Đại sứ có thể kể lại tại sao ông lại ở Mỹ đúng thời điểm xảy ra vụ khủng bố 11/9 20 năm trước?

-  Năm 2000 tôi được nhận học bổng của Chính phủ Singapore dành cho các nước ASEAN và Trung Quốc về quản lý công. Chương trình học có 2 phần: Phần 1 học tại Đại học quốc gia Singapore (NUS) và phần 2 lần đầu tiên chương trình học tại Trường Hành chính Kennedy (KSG) thuộc Đại học Harvard ở Boston. KSG lúc đó do Giáo sư Joseph Nye - cha đẻ của lý thuyết "quyền lực mềm" làm Hiệu trưởng. Giữa tháng 7/2001, cả nhóm chúng tôi từ Singapore sang Boston. Vừa sang học ở KSG được mấy tuần thì xẩy ra vụ khủng bố 11/9.

Đại sứ Hà Huy Thông: Vụ khủng bố 11/9 – cuộc khủng hoảng quốc tế lớn nhất đầu thế kỷ 21 - Ảnh 1.

Đại sứ Hà Huy Thông thời đi học ở KSG. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Đại sứ Hà Huy Thông: Vụ khủng bố 11/9 – cuộc khủng hoảng quốc tế lớn nhất đầu thế kỷ 21 - Ảnh 2.

Trong lớp học tại KSG. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Đại sứ đón nhận tin về vụ khủng bố như thế nào?

-   Thời gian đó, Việt Nam và Mỹ vừa ký Hiệp định thương mại song phương- BTA (13/7/2000), chuẩn bị phê chuẩn. Nên, để hiểu hơn, tôi tôi chọn học Thương mại quốc tế. Giáo sư dạy rất nổi tiếng, đã viết nhiều sách và là thành viên Hội đồng cố vấn của Tổng thống Mỹ. 

Đại sứ Hà Huy Thông: Vụ khủng bố 11/9 – cuộc khủng hoảng quốc tế lớn nhất đầu thế kỷ 21 - Ảnh 3.

Đại sứ Hà Huy Thông trả lời phỏng vấn Dân Việt. Ảnh: MH.

Hôm thứ Ba 11/9/2001 đó, Giáo sư vừa bắt đầu giảng từ 8h30 sáng, được khoảng 15 phút thì dừng và rất bình tĩnh nói: "Tôi mới được Trường thông báo một tin quan trọng và đề nghị tất cả học viên tạm dừng và ra hành lang". Các học viên của trường đến từ hàng chục nước trên thế giới lặng lẽ rời phòng học ra hành lang, nơi luôn để sẵn rất nhiều TV và máy tính dọc lối đi để học viên có thể tra cứu bất kỳ lúc nào.

Ra sảnh, tôi choáng khi nhìn thấy rất đông người đang vừa xem TV vừa khóc và kêu: "Trời ơi!", "Chúa ơi!", "Không thể tin nổi", "Thật hay phim bạo lực?"… Tất cả TV dọc hành lang và sảnh đều bật các kênh truyền hình lớn nhất của Mỹ như CNN, ABC, CBS, NBC, Fox…, trên đó đang truyền trực tiếp những hình ảnh 2 toà tháp của Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) bị máy bay liều chết đâm vào.

Hầu hết các kênh truyền hình đều chạy tít "Nước Mỹ bị tấn công" (America under attack). Ngay lúc đó, tôi chợt nẩy ra rất nhiều câu hỏi như: Ai tấn công? Vì sao? Hệ luỵ của sự kiện này thế nào với Mỹ và thế giới? Có người Việt hay người quen nào đang làm việc ở những nơi bị tấn công không? Việt Nam sẽ phản ứng thế nào?… Nhiều người rời trường ngay, trong khi nhiều thầy trò chuyển sang trao đổi ngay về nhiều vấn đề đang nảy sinh.

Khi đó chưa có điện thoại nhắn tin như bây giờ. Tôi vào một máy tính để dọc hành lang check mail, thì nhận ngay được email của con gái mới gửi từ Hà Nội (lúc đó là 8-9h tối ngày 11/9) viết: "Mỹ bị khủng bố đấy! Bố có làm sao không?" Tôi rất cảm động và vội trả lời mail, thông báo cho cho gia đình yên tâm là tôi vẫn ổn ở Boston. 

Đại sứ Hà Huy Thông: Vụ khủng bố 11/9 – cuộc khủng hoảng quốc tế lớn nhất đầu thế kỷ 21 - Ảnh 4.

Đại sứ Hà Huy Thông: Vụ khủng bố 11/9 – cuộc khủng hoảng quốc tế lớn nhất đầu thế kỷ 21 - Ảnh 5.

Đại sứ Hà Huy Thông: Vụ khủng bố 11/9 – cuộc khủng hoảng quốc tế lớn nhất đầu thế kỷ 21 - Ảnh 6.

Những hình ảnh trên TV ở trường KSG mà Đại sứ Hà Huy Thông ghi lại. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Những ngày sau đó, vụ khủng bố chắc hẳn "xâm chiếm" đời sống của người dân Mỹ, nhất là ở một nơi như Đại học Harvard? Điều gì làm ông ấn tượng nhất?

- Cũng như cả nước Mỹ lúc đó, cả lớp chúng tôi lúc đó bị xáo trộn bởi nhiều loại tình cảm…

Điều tôi ấn tượng nhất là Harvard vốn là trung tâm kinh viện hàng đầu thế giới, còn lớp chúng tôi có gần 100 sinh viên từ hàng chục nước trên thế giới, trong đó có cả cựu Thủ tướng hay Bộ trưởng của mấy nước, đã tập trung ngay vào trao đổi những vấn đề do các giáo sư nêu lên về hệ luỵ của vụ 11/9 đối với các vấn đề đang học.

Cảm xúc của Đại sứ ngay lúc đó ra sao?

- Tôi rất sốc, vì 4 lý do chính: Thứ nhất, về quan hệ quốc tế, đây là lần đầu tiên sau 60 năm Mỹ bị tấn công trực tiếp kể từ vụ Trân Châu cảng (quân Mỹ bị Nhật tấn công ngày 7/12/1941), trở thành vụ khủng hoảng quốc tế lớn nhất đầu thế kỷ 21.

Thứ hai, 2 máy bay Boeing 93 & 175 đâm vào mấy toà nhà lại xuất phát từ chính Boston – thành phố nơi chúng tôi đang học.

Thứ ba, cả WTC và Bộ Quốc phòng Mỹ bị tấn công đều là những nơi trước đó tôi đã có dịp thăm làm việc, nay lại thấy sụp đổ, tan tành.

Cuối cùng, sau này ta mới biết là có 2 người gốc Việt trong số 2943 nạn nhân vụ 11/9/2021, là anh Nguyễn Ngọc Khang và chị Phạm Tú Anh. Tên của họ đã được khắc trên đài tưởng niệm ở WTC cùng hơn 2.000 nạn nhân khác trước Toà "One World Trade Center" được hoàn thành năm 2014 ngay cạnh hai toà tháp WTC cũ. Sau này, đầu tháng 9/2015, tôi tháp tùng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhân tới New York dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội lần thứ tư có tới thăm khu tưởng niệm này.

(Đại sứ Hà Huy Thông)

Các giáo sư đã lấy ngay thực tế của vụ 11/9 áp vào tuỳ từng môn học và đặt ra nhiều vấn đề để các học viên trao đổi luôn.

Ví dụ lớp chúng tôi đang học về Kinh tế chính trị của Thương mại quốc tế, thì nhiều vấn đề đặt ra như vụ 11/9 tác động thế nào đến thương mại quốc tế? Vụ 11/9 làm đứt quãng chuỗi cung ứng hàng hoá và dịch vụ thế nào? Có làm đảo lộn xu thế toàn cầu hoá không?…

Lớp học về diễn thuyết do giáo sư đã làm cố vấn cho 5 Tổng thống Mỹ (thuộc cả Đảng Cộng hoà và Dân chủ) thì hỏi: Ai diễn thuyết hay nhất sau khi xẩy ra vụ 11/9? Các học viên nêu tên nhiều người, nhưng Giáo sư cho rằng đó là Đệ nhất phu nhân của Tổng thống Bush khi bà chỉ nói rất ngắn gọn: "Các bạn hãy đi đón con về nhà ngay!". Câu nói đó đã đụng vào đúng trái tim và tâm lý lo lắng, hoảng hốt, vào mối quan tâm mà hàng triệu người phải hành động ngay.

Còn lớp về đàm phán, giáo sư nêu ngay vấn đề: Có đàm phán với nhóm khủng bố không? Vì sao?...

Lớp về quyền con người thì thảo luận khủng bố quốc tế đã vi phạm luật pháp quốc tế và quyền con người thế nào? Đối phó thế nào?…

Các cuộc thảo luận rất phong phú, sôi nổi, gây xúc động, nhưng rất cụ thể và thiết thực, gắn lý thuyết đang học với thực tiễn một cách rất sinh động.

Đại sứ Hà Huy Thông: Vụ khủng bố 11/9 – cuộc khủng hoảng quốc tế lớn nhất đầu thế kỷ 21 - Ảnh 8.

Đại sứ Hà Huy Thông: Vụ khủng bố 11/9 – cuộc khủng hoảng quốc tế lớn nhất đầu thế kỷ 21 - Ảnh 9.

Tên hai nạn nhân gốc Việt tại Đài tưởng niệm vụ khủng bố 11/9.

Sau vụ 11/9, ông cảm thấy Mỹ đã siết chặt an ninh thế nào?  

- Tất nhiên an ninh được siết chặt ngay lập tức trên khắp nước Mỹ, cảnh sát, nhân viên an ninh có mặt khắp nơi. Sau chương trình học, nhóm chúng tôi bay từ Boston đến làm việc với một số cơ quan của  Mỹ và quốc tế tại Washington D.C giữa tháng 9 theo chương trình đã thu xếp từ trước.

Khi đến sân bay có thể thấy rất rõ. Boston – Washington là đường bay của 2 chuyến bay đã tấn công New York nên đường bay này bị siết chặt hơn các nơi khác rất nhiều. Đó là lúc mà người đi máy bay bắt đầu phải cởi giày, thắt lưng, áo khoác để kiểm tra an ninh trước khi lên máy bay. Hành lý bị lục soát rất kỹ, mọi người phải qua nhiều tầng an ninh. Thời gian check-in và boarding lên máy bay bị kéo rất dài so với thường lệ… Nhưng mọi người đều hiểu và chấp nhận, tôi không nghe ai phàn nàn gì.

Tới D.C. chúng tôi đến thăm Bộ Quốc phòng tại bang Virginia theo chương trình đã định. Nhưng do vụ khủng bố nên chúng tôi không thể vào trong, mà chỉ ở bên ngoài, đi sát vành đai khu vực nơi chiếc máy bay đâm vào toà nhà Bộ Quốc phòng, một phần toà nhà đã sập tan tành, chúng tôi phải trèo qua những đống gạch đổ nát ngổn ngang. Khu vực này hoàn toàn cách biệt với bên ngoài. Đoàn chúng tôi vì đã có chương trình trước và có người dẫn nên mới được qua thăm khu vực dành riêng đã khoanh an toàn.

Khi đến D.C. tôi có đến thăm Đại sứ quán ta. Đại sứ Nguyễn Tâm Chiến lúc đó rất bất ngờ, hỏi tôi tại sao lại có mặt ở Mỹ lúc này do tình hình rất phức tạp, an ninh các nơi đều bị siết chặt, đi lại bị hạn chế…

Đại sứ Hà Huy Thông: Vụ khủng bố 11/9 – cuộc khủng hoảng quốc tế lớn nhất đầu thế kỷ 21 - Ảnh 10.

Tổng thống Bush đang ngồi trong một lớp học tại Florida khi nghe nhân viên thông báo về vụ khủng bố 11/9. Ảnh: AP.

Nước Mỹ sau đó đã phát động cuộc chiến chống khủng bố, trong đó có cuộc chiến Afghanistan. 20 năm kỷ niệm vụ 11/9 cũng là 20 năm cuộc chiến này, và Mỹ mới vừa rút hết quân khỏi Afghanistan hôm 31/8 vừa qua sau khi rút hết quân khỏi Iraq, vậy nên đánh giá "cuộc chiến của Mỹ chống khủng bố" ở Afghanistan thế nào?

-  Khái niệm "khủng bố" bắt đầu xuất hiện từ nửa cuối thế kỷ XVIII. Sau Chiến tranh lạnh, nhiều vụ khủng bố xẩy ra trên thế giới. Nhưng vụ 11/9/2001 là lớn nhất và tác động toàn cầu.

Sau vụ khủng bố 11/9, Mỹ phát động "cuộc chiến chống khủng bố", thành lập Bộ An ninh nội địa, siết chặt an ninh, tăng kinh phí, tranh thủ sự ủng hộ quốc tế… cho cuộc chiến này.

Chỉ hơn 2 tuần sau vụ 11/9, ngày 28/9/2001, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua Nghị quyết 1373 mang tính bước ngoặt, lần đầu tiên đưa ra khái niệm về "khủng bố quốc tế" sau nhiều năm tranh luận.  Hiện nay nhân dịp cả thế giới nhìn lại vụ 11/9, thì Liên Hợp Quốc cũng đang chuẩn bị kỷ niệm 20 năm thông qua Nghị quyết 1373.

Gần 1 tháng sau vụ 11/9, Mỹ đã tấn công Afghanistan (ngày 8/10/2001) và sau đó là cuộc chiến với Iraq (20/3/2003).

Ngày 31/8/2021 vừa qua, Mỹ đã rút hết quân khỏi Afghanistan sau khi rút quân khỏi Iraq.

Đến nay, sau 20 năm, báo chí Mỹ và nhiều cơ quan nghiên cứu cho biết trong 20 năm qua, Mỹ đã lập ra hơn 80 điểm chốt ở nhiều nước trên thế giới, chi hàng nghìn tỷ USD và hy sinh hàng nghìn người cho cuộc chiến này.

Về cuộc chiến của Mỹ chống khủng bố, nhất là khi Mỹ rút khỏi Afghanistan mới đây, chính quyền Mỹ đã nói rằng nguyên nhân Mỹ rút vì chính quyền Kabul quá yếu. Mặt khác, họ cũng cho biết,  một số nước lớn rất muốn Mỹ ở lại Afghanistan thêm 5 – 10 năm nữa, nhưng Mỹ dứt khoát ra đi, có thể hiểu Mỹ không muốn bị sa lầy và bị trục lợi.

Hiện nay, dư luận quốc tế đang quan tâm việc Mỹ rút khỏi Afghanistan  để chuyển lực lượng sang khu vực nào để đối phó các thách thức khác lớn hơn. Đó là sự điều chỉnh mà cả thế giới cũng đang theo dõi và nghiên cứu.

Đại sứ Hà Huy Thông: Vụ khủng bố 11/9 – cuộc khủng hoảng quốc tế lớn nhất đầu thế kỷ 21 - Ảnh 11.

Tưởng niệm các nạn nhân của vụ tấn công. Ảnh: Thư viện Quốc hội Mỹ.

Hôm nay đúng 20 năm sau vụ 11/9, Đại sứ có suy nghĩ gì chia sẻ với độc giả?

- Lúc này tôi chỉ có 3 ý nghĩ. Thứ nhất, khủng bố quốc tế tiếp tục thách thức toàn cầu, đan xen cả yếu tố "truyền thống" và "phi truyền thống", xuyên biên giới, cũng như vấn đề vũ khí huỷ diệt hàng loạt, biến đổi khí hậu, buôn bán người, bệnh truyền nhiễm…

Dù chống khủng bố quốc tế hay Covid-19, thì thách thức vẫn là làm sao vừa đối phó hiệu quả mà vẫn vừa phải phù hợp với luật pháp, đảm bảo tôn trọng chủ quyền quốc gia và quyền con người.

(Đại sứ Hà Huy Thông)

20 năm sau vụ 11/9/2001, cả thế giới đang phải đối mặt với một thách thức phi truyền thống mới: Dịch Covid-19.

Đây là loại thách thức không nước nào có thể tự một mình giải quyết, đòi hỏi sự hợp tác giữa các nước.

Thứ hai, dù chống khủng bố quốc tế hay Covid-19, thì thách thức vẫn là làm sao vừa đối phó hiệu quả mà vẫn vừa phải phù hợp với luật pháp, đảm bảo tôn trọng chủ quyền quốc gia và quyền con người, mà cuộc chiến ở Iraq hay Afghanistan là những ví dụ điển hình. Không phải ngẫu nhiên mà ngay sau khi Taliban tràn vào Kabul ngày 15/8/2021, thì ngày 16/8, Tổng thư ký LHQ phát biểu hối thúc 5 nước HĐBA đoàn kết để đảm bảo nhân quyền ở Afghanistan được tôn trọng.

Thứ ba, chúng ta không mong phải đối phó với các thách thức này, nhưng việc chống khủng bố quốc tế hay Covid-19 đã và đang để lại rất nhiều bài học quí giá về xử lý khủng hoảng từ nhiều góc độ khác nhau, từ cấp độ cá nhân hay quản trị quốc gia hay quan hệ quốc tế.

Xin cảm ơn Đại sứ.

Hai nạn nhân người gốc Việt của vụ 11/9

Nguyễn Ngọc Khang lớn lên ở miền nam Việt Nam trong cuộc chiến tranh của người Mỹ. Năm 1975, bố anh cùng hai người chị em của anh lên một chuyến bay sang Mỹ, nhưng phần lớn gia đình kẹt lại Sài Gòn. Họ đoàn tụ năm 1981, gồm bố mẹ của Khang và 9 người con. Khang và những người anh chị em đều thích nghi với cuộc sống mới, tốt nghiệp đại học và có những thành công nhất định. Khang có bằng kỹ thuật điện Đại học Maryland, làm việc 10 năm cho Cơ quan Hệ thống thông tin Quốc phòng. Trước khi xảy ra vụ khủng bố, anh có 3 năm là chuyên gia điều hành hệ thống tại Trung tâm Chỉ huy Hải quân ở Lầu Năm Góc

Phạm Tú Anh thiệt mạng tại WTC. Bà được miêu tả là một người có nụ cười toả sáng. Bà rời khỏi Việt Nam năm 1975 cùng bố và các chị em gái, người mẹ vẫn ở lại cho tới vài tháng sau. Bà gặp chồng là Tom Knobel khi hai người cùng làm cho công ty hoá chất Dow Chemical ở Texas đầu những năm 1980. Sau đó bà theo học kinh doanh và làm một loạt nghề khác nhau trước khi vào công ty Fred Alger Management với vai trò nhà phân tích vào năm 1997, còn chồng bà vẫn ở lại Dow rồi trở thành một nhà viết tiểu thuyết. Họ sống ở Princeton bang New Jersey. Trong nhiều năm họ khao khát có con và cô con gái Vivienne Hoang Anh Knobel ra đời tháng 7/2001. Sau 6 tuần nghỉ sinh, người mẹ 42 tuổi quay lại văn phòng ở WTC vào ngày 10/9 thì hôm sau xảy ra vụ khủng bố.

Đại sứ Hà Huy Thông:

- Tốt nghiệp: Đại học Ngoại giao & Thạc sĩ về Quản lý công (MPM) tại Đại học quốc gia Singapore (NUS) và Đại học Harvard

- 1983-1985: Đi nghĩa vụ quân sự

- Từ 1980: Công tác tại Bộ Ngoại giao, rồi Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc (New York); Trưởng đoàn tiền trạm đi mở Cơ quan liên lạc, làm Phó trưởng Cơ quan liên lạc, rồi Tham tán Công sứ (Phó trưởng cơ quan) Đại sứ quán Việt Nam tại Washington; Đại sứ tại Hà Lan kiêm Trưởng đại diện thường trực tại Tổ chức cấm vũ khí hoá học (OPCW)

- 2011: Được Chủ tịch nước phong hàm "Đại sứ Việt Nam"

- 2011-2016: Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội.

- Từ 2013 đến nay: Tham gia Hội Hữu nghị với Hà Lan, rồi Quỹ Hoà bình và Phát triển Việt Nam (VPDF)

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem