Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Hình ảnh những chiếc xuồng máy cùng đoàn cứu trợ của nhóm Cứu hộ tự nguyện Hồ Ghềnh Chè Farmstay HLC gấp rút tiến vào tâm lũ, những khu vực ngập lụt sâu cùng âm thanh phát ra từ chiếc loa phóng thanh trên tay anh Cương "Đoàn chúng tôi đang đến, bà con ai ở khu vực nào cần cứu hộ xin hãy phát ra tín hiệu để chúng tôi đến cứu" đã không còn xa lạ.
Trận lũ lịch sử suốt những ngày vừa qua đã khiến hàng nghìn hộ dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và các khu vực lân cận bị ngập sâu, phải di dời khẩn cấp.
Theo dõi tình hình thời sự và các thông tin, hình ảnh trên mạng xã hội, liên tiếp có người từ khắp mọi nơi kêu cứu, xin hỗ trợ, anh Cương cùng những người thân trong gia đình của mình thấy nóng ruột và không thể ngồi yên. Chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn, anh Cương và mọi người trong gia đình đã tập hợp nhau lại, huy động nhiều tàu, thuyền, phương tiện hỗ trợ cần thiết cùng những người có kinh nghiệm lái thuyền, rồi lên đường đến những vùng nguy cấp, nơi bà con đang cần được cứu trợ.
Rạng sáng 9/9, khi mực nước sông Cầu bắt đầu dâng cao, anh Cương đã có mặt ở các khu vực bị ngập sâu thuộc TP.Thái Nguyên để hỗ trợ một số hộ gia đình người quen khu vực ven sông Cầu di dời tài sản ra khỏi vùng ngập lụt.
"Đến trưa 9/9, toàn TP.Thái Nguyên bị ngập úng, trong đó có một số khu vực bị ngập nặng như phường Quang Vinh, Túc Duyên, Đồng Bẩm. Lúc đó, trên địa bàn thành phố mưa rất lớn, nên em đã về nhà huy động mọi người trong gia đình mang tàu thuyền, nhiều trang thiết bị lên khu vực TP.Thái Nguyên để cứu hộ", anh Cương nói.
Nhóm đầu tiên trong hành trình cứu trợ gồm có 8 người, sau đó tăng lên 10 người, di chuyển đến khu vực Túc Duyên với những chiếc thuyền sup. Nhóm chia ra làm 2, một đội thực hiện cứu trợ ở phường Túc Duyên và một đội đi đến khu vực phường Quang Vinh cứu trợ.
Với 2 chiếc cano, 1 thuyền sup, 1 thuyền chèo tay, 1 thuyền đánh cá chuyên dụng, ròng rã trong nhiều ngày liền, nhóm cứu trợ của anh Cương đã không quản ngại mưa lũ, khó khăn đưa hàng nghìn người dân từ những khu vực ngập sâu ra vùng an toàn. Nhóm còn đưa hàng tấn đồ cứu trợ vào cho bà con bị cô lập trong vùng lũ.
Nhóm của anh Cương đi đến đâu sẽ tìm kiếm và cứu trợ hết đến đó, cùng câu nói quen thuộc: "Trong khu này có ai di dời ra ngoài không, nước sông đang dâng lên rất cao, ưu tiên người già, trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai".
Trong suốt hành trình cứu hộ, nhóm của anh Cương cũng gặp rất nhiều khó khăn. Theo anh Cương, khó khăn lớn nhất mà nhóm cứu hộ gặp phải trong suốt hành trình là khi đi vào nhà dân ở các khu dân cư thuộc TP.Thái Nguyên thì đây đều là những nhà kín cổng cao tường, nên mặc dù đã hô hào rát cổ, bỏng họng ở bên ngoài nhưng bên trong nhà, người dân lại không thể nghe thấy.
Gần chục tấn hàng cứu trợ đã được nhóm đưa tới tận tay những người dân trong vùng lũ. Trong ảnh là em bé được đoàn cứu hộ tiếp cận và bế từ trên tầng xuống thuyền.
"Có những ngõ, lúc trời còn sáng, em vào đến tận trong cùng nhưng không một ai ra ngoài, đến tối mọi người lại nháo nhác kéo nhau ra gây rất nhiều khó khăn. Có những đoạn đường cứu trợ, cả vào và ra chúng em phải bơi, chèo thuyền đến 5 – 6 cây số dưới thời tiết mưa rất to, mỗi thuyền chúng em chở từ 4 – 5 người/lượt khiến nhóm vô cùng mệt mỏi. Cánh tay rã rời vì chèo thuyền và bơi trong nước lũ suốt thời gian dài, cộng với việc dầm mưa, không ngủ, chèo thuyền cả ngày mất sức dẫn đến ngày đầu em bị sốt cao", anh Cương kể lại.
Mặc dù khó khăn là vậy, nhưng anh Cương không cho phép bản thân được bỏ cuộc mà vẫn tiếp tục những chuyến cứu hộ với suy nghĩ còn nhiều người đang rất cần đến mình. Những lời van xin, kêu cứu da diết từ người dân bị nạn đã thôi thúc anh Cương và nhóm cứu hộ vượt qua trở ngại để đến với bà con.
Anh Cương cho biết, khu vực phường Quang Vinh là địa bàn ngập sâu nhất, với mật độ nhà cao tầng dày và ngõ nhỏ, hẹp nên khi nước tràn vào càng tạo thành các dòng chảy xiết. Xung quanh là bờ tường rào nhiều dây thép gai và mảnh chai nguy hiểm rất khó khăn cho việc tiếp cận để cứu hộ.
Trong khi đó, thuyền to quá hoặc bé quá đều không thể vào, càng thuyền hơi lại càng dễ lật. Chính vì vậy, nhóm anh Cương đã sử dụng ca nô chuyên chở khách du lịch để tiếp cận và cứu trợ. Nếu như thông thường chiếc ca nô đó chỉ chở khoảng 7 – 8 khách du lịch trên hồ thì nay do việc cứu trợ gấp rút nên mỗi chuyến vào ra, số người trên thuyền tăng lên gấp đôi.
Mỗi chiếc thuyền như vậy nhóm cứu trợ sẽ có 5 người, 1 người lái thuyền và 4 người đi theo mặc áo phao để hỗ trợ việc phá cổng, bế người qua bờ rào xuống thuyền, đồng thời động viên tinh thần người bị nạn để họ không hoảng loạn.
Kể cả những khu vực nước sâu, nhóm cứu trợ cũng không ngần ngại có mặt. Những em bé còn rất nhỏ đã được nhóm tiếp cận và đưa ra khỏi khu vực ngập lụt.
Với tinh thần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và đảm bảo an toàn cho mình trước khi cứu người khác nên nhóm của anh Cương luôn giữ được sự ổn định về tâm lý, ngay cả khi nghe tin có người tham gia cứu hộ gặp nạn bị đuối nước.
Trong quá trình cứu trợ, do tình thế khẩn cấp nên nhóm chỉ kịp đưa người ra ngoài mà không có thời gian để trò chuyện, nhưng có những trường hợp để lại ấn tượng khiến anh Cương không thể nào quên như người già 80 tuổi phải ngồi xe lăn, hay có gia đình 10 người gồm cả cụ già bị bệnh tim ở khu vực phường Quang Vinh mà phải đến 5 giờ sáng nhóm anh Cương mới tiếp cận được...
Ngày thứ hai trong hành trình cứu hộ, trong tay cầm mảnh giấy nhỏ do người thân của người bị nạn nhờ tìm kiếm, lúc đó anh Cương cảm giác như mình là một shipper đi tìm địa chỉ nhà của khách để giao hàng. Anh Cương kể, cả buổi sáng một mình anh bơi thuyền sup khoảng 3 cây số từ đầu phố Phùng Chí Kiên ra khu vực Toà án tỉnh Thái Nguyên trong điều kiện nước chảy rất xiết, đường hẹp, ca nô không thể vào được để tìm số nhà, địa chỉ người được ghi trong mảnh giấy, nhưng khi đến khu vực đó, mở giấy ra thì tờ giấy ướt nhoè không thể đọc được chữ. Khi đó, đầu óc anh Cương vô cùng căng thẳng vì phải nhớ lại địa chỉ cụ thể ghi trong mảnh giấy.
"Rất may, khu vực đó không có nhiều nhà cao tầng, vị trí tường rào có thể bám vào được, nên em đã buộc dây thuyền sup vào bụng và vịn tường rào trèo qua, tiếp cận khu vực có người. Trong nhà khi đó có cả trẻ con nhưng không thể đưa ra ngoài. Do người bị nạn đang mang bầu nên khi xuống thuyền đã bị chìm, em buộc dây thuyền vào bụng và đẩy thuyền, đưa bạn ấy ra tận khu vực bên ngoài, rồi tiếp tục đưa chồng bạn đó ra. Khi đã đưa được hai vợ chồng bạn này ra ngoài, họ cảm ơn em rối rít và còn nói khi con họ chào đời sẽ nhận em là bố đỡ đầu", anh Cương nhớ lại.
Trong quá trình đi phát nhu yếu phẩm cho bà con tại phường Lương Sơn (TP.Sông Công), nhóm cứu hộ phải di chuyển bằng ca nô qua những mái nhà, những cánh đồng ngô, trên những chuồng trâu, chuồng bò, thậm chí là cả nghĩa trang.
"Sau khi đã phân phát đồ cho nhiều hộ trong khu vực, chúng em tiếp tục đến một khu vực hẻo lánh có cụ bà neo đơn 80 tuổi bị mất một cánh tay, nhà cụ bị ngập hoàn toàn và bị cô lập với hàng xóm xung quanh. Khi đó, bà cụ đang đứng trên một mỏm đất cao hơn mái nhà, thấy chúng em đến bà cũng không hô hào cầu cứu. Rất may mắn là chúng em nhìn thấy nên đã bơi vào, trèo qua tường rào dây thép gai, tiếp cận và cõng bà cụ ra ngoài đưa lên thuyền", anh Cương nhớ lại.
Đến ngày thứ 3 của trận ngập lụt, khi nước ở khu vực TP.Thái Nguyên đã bắt đầu rút và đổ dồn về dưới hạ lưu gây ngập lụt tại các huyện Phú Bình và TP.Phổ Yên, nhóm cứu trợ của anh Cương lại tiếp tục huy động thêm một chiếc tàu máy to của người dân ở Hồ Ghềnh Chè chuyên chở khách du lịch xuống khu vực huyện Phú Bình và TP.Phổ Yên để cứu hộ cho bà con ở hai địa phương này, rồi xuôi xuống những vùng dưới như Hiệp Hoà (Bắc Giang) để tiếp tục hành trình cứu hộ.
Kết thúc hành trình suốt 5 ngày ròng rã tham gia cứu hộ, cứu trợ cho bà con vùng lũ, nhóm cứu hộ của anh Cương đã đưa được hơn 1.500 người ra khỏi vùng ngập lụt và phân phát khoảng 5 – 7 tấn nhu yếu phẩm đến cho bà con. Trong quá trình cứu trợ, có những phương tiện đã bị hư hỏng nặng không thể sử dụng, có phương tiện phải sửa chữa tốn kém vài chục triệu đồng nhưng điều đó không khiến những con người ấy bận tâm.
Đến giờ phút này họ đã có thể yên tâm chợp mắt sau những ngày dài mệt mỏi vì thiếu ngủ, phần vì không còn gì phải trăn trở bởi họ đã làm hết khả năng có thể của mình để giúp những người bị nạn vượt qua khó khăn trong những thời khắc nguy cấp nhất.
Anh Cương bảo: "Có nhiều người gọi chúng em là những người hùng, nhưng em trả lời, chúng em chỉ là những người bình thường, thấy hoạn nạn thì cứu giúp, chứ chẳng phải người hùng hay siêu nhân gì. Có nhiều người sau khi được cứu hộ, họ mong muốn được trả ơn và đền đáp nhưng chúng em không nhận. Bởi phương châm duy nhất của chúng em chỉ là cứu người, chỉ cần mọi người an toàn là chúng em thấy hạnh phúc".
Là người từng được nhóm anh Cương cứu hộ, chị Hồng Anh ở TP.Thái Nguyên đã chia sẻ trên trang Facebook cá nhân: "Mẹ con em cảm ơn chú cứu hộ tên Cương đã bơi trong dòng nước ngập đầu, đẩy thuyền phao cho mẹ con em và đồ đạc em bé di chuyển đến vùng an toàn. Chú là người hùng không áo choàng trong mắt mẹ con em và mọi người. Thương mến và cảm ơn chú rất nhiều".
Bạn Mai Hương (TP.Phổ Yên) viết: "Mình ấn tượng nhất bạn Cương này. Soi Cốc lụt, hôm ấy nước chảy xiết thấy mỗi bạn nhiệt tình nhất và cứu được rất nhiều người ra ngoài. Thay mặt người dân Soi Cốc cảm ơn bạn rất nhiều. Chúc bạn và gia đình có thật nhiều sức khỏe".
Chị Thuỳ Phương ở Lục Nam, Bắc Giang cho biết, chị vô cùng cảm động và trân quý tình cảm của nhóm cứu trợ Hồ Ghềnh Chè. "Đồng bào Bắc Giang vô cùng biết ơn nhóm thiện nguyện vì trong lúc nguy cấp đã liều mình, tận tâm cứu giúp bà con nơi đây. Chúc cho đoàn luôn mạnh khoẻ, bình an và hạnh phúc", chị Phương cho hay.
Là người mẹ có con tham gia cứu hộ, bà Lê Thị Lý - mẹ anh Cương tâm sự: "Cương là con trai cả và duy nhất trong gia đình có ba anh em. Cương là người sống tình cảm và rất hay giúp đỡ người khác. Khi thấy Cương và mọi người trong gia đình bàn nhau và lên phương án đi cứu hộ, tôi cũng hết sức đồng tình ủng hộ. Mặc dù rất lo lắng nhưng tôi luôn xác định trong hoàn cảnh đó, bản thân phải là hậu phương vững chắc, luôn đồng hành, động viên để mọi người yên tâm đi cứu hộ. Tôi cũng cùng với chồng, em trai, con trai và những người thân trong gia đình giúp sức hỗ trợ bên ngoài các khu vực ngập lụt để đưa mọi người đến nơi tập kết an toàn, hỗ trợ đưa đồ ăn, áo phao cho đoàn cứu trợ và người dân".
Được biết, anh Trần Đại Cương tốt nghiệp Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên tháng 6/2024, nhưng ngay từ khi bước chân vào giảng đường đại học, với niềm đam mê du lịch nông nghiệp, anh Cương đã cùng với những người thân trong gia đình bắt tay khởi nghiệp, thành lập HTX Du lịch cộng đồng Hồ Ghềnh Chè (xóm Tiền Tiến, xã Bình Sơn, TP.Sông Công) rồi liên kết với bà con trong vùng hồ Ghềnh Chè phát triển nhiều ngành nghề tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân.
Đến nay, sau 5 năm đi vào hoạt động, HTX Hồ Ghềnh Chè đã thu hút được hàng chục nghìn lượt khách đến tham quan, trải nghiệm mỗi năm, mang về nguồn doanh thu tương đối lớn.
Hành trình cứu hộ của nhóm cứu hộ tự nguyện Hồ Ghềnh Chè Farmstay FLC.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.