Cựu tuyển thủ Bùi Việt Bằng: Từ bỏ karate trên đỉnh cao và sở hữu tài sản 2 triệu USD sau 15 năm - Ảnh 1.

Từ quá khứ tới hiện tại, các VĐV luôn gặp vô vàn khó khăn trong cuộc sống sau khi giã từ sự nghiệp thi đấu đỉnh cao. Chỉ có một số ít may mắn tiếp tục được theo đuổi niềm đam mê trong vai trò huấn luyện VĐV ở địa phương và ĐTQG. Đa phần phải đối mặt với cuộc sống mưu sinh nhọc nhằn khi đã giành cả thanh xuân chỉ biết ăn, tập và thi đấu thể thao.

Trong "bức tranh" ấy, Bùi Việt Bằng là cựu tuyển thủ hiếm hoi có được một cuộc sống khá giả, hạnh phúc. Anh hiện là chủ CLB karate Việt Nhật với 8 cơ sở ở Hà Nội và 2 cơ sở ở Hải Phòng với khoảng 1500 võ sinh theo tập luyện thường xuyên. Điều đặc biệt nữa là Bùi Việt Bằng lại là người quyết định giã từ sự nghiệp từ rất sớm, năm 2008 khi anh mới 25 tuổi – đang bước vào độ chín của sự nghiệp. Vì sao vậy (?!).

Cựu tuyển thủ Bùi Việt Bằng: Từ bỏ karate trên đỉnh cao và sở hữu tài sản 2 triệu USD sau 15 năm - Ảnh 2.

Cựu tuyển thủ Bùi Việt Bằng trò chuyện cùng phóng viên báo Điện tử Dân Việt.

Dân Việt đã tìm tới cơ sở chính của CLB karate Việt Nhật, rộng hơn 400m vuông nằm ở phố Hoàng Ngân (Cầu Giấy – Hà Nội) để tìm hiểu về hành trình khá "dị" của Bùi Việt Bằng.

Cuộc gặp gỡ giữa phóng viên Dân Việt và Bùi Việt Bằng diễn ra lúc 10 giờ sáng. Phòng tập có duy nhất một nữ võ sinh đang tự tập bài quyền quen thuộc. Bùi Việt Bằng từ tốn lý giải: "Các học viên chỉ tập vào buổi chiều tối mọi ngày trong tuần. Buổi sáng, bạn Vân Khánh tranh thủ tập thêm. Vân Khánh sinh năm 2005 đã theo học cùng tôi cả chục năm nay và vừa tìm được học bổng đi du học tại Iceland. CLB Việt Nhật rất tự hào khi giúp các em vừa rèn luyện sức khỏe, vừa học tập tốt. Ngoài Vân Khánh, có 4-5 em nam cũng giành được học bổng đi Mỹ, 1-2 bạn đi Australia. Các em đều học rất giỏi!".

Chào Bùi Việt Bằng, chứng kiến cơ ngơi khang trang của CLB karate Việt Nhật, có lẽ ngay các đội tuyển karate ở các địa phương, thậm chí là ĐTQG cũng phải... ước?

Cơ sở chính tại đây tôi vẫn đang phải thuê chứ chưa sở hữu. Nói thì nhanh nhưng đó là một hành trình dài mà nếu không có may mắn, không có chữ "duyên" rất khó lý giải thì tôi không biết mình lúc này đang làm gì và ở đâu.

img
img
img

Cựu tuyển thủ Bùi Việt Bằng ngày còn thi đấu đỉnh cao

Cựu tuyển thủ Bùi Việt Bằng: Từ bỏ karate trên đỉnh cao và sở hữu tài sản 2 triệu USD sau 15 năm - Ảnh 4.

Năm 2008, khi tôi quyết định từ bỏ karate, tôi lên xin lãnh đạo bộ môn karatedo (sau này là karate – PV) Hà Nội, bác còn không hiểu vì sao. Lúc đó tôi thất nghiệp luôn, không còn gì cả. Đơn giản, trước đó, tôi chỉ có karate thôi. Nhưng tôi hiểu vì sao mình làm vậy.

Tôi 25 tuổi và đã giành 3 HCV SEA Games. Tôi có thể thi đấu thêm 2 kỳ SEA Games nữa, lúc đó cũng 29-30 tuổi rồi và sẽ làm gì đây khi mọi thứ mình đều bỡ ngỡ. Thời điềm đó, tôi còn có "thách thức" là phải lấy vợ. Tương lai bản thân còn mơ hồ như thế (muốn làm HLV cũng không thể vì theo cơ chế, chỉ có rất ít VĐV được tuyển chọn làm HLV) thì làm sao đảm bảo cuộc sống sau khi lập gia đình.

Bằng có thể chia sẻ chi tiết hơn về hành trình từ một VĐV đỉnh cao, chấp nhận "tay trắng", mạo hiểm dấn thân vào "thương trường"...

- Cũng may, ngày đó tôi còn có "lò võ" ở Đội Nhân (Ba Đình) nhà mình, do anh trai để lại (anh trai Bằng sau này làm việc khác). Nói là "lò võ", nhưng lớp chỉ có khoảng 10 học viên, một tháng tôi kiếm được khoảng 400-500 nghìn đồng thời điểm 2004.

Lúc đó, tôi vẫn là thành viên ĐTQG. Cũng may các lãnh đạo, thầy của tôi lúc ấy đều thích VĐV có kiến thức và ham học, nên tôi cũng được tạo điều kiện cứ sáng thứ 7 tập xong ở Trung tâm HLTTQG Hà Nội (Nhổn) thì chiều được về nhà dạy. Chiều Chủ Nhật dạy xong thì tôi trở lại Nhổn tập trung chuẩn bị cho buổi tập cùng ĐTQG vào sáng thứ 2. Tôi chỉ dạy 2 buổi/ tuần. Tới năm 2008, thời điểm nghỉ thi đấu đỉnh cao cũng kiếm được 1 triệu đồng/tháng. 

Trước đó, tôi lấy tiền để hoàn thành chương trình Higher Diploma Quản trị kinh doanh tổng hợp ở Trung tâm đào tạo Quản trị Kinh doanh Thames (Singapore), học ở Nguyễn Thái Học. Bây giờ học tín chỉ đã quá quen thuộc nhưng những năm 2004-2005, trường tôi gần như là nơi đầu tiên áp dụng học tín chỉ, VĐV như tôi cũng có thể thu xếp để hoàn thành.

Đến năm 2009, tôi mới mượn được nhà thể chất trường THCS Hoàng Hoa Thám gần nhà, chiêu sinh được khoảng 30 bạn, thu nhập tăng lên 2-3 triệu đồng. Số tiền đó, cộng với việc tôi dạy thêm cá nhân cho các anh chị cho nhu cầu, tổng thu nhập cũng được 4-5 triệu đồng. Vấn đề là từ sáng tới chiều tối sẽ rảnh hoàn toàn, không biết làm gì cả.

img
img
img
img

Cựu tuyển thủ Bùi Việt Bằng hướng dẫn tỉ mỉ từng động tác cho võ sinh tại CLB.

Cựu tuyển thủ Bùi Việt Bằng: Từ bỏ karate trên đỉnh cao và sở hữu tài sản 2 triệu USD sau 15 năm - Ảnh 5.

Cái duyên tới từ lớp học ở đây. Cuối năm 2009, tôi có dạy cho hai cháu con của anh Chủ tịch HĐQT một công ty chuyên về công nghệ thông tin. Hôm đó, anh ấy vô tình đến đón con sớm, hai anh em trò chuyện, khi biết tôi không có việc gì làm ngoài dạy võ, anh ấy nhận tôi vào làm.

Ngày ấy đến việc viết một cái thư điện tử tôi còn không biết chia sẻ thế nào cho các khách hàng cùng một nội dung.

Cứ vừa làm vừa học như vậy. Cứ làm xong ở công ty ban ngày thì chiều tối dạy võ, cũng hiểu thêm nhiều về kiến thức quản trị kinh doanh, những "va chạm" xã hội.

Năm 2010, tôi mới thuê được cái nhà kho Trung tâm VHTT quận Đống Đa ở ngõ 14 Hồ Đắc Di để lập võ đường đầu tiên.

Cứ từ từ, từng bước nhỏ, sai đâu sửa đó, đến giờ, CLB karate Việt Nhật đã có 10 võ đường ở Hà Nội và Hải Phòng, nhận được sự tin tưởng của các bậc phụ huynh.

Cựu tuyển thủ Bùi Việt Bằng: Từ bỏ karate trên đỉnh cao và sở hữu tài sản 2 triệu USD sau 15 năm - Ảnh 6.

Hành trình 15 năm xây dựng và mở rộng CLB Việt Nhật của Bằng chắc chắn đối diện với nhiều gian nan, thử thách, đặc biệt trong thời điểm mọi mặt kinh tế xã hội bị ảnh hưởng vì dịch bệnh Covid-19?

- Sau võ đường ở Hồ Đắc Di tôi mới có một chút tích lũy để thuê mặt bằng, mở rộng tới võ đường ở Hoàng Ngân từ năm 2013. Bao nhiêu tích lũy, tôi đều dành hết cho đầu tư vào võ đường, mở rộng, mở rộng hơn nữa...

Đó là một hành trình khá nhiều rủi ro, trắc trở. Thời điểm 2020-2022 bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, tôi đã phải đóng cửa mất 3 võ đường ở Thanh Xuân, Đống Đa, Ba Đình. Nói chung, những mô hình như CLB karate Việt Nhật bị tổn thương nặng, tôi bị bay mất hai chung cư (cười), may mà trụ được.

Cựu tuyển thủ Bùi Việt Bằng: Từ bỏ karate trên đỉnh cao và sở hữu tài sản 2 triệu USD sau 15 năm - Ảnh 8.

Cựu tuyển thủ Bùi Việt Bằng: Từ bỏ karate trên đỉnh cao và sở hữu tài sản 2 triệu USD sau 15 năm - Ảnh 7.

Tôi nghĩ, điều thiếu nhất của các VĐV sau khi giã từ sự nghiệp, muốn chuyển hướng sang làm những mô hình như CLB karate Việt Nhật chính là thiếu kiến thức về quản trị kinh doanh.

Bằng đã học xong chương trình Higher Diploma Quản trị kinh doanh tổng hợp ở Trung tâm đào tạo Quản trị Kinh doanh Thames, sau đó có những "va chạm" thực tế, đó là lợi thế. Vậy giữa võ thuật và kinh doanh có điểm chung gì không?

- Có! Tôi nghĩ khi bạn thực sự hiểu sâu về một lĩnh vực nào đó, dù là thể thao, văn hóa, nghệ thuật, kinh doanh... nó sẽ đều có điểm chung, có thể hỗ trợ nhau.

Với tôi, trong võ thuật và kinh doanh đều không có đúng-sai một cách tuyệt đối. Chỉ có hiệu quả hay không hiệu quả, thắng-thua.

Kinh doanh có câu rất hay: "Buôn hay không bằng dài vốn". Trong võ thuật, quan trọng nhất bạn có đủ khỏe, lì đòn hay không? Trong võ thuật, thời điểm ra đòn cũng góp phần quyết định chiến thắng, kinh doanh cũng vậy. Khi cơ hội đến, mình phải quyết liệt, nếu không, cơ hội sẽ qua mất.

Thời điểm 2023 khi tôi quyết liệt đầu tư, mở rộng CLB karate Việt Nhật có rất nhiều thuận lợi về thị trường. Sau khủng hoảng 2011-2012, thị trường bất động sản xuống đáy, giá thuê mặt bằng rất rẻ. Ngày ấy, tôi thuê mặt bằng ở Hoàng Ngân chỉ 7-8 USD/mét vuông, nhưng giờ giá phải gấp đôi.

Thêm nữa, các kênh quảng cáo qua mạng xã hội đều miễn phí. Bây giờ nếu "chạy" quảng cáo facebook có khi còn đắt hơn phát tờ rơi.

Giai đoạn đó, khi tôi nhìn ra cơ hội thì tập trung hết mọi nguồn lực, cắt bỏ hết mọi thứ không phù hợp để "đẩy" lên được.

img
img
img
img

Bùi Việt Bằng thi đấu ấn tượng tại đấu trường SEA Games khi mang về 3 HCV cho thể thao nước nhà.

Nhìn lại hành trình đã qua, Bằng có tiếc khi mình đưa ra quyết định mạo hiểm, từ bỏ sự nghiệp thi đấu đỉnh cao năm 25 tuổi?

- Từ thế hệ của tôi đến nay, có cảm giác như VĐV luôn bị "quá lứa lỡ thì". Tôi nghĩ đó là vấn đề mà Bộ VHTTDL, Cục TDTT nên có sự xem xét, có cách thức tổ chức, thay đổi lại, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các khối trường để tạo cơ hội cho các VĐV.

Một VĐV thi đấu 1 kỳ SEA Games khác với VĐV cống hiến 3 kỳ SEA Games và nhiều hơn nữa. Bạn phải mất khoảng 10 năm tập luyện mới có đủ trình độ thi đấu SEA Games. Thi đấu xong một kỳ SEA Games khoảng 20 tuổi đi học, đi làm, khác với một VĐV 26 tuổi mới bắt đầu đi học, đi làm...

Đó là lý do tại sao luôn có trường hợp VĐV thi đấu đóng góp nhiều thành tích, mang vinh quang về cho Tổ quốc nhưng khi đi làm thì không có vị trí do thiếu chuyên môn trong lĩnh vực khác. Nếu không giải quyết được bài toán này thì tôi nghĩ chuyện nhiều VĐV khi đến tuổi họ không còn tập trung hoàn toàn vào chuyên môn cũng là điều dễ hiểu.

Đa phần VĐV khi thi đấu đến 25 tuổi đã phải tính toán rồi. Có thể họ vẫn tiếp tục thi đấu vì hoàn cảnh gia đình, cuộc sống, điều kiện công việc khác chưa đáp ứng được. Nếu họ có cơ hội thì họ sẽ nghỉ, như vậy rõ ràng là không toàn tâm được nữa! Đó là thiệt thòi cho Nhà nước khi mất rất nhiều công sức đào tạo nên một VĐV và cũng là thiệt thòi cho chính VĐV khi không có đủ điều kiện, kiên định theo đuổi niềm đam mê.

Cơ chế của Thể thao Việt Nam hiện nay chỉ giải quyết được cho các VĐV trẻ có hoàn cảnh gia đình khó khăn, đang tràn đầy nhiệt huyết cống hiến chứ chưa tính nổi đường xa cho VĐV kỳ cựu.

Như mô hình CLB karate Việt Nhật của tôi, khi cao điểm trước Covid-19 cũng tạo điều kiện việc làm cho khoảng hơn 20 HLV, trong đó có nhiều anh em từng là VĐV ĐTQG, sau khi nghỉ thi đấu thất nghiệp.

Nhưng cũng có những trường hợp đã lập gia đình, áp lực về tài chính, tổ chức nhỏ như mình chưa thể đáp ứng được và họ không thể tiếp tục đồng hành.

Cựu tuyển thủ Bùi Việt Bằng: Từ bỏ karate trên đỉnh cao và sở hữu tài sản 2 triệu USD sau 15 năm - Ảnh 8.

Sau 15 năm dồn hết tâm huyết cho việc phát triển CLB karate Việt Nhật, Bằng có thể chia sẻ thu nhập của mình lúc này?

-Tôi không tính thu nhập cá nhân mà tính vào cả hệ thống CLB karate Việt Nhật. Tổng chi phí duy trì 10 võ đường vào khoảng 700 triệu đồng/tháng. Hiện nay, mọi lợi nhuận tôi vẫn đang dồn vào việc chuẩn hóa, phát triển, mở rộng CLB.

Định giá về thương hiệu CLB karate Việt Nhật vào khoảng 2 triệu USD (gần 50 tỷ đồng). Định giá này dựa trên kinh nghiệm của tôi và những chuyên gia, nhà tư vấn cho tôi về định giá thương hiệu.

Cùng với sự phát triển của xã hội, những mô hình như CLB karate Việt Nhật cũng ngày càng phải tốt hơn, nhà nghề hơn. Nếu không tốt sẽ bị đào thải, và tôi nghĩ điều đó là động lực giúp chúng tôi luôn cố gắng hoàn thiện.

img
img
img
img

CLB Việt Nhật trở thành nơi thu hút đông đảo các võ sinh tới tập luyên.

Cựu tuyển thủ Bùi Việt Bằng: Từ bỏ karate trên đỉnh cao và sở hữu tài sản 2 triệu USD sau 15 năm - Ảnh 9.

Cũng may, đồng hành với tôi lúc này đều là những anh em sẵn sàng "có phúc cùng hưởng, có họa cùng chia". Lương thưởng đều theo cơ chế thị trường, làm ít ăn ít, làm được nhiều thì anh em sẽ có thu nhập cao hơn chứ không cố định.

Tôi nghĩ khi hệ thống giáo dục của Việt Nam coi trọng giáo dục thể chất hơn nữa thì cơ hội cho các VĐV sau khi giã từ sự nghiệp, cơ hội cho những mô hình như CLB karate Việt Nhật sẽ càng nhiều hơn.

Có ý kiến cho rằng nếu thể thao học đường phát triển thì thể thao chuyên nghiệp sẽ bị hạn chế "đất diễn"? Bằng nghĩ sao?

- Thể thao học đường của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và gần Việt Nam nhất là Thái Lan phát triển rất tốt, đồng thời thể thao chuyên nghiệp, thể thao thành tích cao của họ cũng rất phát triển đó thôi. Đó là một câu trả lời!

Ở các nước phát triển, thể thao học đường tạo ra hai nguồn nhân lực quan trọng đáp ứng nhu cầu cho thể thao chuyên nghiệp, thể thao thành tích cao và các tổ chức nhà nghề. Tất cả có sự tương hỗ, cùng nhau phát triển. Trên thế giới họ định nghĩa đỉnh cao nhất của thể thao nói chung và võ thuật nói riêng là nhà nghề. Thấp hơn là những người chuyên nghiệp, thấp nữa là phong trào, amateur. Nhóm amateur càng phát triển, tạo ra những người giỏi nhất, đào tạo thành ngôi sao, tạo ra sức ảnh hưởng, đó là chuyên nghiệp. Từ nhóm chuyên nghiệp này, có những người sống và làm việc cả đời với môn thể thao cụ thể, gọi là nhà nghề. Minh chứng rõ nhất là ở môn boxing, từ Olympic trở xuống đều là nghiệp dư.

Thế giới họ định nghĩa: Thể thao chuyên nghiệp là thể thao dùng tiền túi bỏ ra chơi. Thể thao nghiệp dư là thể thao dùng tiền nhà nước và các nguồn lực khác…

Cựu tuyển thủ Bùi Việt Bằng: Từ bỏ karate trên đỉnh cao và sở hữu tài sản 2 triệu USD sau 15 năm - Ảnh 10.

Có những quan điểm rất "lạ", vậy Bằng có thể cho biết cách Bằng đang đầu tư cho con mình?

Tôi có hai cháu, chái gái 11 tuổi, cháu trai mới 2 tuổi. Con gái tôi không học thêm bất kỳ môn gì cả mà chỉ dành toàn bộ thời gian ngoài giờ học ở nhà trường cho bơi lội, võ thuật, thể thao, âm nhạc, hội họa. Chơi piano, vẽ tranh là niềm vui giải trí của cháu. Bên cạnh đó là những trải nghiệm dã ngoại, cắm trại, xem bảo tàng, triển lãm.

Bằng không lo lắng cho con trước áp lực xã hội, nhà nhà, người người đều cho con đi học thêm vì lo con thua bạn kém bè?

- Mỗi gia đình một khác, có hoàn cảnh riêng, không thể so sánh quan điểm. Cá nhân tôi không lo lắng gì cả.

Kinh nghiệm của tôi là kiên định với giá trị đầu tư lâu dài cho con cái. Ví dụ nếu muốn con thi vào trường chuyên, lớp chọn, sau thấy lực học con không đủ, lại thay đổi, thế là không ổn!

Cựu tuyển thủ Bùi Việt Bằng: Từ bỏ karate trên đỉnh cao và sở hữu tài sản 2 triệu USD sau 15 năm - Ảnh 15.

Tại CLB Việt Nhật các em không chỉ học võ mà còn được vui chơi, hò hét... Đây là nơi giúp các em có thể tái tạo năng lượng sau những giờ học tập.

Cựu tuyển thủ Bùi Việt Bằng: Từ bỏ karate trên đỉnh cao và sở hữu tài sản 2 triệu USD sau 15 năm - Ảnh 11.

Mình phải xác định ngay hoàn cảnh gia đình, khả năng đáp ứng của gia đình cho con và năng lực của cháu, sở thích để định hướng. Các giá trị đều cần phải được đầu tư lâu dài 5-10 năm, chứ không thể 1-2 năm là được, cảm nhận âm nhạc, học võ... đều như vậy.

Cá nhân tôi không gây áp lực cho con mình quá cao về kiến thức. Lượng kiến thức các em học, hiệu quả trong thi cử chưa đảm bảo cho việc thành công hay đảm bảo cho sự tiến bộ của các con sau này.

Các nền giáo dục tiên tiến đầu tư rất nhiều vào kỹ năng sống thay vì thói quen học tập suốt đời. Họ đầu tư vào góc quan sát, tư duy độc lập, tự chủ về nhận thức xã hội nhiều hơn cho các con. Mô hình CLB karate Việt Nhật cũng vậy, đến lớp, các em không chỉ học võ mà còn được vui chơi, hò hét... Đây là nơi giúp các em có thể tái tạo năng lượng sau những giờ học tập, để có thể trở lại học tập tốt hơn. Đó là điều tôi nghĩ quan trọng hơn cho các con!

Xin cảm ơn Bùi Việt Bằng vì cuộc trò chuyện thân thiện, cởi mở này! Chúc Bằng luôn thành công, CLB karate Việt Nhật luôn phát triển!

Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem