Trung Quốc: Độc đáo đô thị cổ 1000 năm tuổi, có sông tan từ băng với hàng trăm hệ thực vật

Thứ hai, ngày 13/06/2022 06:40 AM (GMT+7)
Nếu như phương Tây có thành phố Venice lãng mạn tại Italia thì phương Đông cũng có một “Venice” cổ kính, nên thơ đó là đô thị cổ Lệ Giang thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Cách biên giới Việt Nam khoảng gần 1500 km về phía tây bắc, Lệ Giang là điểm du lịch thu hút hàng triệu lượt du khách mỗi năm.

Chìm đắm trong nét đẹp cổ kính của đô thị cổ Lệ Giang

Đô thị cổ Lệ Giang bao gồm 3 cổ trấn là Đại Nghiên, Thúc Hà, Bạch Sa, đây là một đô thị được xây dựng cách đây gần 1000 năm và được bảo tồn khá nguyên vẹn cho đến ngày nay, trong đó Đại Nghiên cổ trấn là nơi đẹp và cổ kính nhất. 

Đô thị cổ Lệ Giang – Một “Venice của phương Đông” - Ảnh 1.

Hoa nở bốn mùa hai bên bờ kênh ở đô thị cổ Lệ Giang. Ảnh: Sưu tầm

Vân Nam là tỉnh được thiên nhiên ưu ái nhất của Trung Quốc khi có khí hậu ôn hòa, mát mẻ quanh năm. Hơn nữa, riêng Lệ Giang nằm trọn trên cao nguyên Vân Quý, cách thủ phủ Côn Minh khoảng 500km nên không khí càng thêm trong lành, cây cối tươi tốt, nhiệt độ trung bình hàng năm là 17 độ C.

Đô thị cổ Lệ Giang hiện có khoảng 6300 hộ gia đình với trên 30.000 cư dân, đa phần là các dân tộc Bạch, Di và Nạp Tây. Các dân tộc thiểu số có nhiều nghề thủ công như nghề chạm bạc, đúc đồng, dệt, trồng hoa hồng… 

Từ năm 1997, đô thị cổ Lệ Giang đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới,  các dịch vụ du lịch ở đây phát triển rất mạnh mẽ, đời sống dân cư được cải thiện.

Bao quanh Lệ Giang là các dãy núi cao có nhiều dòng nước chảy xuống, cư dân nơi đây đã đào thêm nhiều kênh làm đường thủy để vừa lấy nước sinh hoạt, vừa tạo cảnh quan cũng như giao thông trong đô thị. 

Nước tan từ băng, dòng chảy lớn, vì vậy mà dòng nước luôn trong vắt và lạnh giá, nhiều hệ thực vật sinh sống trên các con kênh, người dân còn thường mang quần áo giặt ngay trên kênh mà không cần dùng đến xà phòng.

Đô thị cổ Lệ Giang – Một “Venice của phương Đông” - Ảnh 2.

Phách lầu với tấm biển Lam Đốc Trung Trinh trong phủ họ Mộc. Ảnh: Sưu tầm

 Lệ Giang có con sông Ngọc Hà chảy qua làm xương sống và hàng trăm con kênh nhỏ, có đến 354 chiếc cầu bắc qua các con kênh nối các dãy nhà, nhiều con kênh đi được thuyền nhỏ, vì vậy mà du khách thường gọi Lệ Giang là "Venice phương Đông" để so sánh với thành phố Venice phương Tây lãng mạn mà du khách có thể đi thuyền trên đó.

Hệ thống nhà cửa ở Lệ Giang được xây như lối bàn cờ thông với nhau. Nhà chủ yếu được xây hai tầng, lợp ngói lưu ly, nhiều ngôi nhà được xây dựng toàn bằng gỗ. 

Một số ngôi nhà được xây tựa vào vách núi, cổng lên nhà là các bậc đá tự nhiên, trong nhà mát lạnh, cảm giác dễ chịu hơn rất nhiều so với nhà xây bằng gạch. Quang cảnh chung của các ngôi nhà là đều có cây dương liễu trước cổng, đèn lồng đỏ treo cao và có suối nước chảy qua.

Đô thị cổ Lệ Giang – Một “Venice của phương Đông” - Ảnh 3.

Con đường treo ô ngược lung linh sắc màu. Ảnh: Sưu tầm

Thưởng ngoạn cảnh quan, thưởng thức hoa quả tại đô thị cổ Lệ Giang

Đô thị cổ Lệ Giang có diện tích 3,8 km vuông, nhiều thắng cảnh nhỏ, vì vậy để khám phá hết du khách phải đến ở từ  2 đến 3 ngày. Cổng vào lớn nhất là cổng Quảng trường Ngọc Hà, nơi đây có bánh xe nước cổ cùng với giàn chuông bằng gỗ mà du khách thường khắc tên và điều ước lên chuông.

Qua cổng, du khách sẽ đến thăm Phủ họ Mộc. Đây là công trình cổ lớn nhất trong Lệ Giang, từng là nơi ở của thủ lĩnh thế tập gia tộc họ Mộc, Phủ được xây dựng dưới thời nhà Nguyên.

 Phủ họ Mộc được xây dựng như một Tử Cấm thành thứ hai với nhiều vòng, lớp, cao dần từ cổng đến vọng lâu trên gác núi. Năm 1998, Phủ họ Mộc được đại tu và trở thành Viện bảo tàng của đô thị cổ.

Các con phố ở Lệ Giang luôn ngập tràn các loại hoa, tán cây dương liễu luôn cao nhất, lớp thứ hai là các giàn hoa giấy phủ trên mái nhà và đến lớp thứ ba là các chậu hoa đủ sắc màu rủ xuống mặt nước. 

Các con phố còn được quy định bán các mặt hàng riêng biệt, có con phố treo ô ngược, có phố thảo dược, phố ẩm thực, phố quần áo may mặc.....

Riêng hoa quả tươi, trà, đồ lưu niệm thì có mặt khắp mọi nơi. Hoa quả đều được phun sương liên tục làm cho quả luôn tươi, mọng nước, thơm ngon và du khách khó có thể cưỡng lại. Thứ quả phổ biến nhất ở đô thị cổ Lệ Giang là thanh mai, đào, các loại táo, chuối và nho... 

Ngoài ra còn có trà hoa hồng, bánh hoa hồng, chè hoa hồng được làm từ các cánh hoa hồng thiên nhiên nhất nên có thể ăn trực tiếp mà không cảm nhận thấy vị đắng. Lệ Giang còn nổi tiếng với nhiều loại trà như Bỉ Lộ trà, Mao Phong trà, Phổ Nhĩ trà... nức tiếng thế giới, họ thường pha trà theo cách bỏ mấy cánh trà khô vào tách và rót nước nóng, chứ ít khi pha bằng ấm. 

Buổi tối đến, các ngôi nhà cổ kính như được "lột xác" với ánh sáng, bên trong là các nhà hàng sang trọng, quán bar...tại các con kênh còn diễn ra nghi thức thả đèn hoa đăng rất đáng xem.

Để có một chuyến du lịch đô thị cổ Lệ Giang trọn vẹn và tiết kiệm, du khách cần bỏ ra ít nhất 5 ngày 4 đêm và di chuyển bằng tàu hỏa. Qua cửa khẩu Lào Cai, du khách bắt tàu từ ga Hà Khẩu tới ga Côn Minh khoảng 60 tệ, đi mất 6 tiếng, sau đó bắt tàu từ ga Côn Minh đến ga Lệ Giang khoảng 80 tệ, đi mất 8 tiếng. Du khách sẽ có một kỳ nghỉ trọn vẹn, tuyệt vời  tại Venice phương Đông – Lệ Giang.

Bên cạnh đó du khách có thể cách Đại Nghiên cổ trấn 5km là Thúc Hà cổ, đây cũng là một địa danh tuyệt đẹp hút khách du lịch. Thúc Hà có những con kênh nhỏ xuyên dọc qua các con phố, ở dưới là các rặng rong xanh mươn mướt như mái tóc dài người thiếu phụ, nhiều du khách gọi Thúc Hà là chốn tiên cảnh mộng mơ.

Thúc Hà có một món ngon nổi tiếng khắp vùng đó là món cá rán Tam Văn, loại cá này sống được trong nước rất lạnh nên có hương vị đặc trưng. Ngoài rán, cá Tam Văn có thể làm lẩu hoặc làm gỏi cá cũng rất hấp dẫn.

Ẩm thực Bún qua cầu

Đô thị cổ Lệ Giang – Một “Venice của phương Đông” - Ảnh 4.

Món bún qua cầu – đặc sản Vân Nam. Ảnh: Sưu tầm

Bún qua cầu là món ăn nổi tiếng của tỉnh Vân Nam. Món bún có nguồn gốc từ tình nghĩa vợ chồng, khi người vợ chẳng quản vất vả, ngày ngày mang bún còn nóng hổi cho chồng ăn để đèn sách trên một chiếc chòi bên kia cầu. Món bún này có tới trên 20 thành phần (bún, rau, thịt, trứng, ngô...) và được ăn lúc đang rất nóng.

Rừng đá Thạch Lâm

Đô thị cổ Lệ Giang – Một “Venice của phương Đông” - Ảnh 5.

Rừng đá Thạch Lâm. Ảnh: Sưu tầm

Đây là rừng đá tự nhiên với hàng vạn núi đá nhô lên mặt đất. Thạch Lâm nằm ở huyện tự trị dân tộ Yi Thạch Lâm, tỉnh Vân Nam, cách thủ phủ Côn Minh 120 km. Nơi đây từng là bối cảnh của phim Tây Du Ký 1986, năm 2004, rừng đá Thạch Lâm được UNESCO bình chọn là Vườn địa chất thế giới.

Thành cổ Đại Lý

Đô thị cổ Lệ Giang – Một “Venice của phương Đông” - Ảnh 6.

Thành cổ Đại Lý. Ảnh: Sưu tầm

Thành cổ Đại Lý được xây dựng năm 1382 cách Côn Minh 320km về phía tây bắc, từng là thủ đô của vương triều Đại Lý tồn tại hàng trăm năm ở đất Vân Nam. Đại Lý hiện nay là sự hòa quyện giữa cổ kính và hiện đại, đây còn là một phim trường cổ trang nổi tiếng với các bộ phim Thiên long bát bộ, Công chúa Đại Lý....


Văn Công - Nhật Hà
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem