Hàng trăm người ở Bình Dương "đội mưa" cả đêm để xin qua chốt về quê
Hàng trăm người ở Bình Dương đội mưa cả đêm xin thông chốt về quê
Văn Dũng
Thứ bảy, ngày 02/10/2021 06:49 AM (GMT+7)
Hàng trăm người là công nhân, lao động quê miền Tây đã tập trung dưới mưa nhiều giờ liền trên quốc lộ 13, đoạn qua địa phận TP.Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) để xin được thông chốt, về quê.
Khuya 1/10, hàng trăm người dân đi xe máy chở theo đồ đạc lỉnh kỉnh tập trung trên quốc lộ 13, đoạn qua địa bàn phường Phú Thọ, TP.Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) để về quê ở các tỉnh miền Tây.
Lo sợ việc người dân tự phát về quê sẽ không đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19, lực lượng chức năng tỉnh Bình Dương đã tiến hành chốt chặn tại khu vực ngã tư Đại lộ Bình Dương (quốc lộ 13) - Lê Hồng Phong và vận động, khuyên nhủ người dân quay lại nơi tạm trú.
Hàng trăm người dân có hộ khẩu tại các tỉnh miền Tây là lao động bị mắc kẹt tại tỉnh Bình Dương trong đợt dịch Covid-19 lần 4. Khi dịch bùng phát, Bình Dương tiến hành giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, những lao động này rơi vào cảnh thất nghiệp.
"Sau nhiều tháng cố gắng bám trụ và đã hết sạch tiền tiết kiệm, chúng tôi không còn thu nhập nữa. Số tiền nhà nước hỗ trợ cũng đã được xài hết. Biết là Chính phủ không cho phép người dân tự ý về quê, nhưng giờ khổ quá rồi, phải tìm mọi cách để về chứ không thể bám trụ ở Bình Dương được nữa", anh Thạch Ni (quê Trà Vinh) cho biết.
Trên chiếc xe máy cà tàng với đống đồ cùng vợ và 2 đứa con, anh Huỳnh Văn Đống (quê Sóc Trăng) cho biết, gia đình anh có 6 người gồm cha mẹ già, 2 vợ chồng cùng 2 đứa con nhỏ thuê phòng trọ tại phường Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) để làm thợ hồ từ đầu năm 2021.
Công việc bấp bênh nên gia đình anh bữa đói, bữa no. Cuối tháng 5 vừa rồi, dịch bùng phát khiến anh không có việc làm và phải sống nhờ những bao gạo, bó rau của các nhóm thiện nguyện.
Đã 4 tháng qua, gia đình anh chỉ được hỗ trợ 800.000 đồng, số tiền ít ỏi này không đủ cho cả 6 người ăn trong vài tuần.
Nên khi nghe tin Bình Dương nới lỏng giãn cách, anh Đống đã gửi lại cha mẹ già cho những người ở dãy trọ rồi "đánh liều" chở vợ con về quê, nếu thành công thì sẽ quay trở lại để chở tiếp cha mẹ về.
"Biết là chở theo con nhỏ đi quãng đường xa hàng trăm cây số bằng xe máy là sẽ rất vất vả và tội cho con, nhưng giờ chúng tôi không còn biết bấu víu vào đâu nữa. Ở lại thì chẳng còn tiền để mà sống, nên phải về quê có rau ăn rau, có cháo ăn cháo thôi", anh Đống buồn bã nói.
Ghi nhận thực tế, tối 1/10, tại Bình Dương trời đổ mưa nặng hạt, lực lượng chức năng đã liên tục vận động người dân quay xe trở lại phòng trọ hoặc trở về nơi nghỉ ngơi do chính quyền bố trí để đăng ký danh sách. Lực lượng chức năng sẽ phối hợp với các tỉnh để lên kế hoạch đưa đón người dân khó khăn, có nhu cầu chính đáng về quê.
Tuy nhiên, nhóm người dân vẫn không chịu quay xe và kiên trì đứng đợi giữa mưa suốt nhiều giờ. Nhiều em nhỏ đã ngủ gục trên vai cha mẹ sau một thời gian chờ đợi. Nhiều gia đình khác vội tấp vào lề đường tìm chỗ trú mưa, trải bạt cho con nằm ngủ để chờ qua chốt.
Nhóm người dân cho biết, họ có nhu cầu về quê và đã đăng ký nhưng cơ quan chức năng ở quê chưa chấp thuận, chưa phối hợp với tỉnh Bình Dương để đưa đón trở về nên bà con rất sốt ruột.
Cùng thời gian này, tại các địa điểm khác của Bình Dương như khu vực cầu Phú Cường (TP.Thủ Dầu Một), thị xã Tân Uyên, TP.Thuận An, TP.Dĩ An, hàng nghìn người dân tự đi xe máy về quê cũng bị lực lượng chức năng chặn lại.
Đến 1h sáng ngày 2/10, một số người dân đã chấp nhận quay xe trở về nơi cư trú để chờ sự phối hợp của địa phương với Bình Dương đưa về quê, số khác thì tìm đến các vỉa hè để "tá túc" chờ được đưa về chứ nhất quyết không quay trở lại phòng trọ hay vào khu ở tạm do chính quyền bố trí.
Trao đổi với Dân Việt, ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, tối 1/10 ông đã ký văn bản hướng dẫn quy định các biện pháp khôi phục sản xuất kinh doanh, phòng chống dịch bệnh trong tình hình mới.
Trong đó, bắt đầu từ 1/10, tỉnh đã cho phép người lao động tiêm đủ mũi vaccine đi lại làm việc trong địa bàn tỉnh, vì vậy người dân nên ở lại khi các nhà máy đã bắt đầu hoạt động.
Đối với trường hợp người dân khó khăn, có nhu cầu chính đáng, Bình Dương sẽ liên hệ, phối hợp các địa phương để có phương án đưa đón về quê có chọn lọc, đảm bảo không làm lây lan dịch bệnh.
Người dân ùn ùn rời các TP lớn như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương... để về quê. Clip: TTTHS/Bảo Trung
Vui lòng nhập nội dung bình luận.