HCV đấu kiếm SEA Games Bùi Thị Thu Hà: "Nghe tin con sốt, tôi đã định vượt rào" - Ảnh 1.

Kể từ lần đầu tiên góp mặt tại SEA Games 22 năm 2003 tổ chức trên sân nhà, Nguyễn Thị Lệ  Dung đã "vô đối" trên đường đấu kiếm chém nữ. Trong các kỳ SEA Games liên tiếp sau đó cho tới khi giã từ đường đấu khu vực sau SEA Games 2015 (Singapore), Lệ Dung cùng các đồng đội đã thống trị nội dung kiếm chém nữ trên đấu trường khu vực (trừ 2 kỳ SEA Games 2009, 2013 nước chủ nhà không tổ chức môn đấu kiếm).

Sau Lệ Dung, những tưởng kiếm chém nữ Việt Nam sẽ không còn duy trì được vị thế khi không giữ được HCV cá nhân ở SEA Games 30 - 2017 và SEA Games 31 - 2019. Phải đến khi SEA Games 32 trở lại Việt Nam vào tháng 5 năm ngoái, Bùi Thị Thu Hà mới có thể tìm lại ánh hào quang sau 7 năm.

Chứng kiến Bùi Thị Thu Hà quỳ xuống ăn mừng và bật khóc hạnh phúc, rất nhiều đồng đội, người thân, người hâm mộ có mặt tại Cung điền kinh Hà Nội (Mỹ Đình) thời điểm đó cũng cảm thấy vô cùng xúc động. Và sự xúc động ấy sẽ biến thành niềm cảm phục nếu biết hành trình Thu Hà đã vượt qua để mang vinh quang về cho Tổ quốc.

"Sau SEA Games 2019 tại Philippines, tôi đã quyết định lập gia đình và sinh con. Khi tôi quay lại tập luyện chuẩn bị cho SEA Games 31 với chuyến tập huấn cùng toàn đội ở Tam Đảo, con tôi mới được 10 tháng. Những ngày đầu bắt nhịp trở lại với cường độ vận động cùng đội tuyển sau 2 năm xa đường đấu quả thực rất khó khăn. Lúc đó tôi vừa cai sữa và cảm giác rất "tức", trong khi con mình ở nhà lại không có sữa uống. Tôi cảm thấy mệt mỏi về cả thể chất và tinh thần, đặc biệt là nỗi nhớ con", Bùi Thị Thu Hà hồi tưởng.

HCV đấu kiếm SEA Games Bùi Thị Thu Hà: "Nghe tin con sốt, tôi đã định vượt rào" - Ảnh 2.

Theo dòng tâm sự cùng Dân Việt, Thu Hà kể về một kỷ niệm mà cô đã có ý định "trốn trại" về nhà: "Thời điểm SEA Games 31 sắp diễn ra, các đội tuyển thể thao trong đó có đấu kiếm đều cấm trại 100%. Đêm hôm đó, tôi nhận được tin nhắn của chồng: "Con đang sốt cao, chồng phải cho đi viện". Tôi lo lắng vô cùng vì chỉ có mỗi chồng ở nhà với con, ông bà thì lại về quê. Tôi đắn đo xem việc có nên "vượt rào" về nhà không, vì như vậy sẽ vi phạm quy định của đội. Có nghĩa là khả năng tôi mất suất dự SEA Games sẽ hiển hiện.

HCV đấu kiếm SEA Games Bùi Thị Thu Hà: "Nghe tin con sốt, tôi đã định vượt rào" - Ảnh 3.

Tôi liên lạc lại với chồng mãi không được và đúng lúc nóng ruột nhất định làm liều thì chồng đã gọi lại báo con chỉ bị sốt vì chân tay miệng, ở lại bệnh viên theo dõi một hôm là ổn, ở bệnh viện có các bác sĩ nên tôi mới bình tâm trở lại. Mọi thứ chỉ diễn ra chốc lát nhưng với tôi nó dài như cả năm với rất nhiều suy nghĩ đấu tranh trong đầu".

Lo xong cho con nhỏ, đến lượt chính Thu Hà phải đối mặt với thử thách của riêng mình khi cô là VĐV cuối cùng của đội đấu kiếm bị nhiễm Covid-19:

"Thời điểm đó, tôi vẫn chưa có tên chính thức trong thành phần được dự Đại hội. Chúng tôi vẫn hàng ngày phải tập luyện, cạnh tranh tích cực để có suất dự SEA Games 31. Khi bị Covid-19, tôi rất buồn vì đã sát ngày tuyển chọn, chốt danh sách rồi. Tôi phải "chạy đua với thời gian", chiến thắng Covid-19, trở lại với guồng quay tập luyện cùng đội tuyển… Và cuối cùng, sau tất cả là cảm giác vỡ òa khi tôi thắng VĐV Singapore trong trận chung kết để giành HCV cá nhân kiếm chém nữ SEA Games. Tất cả những vất vả, nhọc nhằn mà tôi đã vượt qua như vỡ tan, hòa trong niềm hạnh phúc, vinh dự, giây phút thiêng liêng được đứng trên bục hát Quốc ca, dõi theo lá Quốc kỳ được kéo lên ở vị trí cao nhất".

HCV đấu kiếm SEA Games Bùi Thị Thu Hà: "Nghe tin con sốt, tôi đã định vượt rào" - Ảnh 4.

Tấm HCV SEA Games 31 là thành quả xứng đáng cho những gì mà kiếm thủ Bùi Thị Thu Hà đã vượt qua trên hành trình 14 năm theo đuổi đam mê, tính từ thời điểm năm 2008 khi bắt đầu theo tập đấu kiếm.

"Thời còn đi học, tôi không thích chơi thể thao. Cơ duyên bắt đầu từ việc các thầy ở Sở TDTT Hà Tây cũ về trường tôi tuyển VĐV trẻ, thấy tôi có chiều cao tốt nên chọn, khi đó tôi mới học gần hết lớp 6, chuẩn bị sang lớp 7.

HCV đấu kiếm SEA Games Bùi Thị Thu Hà: "Nghe tin con sốt, tôi đã định vượt rào" - Ảnh 5.

Các thầy đã phải về nhà động viên, nói "hết nước hết cái" với cha mẹ tôi cho tôi đi tập nửa buổi chiều, buổi sáng vẫn đi học văn hóa bình thường. Cha mẹ tôi cũng suy nghĩ nhiều bởi nhà tôi có 2 chị em, tôi là con đầu, sau tôi có em trai sinh năm 2001 thời điểm đó còn nhỏ quá. Tôi học văn hóa cũng tốt nên cha mẹ càng không muốn cho đi tập thể thao. Mãi sau các thầy mới thuyết phục được cha mẹ tôi đồng ý.

Bản thân tôi thì không nghĩ gì nhiều, chỉ biết đi tập sẽ có chế độ phụ cấp, cha mẹ vốn vất vả vì việc đồng áng, buôn bán mưu sinh cũng đỡ cơ cực vì không còn phải lo cho tôi nữa", Thu Hà bộc bạch.

Những ngày đầu tiên tập ở đội đấu kiếm Hà Tây, Thu Hà may mắn được "đàn anh" Nguyễn Tiến Việt lúc đó đã là một VĐV trụ cột của ĐT đấu kiếm Việt Nam kèm cặp, dẫn dắt. Khoảng cuối 2009, đầu 2010, Thu Hà mới được lên tập trung ở Mỹ Đình, tận hưởng bầu không khí tập luyện bên cạnh các tuyển thủ quốc gia.

"Khoảng hai năm tập luyện ở Mỹ Đình, tôi được đi dự giải U17 châu Á ở Indonesia và giành được HCV ngay ở giải quốc tế đầu tiên của mình. Thời điểm đó chúng tôi đi thi đấu không có HLV, chỉ có bác Quang (ông Phùng Lê Quang – phụ trách bộ môn đấu kiếm Tổng cục TDTT) và các VĐV "đàn anh" như anh Vũ Thành An, Nguyễn Xuân Lợi chỉ bảo mình thi đấu. Trước khi lên đường đấu tôi cũng hồi hộp lắm. Nhưng vào đấu rồi, tôi lại chẳng sợ gì cả, chẳng cần biết đối thủ là ai và thi đấu hết sức để cuối cùng giành được HCV. Chỉ sau đó ít lâu, tôi có được tấm HCV đầu tiên ở cấp độ ĐTQG nội dung đồng đội nữ kiếm chém giải vô địch Đông Nam Á 2013 (TP.HCM) cùng chị Dung, chị Chung và chị Loan".

Nói về những tấm huy chương thì nhanh như vậy, nhưng đằng sau đó là chuỗi ngày dài khổ luyện và có những thời điểm Bùi Thị Thu Hà cũng nản lòng, muốn xin về: "Khi mới tới Mỹ Đình tập trung các bạn đội tuyển trẻ, tôi vừa gầy, vừa yếu, có thể nói là yếu nhất trong lứa của mình. Do VĐV trẻ đông nên các thầy phải tập trung chú trọng các bạn tốt hơn, còn tôi thì chưa được quan tâm nhiều.

Có nhiều đêm tôi buồn không ngủ được, nghỉ tới buổi sáng hôm sau tới phòng tập thấy nản vô cùng. Nhưng nghĩ lại mình đã từng hứa, quyết tâm như nào khi xin bố mẹ cho đi tập, giờ lại đòi về thì xấu hổ quá, nên thôi, lại cố gắng, nỗ lực đi tiếp…", Bùi Thị Thu Hà trải lòng.

HCV đấu kiếm SEA Games Bùi Thị Thu Hà: "Nghe tin con sốt, tôi đã định vượt rào" - Ảnh 6.

HCV đấu kiếm SEA Games Bùi Thị Thu Hà: "Nghe tin con sốt, tôi đã định vượt rào" - Ảnh 7.

Động lực để Bùi Thị Thu Hà có thể vững vàng đi tiếp và chạm tới HCV SEA Games không có gì to tát, mà nằm ở chính tấm gương của những "đàn anh, đàn chị" đi trước: "Đầu tiên, tôi cố gắng tập luyện thật tốt để được các thầy quan tâm, chỉ bảo nhiều hơn. Tôi nhìn sang thấy các anh chị đi trước giành được HCV SEA Games, được đi dự ASIAD, Olympic… có tiền lo cho cuộc sống cá nhân, giúp đỡ gia đình và lấy đó để tự nhủ phải cố gắng nhiều hơn nữa.

Những thành công luôn đáng nhớ, nhưng với tôi, đáng nhớ hơn nữa là những thất bại. Như thời điểm đi dự giải trẻ vô địch Đông Nam Á ở Malaysia năm 2015, các thầy rất kỳ vọng tôi sẽ giành HCV. Nhưng đó lại là giải đấu tôi chơi dưới sức và thất bại. Tôi đã tự gây áp lực cho chính mình với suy nghĩ phải chiến thắng nên bị tâm lý. Đó là bài học theo tôi suốt cho tới lúc này. Mỗi khi bước vào đường đấu, tôi chỉ cố gắng chơi tốt trong từng đường kiếm, rồi điều gì đến sẽ đến".

HCV đấu kiếm SEA Games Bùi Thị Thu Hà: "Nghe tin con sốt, tôi đã định vượt rào" - Ảnh 8.

Khi phóng viên đặt vấn đề về việc đấu kiếm Việt Nam không có được những điều kiện tốt về trang thiết bị tập luyện, cơ sở vật chất như các nước Nhật Bản, Hàn Quốc mà gần nhất là Thái Lan, Singapore… Và nếu được đầu tư tốt hơn, có thể đấu kiếm Việt Nam đã giành được những tấm huy chương ASIAD và đặt được dấu ấn tại Olympic? Thu Hà thể hiện quan điểm:

"Mọi so sánh đều khập khiễng và tôi nghĩ không chỉ đấu kiếm, nhiều môn thể thao khác của Thể thao Việt Nam đều trong tình cảnh tương tự. Nhưng bây giờ là thời đại 4.0, công nghệ rất phát triển và thông qua mạng internet, chúng tôi có thể học hỏi được rất nhiều kỹ thuật thi đấu từ các VĐV tại các giải  đấu lớn trên thế giới. Chúng tôi cũng biết được quá trình chuẩn bị của các nước bạn khi họ chia sẻ hình ảnh, clip thi đấu qua facebook, instagram.

Qua mạng xã hội, tôi còn được xem một số VĐV ở các nước nghèo họ tận dụng phế liệu để chế biến dụng cụ thi đấu, ví dụ như ở môn bóng rổ, mà vẫn đạt được thành tích. Ở góc độ đó, VĐV chúng tôi vẫn thấy mình may mắn và cần quyết tâm thi đấu tốt hơn, từ đó, sẽ nhận được nhiều sự quan tâm từ xã hội với các doanh nghiệp"…

Năm nay đã 28 tuổi và sự nghiệp thi đấu đỉnh cao không còn dài, vậy Thu Hà đã nghĩ đến việc mình sẽ làm gì sau khi "gác kiếm"? Dân Việt gợi mở và nhà vô địch kiếm chém nữ SEA Games bày tỏ:

"Là con gái, tôi cũng có sở thích làm đẹp. Thời điểm nghỉ đấu kiếm lập gia đình và sinh con, tôi đã mở chuỗi hệ thống bán mỹ phẩm trong khoảng 1 năm và thu nhập rất tốt. Đó là một hướng suy nghĩ của tôi.

Hiện nay, tôi đang học chuyên sâu golf tại Đại học TDTT Bắc Ninh, chuẩn bị bước sang năm thứ 3. Khi đi học và tiếp xúc với golf, tôi thấy đó là môn rất hay, có nhiều điểm tương đồng với đấu kiếm, thiên về tư duy, cần sự bình tĩnh, tinh tế. Có thể đó là môn thể thao tôi sẽ lựa chọn sau đấu kiếm".

HCV đấu kiếm SEA Games Bùi Thị Thu Hà: "Nghe tin con sốt, tôi đã định vượt rào" - Ảnh 9.

 

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem