO thành lập một nhóm nghiên cứu để tìm hiểu về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 ở Trung Quốc. WHO đã liên hệ với tôi và tôi đã gửi hồ sơ cho WHO, sau đó họ chọn tôi làm thành viên của nhóm điều tra nguồn gốc COVID-19.

Lý do chọn tôi là từ phía WHO. Tôi hiểu rằng đó là một nhóm nghiên cứu đa ngành, họ cần các nhà khoa học ở các lĩnh vực khác nhau, như y học lâm sàng, thú y, dịch tễ, vi sinh, môi trường... Tôi tham gia nhóm điều tra bởi WHO nhìn thấy những kinh nghiệm của tôi khi nghiên cứu về an toàn thực phẩm ở các chợ truyền thống. Như bạn biết đấy, COVID-19 xuất hiện ở Vũ Hán, và những trường hợp đầu tiên nhiễm bệnh có liên quan đến chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán. Do đó quá trình đi tìm bằng chứng có liên quan đến câu chuyện thực phẩm ở chợ truyền thống. Đó là lý do mà WHO đã chọn tôi.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus từng nói rằng, WHO rất hài lòng với tầm cỡ của các chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới được lựa chọn cho nhóm cố vấn khoa học, trong khi nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 vẫn được xem là chuyện nhạy cảm, ông có thấy áp lực về điều này không?

Trước khi đến Vũ Hán, các thành viên trong nhóm đã có thời gian dài làm việc online cùng với WHO. Khi được chọn, tôi không thấy có áp lực gì, bởi đây là một công việc có ý nghĩa không chỉ với cá nhân tôi, mà còn là công việc giúp ích cho cộng đồng và đang được cả thế giới quan tâm để biết được nguồn gốc của virus. Tôi tham gia với tư thế của một nhà khoa học. Nhưng sau này mới xuất hiện áp lực đó là lúc tôi đã đến Trung Quốc và báo cáo của nhóm được công bố.

Nhóm chuyên gia gồm 10 người, cùng với cán bộ của WHO và 2 chuyên gia của FAO và OIE. Trước khi đi Trung Quốc, chúng tôi họp thường xuyên với nhau và họp với nhóm các nhà khoa học Trung Quốc để bàn về chương trình nghiên cứu khi chúng tôi đến Vũ Hán.

Ban đầu khi nhóm được quyết định đi thì Trung Quốc không đồng ý, nhóm phải lùi thời gian lại một tuần sau khi Trung Quốc đồng ý. Khi sang đến Trung Quốc, lúc đó truyền thông thế giới đưa tin rất nhiều.

Chúng tôi bay đến Vũ Hán và phải ở trong khách sạn cách ly 14 ngày. Trong thời gian cách ly ở khách sạn, chúng tôi làm việc tích cực với các nhà khoa học Trung Quốc qua trực tuyến. Sau 2 tuần, chúng tôi ra ngoài và bắt đầu đi thực địa, đến làm việc với các cơ quan y tế, thú y, thăm các bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19, viện nghiên cứu virus Vũ Hán, tìm hiểu ở các khu chợ, cả chợ hải sản Hoa Nam, thăm bệnh nhân đầu tiên...


img
img
img

Tiến sĩ Nguyễn Việt Hùng và các nhà khoa học trong nhóm điều tra nguồn gốc virus SARS-COV-2 của WHO. Ảnh NVCC

Sau đó, WHO và Trung Quốc đã có một cuộc họp báo ở Vũ Hán trước khi nhóm điều tra rời đi, công bố kết quả sơ bộ mà nhóm điều tra đã tìm được. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, nguồn gốc của các bệnh mới nổi không phải là một vấn đề dễ, có thể phải mất rất nhiều thời gian mới tìm được. Khi chúng tôi sang Trung Quốc đều thống nhất với nhau rằng, sẽ cố gắng hết sức để tìm được thông tin nhiều nhất có thể, còn kỳ vọng có kết quả cuối cùng tìm được nguồn gốc của SARS-COV-2 hay không thì cái đấy phải tùy thuộc vào điều kiện thực tế.

Lúc đó các nhà báo Reuters và các hãng tin quốc tế khác có hỏi tôi, tôi biết kỳ vọng là một chuyện, nhưng tìm được nguồn gốc hay không lại phải dựa vào bằng chứng tìm được.

Nhóm đã xây dựng 4 khả năng về nguồn gốc lây truyền của virut gây bệnh COVID-19, trong đó có 3 đường truyền lây là hoặc từ một động vật chủ (có thể là động vật hoang dã hay vật nuôi) sang người, hoặc từ động vật chủ sang một động vật trung gian trước khi truyền sang người; hoặc là qua chuỗi thực phẩm lạnh. Cuối cùng là khả năng virus bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm. Báo chí thế giới và dư luận quan tâm rất nhiều về giả thiết đó. Nhưng cho đến nay, tất cả những bằng chứng đang có cho thấy, nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 là từ tự nhiên, có thể là từ một loại động vật hoang dã như dơi đã lây sang con người.

Sau khi nhóm điều tra rời khỏi Trung Quốc, nhóm vẫn làm việc rất tích cực và đến 30/3/2021 tức là 2 tháng sau đó thì báo cáo cuối cùng mới được WHO công bố. Đầu tiên là công bố trong một cuộc họp với các nước thành viên của WHO, sau đó là họp báo cùng ngày. Sau khi báo cáo được công bố rộng rãi, các cơ quan truyền thông đăng tải và bình luận rất nhiều. Phải nói rất tiếc rằng, tất cả những thảo luận xung quanh nguồn gốc COVID-19 đã bị truyền thông hóa, chính trị hóa nhiều hơn là khoa học.

Lúc này tôi mới cảm thấy bị áp lực vì quá nhiều bài báo, cơ quan chính trị hóa báo cáo... Hay nói cách khác chúng tôi bị áp lực bởi truyền thông.

Sau đó nhóm có viết một bài báo đăng trên tạp chí Nature ngày 26/8/2021 để thảo luận vấn đề rằng chúng ta cần phải tập trung vào nghiên cứu nhiều hơn để tìm ra nguồn gốc của virus, thay vì bị ảnh hưởng bởi truyền thông và để các tổ chức khác nhau đẩy vấn đề lên và chính trị hóa câu chuyện nguồn gốc COVID-19.

Điều ám ảnh nhất khi ông đến Vũ Hán là gì?

Chúng tôi bay đến Singapore rồi từ đó mới bay đến Vũ Hán. Thời điểm đó tình hình dịch rất phức tạp của thế giới nhưng ở Trung Quốc dịch bệnh gần như đã được kiểm soát. Khi chúng tôi đến Vũ Hán, mọi thứ gần như bình thường, sinh hoạt của người dân, các khu chợ hoạt động trở lại... thế nên những ám ảnh chết chóc gần như không có. Chúng tôi chỉ tập trung cho công việc của mình.


img
img
img

Tiến sĩ Nguyễn Việt Hùng và khoảnh khắc ấm cúng bên gia đình. Ảnh NVCC

Chỉ còn ít ngày nữa là kết thúc năm 2021, người dân Việt Nam sẽ lại đón một cái Tết Nguyên Đán nữa khi thế giới vẫn chưa thoát khỏi đại dịch. Những năm tháng xa nhà, cũng có thể đã quen thuộc với công việc của một nhà khoa học quốc tế, nhưng đó cũng là một sự hi sinh. Khi mùa Xuân đến, ông mong ước điều gì cho tương lai?

Rất thú vị là khi tôi rời Vũ Hán về Nairobi, đó là ngày 28 Tết năm ngoái, tôi quá cảnh ở sân bay thành phố Hằng Châu, Trung Quốc, rất gần với Việt Nam, tôi đã rất nhớ nhà, rất nhớ Việt Nam. Lúc đó tôi đã nghĩ gần như vậy rồi mà vẫn không thể trở về nhà vui Tết cùng gia đinh ở Việt Nam. Tôi đã có nhiều năm xa nhà và nhiều cái Tết nơi đất khách. Những nơi tôi ở trước đây đều có cộng đồng lớn người Việt Nam, nhưng ở Kenya thì có ít người Việt hơn. Nhưng chúng tôi cũng sẽ gặp gỡ nhau trong những ngày Tết cổ truyền, sẽ cùng nhau gói bánh chưng để cho vơi đi cảm giác xa quê.

Chuyện của nhà khoa học Việt Nam duy nhất được WHO chọn vào nhóm điều tra COVID-19 - Ảnh 10.

Tiến sĩ Nguyễn Việt Hùng bên gia đình và những người bạn ở Kenya. Ảnh NVCC

Về tương lai, tôi luôn mong muốn xây dựng được một nhóm nghiên cứu lớn, để giải quyết được các vấn đề liên quan đến nông nghiệp và sức khỏe, môi trường. Đấy là tầm nhìn chung xuyên suốt của tôi từ trước đến nay. Tôi luôn muốn phát triển được một nhóm nghiên cứu mạnh dù ở Việt Nam hay ở quốc tế để giải quyết được vấn đề liên quan đến sức khỏe động vật, con người và cải thiện được đời sống của nông dân thông qua việc kiểm soát được dịch bệnh  trong chăn nuôi.

Tôi hy vọng tình hình dịch bệnh sẽ được kiểm soát tốt trong năm 2022, Việt Nam và các nước sẽ trở lại cuộc sống bình thường như trước khi có đại dịch. Tôi tin vào ngày mai sẽ tốt đẹp hơn!

Xin trân trọng cảm ơn tiến sĩ về cuộc trò chuyện! 

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem