“Cô gái sa mạc” Vũ Phương Thanh: Chừng nào có thể bước tiếp, tôi sẽ không dừng lại  - Ảnh 1.

Chào Thanh! Bây giờ muốn gặp Thanh chắc phải tra lịch trình chạy bộ vòng quanh thế giới mất nhỉ? Thanh có thể chia sẻ một số những hoạt động gần đây của mình không?

- (Cười). Mới đây, tôi vừa trở về từ Nam Phi sau khi hỗ trợ các vận động viên tại một giải ba môn phối hợp đặc biệt. Giải đấu này có quy mô gấp 10 lần cự ly Ironman thông thường, với các chặng bao gồm 38 km bơi, 1.800 km đạp xe và 422 km chạy. Dù không trực tiếp thi đấu, nhưng việc hỗ trợ các vận động viên trong một thử thách khắc nghiệt như vậy cũng rất đòi hỏi, đặc biệt khi mục tiêu là giúp họ đạt thành tích tốt nhất.

Tuy nhiên, hành trình này không suôn sẻ như mong đợi. Vận động viên chính mà tôi hỗ trợ đã gặp tai nạn nghiêm trọng, bị ngã xe và chấn thương sau khi hoàn thành 38 km bơi và gần 900 km đạp xe. Rất tiếc, anh ấy buộc phải dừng cuộc đua.

Khi khối lượng công việc hậu cần giảm bớt, tôi cũng quyết định quay về Việt Nam sớm hơn dự kiến để nạp lại năng lượng. Cuối tuần này, tôi sẽ có mặt tại một giải chạy ở Đà Lạt, đảm nhận vai trò MC cho sự kiện với các cự ly lên tới 100 km. Sau những chuyến đi dày đặc trong quý I, những ngày này tôi thực sự trân trọng khoảng thời gian được ở nhà.

“Cô gái sa mạc” Vũ Phương Thanh: Chừng nào có thể bước tiếp, tôi sẽ không dừng lại  - Ảnh 2.

Nhân ngày Thể thao Việt Nam, có lẽ câu chuyện của Thanh là một ví dụ tuyệt vời cho tinh thần thể thao. Nếu nhìn lại, Thanh có bao giờ nghĩ từ một cô gái không chuyên thể thao, mình lại trở thành một trong những người chinh phục những cuộc thi khắc nghiệt nhất thế giới không?

- Đúng là rất khó tưởng tượng! Nếu ai đó nói với tôi 15 năm trước, khi còn ngồi trên ghế nhà trường hay mới bắt đầu sự nghiệp, rằng mình sẽ theo đuổi con đường thể thao và chinh phục những thử thách khắc nghiệt nhất thế giới, chắc chắn tôi sẽ nghĩ điều đó quá xa vời, thậm chí là không khả thi.

Thế nhưng, cuộc sống của tôi trở nên ý nghĩa hơn khi mình dám bước ra khỏi vùng an toàn, khám phá những giới hạn mới và mở rộng chân trời của bản thân. Chính sự dấn thân đó đã giúp tôi tìm thấy niềm đam mê và cảm thấy mỗi ngày trôi qua đều đầy màu sắc, trọn vẹn hơn.

Ngày Thể thao Việt Nam được khởi nguồn từ lời kêu gọi của Bác Hồ về rèn luyện thể chất. Thanh có thấy hành trình của mình cũng là một minh chứng cho tinh thần ấy – rằng thể thao không chỉ dành cho những vận động viên chuyên nghiệp mà bất kỳ ai cũng có thể rèn luyện và chinh phục giới hạn của bản thân?

- Tôi không nghĩ mình là một hình tượng truyền cảm hứng, chỉ đơn giản muốn chia sẻ trải nghiệm và những bài học thể thao mang lại. Với tôi, thể thao không chỉ dành cho vận động viên chuyên nghiệp mà ai cũng có thể rèn luyện và chinh phục giới hạn bản thân.

“Cô gái sa mạc” Vũ Phương Thanh: Chừng nào có thể bước tiếp, tôi sẽ không dừng lại  - Ảnh 3.

“Cô gái sa mạc” Thanh Vũ - Một trong những Đại sứ truyền cảm hứng tại WeChoice Awards 2024. Ảnh: WeChoice Awards 2024

Cơ thể con người giống như một cỗ máy—nếu không vận hành đúng cách, nó sẽ nhanh chóng xuống cấp. Rèn luyện thể chất không chỉ giúp nâng cao sức khỏe mà còn cải thiện tinh thần, mang lại nguồn năng lượng tích cực. Đặc biệt, với những người không chuyên, thể thao lại càng quan trọng, giúp duy trì sự cân bằng trong cuộc sống.

Nhìn lại 10 năm qua, tôi thấy vui vì nhận thức về thể thao phong trào đã thay đổi. Nếu trước đây thể thao gắn liền với thành tích, thì giờ đây nhiều người đã hiểu giá trị của việc rèn luyện sức khỏe. Đại dịch COVID-19 cũng khiến chúng ta nhận ra sức khỏe quan trọng hơn mọi thứ.

Một chú chim trong lồng có thể tồn tại, nhưng không thực sự cảm nhận được tự do. Con người cũng vậy—nếu chỉ loay hoay với công việc mà quên chăm sóc bản thân, cuộc sống sẽ mất đi sự trọn vẹn. Tôi rất vui khi ngày càng nhiều người Việt Nam bắt đầu quan tâm hơn đến thể thao, thử thách bản thân và tận hưởng hành trình rèn luyện sức khỏe.

“Cô gái sa mạc” Vũ Phương Thanh: Chừng nào có thể bước tiếp, tôi sẽ không dừng lại  - Ảnh 4.

Nhìn lại hành trình từ 4 Deserts Grand Slam, The Deca Ultra Triathlon cho đến Triple Deca Continuous, đều là thành tích rất đáng tự hào. Thanh có thể chia sẻ về một vài khoảnh khắc đáng nhớ trong những cuộc thi ấy?

- Trong tất cả những cuộc thi mà tôi tham gia, điều khiến tôi ấn tượng nhất chính là những người đồng hành trên hành trình ấy. Một trong những lý do lớn nhất khiến tôi tiếp tục theo đuổi những thử thách này là vì tôi luôn có thể học hỏi từ họ. Đôi khi, đó là những người ở độ tuổi 50, 60, nhưng họ vẫn bền bỉ, dẻo dai một cách đáng kinh ngạc. Họ có những câu chuyện thật đặc biệt, và chính họ là nguồn cảm hứng để tôi tiếp tục tiến lên.

“Cô gái sa mạc” Vũ Phương Thanh: Chừng nào có thể bước tiếp, tôi sẽ không dừng lại  - Ảnh 5.

Một trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất của tôi là trong cuộc đua đầu tiên trên sa mạc khô nhất trên thế giới tại Atacama, Chile. Ngày hôm đó, thời tiết vô cùng khắc nghiệt, cát nóng rát, mặt trời chói chang, còn chặng đường phía trước thì dường như kéo dài vô tận. Tôi cảm thấy vô cùng mệt mỏi và chán nản khi cứ leo mãi lên những đồi cát mà vẫn chưa thấy đích đâu. Balo trên lưng nặng trĩu, từng bước đi trở nên nặng nề hơn bao giờ hết. Trong khoảnh khắc ấy, tôi bắt đầu bực bội với chính mình, với môi trường xung quanh, thậm chí với cả cuộc đua.

Nhưng rồi, một hình ảnh đã thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của tôi. Đó là một người đàn ông ngoài 60 tuổi, chỉ có một chân, đang miệt mài từng bước tiến lên với chiếc chân giả. Ông không hề do dự, không một giây chần chừ. Sự tập trung, ý chí kiên cường của ông mạnh mẽ đến mức tôi có cảm giác nó như một ngọn lửa cháy rực giữa sa mạc. Hình ảnh ấy khiến tôi nhận ra rằng không gì là không thể, rằng con người có một sức mạnh vô biên nếu biết cách khai phá nó.

Thậm chí, khi đổ dốc, chân giả của ông bị vướng vào cát và rơi ra. Nhưng thay vì hoảng hốt hay dừng lại, ông chỉ bình tĩnh, nhanh chóng đổ cát ra, gắn lại chân và tiếp tục bước đi với một dáng vẻ kiên cường đến kinh ngạc. Khoảnh khắc ấy đã khắc sâu vào tâm trí tôi và thay đổi hoàn toàn cách tôi nhìn nhận về giới hạn của con người.

“Cô gái sa mạc” Vũ Phương Thanh: Chừng nào có thể bước tiếp, tôi sẽ không dừng lại  - Ảnh 6.

Từng bước chạy của Thanh Vũ là sự cố gắng không ngừng của cô, không chỉ chiến thắng những sa mạc mà còn là chiến thắng chính bản thân mình. Ảnh: NVCC

Không chỉ trong cuộc đua sa mạc, mà ngay cả ở những giải đấu khác như Deca Ultra Triathlon hay Triple Deca Continuous, tôi cũng gặp những người phụ nữ ở tuổi 50, 60 vẫn chinh phục những cự ly khủng khiếp. Họ không phải là những người có tố chất đặc biệt, nhưng họ có ý chí và bản lĩnh đáng khâm phục. Khi nhìn họ, tôi tự hỏi: nếu đến tuổi 50, 60 hay thậm chí 70, liệu tôi có thể tiếp tục bứt phá và sống trọn vẹn như họ không?

Những hình ảnh ấy nhắc nhở tôi rằng tuổi tác không phải là một rào cản quá lớn. Chỉ cần có đủ ý chí và sự quyết tâm, tôi tin rằng bất cứ ai cũng có thể vượt qua giới hạn của chính mình để tận hưởng một cuộc sống trọn vẹn, ý nghĩa hơn mỗi ngày.

Những thử thách mà Thanh đã vượt qua không chỉ là về thể lực, mà còn là tinh thần. Với những cuộc đua kéo dài hàng trăm, thậm chí hàng nghìn giờ, chắc hẳn sẽ có những khoảnh khắc kiệt sức, cô đơn, thậm chí nghi ngờ chính mình? Hoặc có bao giờ trên những sa mạc nóng bỏng, chị tự hỏi “mình đang làm cái gì thế này” không?

- Đó là những điều khó thể tránh khỏi. Những cảm giác ấy xuất hiện ngay từ khi tôi bắt đầu luyện tập, thậm chí trước cả khi dám đăng ký tham gia một cuộc đua. Nhưng sau nhiều lần trải nghiệm, tôi hiểu rằng đó là một phần tất yếu của thử thách. Đường đua không chỉ đo sức bền mà còn thử thách ý chí, tinh thần.

Khi đối mặt với những khoảnh khắc tiêu cực, tôi tập trung vào những điều tích cực – những nguồn động viên, những người thực sự tin tưởng và mong muốn tôi tiến lên. Tôi xây dựng cho mình một hệ thống hỗ trợ, một “hệ sinh thái” gồm đồng đội, bạn bè, người thân – những người góp phần quan trọng vào sức mạnh tâm lý của tôi. Chính họ giúp tôi giữ vững niềm tin vào bản thân.

“Cô gái sa mạc” Vũ Phương Thanh: Chừng nào có thể bước tiếp, tôi sẽ không dừng lại  - Ảnh 7.

Những lúc kiệt quệ hay hoài nghi, tôi luôn tự nhắc mình về lý do bắt đầu, về những nỗ lực đã bỏ ra để có mặt tại đây. Điều đó tiếp thêm động lực để tôi tiến lên, dù chỉ là thêm một bước. Và tôi luôn tự nhủ: chừng nào vẫn còn có thể bước tiếp, tôi sẽ không dừng lại.

Người ta nhìn thấy ánh hào quang khi Thanh về đích, nhưng ít ai biết những góc khuất phía sau. Có kỷ niệm nào khiến Thanh nhớ mãi – có thể là một nỗi đau, một vết thương hay một khoảnh khắc tưởng như gục ngã – mà đến giờ vẫn ám ảnh Thanh không?

- Đúng vậy, khi mọi người thấy kết quả, họ chỉ nhìn thấy một hành trình đầy cảm hứng. Nhưng đằng sau đó là vô số lần thất bại, thậm chí thất bại thảm hại. Đôi khi, chỉ một chút lơ là cũng có thể tích tụ thành rủi ro lớn, thậm chí dẫn đến những kết cục không mong muốn.

Tôi từng tham gia một giải đấu khắc nghiệt với tâm lý không ổn định. Thay vì dành thời gian để chăm sóc sức khỏe tinh thần, tôi dồn nén cảm xúc tiêu cực, cố gắng tỏ ra mạnh mẽ và cứng rắn. Nhưng tôi nhận ra đó không phải là cách tiếp cận đúng. Việc phớt lờ cảm xúc, không thành thật với chính mình có thể trở thành một điều rất độc hại. Tôi hiểu rằng, cũng giống như thể chất, tâm lý cũng cần được rèn luyện và phục hồi. Nếu không, chỉ một tác động nhỏ cũng có thể khiến tôi gục ngã.

Tôi từng gặp tình huống như vậy trong một giải chạy địa hình trên núi. Khi tâm lý không vững vàng, tôi đã bỏ qua những điều cơ bản như uống nước, nạp năng lượng, bổ sung điện giải. Tôi chỉ chăm chăm tiến về phía trước mà quên mất cơ thể mình đang dần kiệt sức. Điều đó đã đặt tôi vào tình thế nguy hiểm, và may mắn là ban tổ chức có công tác cứu hộ kịp thời. Đó là một bài học lớn: thể thao không chỉ là về thể lực, mà còn là sự cân bằng giữa cơ thể và tinh thần.

“Cô gái sa mạc” Vũ Phương Thanh: Chừng nào có thể bước tiếp, tôi sẽ không dừng lại  - Ảnh 8.

Bên cạnh những khó khăn về thể chất, tôi cũng phải đối diện với áp lực từ bên ngoài. Không phải ai cũng ủng hộ mình, không phải ai cũng mong muốn mình thành công. Đặc biệt, trong thời đại mạng xã hội, ai cũng có thể lên tiếng, và không phải lời nói nào cũng mang tính đóng góp. Nhưng tôi học cách chấp nhận điều đó. Quan trọng là giữ vững tinh thần, không để những yếu tố tiêu cực ảnh hưởng đến sự tập trung và hành trình của mình.

Không phải ai cũng sẵn sàng bước vào những thử thách gian khổ như Thanh. Nếu phải tóm gọn triết lý giúp Thanh luôn tiến về phía trước, thì đó sẽ là gì?

- Đó là “Phải làm thì mới biết”. Chúng ta có thể nghĩ rất nhiều, nói rất nhiều, nhưng chỉ khi thực sự hành động, trải nghiệm mới bắt đầu. Chính lúc đó, ta mới hiểu rõ khả năng của mình, biết mình là ai và mong muốn điều gì. Cuộc sống thực sự diễn ra khi ta dấn thân, còn mọi suy nghĩ hay lời nói, suy cho cùng, cũng chỉ là lý thuyết.

“Cô gái sa mạc” Vũ Phương Thanh: Chừng nào có thể bước tiếp, tôi sẽ không dừng lại  - Ảnh 9.

Nếu có thể quay lại nói với cô gái Thanh của những ngày đầu tiên, khi mới bước vào con đường thể thao này, Thanh sẽ nói gì?

- Tôi của thời điểm đó cũng từng lo sợ, bối rối và đầy hoài nghi. Nhưng có lẽ, tôi sẽ nói với chính mình rằng: “Không sao đâu, cứ thử đi”. Hãy đối mặt với thử thách và cố gắng hết sức. Dù kết quả ra sao, hành trình này chắc chắn sẽ giúp mình trở nên vững vàng hơn trong cuộc sống.

Nếu nhìn lại hành trình đã qua, có điều gì Thanh tiếc nuối không? Nếu được chọn lại, có thử thách nào Thanh sẽ làm khác đi?

- Thật khó để nói về sự tiếc nuối, vì tôi tin rằng mọi sai lầm trong quá khứ đều góp phần tạo nên mình của hôm nay. Dĩ nhiên, có những lựa chọn có thể đã khác đi, nhưng đó cũng là những bài học quý giá. Nếu được chọn lại, có lẽ tôi vẫn sẽ đi con đường này, vẫn sẽ đón nhận những thử thách và trải nghiệm như đã từng. Đó cũng là một may mắn khi đến hiện tại, tôi có thể nhìn lại và không hối tiếc điều gì.

“Cô gái sa mạc” Vũ Phương Thanh: Chừng nào có thể bước tiếp, tôi sẽ không dừng lại  - Ảnh 10.

Cô gái nhỏ bé nhưng đầy nghị lực đã đưa hình ảnh Việt Nam vươn xa, khẳng định sức bền thể chất và tinh thần người Việt trên trường quốc tế. Ảnh: NVCC

Sau khi đã chinh phục những cuộc đua khắc nghiệt nhất thế giới, Thanh có còn mục tiêu nào mới không? Một đỉnh cao nào khác đang chờ Thanh phía trước?

- Sau khi xây dựng nền tảng sức bền qua đường chạy và ba môn phối hợp, tôi muốn thử thách bản thân với những cuộc bơi xuyên eo biển dài và khắc nghiệt nhất thế giới. Đây sẽ là một trải nghiệm hoàn toàn mới, không chỉ về thể chất mà còn ở khía cạnh tinh thần, vì nó diễn ra trong môi trường tự nhiên, không có đường đua, không có khuôn khổ thi đấu quen thuộc.

Khi đối mặt với thiên nhiên, tôi không nghĩ đó là sự chinh phục, mà là một hành trình khám phá, nơi thiên nhiên quyết định mình có thể đi đến đâu. Đó là điều tôi khao khát trải nghiệm trong thời gian tới.

Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này! 

Năm 2017, Thanh Vũ trở thành người phụ nữ châu Á đầu tiên hoàn thành 4 Deserts Grand Slam, chinh phục bốn sa mạc khắc nghiệt nhất thế giới: Sahara, Gobi, Atacama và Nam Cực. Với tổng chiều dài 1.000km trong bốn tháng, đây là hành trình thử thách cả thể chất lẫn ý chí, khẳng định vị thế của một người phụ nữ Việt trên đấu trường quốc tế.

Năm 2022, Thanh đạt thêm cột mốc ấn tượng khi vô địch The Deca Ultratriathlon, giải đấu 3 môn phối hợp siêu khắc nghiệt với tổng quãng đường 2.260km. Thành tích này không chỉ đưa cô trở thành người Việt Nam đầu tiên đạt danh hiệu mà còn minh chứng cho khả năng bền bỉ và tinh thần thép của mình.

Đầu năm 2024, Thanh Vũ tiếp tục hoàn thành giải chạy Montane Lapland Arctic Ultra tại Thụy Điển, vượt qua 500km tuyết trắng trong điều kiện -10°C.

Không dừng lại ở đó, Thanh còn hoàn thành Everest Marathon, giải chạy kỷ niệm hành trình chinh phục đỉnh Everest đầu tiên, kéo dài 42km trên độ cao hơn 5.000m, trong điều kiện không khí loãng và địa hình hiểm trở.

Thanh lại trở thành người phụ nữ Việt Nam đầu tiên hoàn thành Triple Deca Continous - giải ultra triathlon dài nhất thế giới, với tổng thời gian 1044 giờ, vượt qua 144km bơi, 5400km đạp xe, và 1260km chạy bộ, xếp thứ 7 trong số 14 vận động viên tham dự.

Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem