Hàng loạt không gian văn hóa nghệ thuật tại Hà Nội bị bôi bẩn, xuống cấp khiến nhiều người xót xa
Hàng loạt không gian văn hóa nghệ thuật tại Hà Nội bị bôi bẩn, xuống cấp khiến nhiều người xót xa
Thứ tư, ngày 17/08/2022 15:14 PM (GMT+7)
Nhiều không gian văn hóa nghệ thuật tại Hà Nội như Phúc Tân, con đường gốm sứ, phố bích họa Phùng Hưng hiện đang bị hư vỏng, nứt vỡ, thậm chí hoàn toàn biến mất khiến nhiều người dân và nghệ sĩ không khỏi tiếc nuối, xót xa.
Video: Nhiều không gian văn hóa nghệ thuật tại Hà Nội bị bôi bẩn, xuống cấp nghiêm trọng. Thực hiện: Phạm Hưng.
Ra đời từ đầu năm 2020, không gian văn hóa nghệ thuật Phúc Tân nổi tiếng với việc đã biến một bãi rác ven sông Hồng trở thành địa điểm vui chơi, giải trí đối với người dân Thủ đô. 16 nghệ sĩ với 16 tác phẩm nghệ thuật trải dài trên những bức tường dài hàng trăm mét đã mang lại nhiều lợi ích về văn hoá, môi trường và du lịch. Ảnh: Phạm Hưng.
Tuy nhiên, Theo ghi nhận của PV Dân Việt, công trình văn hóa nghệ thuật hơn 2 năm tuổi này hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, nhiều vị trí xuất hiện vết nứt vỡ, hư hỏng, thậm chí hoàn toàn biến mất. Ảnh: Phạm Hưng.
Thực trạng này khiến nhiều người dân và nghệ sĩ không khỏi xót xa khi chứng kiến thực trạng xuống cấp của các tác phẩm nghệ thuật. Ảnh: Phạm Hưng.
Nổi bật nhất là tác phẩm “Thuyền” của tác giả Vũ Xuân Đông – miêu tả bến sông nhộn nhịp của một Kẻ Chợ huy hoàng đã tả tơi. Vỏ chai nhựa sắp đặt nên hình dáng chiếc thuyền bị rơi rụng, nứt vỡ khiến người xem khó hình dung ra đó là một tác phẩm nghệ thuật. Tương tự, tác phẩm “Rồng của dòng sông” của cố nhà thiết kế người Tây Ban Nha Diego Cortizas đã bong tróc, nứt vỡ một mảng lớn. Ảnh: Phạm Hưng.
Đồ ăn thức uống của người dân sau khi đã sử dụng được găm luôn trên các tác phẩm nghệ thuật. Ảnh: Đức Hiên.
Hoạ sĩ Xuân Lam – tác giả của tác phẩm “Múa Lân”, tái hiện hình dạng những cây tò he cỡ lớn bị hư hỏng nặng chia sẻ với báo chí: “Thỉnh thoảng đi ra Phúc Tân, tôi thấy rất buồn. Thậm chí, tôi không còn dám nhìn sản phẩm do mình làm ra mà đi thẳng qua. Tôi thấy xấu hổ”. Ảnh: Phạm Hưng.
Bên cạnh những tác phẩm bị hư hỏng, xuống cấp, nhiều tác phẩm tại không gian văn hóa nghệ thuật Phúc Tân cũng bị lấn chiếm để người dân để xe, treo đồ và kinh doanh dịch vụ. Ảnh: Phạm Hưng.
Đây cũng là thực trạng đang diễn ra ở không gian văn hóa nghệ thuật phố bích họa Phùng Hưng. Theo ghi nhận của PV Dân Việt, các tác phẩm trên phố bích họa Phùng Hưng ngoài hư hỏng, xuống cấp còn bị vẽ bậy. Đơn cử như tác phẩm “Phố Hàng Mã - Phố của tuổi thơ” của tác giả Trận Hậu Yên Thế và Lê Đăng Ninh bị mất một góc và bức tranh bị bôi bẩn bởi nét vẽ nguệch ngoạc. Ảnh: Phạm Hưng.
Một số người dân sống trong khu vực cho biết, những nét vẽ này là do các thanh thiếu niên tuổi mới lớn đến đây vui chơi, chụp ảnh và vẽ bậy vào các tác phẩm nghệ thuật. Ảnh: Phạm Hưng.
Ngoài ra, phố bích họa Phùng Hưng còn bị một số người đổ sơn đỏ ngay trước camera giám sát. Ảnh: Phạm Hưng.
Là Giám tuyển của dự án bích họa Phùng Hưng, nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn nhận xét, so với ban đầu, màu sắc của bích họa Phùng Hưng đã xuống màu, bị bong một số chỗ. "Dù vậy, sau 5 năm tồn tại, tôi chưa thấy động thái nào muốn duy tu, bảo trì từ địa phương. Do vậy, dự án này đang xuống cấp dần”, nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn chia sẻ với báo chí. Ảnh: Phạm Hưng.
Cũng trong tình cảnh tương tự, công trình con đường gốm sứ tại Hà Nội lại xuất hiện những vết nứt, vỡ, bung kéo dài khiến nhiều vị trí của công trình này gần như biến dạng hoàn toàn. Ảnh: Phạm Hưng.
Đây là công trình xuất phát từ ý tưởng của họa sĩ, nhà báo Nguyễn Thu Thủy và đã nhận được giải thưởng “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội” năm 2008 và tổ chức Guinness thế giới đã công nhận đây là bức tranh gốm dài nhất thế giới dài gần 4.000 mét. Ảnh: Phạm Hưng.
Điều đáng nói, đây không phải lần đầu tiên công trình này có những dấu hiệu bong tróc, nứt vỡ loang lổ. Trước đó, công trình cũng đã trải qua 2 lần trùng tu vào năm 2015 và 2017. Ảnh: Phạm Hưng.
Việc một số công trình văn hóa xuống cấp khiến không ít người tiếc nuối. Ảnh: Đức Hiên.
Phạm Hưng - Đức Hiên
Vui lòng nhập nội dung bình luận.