GẤP RÚT THI CÔNG DỰ ÁN BIẾN RÁC THÀNH ĐIỆN TRỊ GIÁ 7.000 TỶ ĐỒNG


Với tổng mức đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng bằng 100% vốn nước ngoài, nhà máy Điện rác tại Khu xử lý chất thải Nam Sơn sẽ được vận hành vào tháng 12/2020, hứa hẹn xử lý được 4.000 tấn rác/ngày, giải cứu Hà Nội khỏi những vấn đề nhức nhối về rác trong thời gian qua.


NHÀ MÁY CÓ QUY MÔ XỬ LÝ CHẤT THẢI RẮN VÀ CÔNG SUẤT PHÁT ĐIỆN LỚN NHẤT THẾ GIỚI


Công nhân gấp rút thi công dự án biến rác thành điện trị giá 7.000 tỷ đồng - Ảnh 1.

Nhà máy điện rác Sóc Sơn là công trình hạ tầng kỹ thuật cấp đặc biệt có tổng mức đầu tư hơn 7000 tỷ đồng, được thành phố chấp thuận chủ trương cuối năm 2017, do CTCP Môi trường năng lượng Thiên Ý là chủ đầu tư, Tổng thầu MCC (Trung Quốc) thực hiện. Nhà máy sở hữu công nghệ xử lý rác hiện đại, tiên tiến từ Châu Âu, thân thiện với môi trường và đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường của Việt Nam.

img
img

Với công suất xử lý rác thải sinh hoạt 4.000 tấn/ngày đêm, chiếm 50 - 60% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh của Thành phố Hà Nội và công suất phát điện 75MW, Nhà máy điện rác Sóc Sơn là dự án có quy mô xử lý chất thải rắn sinh hoạt và công suất phát điện lớn hàng đầu thế giới.

Công nhân gấp rút thi công dự án biến rác thành điện trị giá 7.000 tỷ đồng - Ảnh 3.

Nhà máy dùng công nghệ lò đốt ENERGIZE@ - lò ghi cơ học tiên tiến nhất trên thế giới, kiểu Waterleau của Bỉ với phân đoạn 3 vùng đốt giúp tận thu nhiệt điện để phát điện. Các thành phần chất thải trơ, tro xỉ cũng được tận dụng để sản xuất vật liệu xây dựng (đóng gạch không nung) hoặc san lấp mặt bằng.

img
img

Phương pháp xử lý rác mới này hứa hẹn sẽ dần thay thế phương pháp chôn lấp vốn tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, đồng thời lãng phí một nguồn tài nguyên rất lớn để chuyển hóa thành năng lượng là Rác.


CÔNG NHÂN GẤP RÚT THI CÔNG DÙ BỊ ẢNH HƯỞNG BỞI DỊCH COVID-19


Công nhân gấp rút thi công dự án biến rác thành điện trị giá 7.000 tỷ đồng - Ảnh 5.

Theo báo cáo của chủ đầu tư, dự án đã hoàn thành khoảng 65% các hạng mục chính. Hiện đơn vị đang thi công tường bao khu vực; sàn đổ rác nhà máy chính; bể rác số 1; bể rác số 2; sàn sau lò nhà máy chính; phòng tua bin hơi; nhà hành chính; tường bao phía Nam; trạm tăng áp; trạm xử lý nước thải; lắp đặt cẩu tháp số 1 và số 2; lắp đặt hệ thống lò đốt số 2 và số 3…

img
img
img

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ sau thời điểm Tết nguyên đán đến nay, nhiều cán bộ và công nhân kỹ thuật nước ngoài chưa thể sang Việt Nam để tiếp tục triển khai công việc. Tháng 7, tháng 8 vừa qua theo kế hoạch là những tháng cao điểm, có tính quyết định đến tiến độ của dự án nhưng công trường luôn trong tình trạng thiếu nhân lực, có lúc thiếu khoảng 1000 công nhân so với kế hoạch đề ra.

img
img
img

Bất chấp khó khăn về nhân lực và thời tiết đang trong mùa hè, có những ngày nắng nóng đỉnh điểm hay mưa dông lớn nhưng khối lượng công việc của công nhân vẫn được đảm bảo. Công nhân luôn có thái độ làm việc tích cực, nỗ lực hoàn thành tốt công việc của mình trên công trường.

img
img

Ngoài nhân lực thì các trang thiết bị phải nhập từ các nước hiện đang là đỉnh dịch Covid-19 như Bỉ, Đức, Phần Lan cũng là một trong những vấn đề không nhỏ. Về vấn đề này, chủ đầu tư dự án cho biết đã chủ động thực hiện các biện pháp khắc phục như đốc thúc đối tác nước ngoài thực hiện đúng thỏa thuận trong đơn đặt hàng, đồng thời cử thêm người sang các nước đó để phối hợp cùng họ hoàn thiện các thủ tục chuyển hàng về Việt Nam nhanh nhất.


LỜI KÊU CỨU CỦA NGƯỜI DÂN QUANH BÃI RÁC NAM SƠN


Công nhân gấp rút thi công dự án biến rác thành điện trị giá 7.000 tỷ đồng - Ảnh 9.

Thời gian qua, hàng trăm người dân ở xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội phải chịu cảnh khốn khổ vì bị ruồi kéo đến bủa vây khắp nhà. Nhiều ruồi đến mức họ bắt được hàng kg mỗi ngày. Không ít lần vì quá bức xúc, người dân nơi đây đã lập lán tạm, chặn xe chở rác.

img
img

Bà Nguyễn Thị Đông, người dân ở thôn Đông Hạ, xã Nam Sơn cho biết, bãi rác bốc mùi hôi thối, ruồi muỗi từ đâu kéo về tấn công nhà dân khiến mọi sinh hoạt của các hộ dân quanh đây bị đảo lộn hoàn toàn. Dù đóng cửa kín mít nhưng ruồi đen vẫn bay về bu kín khắp nơi. "Cuộc sống của chúng tôi quanh năm suốt tháng phải chịu mùi hôi thối từ sáng đến đêm. Nhiều nhà có cháu nhỏ buộc phải đi sang xã khác ở nhờ. Mỗi lần nhà ai có cưới xin, giỗ chạp mời người ở nơi khác đến ăn cũng ngại, vì ruồi muỗi bay đầy vào thức ăn, khiến khách khiếp sợ. Từ năm 1999 dân đã kiến nghị nhiều lần nhưng đến nay họ mới giải quyết", bà Đông nói thêm.

img
img

Ở khía cạnh khác, ông Phạm Xuân Sơn (xóm 18, thôn Đông Hạ, Nam Sơn, Sóc Sơn) cho biết, kể cả khi nhà máy điện rác Sóc sơn được hoàn thiện thì tình trạng ùn ứ rác ở nội đô cũng chưa chắc được giải quyết. "Chừng nào các phương pháp đền bù cho hộ dân thuộc Dự án di dân vùng ảnh hưởng môi trường của Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn chưa được thực hiện thỏa đáng thì người dân sẽ còn chặn đường xe rác vào bãi rác Nam Sơn. Như đất nhà tôi, trước kia vốn là đất ở, gần đây lại bị quy hoạch thành đất rừng trùng lấn, dẫn đến mức đền bù rất thấp, có cũng như không, chả đủ tiền để mua đất ở đâu cả", ông Sơn tâm sự.

Công nhân gấp rút thi công dự án biến rác thành điện trị giá 7.000 tỷ đồng - Ảnh 12.

Là một trong những đô thị đông dân nhất cả nước, việc xử lý hàng nghìn tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày là vấn đề cấp thiết đối với sự phát triển bền vững của thành phố Hà Nội. Do đó, việc đưa các nhà máy xử lý chất thải rắn theo công nghệ hiện đại, đốt hoặc khí hóa như nhà máy điện rác Sóc Sơn vào hoạt động được xem là giải pháp tối ưu hiện nay đối với Thủ đô, hạn chế được vấn đề ô nhiễm môi trường, lãng phí tài nguyên đất so với phương pháp chôn lấp trước đây.


Trọng Hiếu


Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem