"Đổ xô" check-in rắn thần 5 đầu "gây sốt" tại Bình Định
Dịp Tết Nguyên đán, rất đông du khách và người dân đã đến Linh vật rắn thần Naga 5 đầu (TP Quy Nhơn, Bình Định) tham quan, check-in. Du khách tỏ vẻ khá thích thú khi được ngắm nhìn linh vật rắn thần Naga 5 đầu.
Ông Huỳnh Văn Lợi - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định cho biết, cụm linh vật năm nay lấy cảm hứng từ tượng rắn thần Naga 5 đầu tại Tháp Chăm Dương Long, một di tích quốc gia đặc biệt ở huyện Tây Sơn.
Theo ông Lợi, trong tiếng Phạn, Naga có nghĩa là rắn hổ mang lớn, là một sinh vật thần thoại với nhiều đầu, thường là 5, 7 hoặc 9 đầu. Rắn Naga được coi là linh hồn của thiên nhiên, bảo vệ các nguồn nước và mang lại sự thịnh vượng, ấm no.Rắn Naga còn có nhiệm vụ canh giữ đền tháp, bảo vệ đạo pháp, do đó thường xuất hiện trong các công trình kiến trúc tôn giáo.
Trong nghệ thuật kiến trúc tháp Champa tại Việt Nam, hình tượng rắn Naga được thể hiện nhiều nhất tại tháp Dương Long, có niên đại từ cuối thế kỷ XII đến đầu thế kỷ XIII. Rắn Naga được dùng để trang trí hệ thống chân đế, vòm cửa và trên bộ mái của tháp.Hình tượng rắn Naga tại tháp Dương Long là sự giao thoa giữa các nền văn hóa, tạo nên nét độc đáo và phản ánh mối quan hệ mở rộng của vùng đất Bình Định với các nền văn hóa khác.
Biểu tượng rắn sau tháp Dương Long là con rắn kiểu công nghệ, với bàn tay nắm chặt, có ý nghĩa cùng chung tay xây dựng quê hương Bình Định giàu mạnh, hiện đại.
Linh vật năm nay được đặt trước trung tâm cụm tháp Dương Long, với chiều cao 7,5m và rắn thần Naga 5 đầu cao 5m. Các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng và hơi nước tạo nên khung cảnh huyền bí, mang lại cho người xem cảm giác về vùng đất Bình Định giàu trầm tích văn hóa.
Cạnh cụm biểu tượng chính, còn có các biểu tượng phụ thể hiện bản sắc văn hóa, tài nguyên du lịch, sản phẩm đặc trưng, khát vọng vươn xa của Bình Định…, đan xen là khu vườn hoa với quy mô dài 120 m, rộng 40 m, xếp đặt hơn 40.000 chậu hoa, lá, cây cảnh với hơn 30 chủng loại, tạo nên tác phẩm nghệ thuật ấn tượng và hoành tráng, phục vụ nhân dân, du khách về với Quy Nhơn - Bình Định vui tết, đón xuân.
Cùng với cụm linh vật, khu vực khuôn viên tượng tài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành cũng được trang trí các loại cây, hoa xuân, kết hợp trưng bày 60 - 80 bức ảnh mừng Đảng, mừng xuân Ất Tỵ 2025.
Cụm linh vật phụ, hướng ra biển, mang hình tượng linh vật xuân Ất Tỵ với tạo hình cách điệu hiện đại, tượng trưng cho sự đoàn kết và quyết tâm của Bình Định cùng cả nước trong kỷ nguyên mới.
"Tôi khá ấn tượng với linh vật rắn thần 5 đầu và rắn công nghệ. Điều này, tạo ra bức tranh mới mẻ và có ý nghĩa riêng biệt của Bình Định, so với các địa phương khác", anh Nguyễn An (45 tuổi, du khách Gia Lai) nói.
Ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, linh vật của tỉnh Bình Định năm nay khác biệt, đó sự cách điệu của rắn thần Naga được khai quật tại cụm tháp Dương Long.
Cùng với đó, ý tưởng con rắn công nghệ để thể hiện theo tinh thần chỉ đạo chung của Trung ương và Tổng Bí thư về khoa học, công nghệ và chuyển đổi số.
"Con rắn được hình tượng hóa như sự vươn lên, thể hiện sức mạnh của công nghệ. Năm 2025 cũng là năm mà tỉnh Bình Định tập trung vào phát triển khoa học công nghệ", ông Tuấn nói.
Cụm linh vật năm Ất Tỵ tại TP Quy Nhơn (Bình Định), trưng bày đến hết ngày 12 tháng Giêng năm Ất Tỵ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.