img img
 
img img

imgimgó một thời những con người tới sân bóng không chỉ để thể hiện niềm đam mê mà còn khẳng định cốt cách. Nơi ấy, cầu thủ ra sân cháy hết mình vì màu cờ sắc áo, khẳng định cái tôi bản lĩnh, ý chí, mang tới những phút giây thư giãn cho người dân giữa muôn vàn gian khó, nhọc nhằn của thời chiến hay thời bao cấp.

Nơi ấy, các cổ động viên sẵn sàng nhịn ăn 1-2 bát phở (khoảng 3 - 7 hào) để mua vé vào sân Hàng Đẫy xem các trận so tài giữa Thể Công – Công an Hà Nội, Thể Công – Tổng cục Đường sắt… Và có lẽ, chính nơi ấy đã cho ra lò một tính cách điển hình, một “lão tướng” không ngừng làm việc, mải miết đóng góp cho sự phát triển của bóng đá Việt Nam (BĐVN) như ông Chung “xe ca”.

img
img

Sau thành công cùng đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam những năm qua và 3 lần được vinh danh huấn luyện viên (HLV) tiêu biểu số 1 toàn quốc 2005, 2017, 2019, ai cũng biết đến tên tuổi HLV Mai Đức Chung. Còn tên gọi ông Chung “xe ca” thì không có nhiều người tường tận…

- Câu chuyện này khá dài. Tôi xuất thân trong gia đình công nhân rất khó khăn, mẹ tôi làm trong ngành thể thao và chỉ biết trông chờ vào đồng lương nhà nước.

Nhà tôi ở sát sân Hàng Đẫy nên tuổi thơ gắn liền với bầu không khí bóng đá sôi động đến tuyệt vời. Tôi được xem các “đàn anh” như Lê Thế Thọ, Trần Duy Long… và cả danh thủ miền Bắc thời còn Pháp thuộc như ông Bùi Nghẽn thi đấu.

Ngày ấy chưa có Nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức như bây giờ mà chỉ là một khoảng sân cát rất rộng. Rồi cả sân Ba Đình (Quảng trường Ba Đình ngày nay) với khung cảnh rất nên thơ, có một hàng cây phi lao to, rộng, dải cát dài thỏa sức cho chúng tôi chơi bóng.

Nếu như nhiều anh em cùng thời khác trở thành cầu thủ rồi mới đi học thì tôi ngược lại, học xong khóa 5 Trường Đại học TDTT Từ Sơn mới đi đá bóng.

Năm 1971, sau khi học xong, đáng ra tôi sẽ được phân công về công tác tại Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội. Nhưng khi ấy, đội bóng Xe ca Hà Nội thành lập và cần người, ông Bùi Nghẽn vốn quen thân Trưởng phòng tổ chức nên đã tới Trường xin lấy tôi về.

Tên gọi Chung “xe ca” gắn liền với tôi những năm sau đó, kể cả khi tôi về đá cho Tổng cục Đường sắt từ năm 1975.

img img

Trong sự nghiệp của mình, ông từng cùng Tổng cục Đường sắt lên ngôi vô địch quốc gia năm 1980, khoác áo đội tuyển quốc gia (ĐTQG) năm 1981-1984. Vậy trận đấu nào để lại nhiều cảm xúc nhất?

- Mỗi trận đấu là một kỷ niệm. Điều tôi nhớ nhất có lẽ chính là “ngón tủ” của các “đàn anh”, đồng đội một thời, không lẫn với bất kỳ ai. Khán giả trên sân nhìn thấy pha bóng đó là cảm giác sắp có một tình huống đặc biệt, một bàn thắng đẹp rồi.

Cầu thủ thế hệ chúng tôi ngoài giờ tập cùng toàn đội, luôn dành thời gian rèn thêm sở trường riêng. Ví dụ như anh Từ Như Hiển (Công an Hà Nội) có biệt tài vừa đi bóng với tốc độ cao vừa ra chân sút ghi bàn. Hay anh Lê Thụy Hải (Tổng cục Đường sắt) nổi tiếng là một tiền vệ tinh tế, khéo léo qua người, đặc biệt là những cú sút xa chính xác không cần đà.

Còn với các cổ động viên (CĐV) Thể Công, không ai có thể quên những pha dốc bóng với tốc độ cao rồi đột ngột chuyển hướng làm đối thủ trôi trượt cả mét của “Ba Đẻn” Nguyễn Thế Anh…

Tôi có lợi thế thể hình, sức bật nên cố gắng rèn kỹ năng đánh đầu thật tốt. Sau mỗi buổi tập vẫn nhờ anh Lê Thụy Hải tạt bóng cho mình tập thêm.

Tôi vẫn nhớ trận Tổng cục Đường sắt đá với Thể Công trên sân Hàng Đẫy. Trận đó chúng tôi thua trước 0-2 nhưng càng đá càng sung, dồn ép đội bạn rất mạnh mẽ. Chung cuộc Tổng cục Đường sắt thua 2-3 nhưng cú sút xa rất nhanh và bất ngờ từ cự ly khoảng 30m của anh Lê Thụy Hải khiến thủ môn Trần Văn Khánh bó tay vẫn in đậm trong tâm trí của nhiều khán giả cho đến tận bây giờ.

Hoặc trận chúng tôi thắng Cảng Sài Gòn 2-0. Hiệp 1 tôi ghi 1 bàn bằng đánh đầu. Sang hiệp 2, anh Lê Thụy Hải có cú dứt điểm gần giữa sân ấn định tỷ số.

img img

Đâu là sự khác biệt giữa thế hệ cầu thủ các ông ngày xưa với lứa cầu thủ hiện nay?

- Bóng đá mỗi thời mỗi khác và mọi so sánh luôn khập khiễng. Thời chúng tôi ai cũng lo và quyết tâm giữ nghề nghiệp của mình, chú ý, tận tâm, chịu khó rèn luyện, tu dưỡng lắm. Gia cảnh khó khăn nên nhiều người rất muốn trở thành vận động viên (VĐV), có công ăn việc làm trong nhà nước.

Thời bao cấp không có lương, thưởng nhiều như bây giờ. Chúng tôi chỉ ăn lương tháng, có tem phiếu, tiêu chuẩn cao một chút để hỗ trợ thêm gia đình.

Một điểm nữa là thời chúng tôi do có ít VĐV thi đấu nâng cao, trở thành cầu thủ đích thực nên hầu hết đều có thể chơi đa năng, nhiều vị trí, hậu vệ, tiền vệ hay tiền đạo cũng được. Cơ sở vật chất hạn chế, quần áo, giày thiếu thốn, bóng cứng, sân cứng chứ không đẹp như ngày nay, rồi còn hạn chế về chiến thuật.

Các cháu bây giờ thể lực, thể hình tốt hơn, hiểu biết nhiều thứ hơn, tiến bộ hơn chúng tôi nhiều do có sự hỗ trợ của khoa học kỹ thuật, công nghệ.

Nhưng vấn đề gì cũng có hai mặt. Các cháu thời điểm này có nhiều sự lựa chọn nên không tập trung vào một thứ. Nhiều cháu ham chơi quá, không chịu khổ luyện, rèn giũa thêm nên không phát triển được hết năng lực của bản thân.

img img

Trưởng thành trong gian khó, thời gian có thể làm mái tóc cựu danh thủ Chung “xe ca” ngày nào bạc đi nhưng sự chuyên nghiệp, cần mẫn, tỉ mỉ mang theo nhiệt huyết tung hoành trên sân cỏ thì vẫn vẹn nguyên.

Hình ảnh HLV Mai Đức Chung dầm mưa bên đường piste sân Mỹ Đình chỉ đạo đội tuyển Việt Nam thắng thuyết phục Campuchia 5-0 tại vòng bảng ASIAN Cup 2019 sẽ mãi ở lại trong tâm trí người hâm mộ. Dường như hễ khi nào BĐVN “có biến”, rơi vào khủng hoảng là ông Chung lại chẳng từ nan, sẵn sàng lãnh “ấn kiếm”.

img

Cách đây 13 năm ông từng 2 lần đóng thế cho HLV A.Riedl và trải nghiệm đủ vị ngọt và trái đắng. Điều gì khiến ông luôn bình thản nhận nhiệm vụ?

- Những gì tôi làm đều xuất phát từ tập thể, vì cái chung. Thời điểm năm 2007 HLV A.Riedl về Áo chữa trị bệnh thận, tôi được giao tạm quyền dẫn dắt Olympic Việt Nam thi đấu vòng loại Olympic Bắc Kinh 2008. Đó là một nhiệm vụ nhưng cũng là vinh dự khi được ngồi trên băng ghế chỉ đạo đội tuyển trên đấu trường quốc tế.

Tất cả những gì tôi cố gắng làm là cùng các học trò tập luyện thật tốt, ra sân thi đấu vì màu cờ sắc áo. Chúng tôi đã có những trận thắng cùng tỷ số 2-0 trước Lebanon, Oman để đi tới vòng loại cuối cùng Olympic 2008. Tại đây, khi HLV A.Riedl trở lại làm việc, chúng ta cũng giành được kết quả hòa 1-1 trước những đội bóng Tây Á rất mạnh là Saudi Arabia, Qatar.

img
img

Cũng trong năm 2007, một lần nữa tôi tạm quyền dẫn dắt U23 Việt Nam tại SEA Games 24 (Thái Lan) sau khi chúng ta thua Myanmar ở bán kết và HLV A.Riedl nghỉ việc. Trận tranh HCĐ với Singapore năm đó, tôi cùng các học trò thua 0-5 và có lẽ đây là kỷ niệm buồn nhất của tôi khi cầm quân ở đội tuyển.

Bóng đá là thế, cuộc đời cũng vậy, có thăng có trầm, có thành công có thất bại. Đó là lẽ thường. Tôi luôn tâm niệm khi mình đã làm hết sức, với tất cả tâm huyết của mình mà không được thì phải chịu. Tôi luôn là người đứng ra nhận mọi sự chỉ trích (nếu có) chứ không phải các học trò.

Trong chừng mực nào đó, những kinh nghiệm tích lũy được trong năm 2007 đã giúp lứa cầu thủ tài năng với những điểm sáng như Công Vinh, Vũ Phong… sau đó trưởng thành, bản lĩnh hơn để lên ngôi vô địch AFF Cup 2008 lịch sử dưới thời HLV Calisto.

Trong suy nghĩ của tôi đến lúc này, HLV A.Riedl vẫn là một người thầy giỏi và tôi học hỏi được rất nhiều khi làm trợ lý cho ông. HLV A.Riedl đã cùng đội tuyển Việt Nam lọt tới tứ kết ASIAN Cup 2007, điều mà 12 năm sau HLV Park Hang-seo mới có thể tái lập tại ASIAN Cup 2019.

Như một chữ duyên lặp lại sau 10 năm. Năm 2007 ông vào vai đóng thế HLV A.Riedl trước khi HLV Calisto tới và vô địch AFF Cup 2008. Tới năm 2017, ông lại “nhảy vào lửa” khi HLV Nguyễn Hữu Thắng từ chức. Sau đó, HLV Park Hang-seo đến và làm nên một loạt kỳ tích mà điểm nhấn là HCV AFF Cup 2018, HCV SEA Games 2019…

- Trong thể thao, ngoài tài năng bẩm sinh, con người cần có may mắn đồng hành mới có thể đi tới đỉnh cao, đạt được những thành công. Khi tôi tạm quyền dẫn dắt đội tuyển Việt Nam đá 2 trận lượt đi - về vòng bảng ASIAN Cup 2019, nếu chỉ nhìn đối thủ là Campuchia thì không có gì đáng bàn. Điều đáng nói là chúng ta vừa trải qua “cú sốc” thất bại SEA Games 2017 ở Malaysia.

Điều tôi cần làm là vực dậy tinh thần, niềm tin của các cầu thủ. Thời gian dường như là quá ngắn để làm điều đó nhưng cuối cùng chúng tôi đã làm được với chiến thắng sát nút 2-1 có ý nghĩa bước ngoặt trên sân Campuchia và thắng 5-0 ở lượt về tại Mỹ Đình.

Tôi muốn nói rằng cái duyên của cá nhân tôi chỉ là một phần. Tôi cảm thấy may mắn khi được các cầu thủ tôn trọng, ủng hộ, được các trợ lý hỗ trợ hết mình. Thực tế, HLV có giỏi đến đâu đi nữa mà cầu thủ không đáp ứng được cũng hỏng và ngược lại. Đội bóng là một tập thể, trong đó có cả đội ngũ bác sĩ, những người hoạt động thầm lặng nhưng đóng góp không nhỏ vào thành công chung.

Ông khẳng định học hỏi được nhiều từ HLV A.Riedl. Vậy tại sao khi HLV Park Hang-seo tới, ông lại từ chối làm trợ lý?

- Sau những gì đã làm cho BĐVN, HLV A.Riedl và HLV Park Hang-seo là 2 HLV giỏi, phù hợp nhất với bóng đá VN từ quá khứ đến hiện tại. Giữa tôi và họ luôn dành cho nhau sự tôn trọng, khâm phục. Tại SEA Games 2019 vừa qua, HLV Park Hang-seo luôn dành sự động viên rất lớn cho đội tuyển bóng đá nữ chúng tôi trên hành trình bảo vệ tấm HCV trên đấu trường khu vực.

Thực tế, cách đây hơn 2 năm khi HLV Park Hang-seo tới, tôi đang làm đội tuyển nữ, có hợp đồng với đội nữ và có trách nhiệm phải đi đến cùng nên không thể bỏ dở sang làm đội nam được.

HLV, chuyên gia nước ngoài giỏi hơn mình, hiểu biết hơn mình về nhiều mặt nên được làm việc với họ luôn là cơ hội tốt để học hỏi. Lý do chỉ vậy thôi chứ không hề có chuyện tôi “nâng lên đặt xuống” gì đâu.

Quan hệ của tôi và HLV Park Hang-seo rất tốt, ông Park rất tình cảm và chúng tôi thường xuyên thăm hỏi nhau và có nhiều điểm chung về triết lý bóng đá.

img img
img img

Trong cuộc trò chuyện với HLV Mai Đức Chung, có thể cảm nhận được ở ông nguồn năng lượng tích cực thường chỉ có ở những người dày dạn kinh nghiệm trận mạc cả trên sân cỏ và trong cuộc sống.

Không một chút than phiền khi nhắc lại những lần lỡ dở vô cớ khi cầm quân ở V.League hay thường xuyên vào vai “kép phụ” ở ĐTQG Việt Nam. Ở ông có sự êm ả, uyển chuyển, mềm mại của nước. Nhưng nước chảy mãi thì đá cũng phải mòn!

img img

Ông đã gặt hái nhiều thành công với ĐTQG nữ nhưng vẫn chỉ là “cầu thủ dự bị” ở ĐTQG nam. Điều đó có khiến ông chạnh lòng?

- Không! Trong mọi hoàn cảnh, cứ nghĩ cái gì tốt cho cái chung, cho đất nước mình là tôi làm thôi, bất kể vị trí HLV trưởng hay trợ lý. Một đội bóng cũng vậy, cầu thủ đá chính hay dự bị cùng trong một tập thể, cùng nhau cố gắng trong suốt một quá trình dài chuẩn bị, tập luyện chứ không chỉ 90 phút thi đấu chính thức trên sân.

Chúng ta cùng là công dân Việt Nam, cùng tự hào truyền thống, tinh thần yêu nước. Và cần nhớ những năm qua, đất nước đã tiến bộ rất nhiều trên mọi lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, văn hóa và cả thể thao…

Tôi từng ra nước ngoài thi đấu kể cả khi là cầu thủ và sau này là HLV, thấy có những nước nghèo khổ hơn chúng ta rất nhiều mà họ còn tự hào dân tộc, vậy thì tại sao chúng ta lại không?

Cứ được khoác trên mình màu cờ sắc áo, được đại diện cho BĐVN trên đấu trường quốc tế đã là vinh dự rồi. Tôi luôn nói với các học trò, chúng ta có thể thua kém về chuyên môn so với đối thủ nhưng tinh thần thì không thể thua bất kỳ ai.

Và điều tự hào nhất là ông đã xây dựng được một tập thể đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam có kế thừa và luôn thi đấu với tinh thần bất khuất?

- Có lẽ ai cũng thấy các cầu thủ của tôi thi đấu như những “chiến binh” ở SEA Games 2019. Gần đây nhất, trong 2 trận play-off lượt đi và về tranh vé dự Olympic Tokyo 2020 với đối thủ cực mạnh từng nhiều lần dự World Cup như Australia, dù thua nhưng đội tuyển nữ Việt Nam vẫn cho thấy phẩm chất, ý chí của phụ nữ Việt Nam.

Tôi nói vui một chút, nếu trên thế giới có môn thi đấu về “tinh thần và ý chí” thì chúng ta không ngại bất kỳ đối thủ nào. Bàn thắng của Huỳnh Như vào lưới Australia trong trận lượt về play-off vừa qua giúp chúng ta tự tin hơn nhiều khi đọ sức với các đội bóng hàng đầu châu lục và thế giới. Trong tương lai, chúng ta có quyền nghĩ tới những mục tiêu cao hơn.

img img

Nói thì nhanh nhưng để “liệu cơm gắp mắm”, xây dựng được đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam tương đối ổn định như hiện nay ông cần tới cả một quá trình, sự kiên nhẫn…

- Tôi rất hiểu và thông cảm cho giới cầu thủ, đặc biệt là cầu thủ nữ vốn đều xuất thân từ nông thôn ở ngoại thành Hà Nội, Hà Nam, Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Ngãi, các tỉnh miền Tây… Tôi coi các cháu như người trong gia đình, có cháu gọi tôi là chú, bác, có cháu gọi tôi là bố.

Có lẽ tất cả thành công của tôi cùng bóng đá nữ đều xuất phát từ tình thương, muốn cải thiện đời sống cho học trò.

Trước đây khi chưa có anh Hùng (Trưởng ban bóng đá nữ VFF Phạm Thanh Hùng – PV), tôi là người trực tiếp đi kêu gọi tài trợ từ bạn bè mình. Người 30 triệu, người 50 triệu, có chỗ cho 150 triệu đồng. Đến dịp tết, ngoài tiền thưởng của VFF khoảng 3 triệu đồng, mỗi em có thêm khoảng 10 triệu đồng là vui lắm rồi!

Một câu chuyện nữa ít được nói đến là trước đây có quỹ đội, mỗi bạn đóng 200.000 đồng để chi phí các khoản sinh nhật, thăm hỏi… Nhưng từ khi tôi làm thì không ai phải đóng nữa, tôi tìm được kinh phí lo những chuyện đó. Rồi cả việc kết nối các đội tập luyện cùng, qua đó hỗ trợ, giúp đỡ thêm các cháu, giúp các cháu có một tinh thần tốt nhất để yên tâm cống hiến. Tôi chỉ làm những việc nho nhỏ thế thôi!

img img

SEA Games 2017 từng có chuyện nữ cầu thủ không biết mình đang mang bầu, vẫn ra sân thi đấu và giành HCV tại Malaysia. Trong sự nghiệp làm HLV trưởng đội nữ của mình, ông còn nhiều kỷ niệm đáng nhớ?

- Kể lại thì nhiều lắm! Ví dụ như trước trận chung kết SEA Games 2003 mà Việt Nam là chủ nhà gặp Myanmar, bác sĩ có báo với tôi trường hợp một cầu thủ đá chính đến… tháng. Lúc đó tôi cũng cảm thấy mông lung lắm! Nếu vì mục tiêu trước mắt cho cháu vào sân mà làm sao thì ảnh hưởng tới tương lai, mình ân hận.

Tôi đã gọi bạn ấy ra nói chuyện riêng khuyên bạn ấy nghỉ vì “bác lo cho tương lai sau này của con”. Nghe thế bạn ý lăn đùng ra khóc bảo “không được, ngày mai là ngày lấy HCV của con sao bác lại làm thế, con không đồng ý!”.

Thế là tôi phải xem bạn ấy tập luyện ra sao. Khi thấy không vấn đề gì thì đành cho vào sân. Nghĩ lại thì thấy đó là may mắn khi không chuyện gì xảy ra. Lúc này bạn đó đã có một gia đình hạnh phúc bên chồng con.

Một trường hợp nữa là có cầu thủ bỗng nhiên tập luyện không tốt. tôi quan sát và cảm thấy học trò gặp vấn đề gì đó. Hỏi ra mới biết ngày mai là giỗ mẹ cô bé nên không thể tập trung. Biết vậy tôi giải quyết cho cầu thủ về ngay, nói cho bác gửi mấy trăm thắp hương cho mẹ. Đoạn đường đi về gần 200km nhưng chiều cô bé về quê, tối đã trở lại ngay tập trung cùng đội.

Chuyện cầu thủ không chơi với nhau ngoài đời, trong tập luyện không chuyền bóng cho nhau, không hỗ trợ nhau cũng có. Tôi đã chỉ ra cho các bạn ấy hiểu rõ đây là một đội bóng, là ĐTQG. Các bạn có thể không chơi với nhau nhưng trên sân phải làm tất cả vì mục tiêu chung, vì màu cờ sắc áo.

Tôi nói: “Đây không phải là vấn đề cá nhân, nếu cứ làm thế thì không phải cháu hại hay bạn cháu hại mà tập thể hại”. Khi hiểu vấn đề các bạn ấy đã xin lỗi, rồi sau đó rất đoàn kết.

Mới nhất là câu chuyện cầu thủ đội TP.HCM và Than Khoáng sản Việt Nam đánh nhau trên sân Thống Nhất năm 2018.

Sau này khi các cầu thủ lên tập trung đội tuyển tôi cũng phải giải quyết tư tưởng cho các em dần dần. Bây giờ chính những người đã từng va chạm với nhau lại trở thành bạn thân, gắp cho nhau từng miếng trong bữa ăn cơ đấy!

img img

Âm thầm, lặng lẽ, dốc hết tâm huyết hoàn thành nhiệm vụ trong nhiều vai trò, có thời gian làm Trưởng bộ môn bóng đá Tổng cục TDTT hay cầm quân ở V.League dẫn dắt các đội bóng như B.Bình Dương, Navibank.SG, Thanh Hóa... ông Chung quá hiểu những điểm mạnh cũng như hạn chế của BĐVN từ cấp CLB trong suốt 20 năm tiến lên chuyên nghiệp. Chẳng phải ngẫu nhiên khi nhiều người bắt đầu nghĩ tới mục tiêu World Cup thì ông Chung cứ một lòng trăn trở về hệ thống đào tạo trẻ.

img img

Sau những thành công của bóng đá nữ Việt Nam những năm qua, ông có tin chúng ta sẽ giành được vé dự World Cup 2023 – khi FIFA nâng số đội dự giải từ 24 lên 32 và châu Á sẽ có ít nhất 6 suất dự ngày hội bóng đá thế giới?

- Thời gian qua, đội tuyển nữ Việt Nam đã có những trải nghiệm hữu ích khi được đọ sức với 2 đội bóng hàng đầu châu lục và thế giới là Hàn Quốc và Australia tại vòng loại Olympic 2020.

Các cầu thủ đã học hỏi, tích lũy thêm được nhiều điều, đặc biệt là những cầu thủ trẻ được tôi đưa lên chuẩn bị cho những mục tiêu trong tương lai như trung vệ Thu Thương, tiền đạo Tuyết Ngân, hậu vệ Hồ Thị Quỳnh…

img
img

Phải khẳng định rằng ngay cả khi chúng ta bỏ nhiều tiền ra mời những đội đẳng cấp như Hàn Quốc, Australia sang thi đấu giao hữu chưa chắc họ đã nhận lời. Lực lượng, tâm thế thi đấu của họ khi đó cũng khác hẳn việc đọ sức với chúng ta ở một giải đấu chính thức như vòng loại Olympic.

Phía trước chúng tôi là mục tiêu bảo vệ tấm HCV SEA Games 2021 tổ chức ở Việt Nam. Tôi cũng hy vọng chúng ta có mặt trong tốp 6 châu Á, giành quyền dự World Cup. Nhưng muốn làm được điều đó tất cả phải rất cố gắng, chăm chút đầu tư cho lứa trẻ, đào tạo ở các CLB phải tốt hơn nữa, chế độ cho VĐV cần ổn định hơn để họ yên tâm phấn đấu.

Chế độ cho HLV cơ sở, đào tạo trẻ phải được nâng cao hơn. Khi có đồng lương đảm bảo thì họ mới tập trung vào công việc.

Nghĩa là BĐVN còn rất nhiều việc phải làm để giữ vững, duy trì vị thế hiện tại trước khi nghĩ tới việc nâng tầm, tiệm cận trình độ hàng đầu châu lục, thế giới?

- Những gì chúng ta đã giành được thời gian qua rất đáng khích lệ, thể hiện nỗ lực, cố gắng từ nhiều phía. Nhưng BĐVN cần có tầm nhìn xa hơn.

Chúng ta muốn phát triển bền vững, tiệm cận trình độ thế giới thì không còn cách nào khác là phải đào tạo trẻ. Các em lúc này bắt đầu khi 14-15 tuổi đã là muộn rồi. Ở các nước phát triển, các em được chơi bóng cộng đồng từ năm 5-6 tuổi, khi 8-10 tuổi đã bắt đầu tập luyện.

Một minh chứng cho sự thiếu ổn định của BĐVN chính là thất bại của đội nam tại vòng chung kết U23 châu Á 2020, sau khi đã giành HCB U23 châu Á lịch sử năm 2018 (Thường Châu – Trung Quốc).

Rõ ràng lứa cầu thủ vừa rồi không tốt bằng lứa cách đây 2 năm. Thêm nữa, nhiều cầu thủ trụ cột phải thi đấu quá nhiều ở CLB, ĐTQG và tập trung quá nhiều trên hành trình giành HCV SEA Games 2019 nên không thể đạt phong độ tốt nhất tại giải U23 châu Á 2020.

Tất cả nói lên lực lượng của BĐVN chưa đủ dày, thể chất của cầu thủ Việt Nam hiện tại cũng không đủ để hoàn thành nhiều mục tiêu một lúc.

img img

Ở khu vực Đông Nam Á, ông có nghĩ BĐVN đã vượt qua Thái Lan để khẳng định mình ở vị trí số 1?

- Nếu xét về kết quả thì thời điểm này chúng ta đang nhỉnh hơn Thái Lan. Các trận đấu từ cấp độ đội tuyển trẻ và ĐTQG, thầy trò HLV Park Hang-seo đều giành được kết quả tốt.

Nhưng như thế không có nghĩa là nền BĐVN đã cao hơn Thái Lan. Ngược lại, chúng ta vẫn còn khoảng cách với họ. Cơ sở vật chất, hệ thống đào tạo của người ta đều rất bài bản, khoa học. Tôi nghĩ, BĐVN vẫn còn phải học Thái Lan về công tác đào tạo trẻ, về cách tổ chức chuyên nghiệp giải vô địch quốc gia.

Thực tế, Thái Lan đã có những cầu thủ chơi tốt ở giải vô địch quốc gia Nhật Bản - J.League 1 (thủ môn Kawin, hậu vệ Bunmathan, tiền vệ Chanathip, tiền đạo Dangda – PV).

Với BĐVN, những trường hợp có cơ hội xuất ngoại thời gian qua như Tuấn Anh, Xuân Trường, Công Phượng, Đặng Văn Lâm và hiện Đoàn Văn Hậu đang có cơ hội thử sức ở giải vô địch quốc gia Hà Lan trong màu áo SC Heerenveen là rất đáng khích lệ. Điều đó giúp các cầu thủ đang chơi trong nước có cơ sở để cố gắng hơn nữa với hy vọng có ngày được “bằng anh bằng em”.

Thời điểm này, chúng ta cũng cần cố gắng tận dụng nguồn cầu thủ Việt kiều chất lượng về nước khoác áo đội tuyển, qua đó khỏa lấp những hạn chế trong công tác đào tạo trẻ.

Mọi thứ phải làm từng bước, có những bước đệm chuyển giao, đặc biệt chú trọng công tác đào tạo trẻ thì mới mong phát triển bền vững được. Nếu chỉ quan tâm tới thành tích trước mắt thì sẽ rất khó!

Khi chúng ta đã làm đúng, bài bản tôi tin giấc mơ World Cup rồi một ngày sẽ thành hiện thực đối với BĐVN.

Xin cảm ơn ông!

img img
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem