Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Những ngày này, người dân Thủ đô đang tưng bừng không khí nhộn nhịp chào mừng kỷ niệm 1010 năm Thăng Long – Hà Nội. Ghé thăm 5 cửa ô và dấu tích Thăng Long tứ trấn sẽ là một sự trải nghiệm thú vị.
Trải qua biến động của lịch sử, các cuộc chiến tranh liên miên đã xóa đi nhiều dấu tích cửa ô của kinh thành Thăng Long xưa. Tuy nhiên, 5 cửa ô cho đến nay vẫn hiện hữu, trở thành tên địa danh, phố phường của thủ đô như: Quận Cầu Giấy, Phường Ô Đống Mác, Phường Ô Cầu Dền, Phường Ô Chợ Dừa… Và Hà Nội ngày nay vẫn còn giữ được một cửa ô duy nhất, đó là Ô Quan Chưởng.
Ô Chợ Dừa (Quận Đống Đa) hiện nay là điểm giao cắt của 6 tuyến phố Xã Đàn, Khâm Thiên, Tôn Đức Thắng, Tây Sơn, Đê La Thành, Ô Chợ Dừa. Đây là một trong những nút giao thông vô cùng quan trọng và đông đúc tại Hà Nội.
5 cửa ô tại Hà Nội bao gồm Đống Mác, Cầu Dền, Cầu Giấy, Chợ Dừa và Ô Quan Chưởng.
Ô Cầu Giấy nằm ở đoạn cây cầu bắc qua sông Tô Lịch tại ngã tư đường Láng - Bưởi - Cầu Giấy - Kim Mã.
66 năm về trước, đúng 8h ngày 10/10/1954, các đơn vị quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng từ 5 cửa ô tiến vào tiếp quản Hà Nội trong cờ hoa đón chào của hàng vạn người dân Thủ đô.
Ô Cầu Dền chính là ngã tư lớn nối Phố Huế, Bạch Mai, Trần Khát Chân, Đại Cồ Việt.
Trong bài hát Tiến về Hà Nội của nhạc sĩ Văn Cao có đoạn: "Trùng trùng quân đi như sóng, lớp lớp đoàn quân tiến về… 5 cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về, như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào chảy dòng sương sớm long lanh…". Lời bài hát gợi nhớ hình ảnh năm cửa ô Hà Nội đón mừng đoàn quân tiến về trong ngày giải phóng Thủ đô.
Ô Đống Mác nằm cuối phố Lò Đúc, ở đoạn giao với đường Trần Khát Chân và phố Kim Ngưu.
Thành Thăng Long xưa được bao quanh bởi 3 con sông là Hồng, Tô Lịch và Kim Ngưu. Hầu hết các cửa ô đều đổ ra 3 con sông này. Ngày nay những con sông bị thu hẹp dần. Sau các biến cố của thời gian, 5 cửa ô chỉ còn lại Ô Quan Chưởng đứng sừng sững cùng thời gian.
Di tích Ô Quan Chưởng ngày nay nằm trên phố Hàng Chiếu (Quận Hoàn Kiếm). Đi từ xa đã có thể thấy đoạn tường và cổng cửa ô rêu phong cổ kính.
Thăng Long tứ trấn dùng để chỉ 4 ngôi đền thiêng trấn giữ các hướng Đông - Tây - Nam - Bắc của kinh thành Thăng Long.
Đền Bạch Mã (phố Hàng Buồm) thờ thần Long Đỗ - thành hoàng Hà Nội. Đền được xây dựng từ thế kỷ 9.
Đền Bạch Mã xưa kia thuộc phường Hà Khẩu, tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức – nơi cửa sông Tô Lịch. Đền được xây dựng vào năm 866 thờ Thần Long Đỗ, vị Thần đã phá phép thuật trấn yểm phong thủy nước Nam của Cao Biền.
Đến năm 1010, vua Lê Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La, rồi đổi tên Đại La thành Thăng Long. Khi xây dựng lại thành Thăng Long thì thành cứ xây rồi lại lở. Vua vào đền cầu khấn, chợt thấy ngựa trắng từ trong đền đi ra, đi quanh một vòng, đi đến đâu đều để lại dấu chân, xong ngựa trắng trở vào đền thì biến mất. Vua liền cho đắp thành theo dấu chân mà ngựa trắng để lại thì dựng được thành.
Sau đó thờ làm thành hoàng Thăng Long, phong thần Long Đỗ làm "Quốc đô Định bang Thành Hoàng Đại Vương" và cho gọi ngôi đền là "bạch mã linh từ" tức đền thiêng ngựa trắng.
Đền Voi Phục (hiện nằm trong Công viên Thủ Lệ) thờ Linh Lang - một hoàng tử thời nhà Lý. Đền được xây dựng từ thế kỷ 11.
Theo truyền thuyết thì vua Lý Thái Tông cùng một vị Vương Phi sinh được hoàng tử Linh Lang. Khi đất nước có ngoại xâm, Linh Lang bỗng vươn mình thành một tráng sỹ, xin vua cha cấp cho 5.000 quân cùng voi chiến diệt giặc, mang dáng dấp của Phù Đổng Thiên Vương khi xưa.
Sau khi thắng trận khải hoàn trở về, Linh Lang đột nhiên lâm bệnh nặng. Phụ Hoàng đến thăm, Linh Lang tiết lộ rằng mình không phải phàm nhân bình thường, rồi qua đời. Nhà vua thương tiếc phong là "Thượng đẳng thần" – Linh Lang Đại Vương.
Năm 1065, vua Lý Thánh Tông cho lập đền Linh Lang hay còn có tên khác là đền Voi Phục.
Đền Kim Liên (nay ở phường Phương Liên, Đống Đa, Hà Nội) thờ Cao Sơn Đại Vương. Đền được xây dựng từ thế kỷ 17.
Theo thư tịch cũ để lại thì đền Kim Liên được xây dựng từ thời vua Lý Thái Tổ nhằm để bảo vệ phía Nam kinh thành Thăng Long.
Đến năm 1509, vua Lê Tương Dực đã cho xây dựng lại đền Kim Liên. Sau này, dân làng đã lập thêm cổng Tam Quan ở phía trước cổng đền và bổ sung các nếp nhà mới, tạo thành một ngôi đình làng, gọi là đình Kim Liên. Đền Kim Liên được xây dựng trên gò cao, từ dưới sân bước lên phải qua 9 bậc gạch.
Đền Quán Thánh (hiện nay nằm ở cuối đường thanh niên) thờ Huyền Thiên Trấn Vũ, đền được xây dựng từ thế kỷ thứ 10.
Đền được xây dựng vào năm 1160 dưới triều nhà Lý. Đây là nơi được xem là linh thiêng đến nỗi các đời vua Lê thường đến đây làm lễ cầu mưa mỗi khi hạn hán xảy ra. Năm 1823, vua Minh Mạng lên ngôi đổi tên đền là Trấn Vũ Quán. Sang thời vua Thiệu Trị năm 1842, thì đền đổi tên là Quán Thánh như bây giờ.
Trong đền có pho tượng Trấn Vũ đúc năm 1677 bằng đồng đen cao 3,96m, nặng khoảng 4 tấn. Cùng được đúc với tượng là quả chuông cao tới gần 1,5m, hiện treo ở gác Tam quan.
Thăng Long tứ trấn có lịch sử lâu đời và gắn liền với văn hóa người Việt từ ngàn xưa, khiến nó trở thành biểu tượng bất hủ cùng Hoàng Thành Thăng Long.
Hoàng thành Thăng Long là quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long Hà Nội. Công trình kiến trúc đồ sộ này được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và trở thành di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích Việt Nam.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.