img img
 

Giới làm bánh TP.HCM nói với nhau rằng chưa bao giờ thấy ông Lực tham gia vào "các cuộc chơi của đại gia”. Hầu hết thời gian ông dành cho xuống xưởng hướng dẫn thợ, vào phòng mày mò nghiên cứu, hoặc chạy tìm địa điểm phát triển cửa hàng.

Giản dị trong bộ đồ đầu bếp và mũ trùm đầu quen thuộc, mồ hôi lấm tấm trên trán, mở đầu cuộc trò chuyện với Dân Việt, ông Lực nói mình vừa nhận Huân chương Lao động hạng 2 vào buổi sáng, trưa lại chạy về xưởng bánh để điều hành công việc.

Những huân huy chương, giải thưởng bây giờ vẫn khiến ông vui, trân trọng nhưng không quá quan trọng, bởi với ông, những đóng góp được cộng đồng ghi nhận ý nghĩa hơn hết thảy. Điều này thể hiện ngay ở việc sắp xếp những giải thưởng, cúp, bằng khen… ở một dãy tủ kính rất dài ngoài sảnh. Trong phòng làm việc của ông, chủ yếu là giấy tờ, bánh ngọt và trên tường treo ảnh của các thành viên trong gia đình.

Trong cuộc trò chuyện, không dưới 3 lần ông nhắc tới các con của mình với một niềm yêu thương, tự hào và cả hàm ơn. Bởi, theo ông chính các con là nguồn động lực vô giá giúp ông gồng gánh gia đình, xây dựng lại cơ nghiệp từ con số 0 sau những biến cố cuộc đời.

Ở ông toát ra một phong thái đĩnh đạc, bình tĩnh, những phẩm chất chỉ có ở những người đã trải qua không ít dông gió cuộc đời.

Thương hiệu Đức Phát một thời dường như thống lĩnh làng bánh Sài thành. Còn ông chủ Kao Siêu Lực xứng đáng được "phong vương” khi sáng chế ra hơn 400 loại bánh. Đã có lúc thất thế, tưởng chừng trắng tay nhưng rồi “Vua bánh mì” từng bước trở lại vinh quang bằng niềm khát khao yêu nghề và sự khác biệt.

img img
img img

Tháng 2/2020, ông Kao Siêu Lực sáng tạo ra loại bánh mì làm từ thanh long giữa lúc loại quả này lao đao vì dịch Covid-19. Gần như ngay lập tức, loại bánh mì đặc biệt này trở thành sản phẩm “hot” nhất trên các diễn đàn mạng cũng như nhận được sự quan tâm rất lớn của người tiêu dùng.

img img

Ông có thể kể ý tưởng sản xuất bánh mì thanh long đã xuất hiện như thế nào?

- Phải nói tôi rất bất ngờ với sản phẩm bánh mì thanh long. Một lần tình cờ đi Vĩnh Long thăm một số nông dân, tôi được biết thời điểm đó thanh long bị kẹt tới 300 container ở cửa khẩu vì dịch Covid-19. Sao tôi thấy nông dân mình khổ quá. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ là mua về cho công nhân ăn thôi. Nhưng giúp mua 1-2 tấn cũng không giải quyết được vấn đề.

Trên xe về lại thành phố, những ánh mắt của bà con cứ ám ảnh, thôi thúc tôi làm một điều gì đó, ý tưởng làm bánh mì thanh long chợt loé lên. Về tới TP.HCM, tôi triệu tập gia đình, cộng sự, nêu ý định giải cứu thanh long của mình, mọi người đều ủng hộ nhiệt liệt. Lập tức tôi chuẩn bị thiết bị, máy móc, nguyên liệu để bắt tay làm.

img

Mới đầu chúng tôi làm ra chiếc bánh rất đẹp, ai cũng nghĩ là thành công nhưng khi kiểm tra phản ứng của thanh long trong bánh lại bất thường nên kết quả thất bại. Tôi họp lại với anh em, tìm cách thay đổi lại công thức. Bản thân tôi đi chấm thi cũng phải xem bánh đẹp không, hương vị như thế nào, tổ chức bánh như thế nào… cái gì khắc phục được tôi phải khắc phục.

Làm đến lần thứ ba thì bánh cho thành phẩm đẹp mắt, có hương thơm trái cây bên cạnh mùi lên men đặc trưng, vị ngon, kết cấu bánh mềm, xốp, có độ dai vừa phải… Lúc đó tất cả chúng tôi xúc động ôm lấy nhau vì mừng.

Thực sự khi làm ra sản phẩm này tôi chưa nghĩ đến việc bán như thế nào. Tôi gửi mẻ đầu tiên vào cơ sở ABC Nguyễn Trãi. Chúng tôi hoàn toàn không ngờ bà con ủng hộ rất nhiều, mọi người xếp hàng chờ mua. Ngày đầu tiên tôi nhớ chỉ sử dụng 2-3 chục ký thanh long thôi, mà 2 ngày sau đã lên tới 2-3 trăm ký mỗi ngày, số lượng gấp 10 vẫn được bà con ủng hộ.

Đó là giai đoạn thanh long bị ùn ứ, không xuất khẩu được. Vậy nay khi giá thanh long tăng trở lại, không cần tiếp tục “giải cứu” thì sao?

- Giá thanh long tăng trở lại, tôi thấy vui mừng cho người nông dân. Bản thân tôi không bao giờ mong giá thấp, dù giá cao tôi sẽ vẫn làm. Từ trước tới nay, những sản phẩm do tôi làm ra vẫn có giá cả ổn định. Với thanh long, tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, tạo ra một số sản phẩm khác đa dạng hơn…

Tôi nghĩ về phần giá cả tôi hoàn toàn khống chế được. Hiện tại những sản phẩm đã ra lò, giá vẫn giữ nguyên như cũ. Nông dân có thanh long có thể liên hệ với tôi. Công ty hiện có một giàn máy đóng gói tự động, nguyên liệu có thể đóng gói và chứa trong kho đông lạnh một thời gian khá dài.

Nông sản của Việt Nam rất phong phú, dồi dào. Ngoài thanh long, ông có ý định tạo ra các sản phẩm khác từ trái cây Việt Nam không?

- Bánh mì thanh long là một bất ngờ trong sự nghiệp của tôi. Với sự đón nhận nồng hậu của người tiêu dùng, tôi thấy mình có cơ hội và đông lực để làm thêm một số loại bánh với những nguyên liệu khác, ví dụ như sầu riêng, chuối, khoai môn, bơ… Chúng tôi mong muốn kết nối nhiều hơn với nông dân, làm ra nhiều sản phẩm từ nông sản Việt Nam phong phú, đa dạng, có nhiều bất ngờ, đột phá hơn.

Mấy ngày qua tôi có chia sẻ với bạn bè quốc tế về bánh mì thanh long, họ cũng đánh giá rất cao. Tôi muốn không chỉ có ABC mà đi tới nơi nào cũng có bánh mì thanh long. Bánh mì thanh long trở thành một hương vị, một nét văn hoá Việt đặc sắc.

Những ngày thanh long xuống giá còn 5.000 - 6.000 đồng/kg, tôi thấy rất buồn cho nông dân. Tôi chỉ mong giá cả ổn định cho nông dân thoải mái trồng trọt. Tôi nghĩ đừng để người Việt Nam suốt ngày hâm mộ trái cây nước ngoài, hãy làm thế nào để nước ngoài hâm mộ ngược lại trái cây của Việt Nam.

img img

Đến tận hôm nay, trong những cuộc trò chuyện, khi đề cập đến điều gì quá bức xúc, ông Lực thỉnh thoảng lại bật lên câu “làm gì mà như Pol Pot thế !”. Pol Pot, Campuchia, những ký ức đau buồn và dai dẳng bám theo Kao Siêu Lực.

Campuchia chính là quê hương của ông chủ doanh nghiệp Á Châu. Ở đó, ông từng sống trong một gia đình khá giả tại thủ đô Phnom Penh, có cha là một thương gia gốc Hoa khá nổi tiếng.

Năm 1975, Campuchia xảy ra biến động, nhiều người từ Campuchia đã tìm đường đến Việt Nam. Gia đình Kao Siêu Lực cũng muốn đến Việt Nam nhưng không biết cách nên phải chạy trốn về nông thôn. Cũng trong năm đó, cha của ông qua đời vì cuộc sống quá thiếu thốn.

Cuộc sống với sự kềm kẹp của chính quyền diệt chủng Pol Pot không khác gì địa ngục. Mỗi ngày đi làm, gia đình ông cũng như hàng ngàn người khác đều nhìn vào những lỗ huyệt đào sẵn, như chờ đợi đến lượt mình…

img img

Ký ức của ông về những ngày tháng đau khổ đó?

- Hồi nhỏ, tôi sinh ra trong một gia đình giàu có, tôi và các anh em là thiếu gia. Tuy vậy, tôi là một thiếu gia không sung sướng gì đâu. Đúng ra thiếu gia thì khỏi làm việc, nhưng do gia đình rèn dũa nên cái gì tôi cũng biết làm.

Từ nhỏ, bản thân tôi rất đam mê nghiên cứu. Tôi tự mày mò làm một số trò chơi. Ví dụ, muốn chơi súng phải tự cưa từ gỗ; muốn làm tàu thì đục lon sữa bò, bỏ vào đó chiếc đèn cày để tàu chạy tu tu… Lúc đó tôi mới có 9, 10 tuổi.

Lớn lên một chút, chiến tranh nổ ra, tôi nhớ ba nói: “Gia đình mình có tiền thiệt nhưng trường học đóng cửa hết rồi, con đi học một cái nghề để sau này có nghề mưu sinh”. Tôi xin ba cho học cơ khí, ba liền dẫn tôi đến gửi gắm cho một người thợ.

Thầy giỏi và rất nghiêm khắc, học trò tụi tôi làm sai là thầy lấy mỏ lết cốc đầu liền. Học ở nhà thầy được 2 tháng, tôi làm ra được 5 sản phẩm đưa cho thầy coi. Thầy coi xong nói: “Con làm đẹp đó” rồi đặt xuống, trước khi quay đi thầy còn bảo tôi: “Ăn cháo đi”.

Lúc đó tôi mới 15 tuổi, không hiểu gì. Tôi về hỏi ba, ba tôi nói: “Ý thầy là con làm chậm quá, không đủ tiền mua cơm thì ăn cháo đi”. Thú thực lúc đầu tôi hơi giận, nhưng sau đó tôi phải cảm ơn thầy vì nhờ vậy tôi đã làm tốc độ hơn. 2 tháng sau tôi làm được tới cả trăm sản phẩm.

Năm 1975, quân Khmer Đỏ tràn vào thành phố, bắt đầu một chế độ khủng bố kéo dài 4 năm.

Cả gia đình tôi được chuyển đến một trang trại tập thể với hơn 130 gia đình khác trong một ngôi làng xa thành phố. Từ thiếu gia, tôi trở thành nông dân đúng nghĩa. Tôi phải đi nhổ cỏ, cắt lúa… Nhiều người thắc mắc tôi là thiếu gia từ thành phố xuống liệu có làm được không?

Tôi nói người ta làm được tại sao tôi không làm được? Người ta có 2 con mắt tôi cũng có 2 con mắt, chừng nào anh có 3 con mắt tôi sợ anh. Cuối cùng, tôi cấy lúa xếp hạng 2 trong hàng nghìn thanh niên ở đó. Dù vậy, tôi cũng không được yên ổn, không bao lâu sau được biết tôi có tên trong “danh sách đen” phải tiêu diệt.

Khi lỗ chôn đào xong, tôi qua tận nơi để xem. Bạn biết không, cảm giác rờn rợn khi nhìn vào cái hố sắp sửa chôn mình rất khó để quên được. Lúc đó, tôi nghĩ trong đầu: “À, thì ra đây là chỗ của mình, nay tôi đứng đây nhưng ai biết ngày mai tôi ở đâu”. Trong đầu tôi lúc nào cũng thường trực ý nghĩ mình sẽ chết.

May mắn thay, mùa xuân năm 1979, Campuchia được bộ đội tình nguyện Việt Nam giải phóng khỏi nạn diệt chủng. Tôi cùng gia đình theo đoàn người bỏ trốn. Đó là quãng đường dài hơn 200km, đi bộ suốt một tháng trời, với một chiếc nồi và một ít gạo, trải qua các trại tị nạn ở Tiền Giang, Bến Tre, Sông Bé (nay là tỉnh Bình Phước và tỉnh Bình Dương)… rồi đến TP.HCM.

img img
img img

Và hành trình lập nghiệp của ông bắt đầu từ đó?

- Sau khi đào thoát khỏi tử thần, chạy từ Campuchia về Việt Nam, tôi chật vật làm đủ nghề, miễn sao được sống. Khi ấy, tôi có “3 không”, đó là: Không bà con, bạn bè thân thích ở Việt Nam; Hai là không tiền bạc, tài sản ở Việt Nam. Đến cái quần mặc còn lủng hai cái lỗ gió tràn vào, nói gì tài sản; Ba là không biết nói tiếng Việt.

Khó khăn lắm, tôi mới kiếm được một công việc cu-li. Nhưng vì người ta nói mà tôi không hiểu, chủ sai tôi làm mà còn cực hơn họ tự làm nên đã cho tôi nghỉ việc ngay trong ngày đầu tiên đi làm. Ngày thứ 2, tôi làm phu kéo xe đẩy ở Bến xe miền Tây. Cũng vì không biết tiếng, muốn xin thêm tiền công cũng không biết nói sao, đành phải ngửa tay ra xin mà người ta cũng không cho.

Tôi nghĩ: Tại sao mình phải tới mức này? Ở Campuchia, tôi cũng là thiếu gia chớ bộ. Sao ở đây, lại khổ vậy? Lúc đó, tôi cũng hoang mang, không biết có nên tiếp tục ở đây hay quay về?

Khi sang Việt Nam, tôi cũng không hi vọng làm ông này hay bà nọ, chỉ hi vọng được sống sót, một ngày ăn hai bữa cơm thôi. Chẳng cần biết ngày mai, tương lai ra sao. Có trải qua những khoảnh khắc cận kề cái chết, mới hiểu, khát khao được sống mạnh mẽ như thế nào. Tôi đã sống ở Việt Nam bằng ý chí đó.

img img
img img

Đó là một hành trình thật khó khăn không chỉ với ông mà với bất kỳ ai, tôi thực sự rất khâm phục. Sau hành trình đầy gian nan ấy, tại sao ông lại chọn khởi nghiệp với bánh mì?

- Có khả năng vì tôi thích ăn (cười lớn). Hành trình đến với nghiệp bánh là cái duyên, không thể lường định.

Ngày đó, từ đẩy xe, có vốn rồi tôi chuyển qua buôn bán gạo. Không có tiền mua cân, tôi lấy lon sữa bò để đong. Tôi biết gạo nào ngon và lúc nào cũng đong rất đủ nên dần có được niềm tin của khách hàng.

Lúc đó nhà nhà buôn bột mì, người ta lấy bột mì đổi gạo. Thu bột mì nhiều quá không biết làm gì, tôi kiếm những người làm bánh ngọt, bánh tiêu, mỳ sợi…

img

Một lần tình cờ giao bột mì cho bên làm bánh gato, tôi thấy người đó rất thông minh khi biến xe đạp thành máy đánh trứng. Tôi nghĩ, mình có thể làm được một cái máy đánh trứng như vậy. Có chút kiến thức từ lúc học nghề cơ khí ở Campuchia, tôi cũng thử chế tạo chiếc máy tương tự, đập thùng phuy tự thiết kế lò nướng bán. Cái gì cũng tự mày mò làm hết.

Tôi nghiên cứu một số bánh, nhưng thử đi thử lại mà không được. Cứ không đạt chỗ nào ngày hôm sau tôi sẽ thay đổi. Nhiều lần như vậy, tới ngày thứ 7 thì làm ra 24 cái bánh thành công đầu tiên. Tôi cho bánh vào thùng, đi rao khắp nơi, khoảng 3 tiếng sau thì bán hết.

Hết sức vui mừng, 2 ngày sau tôi tiếp tục làm bánh, mỗi ngày 24 cái đều bán hết, chưa ra lò người ta đã sắp hàng mua, giống bánh mì thanh long bây giờ, làm mất ăn mất ngủ mà làm hoài không đủ bánh.

Mà kỳ ở chỗ, tôi làm bánh không ra cũng bị bà xã la, mà tôi làm ra bán không đủ cũng bị la. Tôi thấy số tôi cũng đen, bị bà xã la miết.

Sau tôi mở thêm cơ sở thứ 2 tại Nguyễn Trãi, rồi cái thứ 3, thứ 4… Có thành công, có thất bại, nhưng việc nghiên cứu ra một chiếc bánh khiến tôi thấy hạnh phúc, cho tôi trúng số tôi cũng không thích bằng.

Từ chỗ đi giao bột mì thành ông chủ lò bánh mì, ông làm gì để chinh phục thị trường?

- Marketing có 2 loại, một loại là mình làm ra sản phẩm và mang sản phẩm đi chào hàng. Hình thức còn lại khi mình làm ra sản phẩm, khách hàng tìm đến, đó là sự thành công của mình.

Ông không coi trọng việc quảng cáo, nhưng yếu tố then chốt ở đây phải chăng là chất lượng?

- Đúng, là chất lượng. Tại sao người ta qua ABC kiếm mình? Vì chất lượng bánh ngon, phục vụ tốt, giá cả hợp lý, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tôi còn có một team R & D (research & development - nghiên cứu và phát triển) chịu khó nghiên cứu sản phẩm mới. Team này rất mạnh. Sản phẩm của mình phải làm sao lúc nào cũng tiên phong, còn nếu mình chỉ copy theo sau thì không ăn thua. Tôi vừa là chủ, vừa tự nghiên cứu. Với tôi, thất bại là bình thường thôi, bài học mới quan trọng.

img img

Một người thân có nhiều năm làm việc với ông Lực cho biết, ông là người kiếm tiền chính trong gia đình, nhưng vợ ông lại là người quản lý việc chi tiêu. Thật thà đến mức, một ông chủ lớn như ông lại không mở cho mình một tài khoản riêng. Ông không biết mình quá phụ thuộc vào vợ.

Rồi những vết rạn nứt trong quan hệ vợ chồng sau hơn 20 năm gắn bó bắt đầu xuất hiện. Vợ ông bắt đầu siết chặt chi tiêu. Một lần ông Lực đề nghị vợ chi một khoảng tiền cho quỹ từ thiện, bà thẳng thừng từ chối.

Lúc này, ông chỉ còn biết dựa vào xưởng sản xuất mà ngày ngày ông vẫn chọn làm nơi “trú ẩn”, bởi toàn bộ 20 cửa hàng mang thương hiệu Đức Phát đều do vợ nắm giữ. Nhưng lợi nhuận từ xưởng sản xuất chẳng được là bao, nguồn thu chính vẫn là từ hoạt động kinh doanh của 20 cửa hàng nói trên.

Ngày ra tòa ký đơn ly dị, ông chỉ có trong tay 400USD, trong khi thương hiệu Đức Phát lại thuộc về vợ ông, bởi thuở hàn vi ông đã tin yêu lấy tên vợ để đặt tên. Đau đớn, uất ức, đã có lúc ông phải nhập viện vì suy sụp tinh thần. Nhưng 3 đứa con, hơn 1.000 công nhân, bạn bè, đối tác đã níu chân ông lại.

Hai vợ chồng ông thỏa thuận sẽ tự chia tài sản, toà chỉ xử việc phân chia thương hiệu. Ông bà chủ Đức Phát đồng ý chia đôi mỗi người 10 cửa hàng, nhưng thương hiệu Đức Phát thì hơi khó. Vợ ông đề nghị chia thành Đức Phát 1, Đức Phát 2. Nhưng ông Lực quyết định chọn cho mình tên thương hiệu là Đức Phát-Vina Bread.

Tuy nhiên, sự phân chia này không ổn, vì hệ thống nhận diện của 2 thương hiệu có quá nhiều điểm trùng lặp. Nếu một bên kinh doanh không tốt, bên còn lại chắc chắc bị ảnh hưởng do người tiêu dùng dễ bị nhầm lẫn. Cuối cùng, 2 bên thỏa thuận chỉ một người giữ thương hiệu Đức Phát và phía nhận phải trả cho phía mất thương hiệu 1 triệu USD.

Sau khi suy tính, bà chủ Đức Phát đồng ý trả 1 triệu USD và giữ lại thương hiệu. Còn với ông Lực, 1 triệu USD là số vốn kha khá để khởi nghiệp lại. Số tiền này phần lớn được ông đầu tư xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu mới và xây thêm 6 cửa hàng.

Dù không thể quên nỗi đau mất “đứa con” mà ông đã dày công nuôi nấng trong 20 năm trời, nhưng nỗi đau đó đã không biến thành thù hận.

img img
img img

Năm 2005, sau khi đã rất thành công với thương hiệu mì Đức Phát, ông lại làm lại từ đầu với thương hiệu ABC. Nhưng thời điểm đó, nhu cầu, thị hiếu của người dân cũng đã khác so với khi mới khởi nghiệp, ông làm thế nào để đạt được thành công?

- Trong công việc tôi thành công, nhưng tôi không thành công về gia đình. 15 năm trước, tôi rớt nước mắt từ bỏ thương hiệu Đức Phát, y hệt người ta phải bỏ lại đứa con của mình. Tôi trở về con số 0. Nhưng 3 đứa con đều theo cha hết.

Có thể tới 95% trong các cuộc ly dị, con cái sẽ theo mẹ nhưng tôi nằm trong 5% còn lại. Bắt buộc phải chia tay và từ bỏ thương hiệu như đứa con của mình tôi rất đau lòng. Tôi thương, quý thế nào, chăm sóc như thế nào để nó hùng mạnh rồi gần như bắt đầu lại từ đầu với thương hiệu ABC.

img

15 năm trước đây, người ta đâu biết ABC là cái gì, hoàn toàn xa lạ. Thực sự lúc đó tôi muốn bỏ nghề, các con động viên ba đứng lên, nhân viên, học trò cũng nguyện không nhận lương, giúp tôi đứng lên thêm một lần nữa. Lúc này đến cả bột mỳ người cung cấp cũng cắt vì không có tiền trả. Tôi phải cân nhắc lại toàn bộ tài chính của mình.

Lúc đó khách hàng đa số biết tiếng của tôi, thương hiệu không quan trọng mà chỉ biết tới cái tên Kao Siêu Lực. Tôi lấy tấm lòng nhiệt thành làm ra một chiếc bánh ngon cho khách hàng. Bù lại, khách hàng có niềm tin ở tôi. Tôi xác định phải lấy chất lượng làm đầu, có thương hiệu mà không có chất lượng thì cũng thất bại.

Nhiều người nói ông biết cách buông bỏ, ông nghĩ sao về điều này?

- Tôi thấy mình nhường bước hay hơn tranh chấp về tiền bạc. Hai người khó khăn lắm mới có ngày hôm nay, nếu sống không hợp ý thì nên chia tay một cách êm đẹp. Lúc nào tôi cũng tôn trọng phụ nữ, giữa một cặp A và B, cô ấy lấy A thì tôi lấy B, lúc nào cũng cho vợ chọn trước.

Mình nhường lại một chút xíu tôi thấy đó không phải thiệt thòi. Tôi từ Campuchia sang đây khởi nghiệp từ 2 bàn tay trắng. Cho tới hôm nay, dù khó khăn đến đâu cũng chỉ là làm cực hơn một chút. Tôi nghĩ có bản lĩnh thì ở đâu cũng sống được, tranh giành chi?

Không có cái tình cũng phải có cái nghĩa. Thực sự tôi rất cảm ơn cô ấy đã sinh ra 3 đứa con cho tôi, tới giờ này tôi cũng vẫn thường xuyên kêu các con qua thăm má nó. Một người mẹ sinh ra 3 đứa con, lịch sử đó không thể thay đổi.

img img
img img

Với ông, quan niệm thành công là như thế nào?

- Lập nghiệp thì ai cũng muốn nhanh, nhưng theo tôi nhanh thì chưa chắc đã tới mình. Tôi khuyến khích lớp trẻ trước hết đi học hỏi đã. Sau khi ra trường mình cảm thấy bản thân nhạy bén ở khâu nào mình xâm nhập vô cái đó. Chẳng hạn tôi muốn mở tiệm bánh đương nhiên tôi phải tìm một tiệm bánh tốt để theo học, làm công cho người ta, cực khổ cỡ nào cũng chịu 1-2 năm để lấy kinh nghiệm.

Chẳng hạn Minh – con gái thứ 2 của tôi khi ở Singapore cũng đi làm cho người ta 6 tháng. Làm các công việc chân tay, kể cả lau bàn. Người ngoài nói sao gia đình như này mà cho nó làm việc đó? Tôi nói: Không, cho nó làm, cho nó biết lao động như thế nào. Công ty lớn có thể dạy cho con tôi nhiều kinh nghiệm, từ kinh doanh, phục vụ đến lau bàn cũng phải học hỏi thêm.

Dạy con kinh doanh cũng như ngâm thuốc bắc, phải có thời gian thuốc mới tiết ra chất bổ và phát huy công dụng. Quan trọng hơn nữa là phải cho các con tiếp xúc với công nhân, uốn nắn thái độ ứng xử của chúng. Đừng bao giờ để con nghĩ công nhân là người làm thuê, mình là chủ, mà khi đã làm việc chung thì phải xem công nhân như anh chị em một nhà. Điều may mắn của tôi là các con hiểu biết và luôn biết ứng xử tử tế với mọi người xung quanh.

img img
img img

Trong câu chuyện về bánh mì thanh long hay nói rộng hơn là việc người nông dân “đến hẹn lại lên” kêu gọi giải cứu nông sản. Theo đánh giá của ông, nông sản Việt trong thời gian này và sắp tới cần làm gì nâng cao chất lượng, sản lượng?

- Nông sản Việt Nam rất phong phú, ai là người khám phá nó, đó là một câu chuyện. Đa số người ta cần số lượng nhưng tôi lại khuyên nông dân của mình cần chất lượng hơn, đừng làm đại trà quá.

Kể cả ngành bánh cũng vậy thôi, với điều kiện không có kỹ thuật, cạnh tranh không lại mới nên sản xuất đại trà, còn không hãy cố gắng tạo ra sự khác biệt. Khi so với người khác, mình khác biệt cái gì thì cái đó chính là thế mạnh của mình.

Hiện nay đa số nông dân ta mới được phần số lượng thôi, chất lượng chưa đạt nên giá cả lúc nào cũng bị thấp xuống. Nếu mình làm được sản phẩm chất lượng cao, khác biệt thì người ta phải qua kiếm mình, giống như phần marketing tôi đã nói. Mình làm tốt thì đừng sợ sản phẩm không bán được.

Tôi lấy ví dụ một kim tự tháp 5 tầng thì tôi khuyến khích nông dân làm ở tầng 4 rồi lên tầng 3, tầng 2… còn tầng 5 thì nên hạn chế bớt. Tôi đảm bảo nông dân sẽ không cực mấy, làm ít mà chất lượng thì giá trị vẫn hơn. Đó là một bài học tôi muốn chia sẻ.

Một mình ABC sẽ không thể tạo nên một điều gì ý nghĩa lớn cả. Ở đây, không chỉ là câu chuyện thương hiệu của ABC hay một doanh nghiệp nào đó, mà còn là câu chuyện thương hiệu Việt Nam, câu chuyện cộng đồng chung tay giải cứu nông sản Việt trên một chiến lược lâu dài, bền vững và ổn định.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này và chúc cho ABC Bakery sẽ ngày càng phát triển hơn nữa.

img img
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem