James Rodriguez – Từ “chàng 007” nói lắp đến kẻ thách thức Premier League - Ảnh 1.

James David Rodriguez Rubio được sinh ra bởi ông Wilson James Rodriguez Bedolla và bà Maria Del Pilar Rubio. Anh được đặt theo tên của James Bond, thần tượng của cha anh, mặc dù tên của James Rodriguez thực sự được phát âm là Ham-ez.

James Rodriguez – Từ “chàng 007” nói lắp đến kẻ thách thức Premier League - Ảnh 2.

Cha ruột của James, Wilson James Rodriguez, là một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp chơi bóng ở Cucuta, một tỉnh miền bắc Colombia gần biên giới với Venezuela, khi con trai ông sinh ra vào ngày 12/7/1991.

James Rodriguez – Từ “chàng 007” nói lắp đến kẻ thách thức Premier League - Ảnh 3.

“Đó là gen di truyền” – “James cha” trả lời khi được hỏi tài năng của James đến từ đâu. Siêu sao Colombia nhớ lại: “Từ thời thơ ấu, điều tôi nhớ nhất là tôi luôn muốn có một quả bóng, tôi luôn nghĩ về việc chơi bóng. Mọi thứ, tất cả luôn luôn xoay quanh bóng đá.”

Phòng khám nơi James sinh ra thậm chí còn trở thành một địa điểm hành hương của những tín đồ bóng đá ở quê nhà Colombia. Flor Sanabria, nhân viên lễ tân của phòng khám cho biết: “Có những người từ rất xa đến đây chỉ để hỏi xem có đúng là anh ấy sinh ra ở đây không?”

Cha mẹ của James chia tay khi anh vẫn còn là một đứa trẻ và anh chuyển đến ở cùng mẹ, Pilar, ở quê nhà Ibague, nơi bà bắt đầu vai trò hướng dẫn anh trong sự nghiệp của mình, ghi danh anh vào CLB bóng đá đầu tiên của mình trước khi James được 5 tuổi.  Bà Pilar thích Real Madrid và Bayern Munich và có lẽ trong những giấc mơ hoang đường nhất, bà cũng không thể nghĩ rằng rồi một ngày “James bé bỏng” của bà sẽ chơi bóng cho cả hai đội bóng lớn này.

James Rodriguez – Từ “chàng 007” nói lắp đến kẻ thách thức Premier League - Ảnh 4.

Khi còn nhỏ, James mắc chứng nói lắp rất nặng và thường xuyên phải đến gặp bác sĩ trị liệu ngôn ngữ để giải quyết vấn đề này. Chứng bệnh ấy vẫn còn ảnh hưởng đén tận thời điểm này khi chúng ta có thể phát hiện ra sự ngại ngùng nhất định khi James trả lời phỏng vấn trước báo giới.

Trong thời gian thi đấu Banfield, James đã tự rèn luyện bằng cách đọc to các cuốn sách để chữa tật nói lắp, và điều đó đã giúp anh trở nên tự tin hơn rất nhiều.

Nhật báo Expreso của Ecuador từng đưa tin về James : “Anh ấy có tài năng kiểm soát trái bóng dễ dàng, nhưng ít ai biết rằng ngôi sao này thời thơ ấu đã gặp phải vấn đề về lời nói. James Rodriguez đã chiến thắng trong việc khắc phục chứng nói lắp của mình – điều mà trong nhiều trường hợp đã tạo ra sự khó khăn khi trả lời phỏng vấn, ngay cả khi anh là một ngôi sao bóng đá chuyên nghiệp.”

Một chi tiết thú vị nữa về thời thơ ấu của James: nguồn cảm hứng lớn nhát của anh là Tsubasa Ozora, một nhân vật trong phim hoạt hình Nhật Bản ‘Captain Tsubasa’, nói về một cậu bé mơ ước vô địch World Cup cùng ĐT Nhật Bản. Đó là chương trình yêu thích của James theo lời cha dượng của anh. Dượng Mario nhớ lại James khát khao muốn trở thành một ngôi sao bóng đá như thế nào: “Con muốn giống như Tsubasa Ozora”, và anh đã trở thành một sao World Cup thực sự!

James Rodriguez – Từ “chàng 007” nói lắp đến kẻ thách thức Premier League - Ảnh 5.

Hàng năm ở Colombia, giải vô địch Pony Futbol thu hút sự chú ý lớn với các trận đấu được truyền hình phát sóng.  Các tuyển trạch viên luôn đổ xô đến đây để tìm ra lứa tài năng mới, nó được nhiều người coi là một trong những nơi sản sinh tài năng tốt nhất của bóng đá Colombia. Ví dụ như Radamel Falcao, người đã tỏa sáng từ giải đấu này  này vào năm 1998.

Trong giải đấu Pony Futbol ở Medellin vào tháng 1 năm 2004, James lập hat-trick trên đường vào chung kết, nơi anh ghi được một bàn trực tiếp từ một quả phạt góc. Với 9 bàn thắng, anh được vinh danh là MVP của giải đấu khi mới 13 tuổi. Chức vô địch Pony Futbol năm 2004 là dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp của Rodriguez.

Chính mẹ James, bà Pilar đã từ chối lời đề nghị từ các đội bóng lớn của Colombia như Atletico Nacional và Independiente Medellin, đồng thời thúc giục con trai gia nhập Envigado, được biết đến với biệt danh “đội bóng da cam” nhờ màu áo của họ. Đó là nơi James ra mắt chuyên nghiệp vào năm 2006, nhưng danh tiếng về một cầu thủ có tài năng đặc biệt đã được biết đến từ khi còn là một thành viên đội trẻ của Academia Tolimense ở Ibague.

Bên cạnh tài năng tuyệt vời, sự chăm chỉ và HLV đầu tiên Omar Suarez, James còn nợ Gustavo Adolfo Upegui Lopez, một doanh nhân người Colombia và là cộng sự của trùm buôn ma túy khét tiếng Pablo Escobar, một lời cảm ơn.

Trùm ma túy, người đã bị bỏ tù 21 lần vì dính líu đến nhiều vụ bắt cóc khác nhau vào những năm 1990, rất ấn tượng với màn trình diễn của Rodriguez trong các giải đấ dành cho thanh thiếu niên và nhanh chóng đưa ra lời đề nghị cho Academia Tolimense – học viện cũ của Rodriguez.

Gustavo Adolfo Upegui Lopez, chính là chủ tịch khi đó của CLB bóng đá Envigado, cũng là người đã giúp James Rodríguez có trận ra mắt chuyên nghiệp đầu tiên khi mới 16 tuổi.

Mặc dù Rodríguez chỉ trải qua một mùa giải (2007-08) tại Envigado, cầu thủ trẻ này đã tận dụng cơ hội tuyệt vời để tạo ra một bước đệm hoàn hảo cho bản thân, từ đó anh sẽ vươn lên không ngừng.

Sinh ra trong thời kỳ hoàng kim của bóng đá Colombia với những tên tuổi như Faustino Asprilla và Freddy Rincon, James chỉ dành sự quan tâm đến Carlos Valderrama, người có những lọn tóc quăn dài có thể nhận ra ngay lập tức đối với cầu thủ trẻ một ngày nào đó sẽ kế thừa anh đeo áo số 10 ở đội tuyển quốc gia.

James Rodriguez – Từ “chàng 007” nói lắp đến kẻ thách thức Premier League - Ảnh 6.

“Vào thời điểm đó, ông ấy là một cầu thủ hàng đầu và tôi đã rất ngưỡng mộ ông ấy. Tôi đã gặp ông ấy một lần và ông ấy là một người tuyệt vời, một người đã mang đến cho đất nước rất nhiều niềm vui”, James nói với FIFA.com. “Ông ấy là một cầu thủ bóng đá rất thông minh, người có thể tạo ra mọi thứ từ con số không. Vì vậy khi chúng tôi còn nhỏ, Valderrama là số 10 mà tất cả chúng tôi muốn chơi cùng.”

Những đóng góp của anh ấy trong việc giúp Envigado trở lại giải đấu cao nhất Colombia đã giúp đưa danh tiếng của James vượt ra ngoài biên giới của quê hương. Đội bóng của Buenos Aires, Banfield đã thuyết phục chàng cầu thủ trẻ rời khỏi gia đình của mình, đưa anh ta đến thủ đô của Argentina, nơi James trở thành một ngôi sao ngay lập tức.

Sau khi ra mắt ở tuổi 17 vào tháng 2/2009, James đã giúp Banfield vô địch Apertura, và chơi nổi bật trong chiến dịch Copa Libertadores sau đó với 5 bàn thắng. Năm 2009, James trở thành cầu thủ ghi bàn trẻ nhất ở giải VĐQG Argentina và là người nước ngoài trẻ nhất vô địch giải đấu một năm sau đó.

James Rodriguez – Từ “chàng 007” nói lắp đến kẻ thách thức Premier League - Ảnh 7.

Mặc dù cuối cùng mọi chuyện trên sân cỏ diễn ra suôn sẻ, nhưng James cũng gặp khó khăn vì nhớ nhà. “Hồi đó, tôi không có nhiều tiền nên khi tôi gọi cho bố mẹ để nói chuyện với họ, tôi chỉ có một phút”, James kể lại, “Tôi đang nói chuyện với họ thì điện thoại bị ngắt vì hết tiền. Tôi rất buồn vì chuyện này!”

James Rodriguez – Từ “chàng 007” nói lắp đến kẻ thách thức Premier League - Ảnh 8.

Nhưng nỗi nhớ nhà không thể ngăn cản những bước tiến thần tốc của James Rodriguez. Bộ phận tuyển dụng rất năng động và khôn ngoan của Porto đưa James vào radar của họ và cuối cùng, đưa anh ấy qua Đại Tây Dương vào tháng 7/2010.

James Rodriguez – Từ “chàng 007” nói lắp đến kẻ thách thức Premier League - Ảnh 9.

Trong mùa giải đầu tiên của mình ở Bồ Đào Nha, James ghi được 6 bàn thắng và cung cấp 8 đường kiến tạo chỉ trong 24 lần ra sân, góp phần quan trọng vào chiến thắng tại Europa League của đội. Mùa giải 2011-12, Rodriguez đã ghi 14 bàn cho Porto và có 11 pha kiến tạo, qua đó giành được Giải thưởng LPFP cho “Cầu thủ đột phá” của năm.

Sau đó, anh cũng được trao “Quả bóng vàng Bồ Đào Nha” năm 2012, giải thưởng cho cầu thủ xuất sắc nhất Primera Liga. Anh trở thành người Colombia thứ hai sau Radamel Falcao giành được giải thưởng này. James cũng trở thành cầu thủ trẻ nhất từng có được vinh dự này.

James là đội trưởng của đội U20 Colombia tại FIFA World Cup được tổ chức trên sân nhà năm 2011. Màn trình diễn năm sao của anh tại giải đấu này đã thuyết phục HLV ĐTQG khi đó là Jose Pekerman đưa anh vào đội hình. Trận ra mắt của James điễn ra trong bầu không khí thiếu oxy ở thủ đô La Paz của Bolivia, nhưng anh đã thi đấu rất xuất sắc, kiến tạo bàn thắng muộn cho Radamel Falcao. Đó là ngày 11/10/2011.

Khi James Rodriguez được Porto gọi là “Cristiano Ronaldo tiếp theo”, anh đã lọt vào tầm ngắm của Sir Alex Ferguson vào năm 2012.

Sir Alex, như mọi khi, đã phát hiện đúng tài năng mới chớm nở và nhắm đến ngôi sao Colombia trong kỳ chuyển nhượng mùa đông 2012 như một sự thay thế cho Nani và Anderson.

Porto, nhận ra rằng họ đang sở hữu một viên kim cương, đã tăng điều khoản giải phóng của anh ấy lên 35 triệu bảng từ 24 triệu bảng bằng cách ký hợp đồng 5 năm mới với anh ấy. M.U rút lui khi cho rằng đội bóng Bồ Đào Nha đã yêu cầu quá đáng cho một cầu thủ mới 21 tuổi.

Đội bóng của Pháp, AS Monaco đã thực hiện điều khoản giải phóng Rodriguez vào tháng 5/2013. Một năm trước khi diễn ra World Cup 2014 ở Brazil, James chuyển đến Monaco cùng với đồng đội ở Porto là Joao Moutinho. Vụ chuyển nhượng kỷ lục này giúp anh trở thành vụ chuyển nhượng đắt giá thứ hai trong lịch sử Bồ Đào Nha và nó cũng khiến anh trở thành một trong những cầu thủ đắt giá nhất lịch sử Ligue 1.

Cầu thủ người Colombia hòa nhập nhanh chóng với cuộc sống ở công quốc, và mặc dù đồng hương Falcao bị chấn thương đầu gối nghiêm trọng giữa chiến dịch, canh bạc được đặt vào James đã được đền đáp xứng đáng.

“James là một cầu thủ tuyệt vời,” HLV của Monaco bấy giờ là Claudio Ranieri nói. “Chắc chắn sẽ có điều gì đó xảy ra khi anh ấy có bóng.” Mùa giải đầu tiên của  James tại Stade Louis II kết thúc với 9 bàn thắng và 12 pha kiến tạo, thành tích cao nhất Ligue 1, nhiều hơn cả Zlatan Ibrahimovic của PSG và Monaco kết thúc mùa ở vị trí á quân Ligue 1.

James Rodriguez chính thức trở thành siêu sao bóng đá tầm cỡ thế giới tại World Cup 2014, và dấu ấn đáng nhớ nhất là pha làm bàn kinh điển trong trận đấu ở vòng 1/8 giữa Colombia và Uruguay.

James Rodriguez – Từ “chàng 007” nói lắp đến kẻ thách thức Premier League - Ảnh 10.

“Bóng đá cần những cầu thủ có đặc điểm của anh ấy để tạo ra bàn thắng này”, HLV Oscar Tabarez của Uruguay nói sau khi chứng kiến James ghi một cú vô lê khó tin và một bàn thắng khác vào lưới Uruguay trong chiến thắng 2-0 của Colombia ở sân  Maracana. “Vào lúc này, anh ấy là cầu thủ xuất sắc nhất tại World Cup lần này.” Tabarez không phải là người duy nhất bị James ấn tượng ở Brazil khi anh ấy thi đấu nổi bật một cách ngoạn mục.

“Tôi nghĩ rằng tôi đã có cầu thủ yêu thích của mình ở World Cup!” , Siêu sao NBA LeBron James của Cleveland Cavaliers, nói thêm. “Rõ ràng là tên của anh ấy giúp điều đó” (cười). James cũng là một người hâm mộ bóng rổ lớn và cầu thủ yêu thích của anh ấy, không ngạc nhiên, chính là LeBron James

James là vua phá lưới của World Cup 2014 với 6 bàn thắng nhưng anh đã bị bỏ qua một cách đáng ngạc nhiên khi FIFA chọn Lionel Messi của Argentina là cầu thủ xuất sắc nhất World Cup. Bù lại, James nhận được giải FIFA Puskas năm 2014 cho bàn thắng vào lưới Uruguay.

James Rodriguez – Từ “chàng 007” nói lắp đến kẻ thách thức Premier League - Ảnh 11.

Màn trình diễn chói sáng tại World Cup cũng giúp cho James Rodriguez có được thương vụ chuyển nhượng trong mơ đến Real Madrid. Gã khổng lồ Tây Ban Nha đã trả tới 71 triệu bảng cho cầu thủ thuận có cái chân trái ma thuật.

James Rodriguez – Từ “chàng 007” nói lắp đến kẻ thách thức Premier League - Ảnh 12.

Mùa giải 2014/15, James có được 17 bàn thắng cùng 17 pha kiến tạo trên mọi đấu trường, tuy nhiên Los Blancos lại trắng tay ở cả La Liga lẫn Champions League.

Ancelotti phải ra đi vì những thất bại đó. Rồi những chấn thương dai dẳng bắt đầu xuất hiện khiến James dần dần đánh mất phong độ. Cùng với vấn đề cá nhân, những người kế nhiệm Carletto như Rafa Benitez rồi Zidane không thích lối chơi của ngôi sao người Colombia. Vai trò của James trong hàng ngũ “Kền kền trắng” ngày càng mờ nhạt.

James đã cố cứu vãn sự nghiệp bằng cách tái ngộ Ancelotti tại Bayern mùa hè 2017. Nhưng rồi như một định mệnh, tháng 10/2017, chiến lược gia người Italia lại bị đội bóng Đức sa thải. James lại trở nên lạc lõng ở Bayern, nhưng trở lại với Real Madrid anh cũng không còn chỗ đứng. Từ một ngôi sao lớn, James hoàn toàn mất phương hướng trong sự nghiệp của mình

James Rodriguez – Từ “chàng 007” nói lắp đến kẻ thách thức Premier League - Ảnh 13.

James tái hợp với Carlo Ancelotti ở Merseyside mùa hè năm nay. Cơ hội để làm việc với Carletto một lần nữa là yếu tố quan trọng dẫn đến vụ chuyển nhượng. Cả hai đã cùng nhau vô địch Champions League tại Bernabeu và Bundesliga tại nước Đức, nhưng liệu trong lần thứ ba tại Everton, liệu bộ đôi này có thể kết thúc 25 năm chờ đợi của The Toffees để có được một danh hiệu?

Trả lời phỏng vấn Rio Ferdinand trên “The Locker Room”, James Rodriguez nói về Ancelotti:  “Tôi đang được làm việc với một HLV hàng đầu, ông ấy rất khôn ngoan, hiểu biết rất nhiều, biết cách quản lý đội bóng, vì vậy tôi thực sự tin tưởng ông ấy.”

Sự tôn trọng lớn giữa hai người được xây dựng từ khi James Rodriguez đã ghi 17 bàn và ghi 17 pha kiến tạo trong mùa giải đầu tiên họ làm việc cùng nhau. Các CĐV Everton hẳn sẽ rất phấn khích trước viễn cảnh tươi sáng của một cuộc hội ngộ như vậy.

Màn trình diễn đỉnh cao của James Rodriguez trong màu áo Everton.

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem