Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Được thi đấu với đội bóng có thành viên của nhà cụ Thìn A là niềm vinh dự tột cùng với các cầu thủ bóng đá tại Hà Nội và khắp Việt Nam. Có nằm mơ, hẳn nhiều cầu thủ không dám nghĩ trong đời, mình có dịp "so giày" với 2 tượng đài bóng đá lớn Thế Anh (Ba Đẻn), Cao Cường và các danh thủ con cháu cụ Thìn A.
Cụ Thìn A tức Nguyễn Văn Thìn, tên cúng cơm là Nguyễn Văn Ty, sinh tháng 12/1916.
Từ thời thuộc Pháp, lúc mới hơn 16 tuổi, cụ đã đầu quân cho đội bóng Cotonkin Hà Nội, đội Nội Châu rồi tham gia đội tuyển bóng đá Bắc Kỳ, đội tuyển Đông Dương cùng với những danh thủ bóng đá Việt Nam như Trương Tấn Bửu, Thọ A, Kami, Thọ "ve", Tý Bồ, Ứng, Khê, Nghĩa, Luyến, Thưởng…
Đội tuyển Đông Dương thuở ấy "làm mưa làm gió" vùng Đông Nam Á và khu vực Nam Á. Nam Dương (Indonesia), Miến Điện, Thái Lan… và nhất là tại Hồng Kông, cha con "Vua bóng đá" Lý Huệ Đường cũng phải quy phục những cầu thủ đến từ Đông Dương.
Năm 1945 tạm gác việc đá bóng và năm 1946 cụ Thìn A tản cư ra vùng tự do, tham gia một đơn vị công binh thuộc Bộ Quốc phòng.
Cụ Thìn A có 11 người con, sau còn 9 người trưởng thành gồm 5 nam và 4 nữ nên cụ phải về Hà Nội phụ giúp vợ chăm con và tham gia đá bóng cho các đội ở nội thành. Sau đó, Tòa thị chính Hà Nội thành lập đội Cảnh binh, cụ lại đầu quân cùng lứa với các ông Nghĩa, A Loóc, Bùi Nghẽn, Lưu Đình Tòng, Nguyễn Huy Luyến, Nguyễn Thưởng, Bùi Hợi, Vũ Hợi, Tuất, Phú Tí…
Năm 1954, cụ tham gia đội Hoàng Diệu và năm 1956, cụ Thìn A lại là lứa cầu thủ đầu tiên của đội bóng Công an Hà Nội. Đây là thế hệ Vàng của bóng đá Công an Hà Nội và bóng đá Thủ đô. Cụ Thìn A tham gia đội tuyển bóng đá của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngay khi mới thành lập năm 1960.
Ngày 7/3/2014, toàn bộ những người làm bóng đá Việt Nam đang có mặt tại Hà Nội và đông đảo người hâm mộ bóng đá đã đến nhà tang lễ thành kính tiễn đưa cụ Nguyễn Văn Thìn A về nơi an nghỉ cuối cùng.
Sát nhà cụ Thìn A là sân vận động Long Biên. Hồi ấy có cầu thủ người gốc Argentina đá cho đội Địa chất được gọi là Ba Đen. Cầu thủ này đá rất hay và Thế Anh, con trai thứ 3 của cụ Thìn A cũng đá rất khéo nên được giới cầu thủ gọi chệch là Ba Đẻn, dù cầu thủ nhỏ con này rất trắng trẻo.
Cũng vì thuộc diện "thấp bé, nhẹ cân" nên khi trốn bố xin vào các đội bóng, anh Ba Đẻn bị loại ngay từ "vòng gửi xe". Không cần xem giò cẳng, người tuyển dụng thấy anh chàng cò hương, mãi sau này ăn tập mới cao 1m65 chứ lúc đầu chỉ cao 1m58, nặng gần 50kg có cặp chân vòng kiềng đến mức như bất thường đã lắc đầu quầy quậy.
Cũng may ông Ngô Xuân Quýnh, cựu cầu thủ và là Chính trị viên đội Thể Công lúc ấy đã đứng ra bảo lãnh cho Thế Anh. "Ông đồ Nghệ" (Ngô Xuân Quýnh) có cặp mắt tinh đời đã nhìn ra tố chất bẩm sinh của Thế Anh và niềm tin sắt đá rằng ông Thìn A là hổ phụ, ắt hẳn Thế Anh sẽ là hổ tử.
Trong đoàn 25 vận động viên trẻ của Thể Công sang tập huấn bên Triều Tiên tháng 11/1967, có Thế Anh cùng với Nguyễn Trọng Giáp, Phan Văn Mỵ, Vũ Mạnh Hải, Nguyễn Duy Phú, Nguyễn Văn Nhật, Vương Tiến Dũng, Hoàng Gia, Vũ Đình Bội, Bùi Xuân Thêu, Nguyễn Viết Cầu, Bùi Ngọc Chi, Trần Quốc Nghị, Lê Quang Minh, Trần Ngọc Hùng, Nguyễn Đức Minh…
Trọn 1 năm đào tạo trên đất Triều Tiên đã rèn luyện cho lứa cầu thủ trẻ Thể Công một tư duy mới trong bóng đá và sức bền, kỹ thuật cũng được nâng lên rõ rệt. Đội tuyển Triều Tiên khi đó đã từng vào đến vòng tứ kết World Cup 1966. Khi huấn luyện cho các cầu thủ trẻ Thể Công, các chuyên gia Triều Tiên trận nào cũng buộc các cầu thủ chạy đủ 120 phút cho một trận đấu. Lối rèn luyện thể lực hà khắc như vậy đã khiến lứa cầu thủ này có nền tảng thể lực sung mãn. Kết thúc chuyến tập huấn, các cầu thủ trẻ đã sớm được đôn lên đội 1, đảm bảo thay thế vị trí các đàn anh đã lớn tuổi của Thể Công.
Ngay trong trận ra mắt người hâm mộ bóng đá Việt Nam trong trận Thể Công đá với đội tuyển Cu Ba trên sân Hàng Đẫy năm 1970, khán giả Việt Nam đã ngạc nhiên khi thấy một cầu thủ nhỏ con mà bứt tốc với tốc độ đáng kinh ngạc. Ngạc nhiên hơn nữa là ở động tác dừng bóng đột ngột của cầu thủ này. Đang chạy với tốc độ cao, Thế Anh như "phanh gấp" khiến hậu vệ đội bạn lỡ trớn, thậm chí ngã lăn quay rồi ung dung dắt bóng về phía trung lộ để ghi bàn hoặc phối hợp với đồng đội.
Lối đá huyền ảo của Thế Anh (Ba Đẻn) đã làm đắm say bao người hâm mộ bóng đá Việt Nam.
Con thứ tư của cụ Thìn A là Nguyễn Cao Cường lại khác. Sinh năm 1954, cao 1m73 - Chiều cao lý tưởng của cầu thủ thời bấy giờ khiến các đội bóng Hà Nội tìm mọi cách kéo Cao Cường về với đội. Đội Thể Công nhanh chân, tuyển dụng Cao Cường năm 1970, khi đó anh mới 16 tuổi. Sau 3 năm, Cao Cường đã được lên đội 1 và cùng đội thi đấu tại Trung Quốc, CHDC Đức, Hungary. Năm 1982, Cao Cường tham gia tuyển Thanh niên Việt Nam, thi đấu tại Liên Xô và Hungary.
Có kỹ thuật, có tư duy, có sức tì đè càn lướt, Cao Cường là mẫu tiền đạo hiện đại. Anh đã được báo Lao Động bình chọn là Cầu thủ xuất sắc nhất Việt Nam 20 năm trong giai đoạn 1975-1995.
Khi giải nghệ, Cao Cường làm huấn luyện viên và là Phó giám đốc CLB Thể Công đến khi nghỉ hưu năm 2009.
Hà Nội FC đang là một trong những đội mạnh của Việt Nam. Vị trí số 1 tại V.League nhiều mùa giải của Hà Nội FC có sự đóng góp của Cao Cường khi ông là Giám đốc Phát triển chiến lược thể thao của Câu lạc bộ Hà Nội T&T trước đây.
Con cụ Thìn A còn có 2 cầu thủ chuyên nghiệp là Cao Vinh đá ở Đường sắt Việt Nam và Cao Hiển đá ở Công an thành phố Hồ Chí Minh. Con rể cụ Thìn cũng là một thủ môn nổi tiếng trong làng bóng Hà thành là ông Trần Quốc Nghị.
Mỗi lần họp mặt gia đình, trong các cuộc chuyện trò, những thành viên đa phần lại quay về chủ đề bóng đá. Kỷ niệm bóng đá có nhiều, nhưng mọi người của đội bóng gia tộc nhà cụ Thìn A nhớ mãi chiến thắng của đội Thể Công trước đội Bát Nhất (Đội Quân giải phóng Trung Quốc) ngay tại Bắc Kinh năm 1974.
Năm đó, đội Bát Nhất là đương kim vô địch. Họ mời Thể Công sang thi đấu kỷ niệm ngày thành lập Quân giải phóng Trung Quốc.
Sân vận động Công nhân ở Bắc Kinh có trăm nghìn ghế ngồi mà kín đặc người ngồi. Các cán bộ sứ quán Liên Xô phải xin giấy mời của sứ quán Việt Nam vì phía Trung Quốc không bán vé cho sứ quán Liên Xô.
Khắp khán đài là cờ 5 sao, hoa và ảnh Chủ tịch Mao Trạch Đông.
Dưới sân, lúc 18h55, Phó thủ tướng Đặng Tiểu Bình tặng hoa và bắt tay động viên cầu thủ 2 đội. 19h00 trọng tài nổi còi bắt đầu trận đấu.
Đội Thể Công đá theo sơ đồ 1-4-3-3. Thủ môn Trần Văn Khánh. Hàng phòng ngự Vương Tiến Dũng (số 2), Nguyễn Duy Phú (số 4), Nguyễn Trọng Giáp (số 3), Nguyễn Quý Thiêm (số 5, hiệp hai Nguyễn Sỹ Hiển vào thay). Tiền vệ có Vũ Mạnh Hải (số 6), Phan Văn Mỵ (số 9), Vũ Đình Bội (số 8). Tiền đạo Thái Nguyên Bền (số 7), Nguyễn Thế Anh (Ba Đẻn - số 11), Nguyễn Bính (số 10).
Đội Thể Công được giao bóng. Trung phong Nguyễn Bính chuyền bóng cho Vũ Đình Bội. Đình Bội gạt sang cho Phan Văn Mỵ. Ngay lập tức Phan Văn Mỵ "chặt" quả bóng bằng má trong chân phải. Bóng đi cầu vồng rơi đúng góc vuông khu vực 16m50 vừa kịp lúc Thái Nguyên Bền - tiền đạo có tốc độ nhanh nhất miền Bắc hồi bấy giờ - băng lên.
Không căn chỉnh, Thái Nguyên Bền vô lê. Bóng bay thẳng vào góc chữ A của khung thành đội bạn, nảy xuống đất rồi nảy tung nóc lưới. Bóng nằm gọn trong khung thành khi tiếng reo hò động viên đội Bát Nhất từ đầu trận vẫn chưa dứt. Vẻn vẹn bóng nhập cuộc mới có 20 giây, hơn hẳn kỷ lục thế giới 27 giây do cầu thủ Robson người Anh xác lập trong trận gặp đội Pháp tại Espana 1982.
Khi đó, Phó thủ tướng Đặng Tiểu Bình vẫn chưa kịp về đến chỗ ngồi trên khán đài. Trưởng đoàn Thể Công Nguyễn Hữu Tài cùng Phó thủ tướng Đặng Tiểu Bình giật mình khi thấy sân vận động ầm vang.
Tiếng reo. Tiếng la ó. Tiếng huýt sáo. Quay xuống thấy cảnh các cầu thủ Thể Công ôm nhau và thấy ông Đặng Tiểu Bình giơ ngón cái về Đại sứ Nguyễn Trọng Vĩnh tỏ ý chúc mừng thì mới biết quân mình đã ghi bàn thắng.
Phút thứ 5, đội Bát Nhất tổ chức đá phạt. Từ cự ly 25 m, họ gỡ hòa 1-1.
Sau bàn thua do lỗi chủ quan của hàng phòng ngự, các cầu thủ Thể Công cảnh giác, vây chặt các cầu thủ to cao của đối phương.
Phút 12, tiền vệ Thể Công lại cướp được bóng, chuyền cho Thái Nguyên Bền. Dốc xuống biên, Thái Nguyên Bền căng ngang để Thế Anh lao vào đá nối từ cự ly 10 m. Bóng vào lưới, đội Thể Công lại dẫn trước 2 -1.
Mới bị dẫn 1-2 mà đội Bát Nhất như bị vỡ trận. Hàng phòng ngự của họ như đứng xem Thế Anh độc diễn trên sân. Phút 16, Thế Anh khiến hậu vệ đội bạn ngã dúi dụi sau khi quặp bóng, chuyền vào cho Nguyễn Bính ghi bàn, nâng tỷ số lên 3-1.
Phút 26, tiền vệ Phan Văn Mỵ, người được mệnh danh là "Khẩu thần công" của đội tung cú sút phạt sở trường từ cự ly 25m, hạ gục đối phương. Hiệp 1 kết thúc với cách biệt 4 -1 nghiêng về Thể Công.
Khi nhân viên sứ quán gọi về Việt Nam báo cáo tình hình, đồng chí Thứ trưởng trực lãnh đạo vội vàng chỉ thị: "Bảo chúng nó (tức đội Thể Công) thắng thế là đủ rồi, không được thắng thêm nữa".
Trên sân, các khán giả Trung Quốc chuyển sang ủng hộ đội Thể Công, những cầu thủ đến từ đất nước đang có chiến tranh.
Sang hiệp 2 đội Thể Công chủ động giảm nhịp độ thi đấu nhưng các cầu thủ vẫn quyết không để đội Bát Nhất ghi bàn. Dù trước trận đấu đội Bát Nhất đã cử người đến quan sát, quay phim buổi tập của đội Thể Công, nhưng họ vẫn không thể tìm ra sơ hở của đội Thể Công. Phòng ngự kín kẽ, hết trận đấu, các cầu thủ vẫn chạy vòng quanh sân cảm ơn khán giả, không ai bị chấn thương, căng cơ hay chuột rút.
Trên đường trở về khách sạn Dân Chủ ở trung tâm Bắc Kinh, nhiều người dân Bắc Kinh vẫy tay chúc mừng các cầu thủ Việt Nam. Họ không ngờ đất nước đang có chiến tranh, cầu thủ thể trạng nhỏ bé mà đội Việt Nam vẫn đá hay đến vậy. Tại sảnh khách sạn, các du khách Anh, Pháp, Đức và cả Mỹ vừa xem trận đấu qua ti vi đã đón các cầu thủ Việt Nam với ngón tay cái giơ cao và tiếng hô Việt Nam không dứt.
Đại sứ Nguyễn Trọng Vĩnh cử cán bộ đến nơi đoàn ở, cảm ơn Quân đội nhân dân Việt Nam, cảm ơn Thể Công - những cầu thủ đã đem lại tự hào cho mọi người dân Việt.
Ngay sau trận đấu, các cán bộ nhân viên sứ quán Liên Xô đã đến chúc mừng sứ quán Việt Nam.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.