Con don - Đặc sản tên độc lạ chỉ có ở Quảng Ngãi vô cùng ngon ngọt và hiếm, bán giá 5.000 đồng/lon
Đặc sản tên độc, lạ chỉ có ở Quảng Ngãi vô cùng ngon ngọt và khan hiếm, bán giá 5.000 đồng/lon
Hoàng Thảo
Thứ sáu, ngày 04/08/2023 09:21 AM (GMT+7)
Ngoài bồi đắp phù sa, sông Trà còn ban tặng cho cư dân vùng ven những sản vật, như loài cá bống chỉ to bằng đầu đũa; những “nàng” thài bai, lớn hơn đầu tăm một tẹo, có hương vị không đâu sánh bằng. Nhưng đặc biệt hơn cả là con don, loài hải sản được ví “độc quyền”, mà không dòng sông nào ở miền Trung có được.
Con don - "Quà tặng" sông Trà trước khi hoà vào biển lớn
Trên hành trình 130 km, bắt nguồn từ dãy Ngọc Linh thuộc tỉnh Kon Tum, đến phía cuối nguồn nơi tiếp giáp với cửa biển, sông Trà Khúc như một vận động viên băng băng về đích.
Trước khi hoà mình vào Biển Đông, dòng sông Trà không quên để lại hai bờ của nó điệp trùng những cánh đồng màu mỡ phù sa; đồng thời dâng tặng cho cư dân ven bờ, những sản vật không nơi nào có.
Đó là những chú cá bống chỉ to bằng đầu đũa; những "nàng" thài bai, lớn hơn đầu tăm một tẹo, mang một hương vị không trộn lẫn với bất cứ loài thủy sản nào. Tuy nhiên có lẽ đặc biệt hơn cả là con don, loài hải sản "độc quyền" của sông Trà, mà không một dòng sông nào ở miền Trung có được.
Khi những trận lũ cuối cùng ở miền Trung vừa dứt, cũng là lúc mùa xuân bắt đầu gõ cửa từng nhà, đồng thời cũng là thời điểm "hồi hương" của một số loài thủy sản ở sông Trà, sau một mùa cuồng lưu phải đi lánh nạn nơi bờ tre gốc rạ, tránh tai ương bị nước lũ cuốn phăng ra biển.
Như chưa từng biết mình đã từng gây bao thảm cảnh suốt một mùa lũ dữ, dòng sông giờ đã hiền lành, chảy nép mình bên những bãi cát vàng ươm ở hai bờ. Bao phấn hương của các loài thảo mộc nơi thượng nguồn mà dòng sông cuốn theo trước đó, cũng đã kịp lắng lại nơi cuối dòng, trở thành nguồn thức ăn vô tận của loài don.
Theo đó cùng vùi mình sâu trong cát để làm phận sự duy trì nòi giống, loài don tận hưởng những "sản vật" mà dòng sông để lại nơi cuối nguồn. Và cũng chính nguồn thức ăn đặc biệt từ phấn hương của các loài thảo mộc nơi dãy Trường Sơn, đã làm nên hương vị của con don.
Rất khó lý giải vì sao các con sông ở miền Trung, đều có đặc điểm môi trường sống khá giống nhau, nhưng ở sông Trà lại xuất hiện con don, mà những dòng sông khác lại không có.
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ - người dành cả đời "nghiền ngẫm" với các loại hình văn hóa miền biển, tìm hiểu các loài thủy sinh ở cuối các con sông, cắt nghĩa, có thể các nơi khác cũng có con don, nhưng được người dân gọi bằng một tên khác.
Những người bắt don chuyên nghiệp, cũng lắc đầu không giải thích được, vì sao con don chỉ có ở sông Trà. Cũng như câu hỏi con cá bống ở sông Trà chỉ lớn bằng đầu đũa, trong khi cá bống các dòng sông khác, lại to như ngón tay cái.
Phải chăng đây là lý do để những nhà nghiên cứu về ẩm thực khẳng định, don là loài thủy sinh "độc quyền", chỉ sông Trà mới có. Như nhà thơ Thanh Thảo, khi viết về dòng sông quê mình, có câu thơ: "Là con don tôi ở sông Trà".
"Nhủi hến đi tới, cào con don giật lùi"
Cũng như các dòng sông khác ở miền Trung, vùng hạ lưu Trà Khúc, quần tụ rất nhiều loài thủy sinh như ốc, các loại cá con, hến. Thế nhưng dù cùng là loài nhuyễn, don và hến khác từ nơi khu trú, cho đến hình dáng và cách bắt.
Nếu đi ngang qua cầu Trà Khúc, TP. Quảng Ngãi, nhìn thấy trên sông Trà có những người chìm nửa thân mình trong nước để xúc, hay đẩy nhủi, đích thị đó là những người đi bắt hến chứ không phải don. Vì ở quãng sông này hoàn toàn nước ngọt, mà con don chỉ sống vùng nước lợ và ở tầng sâu hơn.
Để ý sẽ thấy dụng cụ cũng là cái nhủi được đan bằng tre, nhưng để bắt hến cán dài hơn. Người bắt hến dùng lực để đẩy cái nhủi, con hến nằm lẫn trong cát trên bề mặt sẽ được xúc vào nhủi, khi đưa lên khỏi mặt nước, cát theo nước chui qua kẽ nan, còn lại trong nhủi là con hến.
Còn con don ở độ sâu hơn từ 5-10cm nên phải "cào", tức người bắt don quàng chiếc dây vào lưng nối với dụng cụ là chiếc nhủi, rồi đi lùi (người dân nơi đây gọi động tác này, là cào). Sở dĩ phải đi lùi là vì chiếc nhủi được ấn sâu trong lớp cát dày, người bắt don không thể đẩy tới như bắt hến được.
Nói một cách dễ hiểu hơn, hến sống ở nước ngọt, nằm trên cạn nên "xúc" là được; còn don sống ở nước lợ (còn gọi là nước chè hai) và nằm sâu trong cát, thì phải "cào" mới bắt.
Về hình thức, 2 loài này (don và hến) dù có kích cỡ khá tương đồng với nhau là chỉ lớn hơn đầu đũa một chút, nhưng khác nhau ở chỗ, vỏ hến có hình rẽ quạt, còn don giống hình hột xoài.
Do chỉ sống ở nước lợ, vùi thân trong cát, lại ăn toàn phấn hương nơi thượng nguồn theo nước đổ về nên cùng với cá bống, theo người dân nơi đây, don là loài thủy sản được xem là sạch nhất sông Trà.
Ông Dương Nam Bời, ở thôn Hiền Lương, xã Nghĩa Hà, TP. Quảng Ngãi cho biết, việc cào don hàng ngày diễn ra khi thuỷ triều rút xuống, kéo dài cho đến khi nước triều lên thì nghỉ.
Vì phải phụ thuộc vào sự lên xuống của thuỷ triều như vậy, cho nên bất cứ khi nào nước xuống, thì dù đang đêm lạnh buốt, hay giữa trời nắng trưa gay gắt, người bắt don cũng phải mang xúc, dầm mình trong nước để cào.
Theo đó nếu triều xuống vào giữa đêm, người đi cào phải làm đến sáng thì được khoảng hơn trăm lon (sữa bò). Theo thời giá hiện tại, giá bán 5.000 đồng/lon, ngày kiếm được 500.000 ngàn.
Nghe nhẩm tính ngày cào don được 500.000 đồng x 30 ngày/tháng, thì được 15 triệu đồng, một người cào don tên Hai Chì, giãy nảy, đi cào một ngày thì phải nghỉ hai ngày, lý do phải ngâm mình nước 5-7 giờ liền. Vì vậy không thể ngày nào cũng đi cào liên tục được.
Đó là chưa kể mùa hè thì người đi cào don như chui vào hầm lò; mùa đông tháng giá, cứ mong trời sáng để kiếm chút mặt trời sưởi ấm. Sau 6-7 giờ ngâm trong nước lạnh, lúc lên bờ, mọi thứ trong người đều thun lại như … con don vậy.
Chỉ tay về căn nhà của mình giống hình con don vừa vớt ra khỏi nồi nước luộc, ông Hai Chì cười hiền lành, nghề cào don tuy cực và vất vả thật, nhưng không quá bạc bẽo. Từ cào don có thể bán đủ để nuôi sống cả nhà, cho con cái được đi học hành đàng hoàng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.