Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Trở lại quá khứ, ngày 10/10/2017, HLV Park Hang-seo đặt chân tới Việt Nam và 1 ngày sau, ông cùng VFF chính thức ký hợp đồng dẫn dắt các đội tuyển bóng đá Việt Nam với thời hạn 2 năm.
Thời điểm đó, ấn tượng về HLV Park Hang-seo trong mắt giới truyền thông Việt Nam chỉ như một "lão nông" hiền lành, chân chất với biệt danh "Mr ngủ gật" mà báo chí Hàn Quốc từng đặt cho ông. Sự chú ý lớn nhất dành cho HLV Park Hang-seo chính là "cái mác" từng làm trợ lý cho HLV người Hà Lan Guus Hiddink dẫn dắt Hàn Quốc lọt tới bán kết World Cup 2002. Nhưng thời gian trôi đi, HLV Park Hang-seo đã chứng minh cho tất cả thấy tài năng, "cái duyên" của mình với bóng đá Việt Nam. Giữa HLV Park Hang-seo (người thất bại trong sự nghiệp cầm quân ở Hàn Quốc và trải qua những ngày tháng chán nản, thất vọng về bản thân) và bóng đá Việt Nam (khủng hoảng sau khi không thể vượt qua vòng bảng SEA Games 2017 với thế hệ tài năng Công Phượng, Xuân Trường, Văn Toàn…) đã tìm thấy nhau ở 1 điểm chung "học tài thi phận" và đã cùng nhau nỗ lực khẳng định giá trị.
HLV Park Hang-seo cùng U23 Việt Nam giành ngôi á quân tại VCK U23 châu Á 2018. Ảnh: Sohu.
Sau khi cùng U23 Việt Nam lập kỳ tích giành HCB U23 châu Á 2018 (Thường Châu, Trung Quốc), HLV Park Hang-seo đã khóc và bày tỏ lòng biết ơn với lãnh đạo VFF, các học trò đã trao cho ông cơ hội trong đoạn cuối sự nghiệp tưởng chừng đã đi vào ngõ cụt của mình. Còn bóng đá Việt Nam cũng như "lột xác" dưới thời thầy Park với một loạt cú đột phá trên đấu trường quốc tế: Lọt tới bán kết ASIAD 2018, vô địch AFF Cup 2018, tứ kết ASIAN Cup 2019, HCV SEA Games 30, 31 và đỉnh cao là mốc son lịch sử cùng ĐT Việt Nam đi tới vòng loại cuối World Cup 2022 khu vực châu Á.
Tại đấu trường đỉnh cao châu lục này, ĐT Việt Nam ghi dấu ấn với những trận đấu hay trước các đối thủ hàng đầu châu lục mà minh chứng là chiến thắng 3-1 trước Trung Quốc trên sân Mỹ Đình; hay hòa Nhật Bản 1-1 ngay trên sân khách.
"Ngày đầu tiên khi tôi tới Việt Nam, tôi đã đặt mục tiêu giúp bóng đá Việt Nam (hạng 130 thế giới thời điểm tháng 10/2017 - PV) lọt vào tốp 100 thế giới và tôi vui vì đã hoàn thành được lời hứa của mình. Nhiệm kỳ 5 năm của tôi cùng bóng đá Việt Nam đã sắp kết thúc. Trước mắt, tôi vẫn còn một nhiệm vụ cuối, cùng ĐT Việt Nam vô địch AFF Cup 2022, như một sự báo đáp tình cảm của người hâm mộ Việt Nam đã dành cho tôi trong suốt những năm qua", HLV Park Hang-seo thể hiện quyết tâm.
Sau trận chung kết lượt đi hòa ĐT Thái Lan 2-2 trên sân Mỹ Đình tối 13/1 vừa qua, HLV Park Hang-seo đã ném thẻ HLV xuống đất. Một hành động đầy cảm xúc và rất… Park Hang-seo nếu dõi theo những gì ông đã thể hiện trong suốt hành trình dẫn dắt các đội tuyển Việt Nam.
Khi phóng viên đặt vấn đề về việc "vứt thẻ", HLV Park Hang-seo chỉ cười và chia sẻ chân thành: "Tôi tức giận vì tôi đã không thể thắng". Theo dòng tâm sự, HLV Park Hang-seo bày tỏ sâu hơn: "Với tôi, đây là trận đấu cuối cùng trên cương vị HLV trưởng ĐT Việt Nam trên sân Mỹ Đình. Tôi rất muốn thắng để làm quà tặng người hâm mộ nhưng đã không làm được. Tôi xin lỗi! Tôi cảm thấy rất tiếc khi trận đầu tiên tôi dẫn dắt ĐT Việt Nam hòa Afghanistan trên sân Mỹ Đình và trận cuối cùng cũng hòa (cười). Nhưng điều quan trọng nhất, tôi cũng cảm ơn các cầu thủ, họ đã nỗ lực tới những phút cuối cùng để có bàn gỡ hòa 2-2. Trận lượt về, chúng ta chỉ cần thắng 1-0 thôi là sẽ vô địch".
HLV Park Hang-seo đã đưa bóng đá Việt Nam bước sang một trang mới.
1-0, con số vừa đủ đó cũng mang theo triết lý của HLV Park Hang-seo từ những ngày đầu tới Việt Nam, ông nói: "Tôi muốn xây dựng một hàng phòng ngự chắc chắn, làm nền tảng cho lối chơi. Đơn giản, nếu chúng ta không để thủng lưới thì chỉ cần ghi 1 bàn là thắng rồi. Còn nếu thủ không chắc, thì hàng công ghi 2-3 bàn có khi vẫn không thể thắng".
Trong nhiều lần chia sẻ với báo chí, HLV Park Hang-seo thừa nhận đã học hỏi được rất nhiều từ HLV người Hà Lan Guus Hiddink. Hồi đầu tháng 9/2019, trong quá trình chuẩn bị cho SEA Games 30, U22 Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang-seo đã thi đấu giao hữu và thắng U22 Trung Quốc của HLV Guus Hiddink. Sau trận này, HLV Hiddink đã bị sa thải. Trước thông tin cho rằng sở dĩ HLV Guus Hiddink "mất ghế" là vì trận thua này, HLV Park Hang-seo trả lời: "Tôi chắc không phải như vậy mà nguyên nhân từ chuyện khác mà chúng ta chưa hiểu hết. Với tôi, HLV Guus Hiddink là một "ngọn núi" cao lắm mà có lẽ tôi không bao giờ vươn tới được đâu. Các bạn đừng viết những thông tin kiểu như trên vì như thế là tôi thất lễ đấy!".
Khiêm tốn và nhận thức rõ sự nổi tiếng cũng chỉ là… phù du, HLV Park Hang-seo từng nói: "Tôi biết rằng tiền tài, danh vọng một ngày nào đó nó cũng sẽ tan biến. Sự mến mộ một ngày nào đó cũng sẽ giảm bớt đi. Đối với tôi tiền bạc không phải là vấn đề. Tiền bạc nếu có, khi sai lầm chúng ta cũng sẽ mất hết. Vì thế tôi luôn luôn chú trọng làm tốt nhất công việc hiện nay của mình. Tiếp theo tôi mong gia đình tôi luôn luôn mạnh khỏe. Tiếp nữa tôi mong muốn những người bạn, các mối quan hệ của tôi luôn được bình an. Tôi muốn luôn có thời gian vui vẻ cùng với họ. Tôi cũng muốn nói thêm, đối với con người, phẩm hạnh rất quan trọng. Tôi muốn các cầu thủ là những người có phẩm hạnh. Để dù trong cuộc sống gia đình hay ở một tổ chức nào đó, nếu cầu thủ có phẩm hạnh, họ sẽ tự vượt qua được cám dỗ. Tôi cho rằng việc đào tạo nhân phẩm cho cầu thủ rất quan trọng".
Với quan điểm đề cao phẩm hạnh, HLV Park Hang-seo có thời điểm cũng "nhắc nhở" người hâm mộ Việt Nam đừng quá tham lam. Sau trận thắng Trung Quốc 3-1 ở vòng loại cuối World Cup 2022, đúng vào ngày mùng 1 Tết Nhâm Dần, ông nói: "Tiếng Hàn có câu, ly rượu đầu tiên không thể no bụng. Chúng ta muốn đi lên và muốn phát triển thì cần quá trình. Có được chiến thắng, chúng tôi đã nỗ lực hết sức nhưng cứ yêu cầu chúng tôi thắng liên tục hết trận này đến trận khác, thì có phải là quá tham lam hay không? Ta nên đánh giá tương lai bằng sự nỗ lực hết mình của cầu thủ chứ không chỉ đánh giá họ bằng chiến thắng và khi không thắng thì quay trở lại phê phán họ".
HLV Park Hang-seo cũng là người đặc biệt chú trọng tới niềm tin khi bày tỏ quan điểm: "Tôi luôn luôn chú trọng chữ tín trong các mối quan hệ. Tôi nghĩ rằng niềm tin và tình cảm tác động rất lớn, quan trọng nhất với con người. Có niềm tin thì mọi việc sẽ tốt đẹp. Có niềm tin chúng ta sẽ không bị sống hình thức bề ngoài với nhau. Khi đó chúng ta mới giao tiếp với nhau chân thực. Dù trong gia đình hay là trong đội bóng thì điều này là quan trọng nhất".
Dưới thời HLV Park Hang-seo, "thế hệ vàng" sinh năm 1995-1997 thuộc lò đào tạo HAGL, Hà Nội, Viettel, PVF, SLNA… đã được phát huy tối đa khả năng trong lối chơi với 3 trung vệ (sơ đồ 3-5-2 có thể chuyển đổi nhanh sang 5-3-2, 5-4-1 khi phòng ngự và 3-4-3 khi tấn công). Sức ảnh hưởng của triết lý ấy đã lan sang cả V.League khi có một số CLB đã và đang sử dụng sơ đồ 3 trung vệ và giành được thành công nhất định như HAGL, Viettel, Topenland Bình Định.
Có thể kể đến những nhân tố đã định danh trên đấu trường khu vực và phần nào đó là đấu trường châu lục như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Minh Vương, Đức Huy (sinh năm 1995) kết hợp với nhóm cầu thủ sinh năm 1996-1997 như Phan Văn Đức, Văn Toàn, Hồng Duy, Duy Mạnh, Đình Trọng, Tiến Linh, Quang Hải, Đức Chinh, Hồ Tấn Tài, Thành Chung… cộng thêm nhân tố trẻ đặc biệt sinh năm 1999 Đoàn Văn Hậu.
Đặc biệt, dưới thời thầy Park, 1 "già" (Đỗ Hùng Dũng sinh năm 1993) và "1 trẻ" Nguyễn Hoàng Đức (sinh năm 1998) đã chứng tỏ được đẳng cấp ở tuyến giữa ĐT Việt Nam.
Khi thế hệ kể trên đang được xem là chủ lực của ĐT Việt Nam, HLV Park Hang-seo đang tiếp tục tìm kiếm thêm những nhân tố trẻ cho ĐT Việt Nam. Năm 2022, chứng kiến nhiều tài năng trẻ lứa U19, U23 được "trình làng" ở các giải đấu như SEA Games, vòng loại World Cup như Bùi Hoàng Việt Anh, Nguyễn Thanh Bình, Khuất Văn Khang, Lương Duy Cương, Nhâm Mạnh Dũng, Nguyễn Thanh Nhân, Phan Tuấn Tài, Phạm Đình Duy.
Sau tất cả, HLV Park Hang-seo không bao giờ nhìn nhận công lao của riêng mình mà luôn khẳng định ông chỉ đóng góp 1 phần nhỏ trong "dòng chảy" bóng đá Việt Nam, cực đại hóa năng lực của các cầu thủ vốn là sản phẩm đào tạo trẻ của các CLB V.League:
"Tôi sẽ nhớ mãi lời khuyên của HLV Guus Hiddink. Ông ấy đã nói rất nhiều với tôi, nhưng tôi ấn tượng nhất với câu nói của ông ấy là: Khi làm HLV của đội tuyển quốc gia, anh đừng cố gắng để đào tạo một cầu thủ nào đó vì thời gian không bao giờ cho phép. Anh chỉ cố gắng tận dụng tối đa tài nguyên mà anh đang có. Kinh nghiệm đó sau này tôi đã ứng dụng rất nhiều trong công việc khi làm HLV ĐT Việt Nam".
Về mục tiêu giành quyền dự VCK World Cup 2030 của bóng đá Việt Nam, HLV Park Hang-seo gợi mở: "Khi muốn làm gì thì cần phải xem lại mục tiêu của chúng ta đã đi vào hệ thống chưa? Từ việc phát hiện, đào tạo cầu thủ trẻ, xem những cầu thủ trẻ ấy đã đầu tư ra sao, điều đó rất quan trọng. Nếu không có hệ thống mà đưa ra tầm nhìn, mục tiêu thì đó chỉ là mơ ước thôi. Chúng ta cần xem lại hệ thống bóng đá trẻ Việt Nam đạt chuẩn chưa? Chúng ta chỉ đạt được mục tiêu khi có hệ thống ổn định. Tôi nghĩ, VFF và các CLB cần ngồi lại đánh giá lại xem hệ thống có đủ sức hướng tới World Cup 2030 hay không?".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.