Hà Nội: Nhiều cây xăng dùng mọi "chiêu trò" bán nhỏ giọt, đóng cửa giờ cao điểm
Hà Nội: Nhiều cây xăng dùng mọi "chiêu trò" bán nhỏ giọt, đóng cửa giờ cao điểm
An Linh - Khải Phạm
Thứ tư, ngày 07/09/2022 11:24 AM (GMT+7)
Trong hai ngày 6-7/9, tại Hà Nội theo phản ánh của người dân và ghi nhận của PV Dân Việt, khá nhiều đại lý bán lẻ xăng dầu dùng nhiều "chiêu trò" để đóng cửa, bán nhỏ giọt xăng dầu giờ cao điểm, gây bức xúc cho người dân.
Tại cửa hàng xăng dầu của Công ty Cổ phần xăng dầu (HFC), phố Trần Vỹ, P. Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội, thời điểm 8 giờ sáng (đúng khung giờ cao điểm) cửa hàng tuyên bố hết xăng, chỉ còn dầu để bán.
Trong khi đó, ngay ở lề đường, bên cạnh cây xăng, đã xuất hiện nhiều người bán xăng nhỏ lẻ cho xe máy. Không rõ các loại xăng bán tự phát này được cấp nguồn từ đâu, nhưng theo phản ánh của người mua xăng ở điểm tự phát, giá bán tại đây hơn so với các đại lý chính hãng.
Hiện tượng cây xăng đóng cửa, bán nhỏ giọt với lý do thiếu xăng, hết xăng cần được làm rõ có đủ chiêu trò găm hàng hoặc hành vi qua mặt cơ quan chức năng?
Tại Cầu Giấy, cây xăng của Tổng công ty xăng dầu Quân đội Mipecorp địa chỉ 125 đường Nguyễn Phong Sắc chỉ có 2 luồng đổ xăng dành cho xe máy, 1 luồng đổ xăng dầu dành cho ô tô. Cây xăng này có 5-6 cột đổ xăng dầu cho cả ô tô và xe máy, nhưng thời điểm từ 7 giờ 30 đến 8 giờ 30 phút, chỉ duy trì 2 luồng xe máy ở hai cột bơm xăng, còn ô tô thì duy trì 01 cột xăng dầu bán ra. Một số cột xăng dầu khác, không có nhân viên đứng bán.
Theo quan sát của PV Dân Việt, chiêu trò bán xăng nhỏ giọt, thiếu nhân viên đứng bán, cột xăng dầu còn nhưng thiếu nhân viên đứng bán là "chiêu trò" của các đại lý nhằm qua mặt cơ quan chức năng và bán nhỏ giọt để hạn chế thua lỗ. Một cửa hàng tại Mai Dịch báo hết hàng từ 7 giờ đến 8 giờ 30 sáng, nhưng đến 9 gờ lại mở lại để bán bình thường.
"Giờ cao điểm đóng cửa thì nói làm gì? Chúng tôi đợi ở đây 20 phút mới đổ được một bình xăng. Một số người đi ô tô phải tự đổ xăng ở cây xăng. Chứng tỏ không hề thiếu xăng".
Trao đổi với phóng viên, nhân viên cây xăng cho biết: "Đại lý không nhập được xăng, thu hẹp để giảm lượng bán".
Tại một đại lý xăng dầu trên đường La Thành cũng trong cảnh tương tự: Không có đủ nhân viên đứng bán ở các cột xăng dầu bán cho khách. Các luồng xe vào cột xăng bị hạn chế tối đa.
Theo đại diện một doanh nghiệp xăng dầu tại Hà Nội (đề nghị không nêu tên): Việc cực chẳng đã họ mới phải thu hẹp luồng bán xăng, bởi hiện nay các đại lý không được chiết khấu sản phẩm. Từ không lỗ đến lỗ sâu, thậm chí nguy cơ bù thêm giá rất mạnh.
"Mỗi lít xăng không được chiết khấu, chúng tôi nuôi nhân công kiểu gì? Tiền chi phí cố định, lương cán bộ, lương nhân viên đều ăn vào giá xăng".
Trên nhiều diễn đàn, đại lý xăng dầu bán lẻ kêu than không phải do họ không bán xăng, dầu mà không nhập được hàng. Tình cảnh nhiều đại lý "trên đe, dưới búa", không nhập được hàng để bán dù chiết khấu 0 đồng hoặc âm.
"Buôn bán thì cũng có lúc phải chấp nhận lỗ nhưng vừa lỗ vừa không mua được hàng kéo dài thì nhiều đại lý xin ngưng thôi. Chưa bao giờ thấy Bộ Công Thương đề cập tới việc làm sao để cải thiện chiết khấu cho đại lý bán lẻ mà lúc nào cũng kiểm tra nguồn cung", đại diện một đại lý xăng dầu cho biết.
Thực tế, theo một chuyên gia xăng dầu, thị trường không hề thiếu xăng mà do chiết khấu âm, 0 đồng, đại lý không muốn mua và thương nhân cũng chẳng muốn bán.
Bên cạnh đó, thị trường xăng dầu có hiện tượng lợi ích nhóm của các đầu mối, thương nhân nhập khẩu lớn. Khi Bộ Công Thương mạnh tay xử lý doanh nghiệp đầu mối vi phạm, đã xuất hiện thông tin khan hiếm xăng, dừng hợp đồng cung cấp xăng dầu cho đại lý bán lẻ, dẫn đến các đại lý bán lẻ cực kỳ khó khăn vừa không được chiết khấu, vừa không có hàng để bán, đóng cửa sẽ lại bị xử phạt…
Bộ Công Thương vừa có kết luận thanh tra, rút giấy phép 5 doanh nghiệp xăng dầu vi phạm. Tuy nhiên, chưa công bố thời điểm rút giấy phép, tức là vi phạm đó, kỷ luật đó nhưng "treo đó" chưa xử phạt.
"Điều hành thị trường xăng dầu đang bất ổn thị trường, sợ doanh nghiệp? Vấn đề mấu chốt là không dự báo và không tự chủ được nguồn cung nhập khẩu", một chuyên gia về xăng dầu cho biết.
Về lý thuyết, các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân nhập xăng dầu bị tước giấy phép xuất, nhập khẩu vẫn hoạt động mua, bán xăng dầu bình thường. Thay vì nguồn nhập có thể chuyển sang mua các đầu mối trong nước. Tuy nhiên, thực tế các đầu mối xăng dầu có kênh mua bán riêng, liên quan đến hợp đồng cung cấp và đối tác. Riêng đối với xăng dầu Nghi Sơn, Bình Sơn, bản thân đã không đủ đáp ứng trong nước, chứ chưa nói đến chuyện bán cho các đối tác để đa dạng nguồn cung thị trường.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.