Đại biểu Quốc hội truy trách nhiệm việc chậm ban hành kết luận thanh tra, chế tài xử lý
Đại biểu Quốc hội truy trách nhiệm việc chậm ban hành kết luận thanh tra, chế tài xử lý
Thành An
Thứ ba, ngày 25/10/2022 13:26 PM (GMT+7)
Nêu thực tế còn gần 30 cuộc thanh tra của các cơ quan thanh tra Trung ương đối với bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đến nay vẫn chưa có kết luận, đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi "không rõ nguyên nhân do đâu, trách nhiệm thuộc về ai, đến bao giờ mới ban hành kết luận thanh tra?".
Sáng 25/10, tiếp theo chương trình làm việc, Quốc hội thảo luận ở hội trường dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi). So với dự luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, dự thảo lần này đã được chỉnh lý 111/118 điều, trong đó 102 điều chỉnh lý về nội dung, 9 điều chỉnh lý về kỹ thuật văn bản.
Kết luận thanh tra chậm ban hành 1-6 năm, ai chịu trách nhiệm?
Tại phiên thảo luận, đặt vấn đề về việc chậm ban hành kết luận thanh tra, đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam) cho rằng có những cuộc thanh tra thực hiện từ năm 2015 - 2016 nhưng đến nay chưa có kết luận.
"Vậy nguyên nhân ở đâu và chế tài ra sao cần phải làm rõ", ông Hạ đặt câu hỏi và dẫn thực tế người ký quyết định thanh tra lại không tham gia đoàn thanh tra và trưởng đoàn thanh tra có nhiệm vụ báo cáo với người quyết định thanh tra. Khi có mâu thuẫn trong quá trình thẩm định dẫn đến thanh tra rồi mà không ban hành được kết luận thanh tra.
Từ thực tế này, vị đại biểu là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội đề nghị trong luật cần có quy định cụ thể bởi thực tế đang xảy ra mà chưa khắc phục được.
Cũng có góp ý về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn ĐBQH TP.Đà Nẵng) cho hay, dự thảo luật còn bỏ trống, chưa quy định rõ việc chậm ban hành kết luận thanh tra.
Bà Thúy nói thực tế còn gần 30 cuộc thanh tra của các cơ quan thanh tra Trung ương đối với bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đến nay vẫn chưa có kết luận. Thời gian chậm ban hành từ 1 năm đến hơn 6 năm.
"Không rõ nguyên nhân do đâu, trách nhiệm thuộc về ai, đến bao giờ mới ban hành kết luận thanh tra?", bà Thúy nói và đề nghị cần quy định rõ vấn đề chậm ban hành kết luận thanh tra trong dự thảo luật.
Tránh sửa đổi, điều chỉnh kết luận thanh tra một cách tùy tiện
Có ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn ĐBQH Bà Rịa - Vũng Tàu) nêu rõ, Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) gồm 8 Chương 118 Điều trình tại kỳ họp này đã chuẩn bị khá công phu, tiếp thu nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà nghiên cứu.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều khoản cần tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc, xem xét một cách kỹ lưỡng để Luật lần này giải quyết được nhiều bất cập của Luật Thanh tra hiện hành.
Quan tâm đến nội dung về nguyên tắc hoạt động thanh tra, nữ đại biểu chỉ ra rằng Dự Luật có quy định, hoạt động thanh tra tuân theo pháp luật; dân chủ, công khai, khách quan, kịp thời, chính xác. Bà Phúc đề nghị cần đề cao, nêu rõ tính chất độc lập của hoạt động thanh tra. Theo đó, cần sửa đổi điều này thành, hoạt động thanh tra tuân theo pháp luật; độc lập, dân chủ, công khai, khách quan, kịp thời, chính xác.
Đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu thêm đối với trường hợp cơ quan thanh tra không đồng ý với văn bản trả lời của cơ quan chức năng có trách nhiệm liên quan trong việc xem xét, kiến nghị khởi tố vụ án.
Đồng thời, cần xem xét, bổ sung, sửa đổi khoản 2 Điều 7 thành: Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân có trách nhiệm xem xét kiến nghị khởi tố vụ án hình sự do cơ quan thanh tra chuyển đến và trả lời bằng văn bản về việc xử lý kiến nghị đó. Trong trường hợp không đồng ý với văn bản trả lời của cơ quan thẩm tra, cơ quan thanh tra gửi văn bản đề nghị cơ quan cấp trên có thẩm quyền xem xét lại vụ việc.
Về xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, đại biểu đề nghị cần quy định rõ việc phối hợp xử lý chồng chéo giữa hoạt động thanh tra với hoạt động giám sát của cơ quan dân cử và hoạt động kiểm tra, giám sát của Đảng.
Đáng chú ý, về kết luận thanh tra, để đảm bảo tính chặt chẽ của dự án Luật, bà Phúc đề nghị cơ quan chức năng cần xem xét, bổ sung quy định cụ thể về căn cứ, điều kiện, trình tự, thủ tục bổ sung, sửa đổi kết luận thanh tra, nhằm tránh tiêu cực, hạn chế việc sửa đi sửa lại kết luận thanh tra.
Quan tâm đến kết luận thanh tra, đại biểu Phạm Thị Kiều (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) đề nghị dự thảo luật cần bổ sung các quy định về nội dung của kết luận thanh tra, bên cạnh việc bảo đảm đúng quy định của pháp luật cần phải đảm bảo tính khả thi trong khi thực hiện, tránh các vướng mắc như thời gian qua.
Liên quan đến hợp pháp giữa thanh tra và kiểm toán nhà nước, đại biểu Phạm Thị Kiều đề nghị chỉnh lý lại quy định tại Điều 107 của dự thảo luật để thể hiện rõ cơ quan nào là cơ quan chủ trì, cơ quan nào là cơ quan phối hợp, đảm bảo thống nhất với quy định của Luật Kiểm toán nhà nước, tránh các vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện.
Về về đề này, đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng, thực tế đã diễn ra tình trạng này. Đồng thời, băn khoăn nếu trong trường hợp có độ trễ, Kiểm toán nhà nước có kết luận khác với kết luận thanh tra thì xử lý như thế nào? Đại biểu Tạ Văn Hạ nhận thấy, Luật phải quy định chế tài vấn đề này ra sao, trách nhiệm của Trưởng đoàn đưa ra kết luận. Như vậy, dự thảo Luật phải quy định rõ vấn đề này và khắc phục hậu quả như thế nào thì cần phải nghiên cứu kỹ.
Dự thảo mới nhất trình Quốc hội ở kỳ họp này đã bổ sung quy định dự thảo kết luận thanh tra về vụ việc liên quan đến an ninh, quốc phòng, vụ việc quan trọng, phức tạp thuộc diện chỉ đạo, theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực hoặc có yêu cầu của thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp thì người ra quyết định thanh tra phải có văn bản báo cáo thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp.
Theo đó, chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản báo cáo, thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp phải có ý kiến bằng văn bản về nội dung được báo cáo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.